Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Tsuglagkhang sáng nay, Ngài đã kính trọng chào đón các nhà khoa học Nga và an tọa vào chỗ ngồi của mình. Telo Rinpoche đã không mất thời gian để giới thiệu Tiến sĩ Namdol Lhamo của Men-tsee-khang - Viện Y khoa và Khoa học-Sinh vật học Vũ trụ của Tây Tạng - người đã được mời để thuyết trình về “Hiểu biết thế giới trong bối cảnh truyền thống y học Tây Tạng”.
Tiến sĩ Namdol Lhamo thuộc Viện Y học và Khoa học-Sinh vật học Vũ trụ Tây Tạng trình bày về “Hiểu biết thế giới trong bối cảnh truyền thống y học Tây Tạng" tại cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học Nga và học giả Phật giáo ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào ngày 4 tháng 5 năm 2018. Ảnh của Tenzin Choejor
Cô bắt đầu bằng cách giải thích rằng, con người là tổng hợp của sáu yếu tố: đất, nước, lửa, gió, không gian và ý thức. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị rằng, để có thể giúp cho những người không quen với hệ thống này hiểu vấn đề được rõ hơn thì nên giải thích rõ rằng trong trường hợp này ngọn lửa thực sự không liên quan. Từ “lửa” ở đây đại diện cho sức nóng, giống như “gió” ngụ ý cho năng lượng và sự chuyển động. Tiến sĩ Lhamo nói thêm rằng thành phần thứ sáu là ý thức. Lặp lại câu hỏi mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nêu ra ngày hôm qua, cô đã làm sáng tỏ rằng, sự hiện diện của tinh trùng và trứng không đủ cho việc thụ thai của một thai nhi; mà nó đòi hỏi phải có yếu tố ý thức thì sự thụ thai mới có thể hình thành được. Ngoài ra, nghiệp lực sẽ mang các yếu tố này lại với nhau. Nếu một trong những thành phần này vắng mặt, thì quá trình thụ thai sẽ không diễn ra, đó là điều xảy ra trong 20% các trường hợp.
Tiến sĩ Lhamo tiếp tục đề cập đến các trường hợp của cá, rùa và lợn về sự phát triển của bào thai xảy ra trong hơn 38 tuần. Cô chỉ ra rằng, trong sự giải thích y học Tây Tạng, cấu trúc xương có nguồn gốc từ tinh trùng, trong khi các cơ và mô mềm khác có nguồn gốc từ buồng trứng. Cô đã đề cập rằng ở tuần thứ 24, các bộ phận có dạng đặc, rắn chắc, và hệ thống mạch của thai nhi được phát triển hoàn toàn và thai nhi có thể trải nghiệm được niềm vui và sự đau đớn. Đến tuần thứ 25, nó có khả năng thở; khi ở vào tuần thứ 26, nó có khả năng suy nghĩ rõ ràng, cũng có khả năng nhớ lại những kiếp trước của mình.
Tiến sĩ Lhamo nói rằng một bác sĩ Tây Tạng cần kiểm tra bệnh nhân qua ba nguồn năng lượng chính: gió (khí), đặc tính của nó là nhẹ, năng lượng chuyển động; mật, có liên quan đến nhiệt; và đờm, có đặc tính là lạnh, ẩm và nặng. Khi có sự mất cân bằng giữa các nguồn năng lượng này thì bệnh nhân sẽ không khỏe. Giới thiệu các kinh mạch sinh lực sống màu đen và trắng, cô giải thích rằng trong khi loại màu đen bao gồm tĩnh mạch, động mạch, mạch máu và vv, thì loại màu trắng liên quan đến não và hệ thần kinh.
Cô kết luận rằng, để duy trì sức khỏe, đòi hỏi một cá nhân phải tránh chế độ ăn uống không tốt và một lối sống thiếu lành mạnh. Điều này là do một khuynh hướng trở nên không khỏe mạnh luôn luôn hiện diện và có thể bị kết tủa bởi các yếu tố phụ. Cô đề nghị nên có một cái nhìn tổng thể về con người như một thực thể của tâm thức và cơ thể.
