New Delhi, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được sự cung đón của Hiệp hội các Học giả Anh (ABS) khi Ngài đến thính phòng Siri Fort vào sáng nay và được hộ tống đến khán đài. ABS là một diễn đàn quốc gia nhằm tạo sự thuận lợi cho việc kết nối mạng lưới những người dân Ấn Độ đã từng học tập hoặc đào tạo ở Anh quốc. Nó nhằm tăng cường mối quan hệ Ấn Độ-Anh bằng cách chia sẻ thông tin và tổ chức các hoạt động về trí tuệ, văn hoá và xã hội.
Sự kiện này được giới thiệu bởi Rini Khanna với đầy uy quyền và sự tự tin, là nơi nương tựa của nguồn tin tức nổi tiếng, người mà tiếng nói của mình cũng cung cấp sự đảm bảo cho những người du khách đi trên Delhi Metro. Bà mô tả một số khía cạnh trong cuộc đời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng một tinh thần từ ái và bi mẫn đã bắt nguồn từ Ngài; mặc dù Ngài vẫn luôn khẳng định mình là một Tăng sĩ Phật giáo đơn thuần. Ban cung nghinh đã dâng lên một vòng hoa thật lớn bao quanh tất cả họ và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trích dẫn lời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng đạt được hạnh phúc là mục đích của cuộc sống, Chủ tịch Hiệp Hội các Học giả Anh - Vipin Chopra - đã long trọng giới thiệu Ngài với khán giả khoảng 2000 người và cung thỉnh Ngài lên phát biểu.
Ngài bắt đầu bằng cách giải thích rằng, thông thường thì Ngài thích đứng khi nói chuyện với đám đông, nhưng Ngài đang bắt đầu thừa nhận rằng - ở tuổi 82 - Ngài cảm thấy ngày càng mệt mỏi. Do đó, Ngài đã xin phép được ngồi xuống để nói chuyện.
"Anh chị em thân mến!- đây là cách mà tôi luôn muốn bắt đầu - tôi muốn cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội này để trò chuyện với quý vị. Khi tất cả 7 tỷ người của chúng ta được sinh ra theo cùng một kiểu và chết đi cũng theo cùng một cách. Về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và muốn xa lánh những vấn đề rắc rối. Chúng ta lớn lên trong sự chở che ấp ủ của tình cảm và lòng yêu thương của mẹ. Một số nhà khoa học thậm chí còn nói rằng - vào một thời điểm nào đó - sự vuốt ve của người mẹ là yếu tố quan trọng để hình thành nên não bộ.
"Một mặt, các nhà khoa học đã kết luận rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi - điều mà tôi cho là dấu hiệu của hy vọng. Mặt khác, họ chỉ ra rằng nỗi sợ hãi, giận dữ và căng thẳng liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta. Thực tế thì chúng ta là những động vật xã hội - mà lòng yêu thương và tình cảm là những yếu tố then chốt góp phần vào niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta cần phải nhớ điều này bởi vì mình sống trong một nền văn hoá vật chất mà không quan tâm nhiều đến các giá trị nội tâm.
"Rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, từ bạo lực cho đến khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, thường hay bắt nạt và bóc lột người khác, đều do chính chúng ta tạo ra. Chúng phát khởi là do thiếu sự quan tâm thực sự đối với người khác và thiếu sự tôn trọng đối với quyền lợi của họ. Sự tự coi trọng bản thân là cơ sở để cạnh tranh và ghen tỵ, gây ra sợ hãi, kích động và tức giận, từ đó có thể đưa đến bạo lực. Nếu chúng ta đi theo con đường mà chúng ta đang đi, sẽ có nguy cơ là thế kỷ 21 sẽ kết thúc như thế kỷ 20 trước đó - thời đại của bạo lực và đổ máu. Trong thời gian đó, các sử gia ước tính, khoảng 200 triệu người đã chết vì bạo lực. Vậy chúng ta có thể làm gì? Đọc nhiều lời cầu nguyện và thực hiện nhiều lễ nghi cúng kiến hơn? Người Tây Tạng chúng tôi đã làm điều đó từ những năm đầu thập kỷ 50 trở về sau nhưng có rất ít hiệu lực. Chúng ta cần phải hành động dựa trên tầm nhìn và động cơ chân thành.
"Hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta hướng tới các mục tiêu vật chất và dành thời gian rất ít ỏi cho các giá trị nội tại, điều này là không thích hợp khi đã đến lúc cần phải mang lại một thế giới hòa bình hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta thường dựa vào tôn giáo để có những giá trị nội tại, nhưng ngày nay 1 tỷ người không còn quan tâm đến tôn giáo nữa; và thậm chí trong số 6 tỷ còn lại thì đức tin của nhiều người vẫn còn rất nông cạn.
"Sau khi đã kiểm tra xem điều gì thực sự đã phá huỷ sự bình an trong tâm hồn của mình, chúng ta cần một phương pháp mới để giáo dục - từ mẫu giáo đến đại học - có thể hướng dẫn chúng ta cách giải quyết những cảm xúc phiền não của mình. Cũng giống như chúng ta bảo vệ sức khoẻ bằng cách theo dõi vệ sinh cá nhân, chúng ta phải thực hiện các biện pháp để áp dụng cho vấn đề vệ sinh tình cảm. Bằng cách sử dụng trí thông minh và ý thức thông thường của mình, chúng ta có thể giải quyết những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Sẽ không khó để nhìn thấy rằng tình trạng bị chọc tức sẽ đưa đến sự tức giận như thế nào. Cảm giác thông thường cũng cho chúng ta biết rằng sự tức giận là không tốt cho sức khoẻ của mình.
