Bengaluru, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại phòng khiêu vũ của khách sạn nơi Ngài đang ở để nói chuyện với lượng khán giả đông kín của hơn 1000 người. Một lần nữa Ngài được cung đón theo truyền thống, thắp sáng ngọn đèn và bày tỏ lòng tôn kính của mình trước những bức tượng thiêng liêng. Ngài nhìn qua những gương mặt của các thành viên khán giả và vẫy tay chào họ trước khi an toạ. Trong bài giới thiệu của mình, Veer Singh gọi Ngài là một người phi thường. Cậu ta nhận ra rằng, khi cậu ta nghe mọi người khen ngợi sự đơn giản của Ngài, niềm vui của Ngài, sự ngây thơ như trẻ con của Ngài, thì cậu ta tự nhắc nhở chính mình rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thể hiện những phẩm chất này bởi vì Ngài là một hành giả tâm linh.
“Xin chào buổi sáng đến tất cả quý vị, tôi hy vọng rằng tất cả quý vị đều đã ngủ đủ giấc, nhờ vậy quý vị sẽ không bị ngủ gật và làm nản lòng tôi trong suốt cuộc nói chuyện của tôi." Ngài trêu chọc khán giả." ‘Trí tuệ cổ đại trong Ấn Độ hiện đại' là một trong những đề tài yêu thích của tôi. Cho dù có những sự phát triển về vật chất, công nghệ và khoa học mà chúng ta nhận thấy được xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng về cảm xúc. Tôi không nghĩ rằng lời cầu nguyện là một phương pháp hiệu quả để giúp ổn định được cộng đồng.
“Điều quan trọng hơn là mang lại sự an lạc trong tâm hồn của chính quý vị. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có kiến thức về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc, và sự hiểu biết về thực tại. Rèn luyện tâm thức thì có gì quan trọng? nó cũng giống như sự đánh giá của chúng ta về vệ sinh thân thể, chúng ta cũng cần phải đánh giá cao về mặt vệ sinh cảm xúc.
"Chúng ta có thể thực hiện điều này trong một bối cảnh thế tục, không thiên vị đối với bất kỳ truyền thống tôn giáo cụ thể nào. Tôi dùng từ “thế tục” trong cách thức mà nó được hiểu ở Ấn Độ để ngụ ý là tôn trọng tất cả các truyền thống tâm linh, và tôn trọng ngay cả đối với quan điểm của những người không có đức tin tôn giáo. Một số người bạn phương tây của tôi cảm thấy rằng thuật ngữ này ngụ ý sự thiếu tôn trọng đối với tôn giáo. Hãy cứ để như nó có thể là! Mối quan tâm của tôi là để xem làm cách nào để mỗi cá nhân có thể trở thành người vui vẻ, an lạc, bất kể đến việc họ theo tôn giáo nào. Và trong mối liên hệ này, tôi tin rằng nhiều yếu tố của Trí tuệ Ấn Độ cổ đại có thể được áp dụng theo phương cách thực tế và thực tiễn.
"Vì tất cả các truyền thống tôn giáo đều liên quan đến con người, cho nên tất cả các tôn giáo đều truyền tải một thông điệp liên quan đến giá trị nhân văn như tình yêu thương và lòng từ bi. Những truyền thống hữu thần thì đặt nền tảng của những điều này trên niềm tin vào một đấng Thượng đế Tạo hóa. Tuy nhiên, ở đất nước Ấn Độ này, ba truyền thống xuất hiện mà không tìm thấy sự thực hành của họ về niềm tin vào Đức Chúa, đó là - một chi nhánh của truyền thống Số luận phái, Kỳ na giáo và Phật giáo. Họ làm việc với ý thức và chấp nhận một tiến trình liên tục của các kiếp sống.”
Ngài đã gợi ý rằng, một số người đã có những ký ức về tiền kiếp của họ, điều đó cho thấy rằng có điều gì đó để nhớ. Ngài đề cập đến hai cô gái mà Ngài đã gặp, một cô ở Patiala và một cô ở Kanpur - những người đã có ký ức rất rõ ràng và sinh động về kiếp sống trước đây của mình. Họ từng xác định về gia đình trước đây của mình. Một trường hợp khác, Ngài trích dẫn liên quan đến một cậu bé sinh ra ở Tây Tạng - người khẳng định với cha mẹ của mình rằng cậu thuộc về Ấn Độ. Họ đã đưa cậu đến Dharamsala nơi mà cậu đã nói với họ rằng cậu đã sống ở miền Nam Ấn Độ. Khi họ đưa cậu đến tu viện Ganden, cậu đã có thể chỉ cho họ ngôi nhà cũ của mình; và chỉ vào một cái hộp, nơi họ sẽ tìm thấy đôi mắt kính của cậu. Bác sĩ tâm thần người Mỹ - Ian Stevenson đã nghiên cứu và đối chiếu nhiều câu chuyện như vậy từ những vùng khác nhau trên thế giới.
Ngài nhận xét rằng, đặc biệt là kể từ khi phát hiện ra hệ thần kinh - khả năng của não bộ để thay đổi - các chuyên gia não đã bắt đầu thừa nhận rằng, có thể có nhiều ý thức hơn là một chức năng đơn thuần của não. Theo Ngài Pháp Xứng thì cái gì đó không phải là ý thức thì không thể sinh ra ý thức được. Nhưng sự giải thích của Ngài thì khá thô so với kiến thức hiện đại về chức năng của não bộ. Ngài gợi nhớ đến sự đề cập của một nhà khoa học rằng, nếu bạn im lặng, bạn có thể làm phát sinh ra những cảm xúc khác nhau đơn giản dựa trên nền tảng của sự suy nghĩ. Ngài thừa nhận rằng điều đó dường như là những gì đang xảy ra, nhưng không cần thiết phải chấp nhận nó.
