Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sân của Tsuglagkhang - Chùa Chính của Tây Tạng, đã được trang trí một cách tỉ mỉ vào sáng nay. Cấu trúc của mái che trên cao được trang trí bằng ba màu cam, trắng và xanh lục của Ấn Độ. Những người khách - đầy kín cả sân - đã chờ đợi trước cho đến khi cánh cổng trong dinh thự của Ngài được mở ra và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện. Ngài bước đi đều đặn giữa hành lang, vẫy tay và mỉm cười với những người có thiện chí và thỉnh thoảng dừng lại để bắt tay ai đó. Khi quang lâm đến khán đài ở phía dưới Chánh điện, Ngài được giới thiệu với chư vị quan khách và các vị đại biểu chức sắc; sau đó Ngài an tọa trên tòa và mỉm cười trước đám đông.
Vị Thư ký Bộ Quan hệ Quốc tế của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) và Chủ tịch Uỷ ban 'Cảm ơn Ấn Độ' - ông Sonam Dagpo đã giới thiệu về sự kiện này. Ông giải thích rằng ngày 31 tháng 3 đánh dấu ngày Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến Ấn Độ vào năm 1959 sau khi trốn khỏi Tây Tạng. Hôm nay đánh dấu sự bắt đầu của một năm kỷ niệm sự kiện đó sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm kỉ niệm 60 năm sẽ diễn ra vào năm tới. Bên cạnh việc cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông hoan nghênh Vị Chính Khách, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Du lịch và Hàng không Dân dụng - Mahesh Sharma; và Vị Khách danh dự, Tổng Thư ký Toàn quốc của Đảng Bharatiya Janata - Ram Madhav.
Các nghệ sỹ của Viện biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng (TIPA) đã biểu diễn một tiết mục đầy sôi nổi của bài hát 'Thank You India' (Cám ơn Ấn Độ).
Nghị sĩ địa phương Kangra, nguyên Bộ trưởng và là Người phụ trách Diễn đàn Nghị viện Ấn Độ đối với Tây Tạng - Shanta Kumar tuyên bố hôm nay là một ngày đặc biệt. Ông nhớ lại rằng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Ấn Độ, Ngài đã được chào đón như một thành viên khác trong gia đình. Ông nhận xét rằng nhờ sự có mặt của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mà Dharamsala và Kangra đã giành được một vị trí trên bản đồ thế giới, ông cảm ơn Chính phủ Ấn Độ và Thánh Đức Thánh Cha về điều đó! Ông cầu nguyện rằng, các nhà cầm quyền Trung Quốc có một sự thay đổi trong tâm trí và chuyển hóa của trái tim để họ hoan nghênh chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Tây Tạng. Ông nói thêm, "Khi ngày hạnh phúc ấy đến, xin hãy đừng quên những người dân ở Kangra và Himachal Pradesh!"
R.K. Khrimey, một người Arunachali, người Triệu tập Quốc gia của Nhóm Nòng cốt vì Sự nghiệp của Tây tạng - đã báo cáo rằng, khi ông Sikyong - Tiến sĩ Lobsang Sangay nói với ông về kế hoạch tổ chức lễ kỉ niệm này, ông đã nảy ra ý tưởng về một cuộc diễu hành kỷ niệm vì hoà bình. Ý tưởng của ông là lặp lại những bước chân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ nơi Ngài vượt qua biên giới xuống vùng Tawang và vân vân. Ông tạo sự giải trí cho đám đông với những câu chuyện về những ngọn đèo mà họ leo lên và đi xuống; và về những người dân và cây cối kỳ diệu mà họ gặp trên đường đi.
Được mời lên để chúc mừng Ông Naren Chandra Das - người sống sót duy nhất được biết đến của bảy nhân viên súng trường Assam - người đã đón nhận Ngài tại biên giới Ấn Độ vào năm 1959, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ôm chầm chào đón người đàn ông thâm niên này.