Khi Tiến sĩ Lhamo kết thúc, Giáo sư điều hành Anokhin muốn biết làm sao mà một thai nhi có thể nhớ lại những kiếp trước của nó vào tuần thứ 26 trong sự phát triển của thai nhi. Cô nói với anh ta rằng, đó là kết quả đã phát triển đầy đủ của năng lượng gió (khí) vào thời điểm đó. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi ý rằng, điều có thể ngụ ý là năng lực của trí nhớ nói chung được tham gia vào thời điểm đó. Ngài nói thêm rằng một khi đứa trẻ được sinh ra, nó có thể có những kỷ niệm như vậy ở độ tuổi rất sớm, nhưng khi đứa bé lớn lên, khi não phát triển hơn nữa thì những ký ức đó lại biến mất.
Sau một thời gian ngắn giải lao uống trà, Giáo sư Victoria Lysenko, một chuyên gia người Nga về triết học Ấn Độ và Phật giáo, người mà Ngài đã gặp trước đây, hỏi liệu Ngài có cảm thấy khoa học Phật giáo có thật sự tương quan với khoa học hiện đại hay không, chứ triết học Phật giáo và sự thực hành thiền định chỉ quan tâm đến Phật tử.
Ngài trả lời “Tôi thường phân biệt giữa khoa học Phật giáo và sự thực hành tôn giáo Phật giáo. Thực hành tôn giáo là một vấn đề riêng tư cá nhân, nhưng những hiểu biết về khoa học Phật giáo nên đáp ứng sẵn cho tất cả mọi người. Khoa học Phật giáo được minh chứng bởi truyền thống Nalanda là kết quả của sự nghiên cứu logic. Trong lời giải thích của Ngài Pháp Xứng về Tứ Diệu Đế trong chương thứ hai của “Luận giải về Nhận Thức Luận” của Ngài, Ngài đề cập rằng ngay cả sau khi bạn đã thiết lập suy luận hợp lệ thì vẫn cần thiết để phát triển kinh nghiệm.
“Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, lời dạy của Đức Phật được thành lập trên sự hiểu biết về thực tại. Thuyết vô ngã và sự giải thích rằng “ngã” được định danh trên cơ sở của thân thể và tâm thức, ngụ ý rằng nếu tâm thức thay đổi thì ngã cũng sẽ thay đổi.
“Ngài Long Thọ nói rằng, điều Đức Phật dạy là dựa trên hai sự thật (Nhị Đế), sự thật thông thường về sự xuất hiện (tục đế) và sự thật của thực tại tối thượng (chân đế). Trên cơ sở sự hiểu biết về đạo lộ đã được phát triển, tôi không nói về một cuộc đối thoại giữa khoa học và Phật giáo, mà là một cuộc hội thoại giữa khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo. Chúng ta thảo luận điều gì thì quá hiển nhiên rõ ràng đối với tất cả mọi người.
“Việc sử dụng logic và nhận thức luận đã xuất hiện trước thời kỳ của Phật giáo, đó là lý do tại sao tôi thích đề cập đến kiến thức được bắt nguồn từ Ấn Độ cổ đại. Các truyền thống phi thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo và một nhánh của Số Luận phái không chấp nhận một đấng sáng tạo. Họ cho rằng tương lai phụ thuộc vào tính chất của hành động của riêng mỗi cá nhân; và rằng hành động đó là tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào động lực của chính người ấy. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tính đến tâm lý học. Chúng ta có thể chuyển hóa tâm thức của mình thông qua sự nhận thức.”
Giáo sư David Dubrovsky - 90 tuổi, một nhà triết học khoa học - đã tham dự Cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa các nhà khoa học Nga và Học giả Phật giáo năm ngoái - đã hỏi Ngài có biết những phương pháp mới nào để nghiên cứu bộ não như hình ảnh dải hẹp và quan điểm hội tụ công nghệ của ông. Ngài nói với ông rằng Ngài đã gặp một số nhà khoa học tưởng tượng rằng cuối cùng có thể tạo ra được ý thức thông qua sự phát triển công nghệ. Nói cách khác, để tạo ra một cái gì đó giống như một chúng sinh với trí tuệ nhân tạo.
