Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Mưa lớn vào tối hôm qua đã để lại những vũng lớn đầy nước trên sân thuyết pháp Shiwatsel dường như đã tạo chút cản trở cho các tín đồ tham dự vào ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của pháp hội thuyết giảng cho đại chúng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Leh. Ban tổ chức - Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) ước tính rằng đám đông có đến khoảng 60.000 người tham dự.
Ngay sau khi chào đám đông khán giả và đã an tọa; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được cung thỉnh lên để phát cuốn sách tài liệu về những chuyến viếng thăm của Ngài đến Ladakh trong suốt 50 năm qua - do Tsering Sonam đến từ Sasphol biên soạn.
“Hôm nay là ngày thứ ba và cũng là ngày kết thúc Pháp thoại với công chúng của chúng tôi”, Ngài tuyên bố. “Trước tiên tôi sẽ đọc xong chương 6 của cuốn “Nhập Bồ Tát Hạnh”. Sau đó, tôi sẽ truyền Quán đảnh Trường thọ của Đức Tara Trắng, tiếp theo đó là Lễ cúng dường Trường thọ được dành cho tôi. Trong trường hợp này, các đệ tử nên cầu nguyện và các Vị Lama cũng sẽ cầu nguyện. Bởi vì mối liên hệ tâm linh giữa cả hai - giống như giữa con cái và cha mẹ, Ngài Geshe Potowa của truyền thống Kadampa đã nói rằng những lời cầu nguyện như thế sẽ rất có hiệu quả.
"Sau đó, Vị Bộ trưởng bộ Ngoại giao đáng kính của tiểu bang Jammu & Kashmir - Smt. Mehbooba Mufti Sayeed sẽ tham gia với chúng ta. Bây giờ, trong khi tôi thực hiện những nghi thức chuẩn bị thì quý vị hãy vui lòng cầu nguyện”. Tiếp tục đọc bản văn của ngài Tịch Thiên, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét rằng, mặc dù chúng ta có thể theo đuổi tám mối bận tâm về thế gian, nhưng chúng không mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc theo đuổi của chúng ta về giác ngộ đó là sự trau giồi lòng bi mẫn. Trở ngại lớn nhất đối với điều này chính là sự sân giận, nhưng hạnh nhẫn nhục - chủ đề của chương này - đã đóng vai trò như một lực lượng đối trị chống lại sự sân giận đó.
Những bài Kệ mà Ngài đọc đã cho thấy rằng khi nói đến những nguyên nhân của sự giác ngộ - trong khi một nửa có thể được gán cho chư Phật, thì một nửa khác được gán cho chúng sinh. Nếu chúng ta tôn kính các vị Phật, thì lẽ nào chúng ta lại không tôn kính chúng sanh một cách cũng bình đẳng như thế?
Ngài dừng lại để khuyên những người ngồi phía bên ngoài dưới ánh nắng mặt trời nóng bức - đặc biệt là các tu sĩ - thì nên che đầu của mình lại. Một lần nữa, Ngài bảo các cháu học sinh từ các lớp 6, 7 và 8 tại Làng trẻ em SOS Tây Tạng và trường Công Lập Ladakh - những cháu đã hăng hái tranh luận trước giờ thuyết Pháp - hãy đứng lên và đến ngồi xung quanh Pháp tòa.
Trở lại bản văn, Ngài hỏi rằng chư Phật và Bồ Tát sẽ nghĩ gì nếu như chúng ta thờ ơ và ngược đãi đối với chúng sanh? - bởi vì chính bản thân các Ngài cũng đang cống hiến cho phúc lợi của chúng sinh cơ mà! Sự đáp lại của tác giả là cam kết - Kể từ bây giờ trở đi, để làm hài lòng Chư Phật, con sẽ phụng sự cho cả vũ trụ và dứt khoát đoạn trừ (sự gây hại đối với chúng sanh).
