Darmstadt, Đức - Người Tây Tạng và những người thiện nguyện khác đã tụ tập để cung tiễn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Rotterdam sáng hôm qua. Chuyến bay đến Frankfurt chỉ mất một giờ đồng hồ, sau đó Ngài đi xe vào Darmstadt. Trong số những người tập hợp dưới ánh mặt trời ấm áp để cung đón Ngài tại khách sạn của Ngài trong ‘Thành phố Khoa học’ gồm có những người Tây Tạng, các nhà hoạt động và các nhà báo. Ngài đã dành thời gian để tương tác với tất cả họ, đặc biệt là trẻ em; bắt tay với một số người, nói chuyện với những người khác và thỉnh thoảng trả lời các câu hỏi. Ngài có vẻ rất vui khi được gặp lại một vài người bạn cũ.
Sáng nay, khi những tia nắng ban mai chạm vào những mái nhà trong vùng lân cận của khu vực Ernst Ludwi, Ngài đã đi xe vòng quanh chòm nhà để đến Tòa Hội Nghị Darmstadtium. Ngài được chào đón bởi các thành viên của hội nghị buổi sáng, đặc biệt là Lech Walesa, Wolfgang Grader của Sáng kiến Tây Tạng De, Bộ trưởng Tài chính Hessian - Thomas Schäfer và Thị trưởng Darmstadt - Jochen Partsch. Tiếng vỗ tay chào đón khi họ bước lên khán đài.
Wolfgang Grader đã có lời giới thiệu ngắn gọn. Thomas Schäfer nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng: “Ngài đã là nguồn cảm hứng cho chúng con; Ngài đã thể hiện được sức ảnh hưởng của tinh thần bất bạo động”. Grader bày tỏ lòng biết ơn đối với tiểu bang Hesse vì sự ủng hộ của họ; và mời Thị trưởng của Darmstadt - Jochen Partsch - một người ủng hộ nổi bật của Tây Tạng - phát biểu.
Thị trưởng nhận xét, “Đây là một sự kiện quan trọng dành cho thành phố của chúng tôi đóng vai trò chủ nhà cho ba Vị đoạt giải Nobel Hòa bình. Chúng tôi rất vinh dự. Đồng thời, tôi biết rằng, mặc dù chúng tôi có thể phải trải qua một chút áp lực ngoại giao, nhưng sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Tây Tạng không đặt chúng tôi vào sự nguy hiểm đối với cuộc sống của chúng tôi như là cuộc khởi nghĩa đối với những người ở Tây Tạng.” Ông so sánh Luật Cơ Bản của Đức, đó là Hiến pháp của Đức và Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền con người; và lưu ý rằng những lời đầu tiên của Luật Cơ bản là, "Phẩm giá con người sẽ là bất khả xâm phạm".
Grader hoàn thành phần giới thiệu của mình bằng cách trở lại năm 1989 - năm của sự thay đổi. Đó là năm của Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh; năm Bức tường Berlin sụp đổ; và là năm mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa bình. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy nhân quyền và nhân phẩm cơ bản của con người. Cuối cùng, ông tuyên bố rằng Sáng kiến Tây Tạng De đang đau buồn về sự mất mát của một trong những thành viên sáng lập thân yêu nhất - Tsewang Norbu - người đã đột ngột qua đời cách đây vài tuần trước.
Vị điều phối viên của cuộc thảo luận trong ngày - nhà báo có uy tín Dunja Hayali - đã giới thiệu về chính mình; và giải thích rằng bạo lực và bất bạo lực; cũng như sự lạm dụng về quyền lực; là những chủ đề mà cô đã quan tâm đến nhiều nhất. Cô nói rằng mình hết sức vui mừng khi được diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, cô đã đặt ra một câu hỏi chung cho hội nghị này - sự bất bạo động có thể giúp đỡ như thế nào? Phương pháp thích hợp để chấm dứt bạo lực là gì?
