Hyderabad, Telangana, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đáp một chuyến bay tương đối ngắn và bất thường từ Vijayawada đến Hyderabad, nơi Ngài được đón tiếp bởi các đại diện của Học viện Cảnh sát Quốc gia Sardar Vallabhbhai Patel. Ngài đi xe đến Học viện và được Giám đốc Học viện - bà Aruna Bahuguna - người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ nổi tiếng đó cung đón Ngài đến Nhà khách Rajasthan Bhavan. Rajasthan Bhavan đứng trên một ngọn đồi với tầm nhìn ra những bãi cỏ xanh Mir Alam Tank tới Hyderabad ở phía xa.
Sau bữa trưa, Đức Ngài được ngồi trên xe gôn điện chạy qua khuôn viên đến Đài tưởng niệm Liệt sĩ, tại đây, trong khi Ban nhạc Cảnh sát mặc đồng phục trắng biểu diễn, Ngài đã đặt một vòng hoa tưởng niệm. Phía sau Khu liên hợp Đào tạo Khóa học Cơ bản, Ngài đã trồng một cây non kỷ niệm chuyến viếng thăm của Ngài. Đến Hội trường Trung tâm, nơi có khoảng 200 khán giả, trong đó có 139 người tập sự IPS và 15 học viên sĩ quan đến từ Bhutan, Maldives và Nepal, đang chờ để lắng nghe Ngài nói chuyện, Ngài an toạ vào chỗ của mình trên khán đài. Một nữ thực tập sinh giới thiệu Ngài và thỉnh Ngài nói chuyện.
Ngài bắt đầu: “Thường thì tôi thích đứng khi nói chuyện trước đám đông, nhưng sau những nỗ lực của ngày hôm qua, tôi cảm thấy hơi mệt. Ngày hôm kia, khi tôi đến Vijayawada, tôi đã nghĩ đến việc viếng thăm Amaravati, một địa điểm Phật giáo ở vùng lân cận của Nagarjunakonda, nhưng trong khi tâm trí tôi háo hức muốn đi, thì cơ thể tôi bảo tôi quá mệt. Vì vậy, quý vị có thể cho phép tôi ngồi xuống nói chuyện với quý vị có được không?"
Câu hỏi đã gợi ý ra một câu trả lời rất rõ ràng, đồng thanh, "Vâng, thưa Ngài."
“Các anh chị em thân mến! đó là cách mà tôi luôn xưng hô với khán giả, bởi vì chúng ta đều là những con người như nhau. Ngày nay, nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là do chúng ta tự tạo ra; vì chúng ta bỏ qua thực tế rằng ở cấp độ cơ bản, tất cả chúng ta đều là như nhau. Cách chúng ta chào đời và con đường chúng ta đi đều giống nhau. Chúng ta giống nhau về thể chất, cảm xúc và tinh thần.
“Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và chúng ta đều có quyền làm như vậy, nếu chúng ta thực sự nhận ra rằng không hề có chỗ cho việc bóc lột, bắt nạt hoặc giết hại người khác. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải nỗ lực để đánh giá cao sự hợp nhất của con người. Tôi rất vui khi được đến đây một lần nữa để viếng thăm Học viện mang tên Sadar Patel - người mà tôi ngưỡng mộ vì tầm nhìn xa và tính cách quyết đoán của ông. Quý vị cũng may mắn được ở đây - một nơi rất dễ chịu khiến tôi nhớ đến một trung tâm nhập thất. Khi nói chuyện với Giám đốc, tôi hỏi trường bắn ở đâu. Cô ấy nói với tôi là nó ở phía bên kia.
“Vào năm 1956, khi lần đầu tiên đến Ấn Độ, tôi nhận thấy chỗ phồng dưới chiếc áo khoác của vệ sĩ của mình và tôi hỏi anh ta đó là gì. Anh ta cho tôi xem khẩu súng của mình và nói rằng “Đây là một công cụ của tội lỗi.” Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần phải rõ ràng rằng một hành động của con người có phải là “tội lỗi” hay không, điều đó phụ thuộc vào động cơ và mục tiêu liên quan. Trong trường hợp của quý vị với tư cách là thành viên của Sở Cảnh sát Ấn Độ, một phần công việc của quý vị là bảo vệ các thể chế của nền dân chủ đông dân nhất này. Tôi nghĩ điều đáng chú ý là trong số các nước láng giềng khác nhau của Ấn Độ, đất nước này rất ổn định và hòa bình. Quý vị có thể mang theo súng, nhưng nó chỉ nhằm mục đích bảo vệ.
“Trong hơn 3000 năm qua, ahimsa (bất bạo động) đã phát triển mạnh mẽ ở đây. Ahimsa có liên quan đến lòng từ bi. Nhưng quý vị chỉ thực sự tham gia vào ahimsa khi quý vị có cơ hội tấn công ai đó một cách thô bạo, nhưng biết tự kiềm chế bản thân. Để cho ahimsa có hiệu quả, thì quý vị cần phải được thúc đẩy bởi karuna - lòng từ bi.”