Tiếp theo, Ngài phát hành cuốn sách mới của Sonam Wangchuk Shakspo mang tựa đề "Kushok Bakula Rinpoche: Kiến trúc sư Ladakh hiện đại".
Satyavrat Chaturvedi - một nhà chính trị Quốc hội và là thành viên của Rajya Sabha -đại diện cho Madhya Pradesh, mô tả chương trình của ngày này như là một cơ hội độc nhất cho bạn bè thể hiện cảm xúc của họ. Ông tuyên bố rằng, kể từ khi truyền thống Phật giáo Nalanda được thành lập ở Tây Tạng, mối quan hệ đã phát triển và một tình bạn sâu sắc, lâu dài đã tồn tại giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Ông bày tỏ tình cảm rằng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người Tây Tạng theo Ngài không phải là những người tị nạn mà là những vị khách. "Chúng tôi rất vui khi có Ngài ở giữa chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng muốn Ngài có thể trở về quê hương của mình một cách tự tin với hy vọng rằng Ngài sẽ quay trở lại và ghé thăm chúng tôi nhiều lần nữa."
Các thành viên của Viện biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng (TIPA) đã có một màn biểu diễn đầy ấn tượng của Bharatanatyam - một điệu múa cổ điển Ấn Độ truyền thống chỉ được trình diễn bởi phụ nữ.
Phát Ngôn Viên của Quốc hội Tây Tạng lưu vong - Thượng Tọa Khenpo Sonam Tenphel - đã phát biểu tiếp theo. Ông nhớ lại rằng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được lời chào mừng đến với đất nước Ấn Độ từ Thủ tướng Nehru khi Ngài tới biên giới vào năm 1959. Ngay sau đó tại Mussoorie, Ngài đã triệu tập chính phủ lưu vong của mình. Năm 1960, bắt đầu quá trình dân chủ hoá và quốc hội Tây Tạng lưu vong đầu tiên, tiếp đó, vào năm 1963, theo một dự thảo mới của Tây Tạng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trực tiếp giám sát việc thành lập các sở hành chánh và thiết lập các khu định cư và trường học. Ước mơ của Ngài đã được hoàn thành với sự hỗ trợ tốt đẹp của chính phủ và nhân dân Ấn Độ. Sự tử tế này phản ánh những gì nhà chính trị gia kỳ cựu của Ấn Độ Moraji Desai đã miêu tả - là mối quan hệ độc đáo giữa người Ấn Độ và nhân dân Tây Tạng. Phát Ngôn Viên đã kết luận với lời cám ơn Ấn Độ về tất cả những gì mà đất nước này đã làm cho người dân Tây Tạng.
Ca sĩ Tây Tạng - Passang Dolma đã khiến cho đám đông phải say mê với nhạc phẩm 'Ae Hind Tujko Salam' do chính Cô sáng tác.
Vị Khách mời danh dự - Ram Madhav - đã làm cho đám đông cảm thấy thích thú với ý tưởng cho rằng Ấn Độ luôn mở rộng vòng tay và mở rộng trái tim. Vì người Do Thái và người Parses đã tìm thấy hòa bình và tình cảm ở Ấn Độ trước đây, cho nên người Tây Tạng cũng có thể cùng nhau bảo vệ văn hoá và truyền thống của họ tại nơi này. Trong khi đó, 6 triệu người Tây Tạng ở Tây Tạng đang chờ đợi sự trở về của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông quan sát thấy rằng, các mối quan hệ văn hoá mạnh mẽ đã chiếm ưu thế giữa Ấn Độ và Tây Tạng kể từ khi có sự hưng thịnh của Đại học Nalanda và Ngài Thiện Hải Tịch Hộ. "Người Tây Tạng đã bảo tồn nội dung của văn học cổ đại đã được dịch sang ngôn ngữ của họ vào thời điểm đó", ông nói. "Bây giờ, quý vị đã mang nó trở về lại Ấn Độ và chúng tôi cảm ơn quý vị đã nhắc nhở chúng tôi về di sản Phật giáo của mình. Chúng tôi coi Ấn Độ là vùng đất của Đức Phật, Thánh Mahatma Gandhi và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng cũng rất cảm kích niềm khát khao cuối cùng của Ngài là được nhìn lại quê hương của Ngài một lần nữa!"
