Zurich, Thụy Sĩ - Không khí lạnh buốt khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khách sạn để đi xe đến Winterthur sáng nay. Khi quang lâm đến Trung tâm Hội nghị, Ngài đã nhận được sự cung nghinh bởi Jean-Marc Piveteau - Chủ tịch Đại học ZHAW (Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich). Khi Ngài đã an toạ trên khán đài trong thính phòng, Piveteau đã giới thiệu về dịp này. “Chúng ta đang nói về sự khoan dung, công bằng và tự do; bởi vì điều quan trọng là phải nhận thức được giá trị của con người. Một trường đại học không phải là chỉ để tìm kiếm được bằng cấp; mà là phải nhiều hơn thế nữa! Đó là về lý tưởng và giá trị, và một cam kết với trách nhiệm. Thưa Đức Ngài! Đối với chúng con, Ngài chính là hiện thân cho nhiều giá trị này và chúng con muốn được nghe ý kiến của Ngài.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Các anh chị em thân mến! Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt con người, tôi nghĩ, ‘Ồ, một anh chị em khác nữa!’. Chúng ta chú ý quá nhiều vào những khác biệt thứ yếu giữa chúng ta - những khác biệt về cộng đồng, tôn giáo, giáo phái, người ấy giàu hay nghèo - điều đó làm nảy sinh ý thức về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Trong thế giới ngày nay, bên cạnh những thiên tai, có nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là do chính chúng ta gây ra. Kết quả là, mọi người không được hạnh phúc lắm.
“Trong quá khứ, dân số con người còn ít, và mọi người phụ thuộc vào nhau trong các cộng đồng nhỏ. Ngày nay, dân số đã tăng lên, và chúng ta lại phân biệt giữa cộng đồng này - cộng đồng nọ; quốc gia này - quốc gia khác. Trong thế kỷ 20 đã có hai cuộc chiến tranh thế giới; tại sao? Ngày nay, trong tôn giáo Trung Đông đã trở thành một nguyên nhân khiến cho mọi người giết hại lẫn nhau. Họ nghĩ về 'tôn giáo của tôi' và 'tôn giáo của họ'. Vì chúng ta tạo ra những xung đột này, cho nên chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết chúng.
“Có những dấu hiệu của niềm hy vọng; phần cuối của thế kỷ 20 đã khác hẳn so với những năm trước đó. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu và con đường de Gaulle và Adenauer; sau khi là những kẻ thù trong một thời gian dài, họ đã quyết định - tốt hơn hết là sống chung với nhau và theo đuổi cùng một mối quan tâm chung. Người Anh dường như đang rời bỏ đi vì những lý do hẹp hòi, ích kỉ.
“Có những sự khác biệt giữa chúng ta, nhưng ở một mức độ sâu hơn - chúng ta là những con người như nhau. Tất cả chúng ta đều được sinh ra theo cùng một cách và chúng ta cũng chết đi theo cùng một cách. Một số nhà khoa học nói rằng, kết quả của những phát hiện của họ đối với trẻ sơ sinh, những trẻ trước khi biết nói - rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Đồng thời, trong khi sự giận dữ, sợ hãi và hận thù liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, thì sự bình an trong tâm hồn luôn tốt cho sức khỏe của chúng ta.
“Là con người - chúng ta là những động vật xã hội. Chúng ta tồn tại trong sự phụ thuộc vào cộng đồng của mình. Ở Barcelona, tôi đã gặp một tu sĩ Công giáo - người đã sống như một ẩn sĩ trên núi, và thiền định về lòng yêu thương. Ông sống dựa vào bánh mì, trà và đã thực sự rất hạnh phúc, mặc dù ông phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương.
“Chúng ta cần bạn bè; và tình bằng hữu thì dựa trên sự tin tưởng. Để có được lòng tin, tiền bạc và quyền lực không thôi thì chưa đủ; bạn phải thể hiện một số mối quan tâm dành cho người khác. Bạn không thể mua được niềm tin trong siêu thị. Trong thời cổ đại, người Thụy Sĩ các bạn và người Tây Tạng chúng tôi có thể đã từng cảm thấy hài lòng ở phía sau những dãy núi của chúng ta, nhưng ngày nay - con người thuộc về một cộng đồng nhân loại. Do đó, chúng ta phải hội nhập; và vì chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, cho nên chúng ta phải thể hiện một số trách nhiệm toàn cầu.