Trước tiên, Hayali yêu cầu Sinisa Sikman - một người Serbia đến từ Belgrade - nói chuyện với hội chúng. Cậu ta bắt đầu: “Tashi delek (Xin chào) tất cả các bạn! Tôi đến từ Serbia; bạn bè của tôi và tôi đã chống lại Milosevic bằng tinh thần bất bạo động. Chúng tôi đã chứng minh được rằng, nếu bạn có ý tưởng rõ ràng và bạn cố gắng đưa nó vào sự hiệu quả, bạn có thể thành công. Chúng tôi đã tìm ra ba nguyên tắc để thành công - sự rõ ràng, lập kế hoạch và kỷ luật bất bạo động. “Lập kế hoạch” có nghĩa là đánh giá “những gì bạn có thể làm được”, không phải “những gì bạn muốn”; và “kỷ luật bất bạo động” có nghĩa là “kiềm chế những kẻ ngốc có khuynh hướng ném đá”. Một yếu tố quan trọng khác là duy trì một ý thức bình tĩnh ôn hoà.”
Dardhon Sharling - Bộ trưởng Thông tin và Quan hệ Quốc tế của Chính quyền Tây Tạng Trung ương (DIIR, CTA) giải thích rằng Tây Tạng đã là một quốc gia độc lập cho đến năm 1949 khi nó bị xâm chiếm bởi người Trung Cộng và chịu sự chiếm đóng quân sự. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thoát sang Ấn Độ vào năm 1959, và sau đó Chính quyền Tây Tạng Trung ương dân chủ được thành lập. Cô nói, Trung Quốc muốn kiểm soát hoàn toàn Tây Tạng, điều đó đã làm nổi lên những cuộc khởi nghĩa vào những năm 1959, năm 1980 và 2008, sau đó là những cuộc đàn áp tàn bạo.
Sharling mô tả về cách người Tây Tạng tiếp tục khởi nghĩa; trích dẫn ví dụ về 32 cuộc biểu tình chống lại sự khai thác trong một khu vực mà người Tây Tạng coi là thiêng liêng. Cô cho thấy rõ ràng rằng, sự phản kháng phi bạo lực có liên quan đến hành động; nó không phải chỉ là việc áp dụng một lập trường thụ động. Quay sang một Vị Tăng sĩ bên cạnh, cô ấy nói: “Thầy Golok Jigme ở đây đã không từ bỏ, và chúng tôi cũng không thể. Chúng ta phải sử dụng sự tự do của mình để hỗ trợ những người như ông ta. Hãy hành động để thay đổi! - Hãy tham gia cùng chúng tôi!”
Lưu ý rằng Mahatma Gandhi nói rằng “bất bạo động” là vũ khí của sự mạnh mẽ, Hayali thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ những suy nghĩ của Ngài.
“Các anh chị em thân mến,” Ngài trả lời, “thật vinh dự khi được tham gia sự kiện này. Con người bị quấy rầy bởi bạo lực; và niềm khát vọng hòa bình đang tăng lên từ năm này sang năm khác. Để đạt được điều đó, chúng ta phải áp dụng một phương pháp thực tế, xem xét các phát hiện khoa học cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Sau quá nhiều bạo lực, kết quả tích cực đạt được là gì - chẳng có gì cả! Chỉ có sự hận thù nhiều hơn mà thôi! Bạo lực không phải là phương pháp thích hợp đúng đắn để giải quyết vấn đề.
“Tôi thường nói với mọi người mà tôi gặp gỡ rằng, tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu. Gia sư vật lý của tôi - Carl Friedrich von Weizsäcker - đã nói với tôi rằng, trong thời thơ ấu của ông ta, người Pháp và người Đức chỉ nhìn nhau như kẻ thù. Nhưng sau Thế chiến thứ hai, điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Bạo lực phát sinh khi chúng ta phân chia mọi người thành 'chúng ta' và ‘bọn họ', nhưng trong trường hợp của người châu Âu, tất cả các bạn đều thuộc về một cộng đồng. Kể từ khi EU được thành lập đã có nhiều thập kỷ hòa bình ở châu Âu.