Sau khi các nghệ sĩ của Viện biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng (TIPA) đã biểu diễn một điệu múa từ truyền thống Gaddi địa phương, Sikyong - Tiến sĩ Lobsang Sangay - đã nói chuyện với Hội chúng bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Anh. Ông lưu ý rằng đây là sự khởi đầu của năm thứ 60 kể từ khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Lhasa - thủ đô của Tây Tạng. Đây là năm thứ 60 kể từ khi quân đội Cộng sản Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, dẫn đến sự mất mát của rất nhiều mạng sống của nhân dân Tây Tạng. Cuối cùng, kể cả những người đã tự thiêu. Đây cũng là năm thứ sáu mươi kể từ khi bắt đầu sự khai thác buôn bán các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Tây Tạng.
Sikyong nhắc nhở các thính giả của ông rằng, hiện tại, đang còn nhiều khó khăn hơn đối với một nhà báo đến thăm và báo cáo về Tây Tạng hơn là về Bắc Triều Tiên. Tương tự như vậy, nhiều người biết đến các vụ vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Syria, nhưng ít ai biết đến những điều đó đang xảy ra ở Tây Tạng.
Tuy nhiên, đây cũng là năm thứ sáu mươi của sự phục hồi của Tây Tạng. Sikyong đã so sánh chiến dịch của Thủ tướng Modi với phương châm “Thực hiện ở Ấn Độ" và người Tây Tạng đã hồi sinh chính mình ở Ấn Độ. Ông nói, "Sự thành công của người Tây Tạng sẽ là thành công của Ấn Độ; và hôm nay chúng ta đang ở đây để nói lời 'Cám ơn, Ấn Độ'."
Nhắc lại mối quan hệ cổ xưa giữa Ấn Độ và Tây Tạng, Vị Chính khách - Mahesh Sharma tuyên bố rằng không cần phải 'cảm ơn', và nói, "quý vị là khách của chúng tôi ở đây và chúng tôi chào đón quý vị. Chúng tôi cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhân dân Tây Tạng đã giữ gìn nền văn hóa và truyền thống của quý vị được sống còn. Chúng tôi rất cảm động về việc quý vị muốn cảm ơn chúng tôi”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tặng cho ông một vật lưu niệm "Cảm ơn Ấn Độ". Sikyong - Tiến sĩ Lobsang Sangay cũng đã cùng nghĩa cử như thế đối với các khách mời và các vị khách khác trên sân khấu.
Đứng vào vị trí của mình tại bục giảng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu nói chuyện với Hội chúng.
"Như thường lệ, tôi muốn chào tất cả quý vị như những anh chị em của tôi. Chúng ta thường xuyên cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh, nhưng nếu chúng ta thực sự thể hiện những gì mình nói, thì cần phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều là con người như nhau cả!.
"Tôi đã trốn khỏi Tây Tạng trong những hoàn cảnh khó khăn và thời gian đó đã là một sự lẫn lộn của niềm vui và nỗi buồn. Khi chúng tôi đến đây, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình cả! Hôm nay, gần 60 năm trôi qua, chúng tôi đã có một ý tưởng rõ ràng về những gì trong tương lai có thể nắm giữ được. Những Vị khác đã nói chuyện trước tôi và đã đề cập đến mối quan hệ đặc biệt giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Chúng tôi luôn coi mình là những người học trò; và người dân Ấn Độ là bậc Thầy của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ về Ấn Độ với sự tôn trọng và ngưỡng mộ như Quê Hương của những Bậc Tôn Quý. Đã có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa chúng ta.