"Tâm thức có sự quan hệ với não bộ, nhưng bản chất của nó là một sự kinh nghiệm hiểu biết - thanh tịnh và tỉnh giác", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Nguyên nhân cơ bản của trí tuệ toàn tri của một vị Phật là tâm thanh tịnh và tỉnh giác mà mỗi chúng ta đều có. Điều này sẽ được hiển lộ khi chúng ta đoạn trừ những chướng ngại đối với tri thức. Chính trạng thái giác ngộ của tâm, được gọi là Phật tính, sẽ tiếp tục trọn vẹn con đường đi đến Phật quả.
"Trong trạng thái thức tỉnh bình thường của chúng ta, chúng ta bị chuyển hướng bởi ý thức giác quan liên quan đến các cơ quan cảm giác của chúng ta. Khi chúng ta chết, trái tim ngừng đập và hệ tuần hoàn cho máu lưu thông của nó cũng dừng hoạt động, do đó não bộ cũng chết. Tuy nhiên, có những trường hợp người ta vẫn còn duy trì trong sự trạng thái thiền định miên mật, mặc dầu trong trạng thái chết lâm sàng này nhưng thân xác của họ vẫn còn tươi tắn. Có những nhà thần kinh học đang nghiên cứu hiện tượng này. Chúng ta nói rằng tâm thức vi tế vẫn còn trong cơ thể. Tâm trí thô ráp đã ngừng, nhưng tâm trí vi tế vẫn còn, nó không phụ thuộc vào cơ thể, và nó vẫn còn ở đó. Chính tâm thức vi tế này đã đi từ kiếp này sang kiếp khác. Đó là nguyên nhân cơ bản của Phật Quả mà chúng ta tiếp cận khi chúng ta thiền định về tánh không của chính tâm thức”.
"Tương lai của tôi đạt được Phật quả,
Cũng như vinh quang, nổi tiếng và hạnh phúc
Ở ngay trong chính cuộc đời này
Tất cả đều có được từ việc làm vui lòng chúng sinh”.
Những dòng từ các bài Kệ cuối cùng của chương đã nhắc Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ về Gandhi. Bởi vì ông đã cống hiến cuộc đời mình cho nhân dân Ấn Độ, cho nên bất chấp ông mặc quần áo rất nghèo nàn nhưng hàng triệu người đã dành sự tận tụy đối với Ông.
"Tôi sẽ dừng lại ở đây trong năm nay," Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Nếu sức khoẻ của tôi tốt thì tôi sẽ trở lại vào năm tới, và chúng ta sẽ tiếp tục từ chỗ này".
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt bản văn xuống và quay lại trực tiếp cho các nghi thức truyền quán đảnh thực hành Trường thọ liên quan đến Đức Tara trắng. Trong việc dành cơ hội cho những người quan tâm đến sự thọ giới Cư Sĩ; Ngài giải thích vai trò của Tứ chúng thành viên của Tăng đoàn trong việc phân loại “Trung Địa”. Một sự định nghĩa về mặt địa lý; một định nghĩa khác liên quan đến sự hiện diện của Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, chư Tăng, Ni xuất gia thọ giới cũng như các Nam Cư Sĩ và Nữ Cư Sĩ thọ trì giới luật. Ngài đã quan sát thấy rằng truyền thống của việc tấn phong Tỳ Kheo Ni đã không được truyền bá ở Tây Tạng, mặc dù nó đã được truyền bá ở Trung Quốc.
Trong buổi lễ, Ngài cũng đã trao truyền giới Bồ Tát. Vào cuối lễ Quán đảnh, Ngài đã ban khẩu truyền về thần chú của Đức Phật, Đức Bồ tát Quán Thế Âm, và lưu ý về mối quan hệ gần gũi của Ngài đối với nhân dân Tây Tạng và những dân tộc thuộc vùng Hy Mã Lạp Sơn; Đức Văn Thù Sư Lợi và Thánh Tara. Trong lúc truyền thần chú Hayagriva, Ngài nhấn mạnh rằng nó sẽ hữu ích cho những người bị xuất hồn do bị vong nhập.