“Thái độ đối với chiến tranh và bạo lực đã thay đổi rất nhiều giữa thời kỳ đầu và cuối thế kỷ 20. Đến cuối cùng, mọi người đã trưởng thành và đã rút lại sự ủng hộ của họ đối với bạo động và sử dụng vũ lực. Mang tư tưởng này hướng về phía trước, chúng ta nên làm cho thế kỷ này trở thành một kỷ nguyên đối thoại; chúng ta nên giải quyết các vấn đề của mình bằng cách nói chuyện với họ. Chúng ta cũng nên đặt vấn đề của việc “phi quân sự hoá” thành mục tiêu thực sự.
“Tại một cuộc họp của những người đoạt giải Nobel Hòa bình được chuyển từ Nam Phi đến Rome, chúng tôi đã thảo luận về việc cắt giảm và loại bỏ vũ khí hạt nhân. Tôi đề nghị rằng chúng ta nên thiết lập một thời gian biểu và giữ quyền hạn hạt nhân đối với nó, nhưng chẳng có gì xảy ra cả! Mục đích của chúng ta phải là một thế giới tự do phi quân sự, phi hạt nhân; hãy lưu tâm rằng sự giải trừ vũ khí bên ngoài phụ thuộc vào sự giải trừ ở nội tâm. Là con người, tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống. Châu Âu phụ thuộc vào cả phần còn lại của thế giới. Điều quan trọng đối với các mối quan hệ hòa bình là bất bạo động và đạo đức thế tục.
Karim Wasfi - cựu chỉ huy dàn nhạc quốc gia Iraq và là người sáng lập Tổ chức Hòa bình thông qua Nghệ thuật, đã giành được một cái tên cho chính mình bằng cách chơi nhạc cụ hồ cầm của mình tại các khu vực của những vụ đánh bom và các hành vi bạo lực khác. Ở đây ông đã cung cấp một bản nhạc đặc biệt.
Hayali giới thiệu các thành viên của cuộc hội thảo; Rebecca Johnson - một nhà vận động suốt đời vì phi bạo lực và loại bỏ vũ khí hạt nhân, là một nhà lãnh đạo của Chiến dịch Quốc tế chống vũ khí hạt nhân (Ican) được trao giải Nobel Hòa bình. Claudia Roth - Phó chủ tịch của Bundestag Đức, đã đại diện cho các đảng Xanh /Liên minh 90. Cô là một người ủng hộ trung thành với sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng và hoạt động tích cực trong chiến dịch chống lại biến đổi khí hậu. Lech Walesa là lãnh đạo của phong trào Tinh thần Đoàn kết và sau này trở thành Tổng thống của Ba Lan.
Hayali nhớ lại rằng vào ngày 21 tháng 9 năm 1987, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiết lộ Kế hoạch Hòa bình Năm điểm của mình dành cho Tây Tạng. Cô hỏi Ngài, nếu bây giờ nhìn lại, Ngài vẫn còn cảm thấy rằng đó là cách đi đúng đắn. Ngài trả lời:
“Ở cấp độ toàn cầu, chúng ta đã thấy quá nhiều đau khổ. Trước khi cuộc chiến tranh thứ hai với Iraq nổ ra, hàng triệu người trên khắp thế giới đã thể hiện sự chống lại bạo lực hơn nữa. Tôi cũng bị ấn tượng bởi sự cam kết của Đức và Nhật Bản, cả hai đều đã đứng lên từ đống tro tàn của Chiến tranh thế giới thứ hai, để đến với hòa bình.
“Trong trường hợp của Tây Tạng - sau khi ký kết thỏa thuận 17 điểm, các cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở miền Đông Tây Tạng vào năm 1956, ở vùng Đông Bắc vào năm 1957 và cuối cùng trên khắp đất nước vào năm 1958-1959. Vào tháng 3 năm 1959, toàn bộ dân chúng ở Lhasa đã nổi dậy trong cuộc nổi loạn. Vì có những mối đe dọa cho cuộc sống của tôi, nên tôi đã vượt thoát, suy nghĩ để đàm phán thương lượng thêm với người Trung Quốc từ miền Nam Tây Tạng. Nhưng khi chúng tôi rời đi, họ đã bắn phá thành phố, vì vậy không còn cơ hội nào nữa.
