Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Dãy núi Dhauladhar hùng vĩ đứng sừng sững vững chãi giữa bầu trời trong xanh, sau những trận mưa gió mùa, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi từ Dinh Thự của Ngài đến Tsuglagkhang - ngôi Chùa Chính của Tây Tạng, sáng nay. Sân chùa đã đông đúc, mọi người đều háo hức muốn được diện kiến Ngài, những nụ cười trên khuôn mặt của họ và những bàn tay chắp lại cung kính đón chào. Bên trong Chánh Điện, Ngài vẫy tay chào đám đông, chào mừng những vị Lạt Ma ngồi quanh Pháp toà; và Ngài an toạ.
Trong số 6500 người tham dự, có 1000 người Đài Loan, hầu hết trong số họ thuộc 18 tổ chức văn hóa tham gia Hiệp hội Phật giáo Tây Tạng Quốc tế, Đài Loan. Ngoài ra, có 500 người Ấn Độ, 1800 người từ 66 quốc gia ở nước ngoài và 3200 người Tây Tạng.
Chư Tăng Thái Lan đã thực hiện một sự khởi đầu cát tường cho tiến trình của Pháp Hội khi họ tụng Kinh Mangala bằng tiếng Pali. Chư Phật Tử Đài Loan sau đó đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Hoa. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hoàn thành các nghi thức ban đầu bằng cách đọc các bài kệ Kính Lễ Đức Phật từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” và "Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ. Ngài chào đón mọi người trong khán giả:
“Những người trong số quý vị từ Đài Loan đã đến đây từ nhiều năm nay và hôm nay cũng có nhiều người từ nhiều nơi khác - tôi xin chào tất cả quý vị. Tôi sẽ bắt đầu với sự giới thiệu về giáo lý của Đức Phật. Nhiều người trong số quý vị có thể đã quen thuộc với nó, nhưng cũng có thể có một số người trước đây chưa từng được nghe về nó." Bài Kệ sau đây đã tóm tắt lời khuyên của Đức Phật:
“Không làm các điều ác
Thực hành các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch,
Ấy lời Đức Phật dạy”
“Tất cả các tôn giáo đều dạy chúng ta đừng gây tổn hại, mà nên có một tấm lòng tử tế. Có những truyền thống hữu thần thì tin vào Đấng sáng tạo; và truyền thống vô thần thì tin về nghiệp báo. Tất cả họ đều khuyến khích chúng ta giúp đỡ những người khác và không làm tổn hại đến họ.
“Quý vị điều phục tâm thức của mình bằng cách nào?
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
“Một truyền thống phong phú về tâm lý và triết học đã tồn tại ở Ấn Độ vào thời của Đức Phật. Một niềm tin phổ quát về những kiếp sống trong quá khứ và vị lai đã được hỗ trợ bởi các báo cáo của những cá nhân có ký ức về cuộc sống trước đây của họ. Vì cơ thể không du hành từ đời này sang đời khác, câu hỏi ở đây là cái gì đã thực hiện việc di chuyển qua các kiếp sống đó? Nhiều trường phái tư tưởng đặt ra một sự tách rời khỏi sự kết hợp giữa tâm thức và cơ thể mà họ gọi là atman (ngã). Điều phục tâm thức dựa vào sự rèn luyện về đạo đức và tập trung thiền định trên cơ sở mà trí tuệ có thể được trau giồi.
“Nhiều hành giả tâm linh Ấn Độ khao khát vượt qua cõi dục giới và sự tham luyến mà nó liên quan đến, điều mà họ xem là đầy rẫy những vấn đề rắc rối. Thông qua sự thiền định miên mật, họ tìm cách để đạt được đến những cảnh giới của cõi sắc và vô sắc giới an bình hơn và vi tế hơn.
“Sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, Đức Phật đã từ bỏ lối sống thoải mái của mình khi Ngài nhận ra những đau khổ liên quan đến sinh, già, bệnh, chết. Ngài dấn thân vào cuộc sống vô gia cư của một người khổ hạnh. Là kết quả của sự rèn luyện về đạo đức và sự tập trung thiền định của mình, Ngài nhận ra rằng, “ngã” chỉ là một sự định danh và khác xa với một bản ngã duy nhất, tự chủ, thường hằng. Ngài tiếp tục thừa nhận rằng, niềm tin vào một bản ngã duy nhất, tự chủ, thường hằng, sẽ củng cố thêm cho sự bám víu vào nó. Có một khái niệm về bản ngã có chức năng giống như một chủ nhân của các khía cạnh khác của sự kết hợp giữa tâm thức và cơ thể - những thành phần hoạt động giống như những người hầu của nó. Do đó, bản ngã được xem là tách biệt với sự kết hợp giữa tâm thức và cơ thể.
“Trong sự giác ngộ của mình, Đức Phật đã nhận ra một ý nghĩa về sự vô ngã hoàn toàn trái ngược với ý tưởng về một “tự ngã” duy nhất, tự chủ, thường hằng. Do đó, Ngài được cho là đã phản ánh rằng:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng khi, dĩ nhiên, Đức Phật gặp năm người bạn đồng hành cũ ở Vườn Nai bên ngoài Varanasi, họ nhận ra một sự thay đổi trong phong thái của Ngài và thỉnh cầu Ngài dạy cho họ những gì mà Ngài đã chứng ngộ. Do đó Ngài đã dạy cho họ về Bốn Sự Thật (Tứ Diệu Đế) - sự thật của đau khổ; sự thật về nguồn gốc của đau khổ; sự thật về sự chấm dứt của đau khổ; và sự thật về con đường dẫn đến sự chấm dứt đó. Về những gì họ cần làm, Ngài giải thích rằng, đau khổ cần phải được nhận biết; nguồn gốc của nó cần phải được khắc phục; sự chấm dứt của nó cần phải đạt được; và con đường đưa đến sự chấm dứt ấy cần phải được tu tập.