"Phụ nữ thích trang điểm cho gương mặt của mình trông hấp dẫn hơn, nhưng nếu khuôn mặt của bạn bị nhăn nhó do tức giận, thì không ai muốn nhìn vào nó nữa. Cảm giác thông thường - một lần nữa - lại cho chúng ta biết rằng vẻ đẹp bên trong - một trái tim ấm áp và lòng từ bi - là điều mang lại sự bình an trong tâm hồn. Lòng yêu thương và tình cảm là nền tảng của sự tin cậy gắn liền với tình bạn chân thành”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích về việc Hoàng Đế Trisong Detsen thế kỷ thứ 8 của Tây Tạng đã thỉnh bậc Đạo Sư lỗi lạc của Nalanda - Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - đến Tây Tạng. Ngài đã thiết lập Truyền thống Phật giáo Nalanda có liên quan đến triết học, tâm lý học và logic chứ không phải là sự cầu nguyện và nghi lễ. Truyền thống này đã được bảo tồn trong hơn một nghìn năm qua vì các thế hệ nối tiếp nhau đã tham gia vào việc nghiên cứu nghiêm ngặt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ rằng, kiến thức Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc - sự đánh giá về thực tại và việc sử dụng logic là hết sức quan trọng đối với ngày nay. Ngài nhấn mạnh quan điểm của mình rằng Ấn Độ là một đất nước có tiềm năng theo đuổi nền giáo dục hiện đại và phát triển kinh tế, đồng thời kết hợp nó với kiến thức từ Ấn Độ cổ đại.
Trả lời các câu hỏi của khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm sáng tỏ rằng tầm nhìn xa trông rộng và lòng nhiệt thành là điều thiết yếu để có thể tha thứ. Ngài đề nghị rằng khi nuôi dạy trẻ, cha mẹ không nên hạn chế về lòng yêu thương và tình cảm mà họ thể hiện đối với con cái của mình, hoặc hạn chế về thời gian mà họ dành cho chúng. Khi được hỏi làm thế nào để có được trí tuệ, Ngài trả lời, "Học tập”. Ngài đồng ý với một sự gợi ý cho rằng - có một số người coi sự từ bi và lòng tốt là dấu hiệu của sự yếu đuối. Ngài gợi ý rằng, những người suy nghĩ như vậy cũng sẽ nghĩ rằng bạn chỉ phải là khăng khăng để kiếm tiền. Họ cũng có xu hướng nghĩ rằng, sự tức giận sẽ mang lại năng lực cho bất cứ điều gì họ đang cố gắng làm - mà họ không nhận ra rằng năng lực ấy đã bị mù quáng.
Ngài nói về việc trở thành một người tị nạn và sự tự do mà điều đó mang đến. Đặc biệt, Ngài đã được giải thoát khỏi sự giả vờ giả nhân giả nghĩa mà Ngài phải duy trì khi đối phó với các quan chức Trung Quốc ở Tây Tạng trong một số năm.
Người đặt câu hỏi cuối cùng muốn có lời khuyên về cách khuyến khích người khác, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với bà,
"Tôi đã rời khỏi gia đình khi lên 5 tuổi. Lúc 16 tuổi, tôi đã bị mất tự do; lúc 24 tuổi, tôi đã bị mất nước. Kể từ đó, 58 năm đã trôi qua. Đất nước chúng tôi đã từng chứng kiến nỗi đau khổ khủng khiếp. Hơn 5.000 tu viện và đền thờ đã bị phá hủy; cả triệu người đã bị mất mạng. Tuy vậy, đối với tất cả những vấn đề này, việc trở thành một người tỵ nạn đã mang lại cho tôi nhiều cơ hội - tôi đã được gặp gỡ nhiều người và đã có nhiều dịp để học hỏi. Tôi đã nhận ra rằng, khi bạn nhìn mọi thứ từ một góc nhìn rộng hơn, các vấn đề sẽ mang một tính chất khác biệt”.
Ngài tụng lời cầu nguyện đã hướng dẫn cho cuộc đời của Ngài:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Trước khi sự kiện kết thúc bằng lời phát biểu cảm ơn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo rằng Ngài muốn nói chuyện với nhiều người Tây Tạng trong hội trường - chủ yếu là các sinh viên trẻ - bằng ngôn ngữ riêng của họ. Ngài nói với họ rằng Tây Tạng là một nền văn minh cổ đại. Ngài khuyến khích họ tiếp tục việc học hành về tiếng Tây Tạng - ngôn ngữ của Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng), văn học của truyền thống Nalanda và chính ngôn ngữ đã kết nối người Tây Tạng lại với nhau. Ngài kêu gọi họ hãy tự hào vì mình là người Tây Tạng, và tự hào về ngôn ngữ và văn hoá của chính mình. Họ đã đáp lại bằng tràng pháo tay ấm áp và nồng nhiệt.
Anjali Kwatra đã long trọng cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã chấp nhận lời thỉnh cầu và về việc Ngài trở thành tấm gương cho thế giới về sự hòa bình và lòng từ bi. Cô cũng bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích đối với tất cả những người đã đóng góp vào sự thành công của sự kiện này.
Người Tây Tạng đã xếp thành hàng một cách kính cẩn khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi khách sạn của ngài. Ngày mai, Ngài sẽ đi Mumbai.