Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, sau khi sự trì tụng theo truyền thống thường lệ của Kinh Hạnh phúc và Bát Nhã Tâm Kinh đã được hoàn tất, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với khán giả.
"Tất cả chúng sinh trên khắp không gian đều muốn hạnh phúc và trong số đó - con người trên trái đất này có ngôn ngữ và khả năng hiểu biết - nhưng họ lại tham gia vào tất cả các loại hành động sai trái. Ngay cả động vật dữ dội chỉ săn mồi là những loài khác khi chúng đói, nhưng con người thì tham gia vào sự bạo lực có tổ chức đó là chiến tranh và đã thực hiện điều đó trong nhiều thế kỷ.
"Kể từ năm tôi sinh ra - 1935, xung đột bạo lực đã diễn ra. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, người ta bắt đầu lên tiếng và biểu tình chống lại chiến tranh. Họ bắt đầu nhận ra rằng bạo lực không mang lại lợi ích. Và nhờ không có sự thù hằn trong nước Nhật và Đức - những quốc gia bị đánh bại và hủy hoại vào cuối Thế chiến thứ hai, lại là một dấu hiệu cho sự tiến bộ.
"Vào những năm 1960, tôi đã viếng thăm Singapore và lắng nghe chư Tăng Trung Hoa tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”. Tôi nhớ lại cảm giác buồn khi nghĩ Phật giáo đang bị hủy hoại ở Trung Quốc như thế nào. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi và đã có tới 400 triệu Phật tử ở Trung Quốc mong muốn tìm hiểu thêm về Phật giáo. Ở các nơi khác trên thế giới, nhiều người - trong đó có các nhà khoa học - đang phát triển sự quan tâm đến những gì Phật giáo đề cập đến.
"Mặc dù chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể về mặt phát triển vật chất, nhưng sự bình an nội tâm có liên quan đến tâm thức. Tôi cảm thấy may mắn khi có thể dạy cho các bạn Trung Quốc ngày hôm nay và hy vọng rằng bằng cách mang lại sự chuyển đổi bên trong, tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho nền hòa bình trên thế giới. Vì dân tộc Đài Loan được tự do, các bạn có thể thực sự đóng góp cho sự phục hồi của truyền thống Phật giáo Trung Quốc”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo rằng trước khi tiếp tục với bản văn của Ngài Nguyệt Xứng, Ngài sẽ đưa ra một sự giải thích rõ ràng về “Xưng Tán Duyên Khởi” của Je Tsongkhapa. Ngài quan sát thấy quan điểm Tsongkhapa thể hiện ở phần đầu của cuộc đời mình, phù hợp với quan điểm các nhà Logic của Trung Quán. Trong "Tràng Chuỗi Báu", Ngài nói rằng mặc dù mọi thứ thậm chí không có một sự tồn tại nội tại, nhưng chúng vẫn tồn tại theo quy ước. Trong ‘Ba Cốt Tủy của Đạo Lộ” Ngài đã làm rõ quan điểm của mình như sau:
Sự xuất hiện bên ngoài là duyên khởi bất khả sai lầm:
Tánh không là thoát khỏi sự khẳng định quả quyết.
Chừng nào hai sự hiểu biết này được coi là tách biệt,
Thì bạn vẫn chưa nhận ra ý nghĩa của lời Đức Phật.
Khi hai sự liễu ngộ này được hợp nhất và đồng thời,
Thì chỉ từ một cái nhìn của duyên khởi bất khả sai lầm
Sẽ có trí tuệ chắc chắn tiêu diệt mọi phương thức tâm bám chấp.
Lúc đó, việc phân tích quan điểm uyên thâm được hoàn tất.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng sau khi nhờ vào sự cầu nguyện giùm của Lama Umapa, đich thân Ngài Tsongkhapa đã có một linh kiến về Ngài Văn Thú Sư Lợi ở Gadong. Tsongkhapa nhìn thấy Ngài trong một chùm ánh sáng màu xanh và đã hỏi Ngài về Quan Điểm Trung Đạo. Khi thấy mình không thể hiểu được câu trả lời, Ngài được khuyên rằng nên mở rộng kinh nghiệm của mình bằng cách đọc và phân tích.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng duyên khởi là rất quan trọng vì sự vô minh là gốc rễ của sự thoái hóa. Trong khi chúng ta muốn hạnh phúc, nhưng cái tâm phóng dật của chúng ta lại là nguồn gốc của khổ đau. Những cảm xúc phiền não phát sinh từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta về sự thật của các pháp hiện tượng. Tình yêu thương và lòng bi mẫn có thể làm giảm đi một số cảm xúc tiêu cực của chúng ta, nhưng quan niệm sai lầm đó là bám chấp vào sự tồn tại cố hữu là điều mà chúng ta cần phải giải quyết - khái niệm của duyên khởi đã đảm trách việc làm đó.
Trong khi đọc bản văn của Je Tsongkhapa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thu hút sự chú ý đến hai bài Kệ mà Ngài tự nhắc nhở mình mỗi ngày:
Ai liễu ngộ và thuyết về Duyên khởi
Vị ấy là trí tuệ tối thượng, bậc Thầy tối thượng
Con xin đảnh lễ Ngài – bậc am hiểu và giảng dạy
Về Giáo Lý Duyên Khởi Tối Thắng này
Bậc Đạo Sư Vĩ Đại nhất! Bậc Hộ Pháp vĩ Đại Nhất!
Người Diễn Thuyết Hùng Biện nhất! Bậc Chỉ Đường Cao Thượng nhất!
Con xin đảnh lễ bậc Thầy của Giáo Lý Duyên Khởi này!
Cuối cùng, Ngài nhận xét rằng lý Duyên khởi phù hợp với quan điểm khoa học có thể được chứng minh thong qua kinh nghiệm của chúng ta.
Sau khi tạm giải lao để dùng trà, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục phần đọc "Nhập Trung Quán Luận". Chương hai liên quan đến Nhị Địa Bồ Tát và tập trung vào Trì Giới Ba La Mật (sự hoàn hảo của việc hành trì giới luật). Trọng tâm của chương ba là sự Nhẫn nhục Ba La Mật (sự hoàn hảo trong việc thực hành hạnh Nhẫn Nhục) và trong khi đọc về phần này, Ngài đã chỉ ra rằng một điều mà chúng ta có thể tức giận đối với nó - đó chính là cơn giận dữ. ngài đã hoàn tất các chương bốn và năm, chỉ có vài bài Kệ dài, và Ngài bắt đầu đọc chương sáu. Ngài nhận xét rằng Ngài đã đồng ý với sự thỉnh cầu rằng nếu như lần này Ngài không thể hoàn tất bản Luận giải này, thì xin Ngài hãy kết thúc nó vào một dịp khác.
Buổi giảng trong ngày đã kết thúc với một thông báo rằng ngày mai Ngài sẽ truyền Giới cho Cư Sĩ và sẽ hướng dẫn nghi Lễ phát Bồ Đề Tâm và truyền Quán Đảnh Tara.