Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Kalachakra Maidan, chào đám đông và an tọa trên Pháp Tòa. Trong khi “Bát Nhã Tâm Kinh” được tụng bằng tiếng Trung Quốc, thì Ngài đã tiến hành nghi lễ chuẩn bị cho lễ truyền sự cho phép được thực hành về Diệu Âm Thiên Nữ mà Ngài đã quyết định sẽ ban truyền. Ngài nhận xét rằng, trong những buổi thuyết Pháp gần đây mà Ngài đã giảng ở Bồ Đề Đạo Tràng, những người đến từ các quốc gia theo truyền thống Phật giáo đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” vào đầu những buổi thuyết Pháp theo phong cách và ngôn ngữ riêng của họ. Ngài nhớ lại năm mươi năm trước, những người trẻ phương Tây bắt đầu đi du lịch đến Châu Á nói chung và Ấn Độ nói riêng, họ quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại. Nhiều người trong số họ đã trở thành Phật tử. Do đó, hôm nay, “Bát Nhã Tâm Kinh” sẽ được tụng bằng tiếng Anh.
Ngài giải thích: "Vì các truyền thống tôn giáo, nói chung, có lợi ích cho con người, cho nên họ xứng đáng với sự tôn trọng của chúng ta". "Thật là đáng buồn nếu tôn giáo trở thành cơ sở của xung đột và bạo lực. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu ta làm việc vì sự hòa hợp giữa các truyền thống khác nhau của chúng ta. Ở Tây Tạng, tôi biết rất ít về các truyền thống khác, nhưng ở Ấn Độ, tôi đã được gặp những người như Thomas Merton, một người tâm linh sâu sắc, đã mở mắt giúp tôi về tiềm năng của Cơ đốc giáo. Sau đó, tôi đã được kết bạn với những người thuộc các tôn giáo khác và phát triển sự ngưỡng mộ đối với họ. Mặt khác, ở Scotland, một tu sĩ tận tụy đã nói với tôi rằng, trong thời gian vị Thầy của anh ta còn sống thì anh vẫn muốn giữ mình là một người Thiên Chúa Giáo; nhưng sau đó anh ta muốn thực hành như một người Phật tử.
"Điều này nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện khác về một phụ nữ Tây Tạng trong những năm 1960 đã chấp nhận sự hỗ trợ của các nhà truyền giáo để bảo đảm rằng con cái của cô ấy sẽ được học hành. Cô ấy nói với tôi rằng để trả ơn lòng tốt của họ, cô ấy sẽ là một tín đồ Thiên Chúa Giáo trong cuộc đời này, nhưng kiếp sau Cô sẽ làm một người Phật tử. Có tiếp nhận sự thực hành của một tôn giáo hay không - đó là sự lựa chọn của chính chúng ta. Đó không phải là điều mà có thể áp đặt bằng sự bắt buộc."
Cách mà mọi người tiếp cận với sự thực hành tôn giáo có thể khác nhau rất nhiều. Nói chung, những người có tài năng không sắc sảo thì dựa vào đức tin, nhưng những người có trí thông minh sắc bén thì muốn kiểm tra những gì mà họ đã học được trong ánh sáng logic và lý trí. Do đó, ngày nay, tôi rất ấn tượng với phương pháp được rút trong “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” để giới thiệu về Phật giáo - đầu tiên bằng cách thảo luận về Hai Chân lý Nhị Đế, sau đó là Tứ Diệu Ðế và cuối cùng thông qua sự hiểu biết về những phẩm chất của Tam Bảo - Phật, Pháp và Tăng”.
Trước khi đọc tiếp “Kim Cang Năng Đoạn” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng vào cuối buổi Ngài sẽ truyền sự cho phép thực hành về Thiên Nữ Diệu Âm, vị nữ thần có sự kết nối với trí tuệ.