Tuy nhiên, về mặt kết quả, Ngài đã làm rõ rằng, mặc dù đau khổ cần phải được nhận biết nhưng không có gì để được nhận biết; mặc dù nguồn gốc của nó cần phải được khắc phục nhưng không có gì để khắc phục; sự chấm dứt của nó cần phải đạt được nhưng chẳng có gì để đạt được; và con đường đưa đến sự chấm dứt ấy cần phải được tu tập nhưng không có gì để tu tập.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng, Đức Phật đã xác định 16 đặc tính của Tứ Diệu Đế, bốn đặc điểm liên quan đến mỗi chân lý. Bốn đặc điểm của chân lý của đau khổ là vô thường, khổ, không và vô ngã. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm rõ rằng ở một mức độ nào đó chúng ta có thể hiểu được sự vô thường có nghĩa là cuộc sống kết thúc bằng cái chết. Nhưng ở cấp độ vi tế hơn, điều này có nghĩa là mọi thứ đều sinh, trụ, dị, diệt trong sự hủy diệt. Vi tế thì vẫn là sự hiểu biết rằng sự tan rã của một hiện tượng được mang đến bởi chính nguyên nhân của nó. Do đó, sự thay đổi thành tập hợp các uẩn tâm lý-vật lý của chúng ta, sự kết hợp giữa tâm thức và cơ thể của chúng ta, xuất phát từ nguyên nhân của nó, đó là nghiệp chướng và phiền não.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “Điều quan trọng cần phải nhận ra, đó là sự đau khổ bắt nguồn từ sự vô minh. Chúng ta sẽ không khắc phục được nó cho đến khi chúng ta đối trị lại sự vô minh (thiếu hiểu biết) - đó là một cái nhìn méo mó sai lầm về thực tại. Bao lâu chúng ta còn nghĩ về “cái tôi” như một tự ngã độc lập, thì bấy lâu chúng ta vẫn phải chịu sự chi phối của sự vô minh đó. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm kiếm một “tự ngã” như một thực thể độc lập với sự kết hợp giữa tâm thức và cơ thể, chúng ta không tìm thấy gì cả. Chúng ta không thể tìm thấy một cái “ngã” như thế trong số năm uẩn thuộc tâm-vật lý tạo nên sự kết hợp giữa tâm thức và cơ thể, cũng như nó không thể được nhận dạng bởi ý thức.
“Cũng giống như chiếc xe đẩy được chỉ định trên cơ sở các bộ phận của nó, vì vậy một người được chỉ định trên cơ sở các uẩn thuộc tâm - vật lý. Ngài Long Thọ giải thích rằng, Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên. Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm. Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm; Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không. Chúng ta có thể có được kinh nghiệm về tánh Không nếu chúng ta cố gắng hết sức. Nếu chúng ta đọc những tác phẩm của Ngài Long Thọ và những người đệ tử của Ngài, chúng ta có thể thấy được cách họ giải thích một cách triệt để rằng không hề có một cái “ngã” độc lập.
“Sự phiền não của tâm thức liên quan đến một cái nhìn méo mó sai lầm về thực tại không phải là bản chất nội tại cố hữu của tâm thức; bởi vì bản chất của tâm thức là sự rõ ràng và tỉnh thức. “Diệt” là trạng thái của tâm thức mà trong đó sự phiền não đã được khắc phục. Do đó, sự giải thoát sẽ đạt được bằng cách tịnh hoá tâm thức một cách triệt để hoàn toàn.”
Đáp lại các câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã thảo luận về điều nào được chứng ngộ trước tiên, “nhân vô ngã” hay “pháp vô ngã”. Ngài trích dẫn “Tràng hoa Báu” của Ngài Long Thọ, nói rằng bao lâu còn có sự bám chấp đối với các uẩn thuộc về tâm - vật lý, thì bấy lâu có sự bám chấp vào “nhân ngã” (cái ngã của con người). Tuy nhiên, trong các phần trình bày trong Đại Luận và Trung Luận của Ngài về ‘Các giai trình của Đạo Lộ’, Ngài Je Tsongkhapa đã trình bày về “nhân vô ngã” trước và “pháp vô ngã” sau. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, vì Đức Phật đã thấu triệt trong các giáo lý của Ngài, cho nên chúng ta cần phải thấu đáo trong các sự nghiên cứu của mình.
"Lần đầu tiên tôi nghe về “tánh Không” cách đây 70 năm về trước, và tôi đã suy nghĩ về nó trong 60 năm qua," Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ lại. “Thật tốt khi chúng ta có sự hiếu kỳ, tò mò. Là một đứa bé, khi tôi nhìn thấy những loài côn trùng khác nhau, tôi muốn biết chúng đến từ đâu. Tôi cũng muốn biết tại sao lại có rất nhiều loại hoa khác nhau. Trong 50 năm qua, tôi cũng đã suy nghĩ sâu sắc về Bồ Đề Tâm. Hôm nay, tôi nghe một báo cáo rằng người cao tuổi đang càng ngày càng trải qua sự cô đơn, điều đó nhắc tôi rằng, nếu bạn rèn luyện lòng từ bi và bồ đề tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận rằng, ngoài nhu cầu hoàn toàn thuần hóa tâm thức, thì cũng rất cần thiết để chúng ta duy trì cơ thể của mình và đã đến giờ cơm trưa. Ngài sẽ tiếp tục thuyết giảng vào sáng mai.