New Delhi, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào đón một vài người bạn cũ khi Ngài quang lâm đến hội trường, nơi mà các khoa học gia và các nhà tư tưởng Nga đang gặp gỡ các học giả Phật giáo. Sau đó, Ngài đã xem xét một cuộc triển lãm dành cho Agvan Dorjiev với một số quan tâm. Vị sư Buryat này lần đầu tiên đến Tây Tạng cùng với Sư Phụ của mình vào năm 1873. Ông tiếp tục học hành tại Tu viện Drepung Gomang, nơi ông đã nhận được bằng Tiến sĩ Geshe Lharampa. Việc bổ nhiệm ông như là một trợ lý tranh luận cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba là sự khởi đầu của một mối quan hệ thân thiết mở rộng sang các mối liên kết sâu rộng giữa Tây Tạng và Nga.
Trong phần giới thiệu của buổi hội thảo đầu tiên, Giáo sư Konstantin Anokhin đã giải thích rằng nhiều người tham gia đã rất quan tâm đến việc tham dự cuộc gặp gỡ này vì họ có cảm tưởng rằng Nga và nhà khoa học Nga đã chiếm một vị trí cả về văn hoá lẫn địa lý giữa khoa học phương Đông và phương Tây. Ông nói, mục đích của cuộc hội thảo là bàn luận về bản chất của ý thức để hiểu rõ hơn về chính mình và giúp làm giảm bớt khổ đau. Ông nói thêm rằng các đại biểu Nga đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ cùng tham gia với cả chục Vị Tăng sĩ - không những chỉ là những học giả Phật giáo uyên bác, mà còn là những người có nhiều kinh nghiệm về khoa học.
Khi được yêu cầu thực hiện lời khai mạc mở đầu, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích rằng sự quan tâm thời thơ ấu của mình đối với công nghệ và sự nỗ lực của Ngài để tìm hiểu về các máy móc cơ khí đã vận hành như thế nào - đã làm chín muồi sự quan tâm của Ngài đối với khoa học.
"Tôi đã có những cuộc thảo luận hữu ích với các nhà khoa học trong hơn 30 năm qua với hai mục đích trong tâm. Thứ nhất là để mở rộng kiến thức của chúng ta. Cho đến cuối thế kỷ 20 các nhà khoa học hầu hết đã nghiên cứu các hiện tượng bên ngoài, bao gồm cả não. Đây là những thứ mà họ có thể đo lường được và điều đó một người thứ ba có thể đồng ý. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học ngày càng bắt đầu tìm ra những bằng chứng cho thấy rằng những kinh nghiệm như thiền định và rèn luyện tâm thức đã ảnh hưởng đến não bộ của chúng ta theo những cách thức mà trước đây không biết trước được - đây gọi là sự đàn hồi thần kinh.
"Mục đích thứ hai liên quan đến thực tế đáng buồn là - mặc dù chúng ta đang ngồi vơi nhau yên bình ở đây, cùng thưởng thức sự bầu bạn với nhau - nhưng ở một nơi khác con người đang bị giết hại; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tiếp tục tăng lên; và trẻ em ở những nơi như Yemen đang chết đói. Chiến tranh bạo lực có tổ chức -- bao gồm cả những cuộc nội chiến ở Nga và Trung Quốc, đã xảy ra rất nhiều trong thế kỷ 20. Các nhà sử học cho rằng khoảng 200 triệu người đã chết vì bạo lực. Nếu như một thế giới hạnh phúc và hòa bình hơn đã được tạo ra, thì ai đó có thể nói rằng nó là đáng giá, nhưng không phải như thế. Để tìm ra một giải pháp cho một sự bất đồng ý kiến, người ta đã sử dụng vũ lực. Bạo lực chỉ gây ra sự thúc đẩy bạo lực thêm mà thôi.
"Chúng ta phải học hỏi từ kinh nghiệm và tham gia vào đối thoại, hãy nhớ rằng những người khác là anh chị em của chúng ta. Chúng ta phải sống với nhau. Nền kinh tế toàn cầu và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Những ý nghĩ về “chúng ta” và “bọn họ” cần phải được kiềm chế, vì nó dễ dàng trở thành cơ sở cho bạo lực. Chúng ta phải giáo dục mọi người hiểu rằng tất cả chúng ta đều là một phần của nhân loại.
"Sợ hãi và nghi ngờ sẽ không giúp ích gì cho chúng ta sống cùng với nhau. Chúng ta phải trau dồi sự nhiệt tâm, tử tế. Vì vậy, một mục đích khác là để thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của sự an bình nội tâm - và thực tế là chúng ta không thể xây dựng hòa bình trên cơ sở của sự sân giận”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng thừa nhận rằng thật là hữu ích khi Nga - đặc biệt là ở Buryat, Kalmykia và Tuva - công nhận Phật giáo là quốc giáo. Ngài đã đưa ra câu hỏi về ý thức và đề cập đến quan điểm của Phật giáo rằng có nhiều cấp độ khác nhau - ý thức giác quan của sự tỉnh táo bình thường, và cấp độ ý thức tinh tế hơn khi chúng ta nằm mơ; và ý thức vi tế nhất sẽ biểu lộ vào thời điểm của cái chết.