“Trong sự chống đối của Pandit Nehru, chúng tôi đã nêu lên vấn đề Tây Tạng tại Liên Hiệp Quốc nhiều lần, nhưng không có kết quả. Đầu năm 1974, chúng tôi quyết định không tìm kiếm sự độc lập nữa; và năm 1978 Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng - ngoại trừ sự độc lập ra - mọi vấn đề khác đều có thể thảo luận. Trong tình huống này, chúng tôi đã phát triển Phương pháp Trung Đạo; một mục tiêu chính sách về lợi ích chung. Phương pháp này, được hỗ trợ bởi giới trí thức Trung Quốc và Phật tử Trung Quốc, được bắt nguồn từ tinh thần bất bạo lực.”
Lech Walesa hỏi về điều mà người ta nghĩ là không chắc chắn, rằng Tây Tạng sẽ trở nên tự do khỏi Trung Quốc hay quyền lực của Liên Xô sẽ sụp đổ. Theo ý kiến của Ngài, sự sụp đổ của Liên Xô thường không được xem xét. Tuy nhiên, Ngài nhớ lại, ở giữa các cuộc biểu tình Tinh thần Đoàn kết, cảnh báo Hans Dietrich Genscher - Ngoại trưởng Đức - có khả năng rằng Bức tường Berlin sẽ sụp đổ.
“Thời đại đó đã kết thúc,” Ngài nói, “và hệ thống tư bản mà chúng ta có hiện nay thì vô cùng bất bình đẳng. Đồng thời, Ba Lan bị bao phủ bởi một chính phủ không đại diện. Có thể làm được gì? Chúng ta phải chờ đợi cuộc bầu cử tiếp theo.”
Rebecca Johnson nhớ lại cuộc biểu tình tuần hành trong thập niên 70 để bảo vệ quyền của phụ nữ. Sau đó, phụ nữ biểu tình tuần hành để ủng hộ Tinh thần Đoàn Kết. Họ tuần hành ủng hộ Tây Tạng. Trong thời gian đó, họ thiết lập các trại hòa bình - chẳng hạn như tại Greenham Common - để phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi đã quyết định,” cô nói, “cũng giống như người Tây Tạng vẫn vậy. Nếu chúng ta có thể làm cho Tây Tạng được tự do, nó sẽ là một ví dụ sống động rằng “bất bạo động” sẽ thành công. “Bất bạo động” không hề thụ động, nó rất năng động. Đó là về việc thực hiện những điều đúng đắn, và chúng tôi đã sử dụng nó để phản đối việc tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân - chúng tôi vẫn phải ép buộc những quốc gia có vũ khí hạt nhân phải từ bỏ những vũ khí ấy.”
Claudia Roth nói với hội nghị rằng Cô đã được Petra Kelly giới thiệu với Ngài và luôn nghĩ đến sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng về quyền con người. Cô nói rằng Ngài đã không từ bỏ con đường hòa bình và bất bạo lực, cô khẳng định rằng thế giới rất cần những người như Ngài với tầm nhìn để thiết lập hòa bình và nhân quyền; và chấm dứt quân sự hoá và sự lệ thuộc vào vũ khí.
“Tôi đã học được từ Ngài về hiệu quả sức mạnh của tình yêu thương. Chúng ta cần phải đáp lại sự hận thù bằng tình yêu thương; chúng ta cần những trái tim ấm áp ở những nơi có trái tim lạnh lùng và cảm giác cô lập.”
Lech Walesa nói thêm rằng đôi khi cần phải nhạo báng đối thủ để ngăn cản anh ta trở thành đối thủ.
