New Delhi, Ấn Độ - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ các đại biểu đến tham gia cuộc Đàm thoại lần thứ hai về Giới Luật (Vinaya). Họ gồm có các đại diện của các truyền thống Phật giáo Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ và Tây Tạng. Trong số các báo cáo được đọc để trình lên Hội chúng, có một bài của vị Trưởng lão thuộc truyền thống Sơn Tăng (Tăng sĩ tu trong rừng) Thái Lan - người đã chấp nhận tinh thần của cuộc Đàm thoại, nhưng bày tỏ sự lấy làm tiếc vì sự kiện này được tổ chức tại một khách sạn, không thích hợp cho một Sơn Tăng đến tham dự. Tuy nhiên, Ngài khuyến khích các đại biểu bằng cách trích dẫn lời của Đức Phật nói với Ananda rằng sau khi Ngài nhập Niết bàn, Giới luật sẽ là bậc Thầy hướng dẫn của các môn đồ. Ngài nói thêm rằng, chừng nào Giới luật còn chiếm ưu thế, thì giáo lý của Đức Phật sẽ còn tồn tại.
Các báo cáo được tiếp tục làm rõ trong các cuộc thảo luận của họ; các đại biểu đã nhận ra rằng, mặc dù các truyền thống khác nhau của Giới Luật có thể có sự khác biệt về số giới luật cụ thể, nhưng họ đều có chung bảy phần cơ bản của Giới luật. Có những đề xuất nên tiếp tục tổ chức những cuộc Đàm thoại như thế.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mở lời nhận xét của mình bằng cách tuyên bố về tình trạng của chính mình:
“Tôi là một Tỳ Kheo, đã thọ Cụ Túc Giới vào năm 1954, và tôi thuộc về truyền thống Nalanda từ Ấn Độ được truyền vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Người chịu trách nhiệm chính cho việc này là Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, một trong những học giả hàng đầu của Đại học Nalanda, một Vị Tỳ Kheo, một triết gia và là nhà logic học. Ngài đã được Hoàng đế Tây Tạng thỉnh cầu. Truyền thống Nalanda nhấn mạnh rất nhiều vào việc sử dụng lý luận chứ không phải chỉ vì đức tin.
“Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu các giáo lý của Đức Phật có hơn 2600 năm tuổi vẫn còn có liên quan đến ngày hôm nay hay không.
“Thế kỷ vừa qua đã bị xé nát bởi chiến tranh và bạo lực, chủ yếu là do sự thịnh hành của những lối suy nghĩ cổ hũ, với khuynh hướng cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng vũ lực. Một trong những hậu quả đang tiếp diễn là trong khi chúng ta cùng tụ tập một cách bình yên với nhau ở đây, thì đồng thời, ở một nơi nào đó, mọi người đang bị giết, đang chết đói, hoặc bị đối xử phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da hoặc đẳng cấp. Trong khi đó, tất cả các truyền thống tôn giáo chính đều khuyên dạy về tình yêu thương, lòng từ bi và tâm tha thứ. Mỗi tôn giáo đều có tiềm năng để nuôi dưỡng sự an lạc trong tâm hồn, đó là lý do tại sao tôi tôn trọng tất cả họ và tìm cách khuyến khích sự hòa hợp các tôn giáo.
“Truyền thống tâm linh của Ấn Độ cổ đại nói riêng - từ lâu đã sử dụng các phương pháp để đạt được một tâm thức định tĩnh (shamatha) và trí tuệ (vipashyana), đã thể hiện được sự hiểu biết sâu sắc và tinh tế về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Phật giáo đã bảo tồn được rất nhiều kiến thức này, mà ngày nay vẫn còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với cộng đồng khoa học. Và, như đã được đề cập, Giới Luật là nền tảng của tất cả các giáo lý của Đức Phật. Trên cơ sở đó, sự thiếu hiểu biết của vô minh có thể được đoạn trừ, và những cảm xúc tiêu cực sẽ được khắc phục. Đây là cách mà chúng ta có thể đạt được sự chấm dứt khổ đau.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của những lời dạy về Tứ Diệu Đế và Ba mươi bảy Yếu Tố Giác Ngộ, như được bảo tồn trong Truyền Thống Pali. Tuy nhiên, Ngài cũng lưu ý rằng các tác phẩm của các bậc Luận Sư vĩ đại như Long Thọ và Thánh Thiên - những người dựa trên sự hiểu biết của họ về lần chuyển Pháp Luân thứ Hai tại Rajgir (núi Linh Thứu), cũng rất hữu ích cho việc giúp cho tâm trí trở nên nhạy bén.
Các Đại diện của Miến Điện, Đài Loan và Ấn Độ tặng quà cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đến lượt Ngài tặng những bức tượng Phật cho các Vị Tôn túc Trưởng thượng cùng an toạ chung với Ngài.
Ngay sau đó, Ngài cũng gặp người bạn của mình là Tom Tait - Thị trưởng thành phố Anaheim ở California - người đã tuyên bố thành phố của mình là Thành phố của Lòng Từ Ái. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tái khẳng định sự ủng hộ nhiệt tình của Ngài đối với phương pháp của Thị Trưởng Tait đã đạt được kết quả ngày càng có nhiều học sinh vui vẻ hơn, hoàn hảo hơn và thành công hơn ở Anaheim.
Ngài nhắc lại quan điểm của mình rằng, trong khi nhiều người coi sự trải nghiệm cảm giác là nguồn chính của hạnh phúc, nhưng thực sự cội nguồn chính của sự hạnh phúc là sự an lạc nội tâm. Điều mà phá hủy sự bình yên trong tâm hồn - đó chính là sự giận dữ, tâm hận thù, lo âu và sợ hãi. Lòng Từ Ái sẽ giải trừ được những trạng thái tâm tiêu cực này - và thông qua sự giáo dục thích hợp, chúng ta có thể học được cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực đó.
Ngày mai, Ngài sẽ nói chuyện với một Hội chúng đông đảo gồm các hiệu trưởng và giáo viên của các trường học nhân dịp khai trương “Chương trình Giáo dục Hạnh phúc” cho các trường học ở Delhi.