Đức Ngài đề cập rằng trong số các nền văn minh Ai Cập, Trung Quốc và Thung lũng Indus cổ đại, các cộng đồng ở Thung lũng Indus đã sản sinh ra số lượng lớn các nhà tư tưởng và các trường phái tư tưởng tiên tiến. Ngài nói Ngài tin rằng những gì mà các bậc thầy như Ngài Long Thọ, Thánh Thiên và Nguyệt Xứng đã nói vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Ngài đề cập đến các cuộc thảo luận mà Ngài đã tổ chức trong hơn 30 năm qua với các nhà khoa học, những người mà hiện nay đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến kiến thức Ấn Độ cổ đại.
Ngài giải thích: “Vào thế kỷ thứ 8, bất chấp những mối quan hệ đang hiện có với Trung Quốc, Hoàng đế Tây Tạng đã chọn tìm kiếm các vị thầy Phật giáo ở Ấn Độ. Nalanda là Học viện hàng đầu với hơn 10.000 sinh viên. Học giả hàng đầu của Nalanda - Ngài Tịch Hộ đã được mời đến Tây Tạng. Ngài đã đến và thành lập Phật giáo ở đó, thiết lập khuôn mẫu cho việc nghiên cứu triết học, không chỉ dựa trên cơ sở đức tin, mà dưới ánh sáng của lý trí và logic. Đây là điều độc đáo đối với truyền thống Nalanda, mà người Tây Tạng chúng tôi vẫn giữ gìn nguyên vẹn kể từ thời đó. Ngày nay, các nhà khoa học đang háo hức tìm hiểu về truyền thống Ấn Độ cổ đại đã nói gì về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Trong khi đó, tôi đã kêu gọi những người trẻ tuổi Ấn Độ nên kết hợp nền giáo dục hiện đại với các giá trị và kiến thức sâu sắc về Ấn Độ cổ đại vốn là một phần di sản của họ”.
Trong phần trả lời các câu hỏi của khán giả, Đức Ngài nhắc lại sự cần thiết phải nghiên cứu thay vì chỉ dựa vào việc thực hiện các nghi lễ. Trong thế giới hiện đại, nơi mà việc theo đuổi tiền bạc được coi là quan trọng hơn việc trau dồi các giá trị nội tâm, Ngài đề xuất một phương pháp tiếp cận mới - là cần thiết để đưa đạo đức thế tục hoặc các giá trị phổ quát vào hệ thống giáo dục.
Trực tiếp giải quyết các nhu cầu của các sĩ quan cảnh sát tập sự, Đức Ngài đã khuyên họ phải từ bi, trung thực và chân thành. Ngài nói rằng ở một số quốc gia, người ta rất sợ cảnh sát.
“Ở Ấn Độ - nơi mà cảnh sát có vai trò trong việc bảo vệ nền dân chủ, nếu quý vị trung thực, thì công việc của quý vị sẽ minh bạch. Cấp dưới của quý vị sẽ tin tưởng quý vị. Nếu quý vị nói một điều, nhưng bản thân lại hành động khác đi, thì sẽ không có sự tin tưởng và không có tình bằng hữu. Do đó, điều cần thiết là các sĩ quan cảnh sát phải trung thực, chân thành và minh bạch."
Khi một thiếu nữ trẻ hỏi cách làm thế nào để đối phó với sự căng thẳng của các kỳ thi sắp xảy ra, Đức Ngài khuyên rằng, đôi khi căng thẳng như vậy có thể kích thích quý vị học tập tốt hơn. Ngài nói rằng đó là kinh nghiệm của Ngài một khi Ngài đã quyết định thực hiện các bài kiểm tra cuối cùng của riêng mình.
Đức Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc kết hợp các giá trị nội tâm mà Ngài đã đề cập đến như đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục. Vì bản chất cơ bản của con người là từ bi, nên Ngài nói rằng cần phải sử dụng trí thông minh của chúng ta để mở rộng sự ý thức về một tấm lòng ấm áp chân thành của chúng ta. Ngài tiếp tục, mục đích của giáo dục là xây dựng một xã hội hạnh phúc hơn, vì vậy điều cần thiết ngày nay là một phương pháp tiếp cận toàn diện hơn nhằm thúc đẩy việc thực hành tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài nói rằng nếu chúng ta nhìn về phía trước, lập kế hoạch và nỗ lực để khuyến khích việc thực hành đạo đức thế tục, thì vào cuối thế kỷ này, chúng ta sẽ tạo ra được một thế giới hòa bình hơn.
Ngài kết luận: “Tôi vô cùng cảm kích việc quý vị mời tôi đến đây để chia sẻ suy nghĩ của tôi với quý vị. Và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình rằng kể từ khi tôi đến Ấn Độ vào năm 1959, Cảnh sát Ấn Độ đã rất thận trọng trong việc bảo vệ tôi. Xin cảm ơn quý vị.”
Vị Giám đốc - Bà Aruna Bahuguna - đã dâng tặng lên Đức Ngài một kỷ vật có đóng khung về chuyến viếng thăm của Ngài. Một thực tập sinh người Bhutan đã phát biểu lời cảm tạ, cảm ơn Đức Ngài đã quang lâm đến nói chuyện với các thành viên của Sĩ quan tập sự của Học viện Cảnh sát Quốc gia. Bên ngoài hội trường, các sĩ quan thực tập sinh đã tập hợp để chụp ảnh chung với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trước khi Ngài trở về nghỉ ngơi trong ngày. Ngày mai Ngài sẽ nói chuyện trước công chúng tại Hitex Open Arena.