“Tôi nghi ngờ về việc một kỳ tích như vậy có thể thực hiện được,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rõ. “Suy cho cùng, nguồn gốc của công nghệ là từ tâm thức của con người. Tuy nhiên, nếu có thể tạo ra những chúng sinh mà không có sự sân hận thì họ sẽ được hoan nghênh chào đón, nhưng tôi thực sự không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra.
”Giáo sư Dubrovsky nói với Ngài rằng ông đã tìm cách để chứng minh rằng sự mô tả của Phật giáo về kinh nghiệm của ý thức thì không mâu thuẫn với khoa học - chúng chia sẻ một nền tảng khái niệm chung. Tuy nhiên, ý thức có một khía cạnh chủ quan, và thực tế chủ quan là một vấn đề đối với khoa học. Ông trích dẫn một cách tán thành từ đề nghị của Ngài trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử đơn độc” rằng, cần phải có một phương pháp để kết hợp kinh nghiệm sống khách quan với kinh nghiệm chủ quan. Khả năng kiểm soát suy nghĩ của chúng ta cho phép một khả năng điều khiển bộ não của chính chúng ta.
Dubrovsky tuyên bố, ông nghi ngờ khẳng định rằng tâm thức con người về cơ bản là thuần khiết, rằng về cơ bản nó không bao gồm các khía cạnh tiêu cực. Tuy nhiên, ông thừa nhận có một nhu cầu cấp bách để tìm hiểu làm thế nào để chuyển hóa tâm thức con người và rằng điều quan trọng là phải có một cái nhìn lạc quan về điều này.
Trong sự trả lời của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát, “Mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Thật vậy, mỗi người đều có quyền sống một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng có một sự khác biệt giữa hạnh phúc trên mức độ tinh thần và hạnh phúc trên mức độ thể xác hoặc cảm giác. Hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta là bị khiếm khuyết bởi vì họ có xu hướng chỉ tính đến các mục tiêu vật chất hoặc cảm giác. Điều khác biệt để ta có thể phân biệt giữa con người với loài động vật chính là những kinh nghiệm tinh thần của chúng ta, nhưng tính năng này có thể bị lạm dụng. Như loài khỉ có thể chiến đấu với nhau, nhưng chúng không huy động hàng ngàn con khỉ để giết nhau như con người đã làm.
“Vì vậy hệ thống giáo dục của chúng ta nên dạy thêm về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta, và họ nên làm như vậy trong bối cảnh của những giá trị thế tục. Mọi người muốn sống trong hòa bình liên quan đến tâm thức của họ. Đó là lý do tại sao tôi hoàn toàn cam kết thực hiện cho kiến thức tâm lý của Ấn Độ cổ đại trở nên có giá trị hơn. Tôi tin rằng - vì lợi ích chung - Ấn Độ có thể kết hợp được kiến thức cổ đại và hiện đại.
“Chúng ta cần một phương pháp khoa học để thúc đẩy tâm nhiệt thành nhân hậu. Và chúng ta cần thuyết phục mọi người về sự cần thiết để giải quyết tâm sân giận. Công việc này có thể không mang lại kết quả nhanh chóng, và tôi có thể không sống được cho đến khi có thể nhìn thấy được điều đó, nhưng những người ở độ tuổi 30 của họ bây giờ thì có thể thấy được sự xuất hiện của một nhân loại hòa bình hơn.
“Hơn thế nữa, trong khi những ngày đầu phát triển vũ khí hạt nhân đã kích thích một số nhà khoa học; bây giờ, vì khát khao phổ biến cho một nền hòa bình đích thực cho nên chúng ta cần phải tìm cách loại bỏ chúng. Các nhà khoa học chắc chắn có thể đóng góp để tạo ra một thế giới từ bi tốt hơn, và nói chung mọi người sẽ chú ý đến những gì mà các nhà khoa học nói.
"Đây là lần thứ hai trong các cuộc hội nghị của chúng ta - tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể gặp lại nhau, và một ngày nào đó một cuộc tụ tập như thế này có thể xảy ra ở Mátx-cơ-va." Một tràng pháo ta nồng ấm vang lên hưởng ứng lời nói này của Ngài như ngụ ý rằng hy vọng này đã được chia sẻ một cách rộng rãi.
Ngài rời khỏi Chánh điện để trở về dinh thự của mình và những vị khách Nga đã cùng với Ngài dùng cơm trưa.