Chư Tăng đã hoàn tất Nghi Lễ Cúng Dường Trường Thọ dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các vị Thí Chủ của Hiệp Hội Phật Giáo Ladakh đã tham gia trong đoàn diễu hành dâng phẩm vật cúng dường; họ mang những bức tượng, và những biểu tượng tôn giáo, những bản Kinh, những bao gạo và các bó vải thổ cẩm. Những người thổi tù và cùng với những tay trống địa phương đang biểu diễn. Khi họ đi ngang qua trước Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, cả Nam lẫn Nữ đều lấy mũ của họ xuống. Trước khi nghi lễ hoàn toàn kết thúc, vị Bộ Trưởng của bang Jamu & Kasmir - Smt Mehbooba Mufti Sayeed đã đến. Bà đã dâng tặng cho Ngài một chiếc khăn choàng cổ truyền thống và Ngài tặng lại cho bà chiếc khăn Khata lụa màu trắng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tsewang Thinles, Chủ tịch Hiệp Hội Phật Giáo Ladakh đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài Thiksey Rinpoche và Ngài Thuksey Rinpoche; ông cũng hoan nghênh chào đón vị Bộ trưởng tôn kính. Ông đã nhận xét rằng vào thời điểm mà sự bất dung và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang phát triển ở những nơi khác, để lại biết bao người khao khát sự hòa bình, thì người dân Ladakh lại rất may mắn được Ngài viếng thăm từ năm này qua năm khác. Ông nhấn mạnh rằng đã có biết bao người ở đây rất quý trọng lời khuyên của Ngài và những Giáo lý Ngài dạy. Ông bày tỏ niềm hy vọng và cầu nguyện rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ quang lâm trở lại trong những năm tới.
Để tỏ lòng biết ơn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị khách khác, Bộ trưởng Mehbooba Mufti Sayeed đã chúc mọi người hiện diện với lời chúc “Julay”.
"Con thật vinh dự được có mặt ở đây”, cô tiếp tục. "Chúng con, những người dân ở Jammu và Kashmir, cũng như những người dân Ladakh, rất vui khi Ngài quang lâm đến nơi này và đã ban phước lành cho chúng con. Con cầu mong Ngài đạt được sức khỏe tốt nhất để có thể tiếp tục ghé thăm chúng con. Ngài đã mang lại hòa bình cho bất cứ nơi nào Ngài đến. Con đã rất xúc động khi biết các nhận xét của Ngài về sự khác biệt giữa những người Hồi giáo và bọn khủng bố; và Ngài đã tái khẳng định lại rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình. Nếu có điều kiện, con cũng muốn được cung thỉnh Ngài mang những sự ban phước an lành đến cho người dân ở Thung lũng Kashmir - xin thành kính tri ân Ngài!”.
Từ bục giảng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã trả lời:
"Rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hôm nay là do chính chúng ta tự tạo nên. Chúng ta cần có một quan điểm thoáng hơn, không che chở cho sự hẹp hòi và thiển cận. Chẳng hạn như, nếu chúng ta phát triển một ý thức sâu sắc hơn về tính nhất thể của nhân loại, thì nhiều vấn đề khó khăn của chúng ta sẽ được giải quyết.
"Sự hòa hợp tôn giáo đã phát triển mạnh mẽ lâu dài ở đây trong nước này. Ấn Độ nên trở thành một ví dụ điển hình bằng cách cho thấy thế giới thấy được rằng các truyền thống tôn giáo có thể sống cùng bên nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi cố gắng hết sức để nói với mọi người về điều này bất cứ nơi nào tôi đến. Đó là tất cả những gì tôi cần phải nói. Tôi đã đến Nubra và Zanskar, cũng như thời gian của tôi ở Leh và mọi thứ đã diễn ra rất tốt. Tôi muốn cảm ơn tất cả quý vị!”.
Sau khi vị Bộ trưởng trưởng rời khỏi khán đài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại Shodatsel Phodrang và nhiều người trong đám đông bắt đầu giải tán. Những người khác vẫn còn nấn ná lại để vui chơi dưới bóng mát của những chiếc dù lớn.