Vị điều tiết chương trình - Tatyana Chernigovskaya đã mời Giáo sư Konstantin Anokhin của Viện Sinh lý Chuẩn tắc PK Anokhin, Moscow lên thuyết trình về “Tính thống nhất của Tâm thức và Não bộ: Các phương pháp toàn diện từ Khoa học thần kinh học của Nga về các Chức năng Não cao hơn”. Ông mô tả về dự án chính có liên quan đến tâm thức và não bộ, tìm cách kết hợp tâm thức từ quan điểm người đầu tiên (M1), tâm thức từ quan điểm của người thứ ba (M3) và não bộ từ quan điểm của người thứ ba (B3). Ông kết luận rằng tâm thức là một cấu trúc và ý thức là một quá trình bên trong nó.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi về sự khởi đầu của tâm thức và liệu ông có tin vào một Big Bang hay không, Anokhin trả lời rằng tâm thức xuất hiện khi cuộc sống xuất hiện. Về việc liệu chúng ta có thể nói rằng sinh vật hữu tình (chúng sinh có tâm thức) chỉ được tìm thấy ở đây hay không, Ngài trả lời rằng chúng ta không thể nói được, nhưng những sinh vật ở nơi khác có thể không giống như chúng ta. Một trong những học giả Phật giáo đã hỏi liệu máy có trí thông minh nhân tạo có cảm xúc hay không.
Yuri I Alexandrov của Viện Tâm lý học, Moscow, bắt đầu bài thuyết trình của mình với tựa đề "Phương pháp không phân biệt đối với ý thức và cảm xúc: Một Quan điểm Văn hoá Đặc trưng" bằng cách giải thích rằng mặc dù tất cả chúng ta đều là con người và tương tự như nhau về phương diện đó, nhưng tất cả chúng ta cũng đều khác nhau.
Ông đã thu hút sự chú ý đến một loạt các sự khác biệt văn hoá-đặc trưng giữa các phương pháp của Nga và Mỹ. Một người phản ứng, người kia hưởng ứng. Đối với một người nào đó, có những thứ bị cấm đoán, trong khi đối với người khác thì những thứ đó lại là bắt buộc, nơi người ta lấy một lập trường phân tích, nơi khác thì toàn diện hơn. Thậm chí còn gợi ý rằng, với ba hình ảnh về bò, gà và cỏ, người Mỹ sẽ liên kết bò và gà làm động vật, trong khi người Nga liên kết bò với cỏ. Kết luận của ông là những khác biệt này không đại diện cho những phương pháp đúng và sai. Thay vào đó, vì chúng là bổ sung, cho nên chúng rất hữu ích và được đánh giá cao.
Đại chúng giải tán để dùng bữa trưa. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng cơm chung với các diễn giả và tiếp tục cuộc trò chuyện trong suốt bữa ăn.
Tiếp tục về bài thuyết trình của mình về ý thức và cảm xúc, Giáo sư Alexandrov đã cho trình chiếu các đoạn video về một con chuột đang làm một nơi ẩn náu của nó và một người đang xem một video bao gồm các cảnh của Simpsons mà chỉ rõ khả năng theo dõi việc kích thích của thần kinh trong sự kết nối với các tình huống quen thuộc và được ưa chuộng.
Tatyana Chernigovskaya của Đại học St Petersburg State đã nói chuyện một cách vui vẻ về 'Cheshire Grin của Schrödinger Cat: Ngôn ngữ và Tâm thức'. Từ Nils Bohr lưu ý rằng "người quan sát là một người tham gia vào thế giới lượng tử" cho đến nhận xét của Einstein rằng "cơ thể và linh hồn không phải là hai thứ khác nhau, mà là hai cách nhận thức khác nhau về cùng một thứ", bà trích dẫn từ Kant cho đến Wittgenstein. Bà đã thảo luận về ngôn ngữ và thời gian trong điều kiện về những gì mà chúng có thể cho chúng ta biết về tâm thức.
Từ sự đề cập đến việc cho rằng - chỉ khi nào có một “người quan sát” thì lúc đó mới “có một đối tượng được quan sát” - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lấy từ sự đề cập đó một khảo sát cho sự phụ thuộc lẫn nhau và ám hiệu của tư tưởng Phật giáo cho rằng mọi thứ tồn tại theo cách mà nó được định danh. Ngài nhớ lại Ông Wolf Singer, bác sỹ khoa thần kinh học người Đức mà Bà Chernigovskaya đã đề cập đến, cho thấy một bộ não và sự quan sát thấy rằng nó không có thẩm quyền trung tâm phản ánh theo quan điểm của Phật giáo về việc không có cái “tôi” độc lập.
Trong khi cuộc thảo luận giữa các nhà khoa học và học giả Phật giáo đang diễn ra muộn vào buổi chiều, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nghỉ ngơi và nói rằng Ngài muốn nghe lại cuộc trò chuyện của họ vào ngày mai.