“Nếu họ tin rằng tất cả chúng ta đều do Đức Chúa tạo ra, hoặc nếu họ đơn giản tin vào nghiệp báo, rằng hành động tích cực thì sẽ mang lại niềm hạnh phúc và hành vi có hại sẽ dẫn đến buồn đau, thì làm sao người ta có thể giết hại lẫn nhau? Chúng ta cần phải suy nghĩ về sự an lạc trong tâm hồn. Khoảng 200 năm trước, nhà thờ là nơi đã chăm sóc các giá trị nội tâm cùng với sự giáo dục. Ngày nay, các giá trị nội tâm cần phải được đưa vào giáo dục, chứ không phải trên cơ sở của tôn giáo này, mà là từ một quan điểm của thế tục.
“Và cũng giống như chúng ta dạy về vệ sinh thân thể để giữ gìn sức khoẻ thể chất, chúng ta cần trau giồi về vệ sinh cảm xúc, học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình để đạt được sự an lạc nội tâm. Bất kể tôi ở đâu, tôi cũng đều chia sẻ những ý tưởng này với bất cứ ai muốn nghe - như thế có rõ ràng không ạ?”
Căn phòng tràn nhập những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Người điều phối chương trình của cuộc thảo luận nhóm - Susanne Wille - điều phối viên của đài truyền hình Thụy Sĩ, đã giới thiệu các thành viên của cuộc hội thảo: Tiến sĩ Christiane Hohenstein - Giáo sư Liên văn hóa và Ngôn ngữ học; Tiến sĩ Andreas Gerber-Grote - Giáo sư Sức khỏe cộng đồng và Trưởng phòng Nghiên cứu; Leanardo Huber - Chủ tịch Hội sinh viên; và Tiến sĩ Rudolf Högger - Viện Rikon Tây Tạng.
Cô bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng có thật Ngài là một học sinh lười biếng hay không. Ngài trả lời rằng điều đó chỉ là tự nhiên thôi. Trong giáo dục Tây Tạng bắt đầu với việc học thuộc lòng; và ở cái tuổi khi lên bảy, Ngài bắt đầu học thuộc lòng những bản văn cổ điển và chẳng cảm thấy thích thú gì cả! Mãi cho đến khi Ngài lớn lên thì Ngài mới bắt đầu quan tâm đến những gì mình đang học. Ngài nói với cô ta rằng; vào năm 16 tuổi, Ngài đã bị mất tự do; và khi lên 24 tuổi, Ngài đã bị mất luôn đất nước của mình; nhưng vào thời điểm đó Ngài đã phát hiện ra những gì mà Ngài đã được học trước đó - và điều đó đã giúp Ngài giữ vững được sức mạnh nội tâm của mình.
Cuộc thảo luận nhóm đã đề cập đến tinh thần tự kỷ luật, lắng nghe quan điểm của người khác và tính bền vững. Tiến sĩ Högger chỉ cho thấy một bức tranh về các Tăng sĩ Tây Tạng trong tu viện của họ đang được dạy để mổ xẻ cá. Họ cắt chúng ra từng phần, từng bộ phận cơ quan nội tạng, cuối cùng họ nhấc cả bộ não và tủy sống ra. Vào thời điểm đó, một trong số các sinh viên hỏi giáo viên rằng “Đây có phải là nơi mà ý thức bắt đầu không?” Cô trả lời rằng, khoa học phương Tây khẳng định rằng, nếu không có một cơ sở nền tảng như thế này thì sẽ không có ý thức. Đó là khoảnh khắc mà khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo thừa nhận những phương pháp tiếp cận khác nhau của họ.
Tiến sĩ Hohenstein nhận xét rằng, bà không chắc chắn rằng giá trị nhân loại phổ quát vẫn tồn tại, nhưng chúng ta nên chuẩn bị để thay đổi lập trường hoặc quan điểm của mình. Cô quan sát thấy rằng, với sự tiếp tục trong khoảng cách về giới tính, thì sự bình đẳng vẫn còn rất xa vời. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, theo sự hiểu biết của Ngài thì - từ buổi ban sơ con người đã tụ tập chung lại với nhau và chia sẻ những gì họ cần. Chỉ sau khi loài người phát triển lên đến thời kỳ nông nghiệp và bắt đầu tuyên bố về chủ quyền đối với tài sản thì mới cần có sự lãnh đạo. Vì tiêu chí để trở thành một nhà lãnh đạo là sức mạnh thể chất, cho nên sự thống trị của nam giới mới nổi lên. Giáo dục đã giúp giải quyết sự bất bình đẳng ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn còn cần phải hoạt động để cải thiện sự bình đẳng bằng cách thay đổi phong tục và thói quen cố hữu.
