Trước khi đi bộ từ dinh thự của mình đến Tsuglagkhang sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ các thành viên của Dự án Nữ tu Tây Tạng đang kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Nhóm bao gồm các nhân viên, thành viên hội đồng quản trị, các nhà tài trợ và gần 20 Sư Cô đã trở thành Nữ Tiến Sĩ (Geshe-mas) vào mùa đông năm ngoái. Ngài nói với họ rằng Giáo lý của Đức Phật đã phát triển mạnh ở Ấn Độ tại những ngôi trường vĩ đại dành cho việc nghiên cứu học tập như Takshashila, Nalanda và Vikramashila. Nó không phải là một truyền thống chỉ dựa trên đức tin, mà là bắt nguồn từ việc sử dụng lý trí và logic và bao gồm những sự hướng dẫn giảng dạy để chuyển hóa tâm thức.
"Tại đây, trong thế kỷ 21 này, tôi đã tìm thấy - sau 30 năm thảo luận với các nhà khoa học hiện đại - rằng truyền thống của Đại học Nalanda mà chúng ta đang giữ gìn ở Tây Tạng, đã khuấy động sự quan tâm của họ. Họ bị thu hút bởi việc sử dụng logic và sự hiểu biết sâu sắc của Nalanda về các hoạt động của tâm thức.
"Với sự trợ duyên của bậc Vua Pháp Trisong Detsen và bậc tinh thông - Liên hoa Sanh, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Ngay từ đầu Ngài đã khuyến khích việc nghiên cứu sâu sắc và hợp lý. Đây là khuôn mẫu mà chư Tăng đã hành theo. Tuy nhiên, kể từ khi Đức Phật đã xuất gia cho Kế Mẫu của mình là Mahaprajapati Gotami và thừa nhận rằng năng lực của chư Ni trong việc nghiên cứu và thực hành cũng tương đương với chư Tăng, tôi cảm thấy thích hợp để cung cấp cho các Sư Cô cơ hội để học hành nghiên cứu một cách bình đẳng.
"Tôi nhớ đến việc viếng thăm khu định cư Bhandara vài năm trước và bởi vì tôi đã rất ấn tượng với buổi tranh luận của học sinh, tôi đã hỏi rằng ai đã dạy cho các cháu. Tôi vui mừng được biết đó là Sư Cô này ở đây, người ta đã nói với tôi rằng cô ấy đã được huấn luyện tại Ni viện Dolma Ling”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng cũng giống như các mức độ khác nhau của bằng cấp học vị Tiến Sĩ (Geshe) được trao cho chư Tăng, Ngài đã gợi ý rằng cũng như khát vọng đạt được một bằng cấp học vị Nữ Tiến Sĩ (Geshe-ma) hoàn hảo, chư Ni có thể nhắm đến một mục tiêu phản ánh nghiên cứu tập trung đặc biệt vào triết học Trung Quán hay Giáo lý Trí tuệ Bát Nhã. Ngài bày tỏ mong muốn khuyến khích chư Ni nghiên cứu mười ba bản văn cổ điển. Ngài cũng đã nói rõ rằng nghiên cứu và tranh luận về những gì bạn học được không phải là truyền thống giới hạn dành cho phái Hoàng Mạo (Gelukpas), mà còn có thể được tìm thấy trong tất cả các trường học của Phật giáo Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lặp lại những gì Ngài thường nói ở những nơi khác rằng phương pháp để bảo đảm sự sống còn của giáo lý Đức Phật là dấn thân vào việc nghiên cứu và thực hành những giáo lý ấy. Ngài cười và nói rằng Ngài là vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên đã khuyến khích những cải tiến trong việc giáo dục của chư Ni.
Ngài nói thêm: "Những gì mà quý vị đã đạt được là điều mà cả dân tộc Tây tạng đều rất tự hào về nó!”
Phần thuyết Pháp trong Chánh điện được bắt đầu cũng giống như ngày hôm qua với phần tụng “Kinh Hạnh Phúc” bằng tiếng Pali và “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Trung. Ngồi bên phải Pháp tòa của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân dịp này là Gosok Rinpoche, Ngawang Sungrab, người gần đây đã được nâng lên vị trí thứ bậc của Jangtse Choejey. Điều này theo sau sự thăng cấp của đương nhiệm gần đây đối với địa vị cao quý của Ganden Tripa. Gosok Rinpoche trước đây đã từng phụng sự như là Viện trưởng của tu viện Sera-mey và Viện trưởng của Hạ Mật Viện.
"Hôm nay, chúng ta cùng nhau tụ hội về đây là vì Giáo Pháp”. Ngài bắt đầu, "nhưng, cũng giống như bất cứ hành động nào khác, điều này có trở nên tích cực hay tiêu cực đều tùy thuộc vào động cơ của chúng ta. Bản Văn mà chúng ta đang nghiên cứu là thuộc về Bồ Tát Đạo, vì vậy nếu ta lắng nghe nó với lý do ích kỷ thì đó không phải là một động lực tốt. Tương tự như vậy, nếu người Thầy được thúc đẩy bởi mong muốn đạt được vật chất hoặc sự nổi tiếng, thì Pháp hội này sẽ trở nên giống như một sự giao dịch kinh doanh.
"Các bạn Trung Quốc đã bao gồm thêm một bài Kệ sau khi tụng xong Bát Nhã Tâm Kinh:
“Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo”
"Các cảm xúc tiêu cực được hình thành dựa trên sự vô minh, những quan niệm sai lầm, điều này có thể được đoạn trừ bằng cách phát triển trí tuệ - sự hiểu biết sâu sắc về bản chất cuối cùng của các pháp hiện tượng. Je Tsongkhapa nói rằng nếu chúng ta muốn thuần hóa tâm thức của người khác, thì trước hết chúng ta cần phải điều phục tâm thức của mình. Chúng ta cần phải hiểu biết về toàn bộ giáo lý của Đức Phật.
"Trong sự thực hành của riêng mình, tôi đã cố gắng trau giồi về phương tiện và trí tuệ. Vì tôi là một con người như tất cả quý vị, nên có lẽ những gì tôi đã tìm thấy có ích cho chính mình thì có thể cũng sẽ có ích cho quý vị.
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyên mọi người và mọi người cần phải làm việc cho chính mình. Khi Ngài dấn thân vào sáu năm khổ hạnh là Ngài đã làm gương cho chúng ta rồi”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh vào việc Đức Phật chuyển Pháp Luân lần đầu tiên như thế nào, Ngài đã dạy rằng đau khổ bắt nguồn từ nguyên nhân, nhưng chúng có thể được đoạn trừ. Trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai tại Rajgir, Ngài đã giải thích chi tiết về bản chất của Diệt Đế trong sự đoạn trừ những cảm xúc tiêu cực. Trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba tại Vaishali, Ngài đã tiết lộ về ánh quang minh chủ quan của tâm thức, đôi khi còn được gọi là Phật Tánh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc chương đầu tiên của “Nhập Trung Quán Luận”, mở đầu với sự tôn kính dành cho Tâm từ bi và khảo sát tỉ mỉ về những phẩm hạnh của Bồ Tát Sơ Địa. Ngài đã hoàn tất chương này kịp giờ dùng cơm trưa. Sự giảng dạy sẽ được tiếp tục vào ngày mai.