Thekchen Chöling, McLeod Ganj, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ với 190 thành viên của Hiệp hội Phụ nữ Tây Tạng (TWA) - những người đã tập hợp lại từ 37 khu định cư khác nhau ở Ấn Độ, Nepal, Bỉ và Hoa kỳ cho phiên họp định kỳ của họ - mỗi 3 năm một lần.
Ngài đã nói với họ rằng: “Chúng ta đã trở thành những người tị nạn từ gần sáu mươi năm trước. Trong suốt thời gian đó, thế giới đã ngưỡng mộ truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Hiện giờ, ngay cả các nhà khoa học hiện đại cũng đã rất quan tâm đến những gì mà Phật giáo Tây tạng đã từng đề cập đến. Là những người tị nạn, chúng ta đã thành công trong việc trình bày cho thế giới thấy được bản sắc Tây Tạng độc đáo của chúng ta được thể hiện qua các truyền thống tôn giáo, ngôn ngữ, phương thức chữ viết…v.v. riêng biệt của chúng ta.
“Nhiều người nói với tôi rằng, họ rất ngưỡng mộ bản chất từ bi, vui vẻ, tốt bụng của người Tây Tạng và những nụ cười ấm áp của họ. Chúng ta đã thành công trong việc thể hiện một hình ảnh tích cực của Tây Tạng đối với thế giới.
“Khi lần đầu tiên chúng tôi đến Ấn Độ, khoảng tám mươi nghìn người Tây Tạng đã trốn thoát được. Ngay từ thời điểm rất sớm đó, chúng tôi đã bắt đầu dân chủ hóa hệ thống chính quyền lưu vong của mình. Với sự hỗ trợ của Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, chúng tôi đã thành lập các trường học - nơi mà trẻ em Tây Tạng có thể nhận được cả sự giáo dục Tây Tạng truyền thống và một nền giáo dục hiện đại."
Ngài đã bày tỏ niềm tự hào rằng, Ngài đã có thể chuyển giao trách nhiệm chính trị lại cho một vị lãnh đạo đã được nhân dân Tây Tạng trực tiếp bầu chọn. Nhưng Ngài khẳng định rằng, mặc dù đã nghỉ hưu về lĩnh vực chính trị, Ngài vẫn cam kết đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa, tôn giáo và môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Ngài nhận xét rằng, mối quan hệ sinh thái lành mạnh của Tây Tạng không những chỉ dành cho người dân Tây Tạng, mà còn dành cho hàng triệu người trên khắp châu Á - những người phụ thuộc vào các con sông của Tây Tạng như là nguồn nước của họ.
Đề cập đến vai trò đặc trưng của người phụ nữ, Ngài nói với cuộc họp:
"Là Phật tử, chúng ta luôn cầu nguyện cho phúc lợi của tất cả chúng sinh; nhưng xuất phát từ quan điểm thực tế - thì chỉ có đối với loài người trên hành tinh này - chúng ta mới có thể làm việc để khuyến khích giúp họ phát triển tâm từ bi và lòng nhân hậu. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng, so với nam giới thì phụ nữ thường hay nhạy cảm hơn đối với nỗi đau của người khác. Vì vậy, về mặt sinh học, phụ nữ có khuynh hướng thể hiện lòng bi mẫn nhiều hơn.
“Trong cuộc sống của riêng tôi, tôi chưa bao giờ thấy có một sự biểu hiện giận dữ nào trên gương mặt của mẹ tôi. Bà ấy luôn tử tế với mọi người. Lòng từ bi của Bà được phản ánh một cách sinh động trong đôi mắt ngấn lệ mỗi khi bà gặp những người khác trong đau đớn hoặc buồn khổ. Mẹ tôi là người thầy đầu tiên của tôi về lòng từ bi, đó là lý do tại sao tôi tin rằng - nơi mà chúng ta được học đầu tiên về lòng tử tế - đó chính là ở tại nhà của mình.
“Vào thời điểm mà sự sống còn của Tây Tạng như một quốc gia đang bị đe dọa, tất cả quý vị đã làm những gì có thể để đảm bảo rằng Phật pháp và ngôn ngữ Tây Tạng được tồn tại sống còn. Người Tây Tạng có một mối liên kết nghiệp đặc biệt với Đức Quán Thế Âm. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng tất cả quý vị đã tích lũy công đức để được chăm sóc bởi Đức Quán Thế Âm - không những chỉ trong kiếp sau mà còn là nhiều kiếp về sau nữa. Những người lưu vong trong chúng ta đừng bao giờ quên những người dân Tây Tạng hiện đang sống ở Tây Tạng - những người thiếu sự tự do mà chúng ta đang được hưởng - chúng ta là những người đại diện của họ đối với cả thế giới.”