Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang trong trạng thái vui vẻ khi Ngài xuất hiện từ dinh thự của mình vào sáng nay. Ngài đã chào đón hơn 1500 du khách đến từ 68 quốc gia đã tập trung tại sân Chùa, bắt tay một số người, trêu đùa và trao đổi một vài từ với những người khác. Ngài đi chầm chậm vòng quanh sân, dừng lại để chụp ảnh với những người đã được phân chia tập họp thành từng nhóm theo nguồn gốc địa lý của họ - trước khi Ngài an tọa trên chiếc ghế trong hiên nhà bên dưới Chánh Điện.
Ngài nói với đám đông: “Có lúc tôi đã nghĩ rằng, khi các anh chị em từ các quốc gia khác nhau đến đây, chỉ nhìn thấy khuôn mặt của tôi thôi là chưa đủ. Tôi muốn thể hiện cho họ thấy bộ não của tôi sáng suốt như thế nào qua cách nói chuyện với họ.
"Phật tử chúng ta thường cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh, nhưng chúng ta phải suy nghĩ về điều đó có ý nghĩa thực sự như thế nào. Cho dù chúng ta nghĩ về loài động vật, côn trùng hay loài cá, chúng ta không thể làm gì nhiều cho những loài đó ngoại trừ sự cầu nguyện. Tuy nhiên, 7 tỷ người khác trên hành tinh này thì giống như chúng ta. Họ cũng có cùng một bộ não giống như chúng ta. Thực tế, họ là những người duy nhất mà chúng ta thực sự có thể giúp đỡ được.
"Các nhà khoa học nói rằng, bản chất con người cơ bản là từ bi, điều đó là tốt; bởi vì nếu bản chất đó là sự giận dữ thì chúng ta sẽ không có hy vọng. Hơn nữa, các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng, sự tức giận, sợ hãi và hận thù liên tục sẽ ảnh hưởng và xói mòn hệ thống miễn dịch của chúng ta, trong khi đó, nuôi dưỡng tâm từ bi thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ của mình. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta cần sử dụng bộ não của mình để làm thăng hoa các giá trị như vậy.
"Trẻ con không hề quan tâm đến sự khác biệt về quốc tịch, đức tin hay tôn giáo. Nếu bạn bè của chúng cười đùa, chúng sẽ chơi với họ. Giáo dục và hệ thống xã hội của chúng ta dường như đã làm thay đổi điều này; và khi chúng ta lớn lên; chúng ta học cách phân biệt về nơi mà con người ta thuộc về, và những gì mà họ tin vào. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, có cái gọi là hệ thống đẳng cấp; và đã đến lúc để thừa nhận rằng hiến pháp Ấn Độ cho phép mọi công dân có quyền bình đẳng; thế nên sẽ không có chỗ cho sự kỳ thị trên cơ sở đẳng cấp - tất cả chúng ta đều là anh chị em.
"Hôm nay, thế giới đang phải đối mặt với sự khủng hoảng về cảm xúc; và tôi tin rằng kiến thức cổ đại của Ấn Độ về sự hoạt động của tâm thức có thể có giá trị lớn trong việc giải quyết vấn đề này. Khi tôi bắt đầu học những điều này bằng cách học thuộc lòng những bản kinh cổ điển mà tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của nó, tôi đã rất miễn cưỡng và lười biếng. Tuy nhiên, sau đó tôi đã nhận ra được rằng, những kiến thức này đã có giá trị như thế nào đối với việc đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Nó cũng đòi hỏi sự tự tin và quyết tâm, đối với điều đó - quan trọng là phải trung thực và chân thành.
"Về mặt tinh thần và cảm xúc, con người chúng ta đều giống như nhau. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua sự tức giận và hận thù, thậm chí kể cả tôi nữa; nhưng tất cả chúng ta đều có tiềm năng nuôi dưỡng lòng từ bi, lòng tha thứ và sự khoan dung. Những cảm xúc phá hoại (tiêu cực) là dựa trên sự thiếu hiểu biết. Một sự quan sát đã được hỗ trợ bởi người bạn của tôi - nhà trị liệu nhận thức - Aaron Beck - người đã mô tả rằng, các phán đoán tiêu cực phát sinh từ sự tức giận thì hết 90 % là do sự phóng tâm của ta tạo ra. Những cảm xúc xây dựng (tích cực) như tình yêu thương và lòng từ bi thì được hỗ trợ bởi lý trí; vì vậy, chúng ta có thể sử dụng bộ não của mình để phát triển và củng cố những cảm xúc ấy."
Nhìn vào một nhóm người đã nghiên cứu về Phật giáo tại Tushita - một trung tâm thiền địa phương, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên họ nên chú ý đến tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh” do bậc thầy vĩ đại Ấn Độ - Tịch Thiên - sáng tác. Ngài nhấn mạnh các chương sáu và chương tám là hữu ích trong việc đối trị với sự tức giận và ái trọng tự thân; và gợi ý rằng những người không phải là Phật tử cũng có thể có được sự lợi lạc khi đọc những chương ấy. Ngài quan sát thấy rằng, kể từ lần đầu tiên Ngài được nghe giải thích về cuốn sách này vào năm 1967 đến nay, việc đọc cuốn sách này nhiều lần đã giúp Ngài chuyển hóa tâm thức của mình rất nhiều.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, nền giáo dục hiện đại hướng tới các mục tiêu vật chất hơn là các giá trị nội tâm bên trong, điều đó đã ảnh hưởng đến toàn thể thế hệ. Ngược lại, truyền thống Ấn Độ cổ đại, ngay cả trước thời Đức Phật, đã có một sự hiểu biết phong phú về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc - như là kết quả của những sự thực hành để tu luyện một tâm thức an nhiên tĩnh lặng (shamatha) (định) và thấu suốt (vipashyana) (tuệ). Ngài nói với khán giả rằng họ cũng có thể phát triển phẩm chất tâm linh nếu họ dần dần hiểu được sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài lưu ý rằng, bằng cách học hỏi phương pháp để giải quyết những vấn đề cảm xúc, ta có thể bảo vệ được sự an lạc của tâm hồn và sức mạnh bên trong nội tâm.
