Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Mặt trời đang chiếu sáng qua đỉnh Tháp Đại Giác vào sân Chùa Tây Tạng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Chùa để đến Kalachakra Maidan sáng nay. Như đã trở thành thói quen của mình, Ngài dừng lại ở phía trước khán đài để chào khán giả. Ngài cười, và trêu hơn 500 người Mông cổ bằng cách bắt chước theo cách họ lượn chiếc khăn khata lụa của họ trong không khí bằng cả hai tay. Ngài lại ngồi trước lều vải có Mạn Đà La vẽ bằng tranh để tự chuẩn bị cho việc truyền quán đảnh Quan Thế Âm.
Gần một giờ sau, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến an tọa trên Pháp Tòa khi một nhóm người Hàn Quốc tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” nhịp nhàng bằng tiếng Hàn Quốc và gõ đều đặn vào chiếc mỏ hình con cá bằng gỗ mà họ gọi là 'moktak'. Sau đó, một nhóm các Tăng sĩ và Cư sĩ Việt Nam đã tụng lại “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Việt thật trầm bổng du dương. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét về các sự thể hiện khác nhau:
"Trong ba ngày vừa qua, chúng ta đã lắng nghe những lời tụng niệm về “Bát Nhã Tâm Kinh” từ những quốc gia khác nhau - nơi mà mọi người đã trì tụng nó trong hơn 1000 năm qua - họ là những Phật tử đã được hình thành từ lâu. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã dạy Tứ Diệu Đế và vân vân, và giáo pháp của Ngài đã trải khắp Châu Á. Thời gian đã thay đổi, nhưng vẫn còn có những con người vẫn giữ lại được truyền thống tôn giáo của họ.
"Tôi vui mừng về điều này không phải vì cạnh tranh hay muốn cải đạo, mà bởi vì ngay cả trong thế kỷ 21 này với sự phát triển đáng ngưỡng mộ của khoa học và công nghệ, nhưng tâm linh vẫn có thể mang lại những lợi ích thiết thực. Những ý tưởng triết học và tâm lý Phật giáo có thể có liên quan đến ngày nay trong việc giúp đỡ con người chuyển hóa những tâm thức đã bị ảnh hưởng bởi sự tham ái và sân giận”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu tiến trình truyền quán đảnh bằng việc thực hiện nghi thức cúng thí cho những chúng sinh có thể gây cản trở cho việc quán đảnh và yêu cầu họ rời khỏi khu vực Pháp hội. Ngài bày tỏ sự bất đắc dĩ khi yêu cầu họ rời đi, vì cái gọi là những chúng sinh gây cản trở cũng là những chúng sinh giống như chúng ta - họ cũng tìm kiếm hạnh phúc và không muốn gặp phải đau khổ.
Ngài nhận xét rằng, vì Bồ Đề Đạo Tràng là một nơi đặc biệt phi thường nên thích hợp để tu dưỡng trau dồi những bản chất tinh túy của Pháp - Bồ đề tâm - ở đây. Ngài khuyên chúng ta nên rèn luyện tâm thức của mình như đã được vạch ra trong các bản văn về luyện tâm, hãy nghĩ về chúng sinh như những người mẹ của mình, nhớ đến sự tử tế của họ và tìm cách đáp ơn. Đồng thời, Ngài nói, rất hữu ích để suy nghĩ về những bất lợi của thái độ ái trọng tự thân và những lợi ích của việc trưởng dưỡng mối quan tâm dành cho người khác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng các nước khác theo truyền thống tiếng Phạn của Phật giáo thường có quan hệ với Đức Quan Thế Âm dưới dạng KuanYin. Điều cốt yếu không phải là hình dáng của vị thần Bổn tôn hay số lượng đầu và cánh tay; mà là họ là biểu tượng của lòng từ bi. Ngài Nguyệt Xứng đã thừa nhận tầm quan trọng của lòng bi mẫn khi Ngài đảnh lễ ngay từ đầu cuốn sách "Nhập vào Trung Đạo" của mình. Từ bi là một trạng thái của tâm thức không thể chịu đựng nỗi những đau khổ của người khác. Nếu chúng ta có lòng bi mẫn hơn - Ngài nói - thì sẽ có hòa bình nhiều hơn trên thế giới.
Ngài nói: "Đức Quan Thế Âm có mối quan hệ đặc biệt với người dân xứ tuyết cũng như với hàng xóm của chúng tôi”. Tôi đã được nhận quán đảnh Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn lần đầu tiên từ Tagdrak Rinpoche. Sau đó, tôi nhận được nó từ Ling Rinpoche ở Dromo. Tôi đã tụng nhiều thần chú 'manis' hơn bất kỳ thần chú khác - tôi tụng nó hàng ngày. Điều này, và sự tu luyện trau giồi Bồ Đề Tâm là một phần trong việc thực hành của tôi.
"Phần thiền định đặc biệt này xuất phát từ những linh kiến của Tỳ Kheo Ni Lakshmi - một nữ hành giả. Chúng ta phải nhắc nhở chính mình rằng trong sự thể hiện từ 'thần chú bí mật', từ “bí mật” ở đây đề cập đến cách chúng ta nên thực hành như thế nào, trong khi đó từ “thần chú” đề cập đến việc bảo vệ tâm thức, ví dụ như, thiền định về tánh không”.
Trong phần đầu của lễ quán đảnh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma không những chỉ truyền giới Bồ Tát mà còn hướng dẫn khán giả thông qua 'yoga toàn diện’. Khi hoàn tất việc truyền quán đảnh, Ngài thừa nhận rằng Tu Viện Namgyal - được sáng lập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ ba - Sonam Gyatso - đã thỉnh cầu lễ quán đảnh - và Người Mông Cổ là những người đồng tài trợ cho quán đảnh và Pháp Hội này.
Sau lễ quán đảnh là lễ cúng dường Trường thọ dâng lên cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma theo chỉ thị của Tu viện Namgyal và nhóm Mông Cổ. Vào thời điểm mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được cúng dường một chiếc bánh lễ lớn, người Mông Cổ đã dâng lên một cổ bánh kap - say được sắp xếp rất cẩn thận với phía trên được phủ bằng pho mát. Lama Gegeen đã đọc lời trích dẫn cúng dường Mandala với những khảo sát tán thán thành tích của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thay cho người Tây Tạng, đồng thời cũng nhấn mạnh về sự ủng hộ mà Ngài dành cho người Mông Cổ, bao gồm sự can ngăn chân thành của Ngài đối với việc thực hành Shukden. Sự kiện này được kết thúc bằng màn trình diễn sôi nổi của một nhóm nhạc sĩ Mông Cổ đã cuốn hút hầu hết các khán giả.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cảm ơn tất cả những người đã tham gia vào việc thực hiện lễ cúng dường Trường thọ cho Ngài, nói với họ rằng sức mạnh của đức tin và sự thành thật của họ chắc chắn sẽ có hiệu quả. Ngài đặc biệt cảm ơn những người Mông Cổ đã có những nỗ lực để đến tham dự. Khi một số khán giả nghĩ đến việc trở về nhà, Ngài khuyên họ nên ra về trong an lạc, nên nghĩ về lý duyên khởi và tụng 'Om mani padme hum'.
Vào cuối buổi chiều, Bộ trưởng của bang Bihar, Ngài Nitish Kumar đã đến viếng thăm Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại khu cư trú của Ngài ở tầng trên cùng của Tu viện Ganden Phelgyeling.