Ngài đọc đều đặn xuyên suốt bản Kinh, thỉnh thoảng dừng lại đó đây để bình luận. Ngài nhận xét rằng phương pháp để phát triển sự hiểu biết về tánh Không là lắng nghe sự giải thích về nó, suy ngẫm về những gì bạn đã nghe và thiền định về những gì bạn đã hiểu. Bản Kinh lặp đi lặp lại về vấn đề cho rằng mặc dù các hiện tượng không có sự tồn tại cố hữu của nó, nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại gì cả; bởi vì chúng có sự tồn tại về chức năng theo cách định danh. Đây là quan điểm của Trung Đạo - tránh hai thái cực về sự tồn tại vĩnh hằng và sự hoàn toàn không tồn tại.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi ý rằng, lời tuyên bố của Đức Phật trong bài Kệ cuối cùng có thể được giải thích rất nhiều. Một lần nữa, nó ám chỉ đến thực tại tối thượng của sự vật trong bối cảnh của sự tồn tại danh nghĩa, sự tồn tại của chúng theo cách định danh - không gian - giống như sự trống rỗng và bản chất huyễn hóa của sự vật.
Với tinh thần nào sự giải thích này được nêu lên?
Mà không bị vướng mắc vào trong các dấu hiệu,
Chỉ tùy theo các pháp như chúng đang là, mà không kích động.
Tại sao phải lại là như thế?
Vì tất cả những gì được tạo tác đều như giấc chiêm bao,
Như ảo ảnh, như giọt sương, như tia chớp.
Đó là cách mà ta thiền định về chúng,
Đó là cách mà ta quan sát về chúng.
Ngài khuyên rằng các Phật Tử Trung Quốc nên giới thiệu về việc đọc tụng và nghiên cứu về “Trí Tuệ Cơ Bản về Trung đạo” và “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Ngài Long Thọ cho các Tu Viện và Chùa chiền của họ. Tuy nhiên, Ngài nói thêm, điều này không nên chỉ giới hạn cho các tu sĩ, mà người Phật Tử cũng nên tham gia.
Khi bắt đầu truyền sự cho phép thực hành về Thiên Nữ Diệu Âm, Ngài giải thích rằng nó được rút ra từ bộ sưu tập có tên là Rinjung Gyatsa mà Ngài đã được thọ từ Tagdrak Rinpoche. Ngài nói rằng Thiên Nữ Diệu Âm là vị nữ thần có liên quan rất chặt chẽ đến trí tuệ, cũng giống như Đức Văn Thù Sư Lợi vậy, Ngài nói thêm:
"Trung Quốc có mối quan hệ đặc biệt với Đức Văn Thù Sư Lợi, và Ngũ Đài Sơn - Năm Đỉnh Núi là nơi thiêng liêng gắn liền với Đức Văn Thù. Nếu các bạn Trung Quốc có thể thực hành được cả hai Pháp hành của Đức Văn Thù Sư Lợi và Diệu Âm Thiên Nữ, thì sẽ mang lại lợi lạc đặc biệt cho quý vị. Trong khi đó, tôi cầu nguyện rằng một ngày nào đó tôi có thể đến thăm được Ngũ Đài Sơn để được nhận sự ban phước lành của Đức Văn Thù - và quý vị cũng có thể cầu nguyện cho điều đó. Để làm cho chuyến hành trình đến Bồ Đề Đạo Tràng của quý vị có ý nghĩa và giá trị, hãy cố gắng phát triển sự hiểu biết về tánh không và trưỡng dưỡng tấm lòng nhân hậu”.
Buổi thuyết Pháp được kết thúc bởi một vị đại diện của Ban tổ chức lên tổng kết lại những Pháp hội khác nhau đã diễn ra từ khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Bồ Đề Đạo Tràng vào đầu tháng. Ông đưa ra một bản tường trình về ngân khoản để báo cáo rõ ràng về số tịnh tài mà các nhà tài trợ và Phật tử đóng góp, và số tiền đã chi tiêu cho Pháp Hội. Ông kết thúc bằng lời cảm tạ dành cho Chính quyền Gaya, Ban Quản lý Tháp Bồ Đề Đạo Tràng và nhiều người khác về sự giúp đỡ tận tụy của họ trong việc không những làm cho các sự kiện trở nên khả thi mà còn đảm bảo cho mọi việc được tiến hành trôi chảy thuận lợi và an toàn.