"Nền Văn hoá của chúng tôi ở Tây Tạng dựa trên những gì mà chúng tôi đã học được từ các bậc thầy của Nalanda, như Ngài Thiện Hải Tịch Hộ. Dưới sự hướng dẫn của Ngài, chúng tôi đã dịch lời của Đức Phật thành hàng trăm cuốn sách của Kangyur (Kinh Tạng) và các luận văn luận giải của các bậc thầy Ấn Độ sau đó với hơn hai trăm tập của Tengyur (Luận tạng).
"Khi tôi suy nghĩ về năm chuyên ngành chính và năm nghành khoa học thứ yếu; tôi nhận ra tầm quan trọng của chúng là logic và nhận thức luận. Chúng ta cần phải hoài nghi, nghi vấn hơn là phải chịu đựng chấp nhận một niềm tin mù quáng. Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài không nên chấp nhận những gì Ngài nói với giá trị bề mặt bên ngoài, mà là cần phải kiểm tra nó một cách triệt để như một người thợ vàng kiểm tra vàng vậy. Các bậc thầy Nalanda đã theo phương pháp này - sử dụng lý luận và logic trong việc tìm kiếm chân lý.
"Ngày nay, các nhà khoa học cho chúng ta biết rằng bản chất con người cơ bản là từ bi. Vậy tại sao chúng ta tạo ra rất nhiều vấn đề cho chính mình? Khi chúng ta có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về hoạt động của tâm thức và cảm xúc của mình; và chúng ta nhìn thấy những gì gây xáo trộn và những gì giúp làm lắng dịu tâm trí của chúng ta, thì chúng ta có thể biết cách làm thế nào để sống một cuộc sống an lạc hơn. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng những gì các bậc thầy Ấn Độ vĩ đại của quá khứ đã dạy vẫn còn có liên quan cho đến ngày nay. Phần lớn kiến thức Ấn Độ cổ đại này đã bị bỏ rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, sau khi trích ra bản chất tinh túy của nó từ các tài liệu mà tôi đã đề cập, chúng ta có thể nghiên cứu và sử dụng nó theo phương cách học tập. Điều này, dựa trên những gì mà chúng tôi đã giữ gìn cho nó được sống còn, là những gì mà chúng tôi muốn mang về lại và hồi sinh ở Ấn Độ.
"Để tận dụng tối đa bộ não của con người; logic, triết học và tâm lý học của Ấn Độ cổ đại là vô giá. Đối với chúng ta, có thể đóng góp cho lợi ích to lớn của nhân loại là một cơ hội để biến đổi nghịch cảnh thành lợi ích. Chúng tôi đã sống gần sáu mươi năm lưu vong, nhưng chúng tôi đã không lãng phí thời gian của mình; và tinh thần của anh chị em của chúng tôi ở Tây Tạng vẫn còn rất mạnh mẽ.
"Khi Tây Tạng vẫn còn là một quốc gia độc lập mạnh mẽ trong quá khứ, sức mạnh tinh thần của chúng tôi đã được kết hợp bởi ý thức thống nhất của chúng tôi. Ngày nay, bất cứ nơi nào có người Tây Tạng sinh sống, chúng tôi đều khát khao cùng một điều là giữ được văn hoá và ngôn ngữ của mình. Điều này không phải là nền tảng cho sự tự mãn. Chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tìm ra những thiếu sót của mình và tìm hiểu chỗ nào chúng tôi có thể cải thiện được.
"Tôi muốn kết thúc bằng sự cảm ơn tất cả những Vị đã nói chuyện hôm nay!"
Sau khi các diễn viên của Viện biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng (TIPA) biểu diễn bài hát và vũ điệu đại diện cho sự thống nhất của nhân dân ba tỉnh của Tây Tạng, vị Thư Ký Bộ Thông tin - Dhardon Sharling đã phát biểu lời cảm tạ.
Một đĩa cơm chay nhẹ đã được phân phát và tất cả các vị khách - kể cả Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - cùng nhau dùng cơm trưa. Sau đó, Ngài dành thời gian để giao lưu với khách, bạn bè và những người thiện tâm dọc trên đường đi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bước đi thong thả để trở lại dinh thự của Ngài.