Dunja Hayali hỏi Ngài có suy nghĩ gì về các Tăng Sĩ và các Phật tử khác đã sử dụng bạo lực để chống lại người Rohingya.
Ngài trả lời: “Khi cuộc khủng hoảng này đầu tiên nổ ra, tôi đang ở Washington DC. Tạp chí Time đã đăng ở trang bìa với một bức ảnh của một Tăng Sĩ Phật giáo trên đó và câu hỏi, Khủng bố Phật giáo? Tôi đã bị sốc. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, nếu Đức Phật có ở đó, Ngài sẽ bảo vệ cho những người anh em Hồi giáo này. Tôi yêu cầu những Phật tử Miến Điện liên quan đến các cuộc tấn công vào những người này hãy nhớ đến khuôn mặt của Đức Phật.
“Tôi quen biết với Aung San Suu Kyi; và khi chúng tôi gặp tôi, tôi thúc giục cô ấy hãy làm điều gì đó để ngăn chặn những gì đang diễn ra. Tôi cũng đã viết thư cho cô ấy. Cô ấy nói với tôi rằng tình hình rất khó khăn; và các nhà sư chiến binh đã liên kết chặt chẽ với quân đội. Tôi nghĩ rằng sự đau khổ của người Rohingya tương tự như những gì mà người Palestine đã phải đối mặt từ năm 1948. Nền tảng của những vấn đề này chính là việc nhìn những người khác trong sự phân biệt giữa ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’.”
Hayali yêu cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma làm sáng tỏ quan điểm của Ngài về vấn đề người tỵ nạn. Ngài nói với cô ấy rằng, khi mọi người trốn thoát khỏi sự nguy hiểm trên tổ quốc của họ thì chúng ta có quyền chăm sóc họ. “Hiện tại không có khoảng một triệu người tị nạn ở Đức? Họ không được chăm sóc theo sáng kiến của Thủ tướng Merkel?
“Quý vị có văn hóa, kiến thức và cách sống của riêng mình ở đây; và những người tị nạn này đến từ một nền văn hóa, khí hậu và lối sống khác. Cung cấp cho họ nơi trú ẩn; cung cấp cho con cái của họ sự giáo dục; và đào tạo thực hành cho những thanh thiếu niên của họ để trang bị cho họ có thể xây dựng lại đất nước của mình khi thời gian đến. Có 150.000 người tỵ nạn Tây Tạng của chúng tôi; và trong trái tim chúng tôi, chúng tôi luôn mong muốn một ngày nào đó được trở về để xây dựng lại đất nước của mình. Vì vậy, một yếu tố khác là giúp khôi phục lại hòa bình ở các nước mà những người này đã bỏ ra đi. Tôi hy vọng rằng vào cuối thế kỷ này, ranh giới quốc gia sẽ không còn có vẻ quan trọng như vậy nữa.”
Chỉ còn thời gian cho một câu hỏi từ phía khán giả - Ngài có lời khuyên nào cho chúng con? Ngài đáp: “Chân thành, trung thực, và vị tha. Nếu bạn quan tâm đến việc chăm sóc người khác, thì sẽ không có chỗ cho những lời nói dối, bắt nạt và gian xảo. Nếu bạn trung thực, bạn có thể sống một cách minh bạch, điều này sẽ cho phép bạn thiết lập sự tin tưởng - nền tảng của tình bạn. Tất cả chúng ta đều có xu hướng bị thúc đẩy bởi sự ái trọng tự thân; sự khéo léo là theo đuổi sự ái trọng tự thân của bậc trí, điều này bao gồm cả việc mang lại lợi ích cho tha nhân.”
Khi 1500 người trong hội trường đều vỗ tay vang dội, Ngài bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với từng diễn giả bằng cách tặng cho họ một chiếc khăn lụa trắng. Ngài và những người tham gia thảo luận cùng dùng cơm trưa với nhau trước khi Ngài trở về khách sạn.
Ngày mai, Ngài sẽ tham dự một sự kiện ở Heidelberg trước khi đi đến Zurich.