New Delhi, Ấn Độ - Trước khi rời khỏi Bồ Đề Đạo Tràng để đến Delhi vào ngày 16 tháng 1, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm Bảo tháp Đại Giác Mahabodhi và Chùa Kalachakra. Khi đến Delhi, Ngài đã nghỉ ngơi vài ngày.
Sáng nay, Cánh Phụ Nữ của Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) đã thỉnh Ngài quang lâm để nói chuyện về Sức mạnh của lòng Từ bi. Vị Chủ tịch - cô Vinita Bimbhet - đã cung đón Đức Ngài khi quang lâm đến trụ sở FICCI. Vị khách mời Đặc biệt - cô Pratibha Advani - đã giới thiệu Đức Ngài với khán giả, đã kể lại một số cuộc gặp gỡ trước đây của cô ấy với Ngài. Cô ấy nói rằng gần đây, cô cảm thấy đặc biệt xúc động vì Ngài đã dành thời gian để đích thân an ủi cô ấy và cha cô L.K. Advani khi mẹ cô qua đời.
Đức Ngài đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách nói rằng - về mặt tinh thần, tình cảm và thể chất, tất cả 7 tỷ người trên thế giới đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều nhận được tình thương yêu nồng nàn từ người mẹ của mình; nếu thiếu nó, chúng ta sẽ không thể sống sót.
Ngài đề cập rằng các nhà khoa học đã kết luận từ các thí nghiệm rằng, bản chất cơ bản của con người là từ bi. Ngài nói rằng điều này đã tạo cho Ngài niềm hy vọng về tương lai, bởi vì nếu bản chất con người về cơ bản là tức giận thì sẽ không có hy vọng cho nhân loại. Ngài nói thêm rằng các nhà khoa học khuyên rằng, chúng ta nên khắc phục việc sống trong nỗi sợ hãi và tức giận thường xuyên, vì các tâm trạng đó sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Ngài khuyên nên tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
“Dù tình huống có khó khăn hay phức tạp đến đâu, thì tôi vẫn duy trì sự bình yên trong tâm hồn. Nếu chúng ta áp dụng trí thông minh của con người, chúng ta có thể nhìn mọi thứ từ quan điểm tổng thể hơn. Từ một góc nhìn rộng hơn, chúng ta có thể thấy rằng so với nhiều vấn đề khác trên thế giới, những gì mà chúng ta đang phải đối mặt là không đáng kể lắm.
“Chúng ta cần kết hợp sự thông minh này với tấm lòng nhân ái ấm áp, đó là nguồn gốc của sự bình an nội tâm. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói với quý vị rằng, sự yên tâm sẽ tạo nên sự khác biệt. Nó không chỉ giúp chúng ta duy trì sức khỏe tốt, mà nó còn tạo ra những cá nhân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc và cuối cùng là một nhân loại hạnh phúc.
“Tuy nhiên, sự thay đổi như vậy phải được bắt đầu từ các cá nhân. Đôi khi quý vị có thể cảm thấy rằng - chỉ là một người thì không thể thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, sự thay đổi trong xã hội phải được bắt đầu từ các cá nhân. Hơn nữa, vì tất cả chúng ta đều là một phần của nhân loại, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức để đóng góp cho lợi ích chung. Nếu quý vị chia sẻ những ý tưởng như thế này với mười người bạn của mình; và họ chia sẻ chúng với mười người bạn của họ, chúng ta có thể dễ dàng ảnh hưởng đến hàng trăm người - đó là cách mà chúng ta có thể thay đổi thế giới ”.
Trong phần trả lời câu hỏi từ phía thính giả, Đức Ngài đã nói về tình trạng tôn giáo ở Ấn Độ ngày nay,
“Ở Ấn Độ, những khái niệm như ahimsa (bất bạo động) đã tồn tại hơn ba nghìn năm nay. Đã đến lúc người Ấn Độ phải thực hiện những ý tưởng này. Kể từ khi độc lập, nền giáo dục hiện đại và công nghệ đã thực sự mở rộng ở Ấn Độ, tuy nhiên, những điều này cần được kết hợp với kiến thức Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức. Thật không may, ngày nay chỉ còn lại một chút nghi lễ là truyền thống tri thức phong phú và cổ xưa của Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Tây Tạng thông qua việc học tập và thực hành một cách nghiêm túc, chúng tôi đã bảo tồn được những truyền thống của Đại học Nalanda. Kiến thức của chúng tôi là kiến thức của Ấn Độ; và tôi vui mừng nói rằng ngày càng có nhiều thanh niên Ấn Độ tỏ ra quan tâm đến di sản Ấn Độ cổ đại này.
“Kết hợp kiến thức cổ xưa với sự hiểu biết hiện đại sẽ không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc sống của đất nước này mà còn có thể mang lại lợi ích cho thế giới rộng lớn hơn. Tôi chỉ là một sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Thực tế là tổ tiên của quý vị là những bậc thầy của chúng tôi. Bây giờ guru (vị thầy) của thời cổ đại đã trở thành chela (học trò) và chúng tôi chelas đã trở thành guru. Tôi mong quý vị chú ý hơn đến di sản Ấn Độ cổ đại của mình”.