Đối với câu hỏi về các giá trị nhân loại phổ quát liên quan đến khuynh hướng của đoàn thể, Leanardo Huber cho rằng trách nhiệm của tập thể sẽ là một khởi đầu, nhưng - ông nói thêm - đây là những điều cần được nói đến. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, một lối sống vật chất có mục đích vật chất; nhưng chúng ta cũng phải hỏi ý thức là gì. Ngài kể lại việc thảo luận điều này với các nhà khoa học Nga - những người không chấp nhận khái niệm về ý thức tinh thần, đã bác bỏ nó như một ý tưởng tôn giáo. Ngài đã đề cập đến giá trị của tâm lý Ấn Độ cổ đại và phương pháp của nó trong việc rèn luyện tâm thông qua thiền định. Ngày nay, sự phát hiện về tính đàn hồi dẻo dai của thần kinh đã chỉ ra rằng sự thực hành thiền định có thể làm thay đổi não bộ.
“Mọi người chỉ thường hay xem xét nguồn vui và niềm thích thú từ góc độ cảm giác của giác quan mà thôi; họ ít chú ý vào yếu tố của tâm thức. Ở Tây Tạng, theo truyền thống của Đại học Nalanda của Ấn Độ, chúng tôi luôn mở rộng việc khảo sát về thiền phân tích; luôn hỏi tại sao? tại sao? tại sao? Nếu chúng tôi bắt gặp một lời giải thích mâu thuẫn với lý luận logic, chúng tôi sẽ không chấp nhận nó.”
Trả lời vài câu hỏi từ phía khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng trẻ em có thể được rèn luyện với lòng yêu thương và tình cảm để học cách quản lý những cảm xúc của mình. Ngài bày tỏ sự nghi ngờ rằng, trí thông minh nhân tạo có bao giờ tái tạo đầy đủ sự tinh tế của tâm thức con người mà nó đã được sáng kiến ngay từ đầu.
Khi được hỏi làm thế nào để tìm thấy sự an lạc nội tâm, Ngài trả lời rằng trước tiên bạn cần phải lượng giá nó. Bạn cần phải hiểu được rằng, những cảm xúc như giận dữ và hận thù thì vô ích như thế nào bởi vì chúng quấy rầy tâm thức; trong khi trau giồi những cảm xúc đối trị với chúng - như lòng từ bi - sẽ làm tăng cường sự an lạc nội tâm. Ngài chỉ ra rằng, những cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ một cái nhìn sai lệch về thực tại. Ngài trích dẫn lời của Aaron Beck - một bác sĩ tâm thần người Mỹ với kinh nghiệm lâu năm làm việc với những người gặp khó khăn rắc rối bởi bản tánh giận dữ - người đã nói với Ngài rằng khi mọi người tức giận, đối tượng của sự tức giận của họ dường như hoàn toàn tiêu cực, nhưng thật ra điều này là 90% do sự phóng chiếu của tâm thức.
Ngài nói thêm rằng thật hữu ích để biết rằng cảm xúc không thuộc về bản chất của tâm thức. Tâm thức thì rõ ràng như nước, nhưng - cũng giống như nước - nó có thể trở nên bị che mờ bởi cảm xúc. Sự rõ ràng tự nhiên của tâm thức là điều mà Ngài muốn nhấn mạnh.
Người điều phối chương trình - Susanne Wille - yêu cầu hội thảo viên nêu lên một ý tưởng mà họ rút ra được từ cuộc thảo luận. Tiến sĩ Högger đã đề cập đến tinh thần tự kỷ luật và nhu cầu thay đổi cá nhân. Đối với Tiến sĩ Hohenstein, đó là ý tưởng về vệ sinh cảm xúc và không chú trọng nhiều vào những khác biệt thứ yếu. Tiến sĩ Gerber-Grote bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sự đồng cảm; và Leanardo Huber cho biết ông bị hấp dẫn bởi ý tưởng thiền phân tích.
Jean-Marc Piveteau thay mặt cho Đại học ZHAW cám ơn Ngài và các thành viên khác của hội thảo. Tiến sĩ Karma Dolma Lobsang, thay mặt cho Viện Rikon Tây Tạng, cũng bày tỏ lòng tri ân, lưu ý rằng đây là sự kiện thứ tư và cuối cùng của lễ kỷ niệm lần thứ 50 của Viện Tây Tạng. Cô kính chúc Ngài được trường thọ, thượng lộ bình an, và thưa với Ngài rằng những ngày được ở bên cạnh Ngài sẽ là những ngày không thể nào quên. Một lần nữa, tiếng vỗ tay nồng nhiệt tràn ngập cả hội trường.
Ngài và các hội thảo viên đã được Trường Đại Học mời đến dùng cơm trưa. Sau đó, Ngài sẽ khởi hành để đi Berne, từ đó Ngài sẽ bay về Ấn Độ vào ngày mai.