Ngài tiếp tục: "Anh chị em thân mến! Hãy chú ý hơn đến thế giới nội tâm của quý vị, hãy học cách đối trị với những cảm xúc tiêu cực và chuyển hóa tâm thức của mình. Khi một cá nhân đã phát triển sự bình an nội tâm và chia sẻ những gì họ đã học được với người khác, điều đó rất có tác động. Quý vị có thể nhìn vào các vấn đề trên thế giới và nghĩ rằng tôi chẳng có thể làm được gì nhiều cho họ! Hãy nhắc nhở chính mình rằng, mỗi cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt. Nuôi dưỡng các phẩm chất tích cực trong cuộc sống hàng ngày có thể tạo điều kiện để nhân loại sống yên bình hơn. Đây là một phương pháp rất thực tế.
"Hôm nay, chúng ta thấy sự nhấn mạnh quá nhiều vào những sự khác biệt thứ yếu giữa các cá nhân và các nhóm người dẫn tới sự phân chia giữa "chúng ta” và “bọn họ”. Khi điều này xảy ra, chúng ta cần phải nhớ đến tính đồng nhất của nhân loại. Đây là một trong những lĩnh vực mà chúng ta cần phải giới thiệu các giá trị nội tâm bên trong vào nền giáo dục hiện đại. Nếu chúng ta muốn làm cho thế kỷ 21 này khác với thế kỷ 20 - trong đó hơn 200 triệu người đã chết vì bạo lực - thì chúng ta phải thực hiện những bước đi ngay từ bây giờ. Và nếu chúng ta nỗ lực thì trong khoảng 30 năm quý vị sẽ thấy thế giới đã thay đổi.
"Đó là những gì tôi cần phải nói. Năm nay tôi đã 82 tuổi rồi. Ở tuổi 16, tôi đã bị mất tự do; và lúc 24 tuổi, tôi đã bị mất đi đất nước của mình. Tôi đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời, nhưng tôi đã hiểu rằng, đó chính là lúc mà chúng tôi được kiểm nghiệm nhiều nhất và chúng tôi đặc biệt có thể học hỏi. Thông qua sự chuyển hóa nội tâm - là những cá nhân - chúng ta có thể phát triển sự an lạc trong tâm hồn. Để đạt được sự thay đổi xã hội, chúng ta cần phải cải thiện nền giáo dục”.
Đáp lại câu hỏi về tiềm năng quay trở lại cung điện Potala, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, điều quan trọng hơn là làm việc phụng sự để giữ gìn ngôn ngữ và văn hoá Tây Tạng, từ đó có thể giữ gìn được những kiến thức cổ xưa của Ấn Độ như truyền thống của Đại học Nalanda. Ngài giải thích rằng hơn 300 tập của Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận Tạng), những bản dịch của văn học Ấn Độ đã được dịch sang tiếng Tây Tạng, bao gồm triết học, tâm lý học và logic học vẫn tiếp tục có giá trị và có sự liên quan cho đến ngày nay.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra ngưỡng mộ đối với chế độ ăn chay, và Ngài tuyên bố rằng các nhà bếp của các Tu viện Tây Tạng và các tổ chức lưu vong khác phần lớn là ăn chay. Tuy nhiên, Ngài cũng giải thích rằng, Chư Tăng Phật giáo phụ thuộc truyền thống vào sự bố thí khi khất thực, điều đó đã ngăn cản họ thể hiện bày tỏ sự ưa thích của mình. Do đó, họ không phải là người ăn chay hay không ăn chay.
Cuối cùng, khi được yêu cầu làm rõ ý của Ngài khi Ngài tuyên bố rằng từ bi không phải là một thứ xa xỉ, mà là một điều cần thiết nếu chúng ta cần tồn tại, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng, khoa học và công nghệ đã mang đến cho con người một sức mạnh khủng khiếp của sự tàn phá. Đồng thời, thực tế đã thay đổi và người dân ngày nay đang phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Ví dụ như sự thay đổi khí hậu là một mối đe dọa ảnh hưởng đến mọi người và chỉ có thể được giải quyết bởi tất cả mọi người làm việc cùng nhau. Có một nhu cầu cấp bách đó chính là thực tế và sự hiểu biết rằng, vì những vấn đề không thể giải quyết được bằng việc sử dụng vũ lực, chì có cách duy nhất đó chính là tham gia vào đối thoại.
"Thưa các anh chị em! Hãy suy nghĩ về việc chúng ta là một phần của nhân loại. Nếu nhân loại được hòa bình, tất cả chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều hướng đến một mức độ nào đó cho sự quan tâm đến bản thân. Nhưng có một sự khác biệt giữa sự quan tâm đến bản thân một cách dại dột, hẹp hòi và sự tquan tâm cá nhân một cách thông minh, tự tin - bao gồm cả sự quan tâm đến người khác. Cảm ơn quý vị!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy và thong thả nhẹ nhàng đi bộ xuống sân Chùa, dành thời gian để đón những lời chào mừng và sự đảnh lễ của người khác khi Ngài đi ngang qua - trước lúc leo lên chiếc xe đưa Ngài trở về dinh thự để dùng cơm trưa.