Đức Ngài khuyên rằng điều quan trọng đối với nhiều ngôi chùa và đạo tràng ở Ấn Độ là phải trở thành trung tâm học tập. Ngài nói rằng nếu những nơi ấy chỉ là nơi dành để thờ cúng thì không đủ để phát huy hết được ý nghĩa của nó. Cũng cần có cơ hội để tổ chức các lớp học, hội thảo và thảo luận, cũng như cơ hội để tham khảo chất vấn từ các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Sau bữa trưa với các thành viên cấp cao của Cánh Phụ Nữ, Đức Ngài đã đi xe đến Trường Quốc Tế Mother, một trường trung học công lập do Hiệp hội Giáo dục Sri Aurobindo thành lập ở New Delhi.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa vào chỗ của mình, một nhóm sinh viên đã có một buổi biểu diễn nghệ thuật. Hiệu trưởng Nhà trường, Bà Sangamitra Ghosh chào mừng Ngài quang lâm đến với trường; và hai sinh viên đã giới thiệu Ngài với các sinh viên và giảng viên.
Ngài bắt đầu, “Quá khứ đã là quá khứ và ta không thể thay đổi được, nhưng tương lai vẫn rộng mở. Những sinh viên trẻ như quý vị đều thuộc về thế kỷ 21 này; và quý vị có cơ hội để biến thế kỷ này trở thành một thế kỷ dịu dàng hơn, hòa bình hơn. Ngay bây giờ trên hành tinh này đã có những người phải đối mặt với sự xung đột và chết đói. Nhiều người vô tội đang chết. Nhiều người trong số những người tham gia vào khủng bố là những người đã nhận được sự giáo dục bài bản. Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là tại sao họ lại trở thành những kẻ gây rối. Tại sao chúng ta thấy quá nhiều tham nhũng trong số những người có học thức?
“Tôi tin rằng đó là do sự định hướng vật chất của chúng ta. Nhiều người bạn của tôi, những nhà khoa học trong số họ, đã chia sẻ quan điểm của tôi rằng nền giáo dục hiện đại vẫn còn khiếm khuyết một thứ gì đó. Nó chỉ tập trung vào các mục tiêu vật chất và thiếu hẳn niềm tin vào các giá trị nhân văn sâu sắc hơn. Đã đến lúc chúng ta phải khám phá ra phương pháp để đưa luân lý đạo đức vào chương trình giáo dục của mình - một thứ đạo đức không dựa trên tôn giáo, mà chỉ dựa trên sự kinh nghiệm chung, nhận thức chung và những phát hiện khoa học của chúng ta.
“Là thế hệ có trách nhiệm với thế kỷ 21, việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, một thế kỷ hòa bình hơn, hạnh phúc hơn - đều phụ thuộc vào quý vị. Các bạn cần phải có tầm nhìn sâu rộng và không nên bằng lòng với hệ thống hiện có. Quý vị cần phải sử dụng tư duy phản biện của mình để phát triển hơn nữa trí thông minh của con người. Quý vị cần phải đặt câu hỏi nhiều lần về mọi thứ, phải hỏi tại sao? và như thế nào? Điều này sẽ làm phát sinh nhiều câu hỏi hơn. Đây là cách tiếp cận của thiền phân tích hoặc vipassana. Lý do khiến bộ não của tôi vẫn nhạy bén cho đến ngày hôm nay là vì tôi đã rèn luyện nó theo cách phân tích như vậy. Quý vị cũng cần phải làm như vậy nếu muốn tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn vào cuối thế kỷ này."
Khi được hỏi rằng liệu Phật giáo là một tôn giáo hay là một nền triết học, Đức Ngài trả lời:
“Vì Phật giáo không tin vào một Đấng sáng tạo, nhưng tin vào sự tự sáng tạo, cho nên một số người đã mô tả nó như là một môn khoa học về tâm thức. Nó có một cách tiếp cận triết học. Truyền thống Pali của Phật giáo chủ yếu dựa vào các bản ghi chép về những gì Đức Phật đã nói. Tuy nhiên, truyền thống tiếng Phạn - đặc biệt là truyền thống Nalanda - dựa vào sự hiểu biết và lý luận. Chính Đức Phật đã tuyên bố rằng các đệ tử của Ngài không nên chấp nhận những gì Ngài đã dạy chỉ vì đức tin, mà chỉ nên tin sau khi đã xem xét và điều tra nó theo phương pháp giống như một người thợ kim hoàn kiểm tra về chất lượng của vàng”.
Khi một sinh viên trẻ muốn biết những khía cạnh nào của thế giới mà Đức Ngài muốn thấy sự thay đổi, Ngài đã trả lời,
“Hệ thống giáo dục hiện nay, chủ yếu là hướng tới mục tiêu vật chất - nó cần phải được kết hợp với giá trị bên trong nội tâm. Chúng ta cũng phải quan tâm nhiều hơn đến môi trường tự nhiên, đó là điều mà mỗi chúng ta có thể làm được. Sau đó, cần phải có sự hòa hợp giữa các tôn giáo chính. Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đã chung sống với nhau trong nhiều thế kỷ với sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Cuối cùng, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo”.
Trước khi trở về trú xứ của mình, Đức Ngài đã cùng dùng trà với một số nhân viên cấp cao của trường và đã trồng một cái cây để kỷ niệm trong sân trường.