Có nhiều cấp độ khác nhau của ý thức tuỳ theo sự tinh tế của chúng. Mức độ thô nhất của ý thức là trạng thái tỉnh táo bình thường của chúng ta, tràn đầy sự nhận thức cuả giác quan. Tinh tế hơn là những trạng thái của giấc mơ, trạng thái ngủ sâu; và những gì xảy ra khi chúng ta ngất xỉu, bất tỉnh. Tinh tế nhất là ý thức được biểu hiện tại thời điểm chết.
Đối với những người không phải là Phật tử thì “ngã” có một vai trò quan trọng trong việc tái sinh, nhưng Phật giáo bác bỏ sự tồn tại của một cái “tự ngã” duy nhất, độc lập, vĩnh viễn; chỉ ra rằng “ngã” là một sự định danh dựa trên cơ sở của năm uẩn tâm-vật lý.
Các Tỳ Bà Sa luận Bộ hoặc Thuyết Phân Biệt, cơ bản nhất trong bốn trường phái tư tưởng chính của Phật giáo, nói về thành, trụ, hoại, diệt. Các trường phái khác nói về những sự thay đổi trong từng sát na và đề cập đến một nguyên nhân chính và các duyên điều kiện cùng hợp tác. Về ý thức, nguyên nhân chính phải là một khoảnh khắc của ý thức trước đó.
Ngài giải thích rằng Tỳ Bà Sa Luận Bộ và Kinh Lượng Bộ chỉ nói về “nhân vô ngã”, trong khi trường phái Duy Thức cũng chấp nhận “pháp vô ngã”; nhưng họ khẳng định rằng không có gì tồn tại bên ngoài. Họ cũng khẳng định rằng ý thức thị giác và đối tượng của nó, chẳng hạn, đều là không-hai. Họ cho rằng một đối tượng của thị giác xuất hiện như là kết quả của dấu ấn trên tâm thức. Điều này có thể giúp đối phó với sự tham luyến bám chấp vào những vật bên ngoài, nhưng không giúp được nhiều trong việc chống lại một cảm xúc phiền não như hận thù - là một phần của thế giới bên trong nội tâm của chúng ta.
Ngài tiếp tục nêu rõ trong Trung Quán Luận, về quan điểm rằng các pháp có sự tồn tại bên ngoài hay không; tâm thức không có sự tồn tại bên trong cố hữu của nó. Trong sự giải thích về giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, Ngài Long Thọ đã nhấn mạnh về Lý Duyên Khởi. Ngài đã trích dẫn hai đoạn kệ từ “Căn Bản Trung Quán Luận”:
Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó là con đường Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Khi nói “sắc tức là không” không phải là phủ nhận sự tồn tại về mặt vật lý. Ngài Long Thọ nói rằng, ai có thể nhìn thấy được lý duyên sinh thì có thể hiểu được Tứ Diệu Đế - sự thật của Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Ngài giải thích rằng Đức Phật dạy Tứ Diệu Đế trước và Bát Nhã Ba La Mật xuất hiện sau này. Được giải thích cùng với Tứ Diệu Đế là Mười Hai Nhân Duyên của lý Duyên Khởi; phác thảo về cách mà sự đau khổ và nguyên nhân của nó phát sinh như thế nào; và chúng có thể được đoạn trừ ra sao.
Ngài trích dẫn một câu từ “Trí Tuệ Cơ Bản” của Ngài Long Thọ mà Ngài so sánh với những gì mà bác sĩ thuộc khoa tâm thần người Mỹ - Aaron Beck đã nói với Ngài. Kinh nghiệm điều trị những người có vấn đề đối với sự tức giận đã dạy cho Beck rằng, khi chúng ta nổi giận, chúng ta thấy các đối tượng hoặc trọng tâm của sự tức giận của chúng ta là 100% tiêu cực, nhưng thật ra 90% cảm giác đó là do sự phóng chiếu từ tâm thức của chúng ta.
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Sự nhận thức sai lầm đã tạo cơ hội cho nghiệp phát sinh, và phiền não xuất hiện từ vọng tâm; điều này sẽ được đoạn trừ nhờ vào trí tuệ hiểu biết tánh không.
Trong “Nhập Trung Quán Luận” Ngài Nguyệt Xứng đã thiết lập rằng, không có bộ phận nào của chiếc xe ngựa - là chiếc xe ngựa cả! Điều này không có nghĩa là không có chiếc xe ngựa, mà là nó hoạt động và tồn tại trong cấp độ thông thường.
Ngài khuyên rằng: “Chúng ta cần phải thực hành việc sử dụng triệt để trí thông minh của mình. Suy tư về tánh không là sự hỗ trợ rất lớn trong việc giúp làm suy yếu những cảm xúc tiêu cực của mình. Hai cuốn sách mà tôi đã đề cập, “Trí Tuệ Cơ Bản” và “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên là vũ khí mạnh mẽ để thách thức những kẻ thù bên trong của sự ái trọng tự thân; và đánh bại những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. So với những vũ khí này, thì tất cả các sự quán tưởng về chư thần bổn tôn và vân vân… là tương đối không có hiệu quả bằng.
“Nếu cuộc sống này có thể trở nên có ý nghĩa, thì đảm bảo rằng kiếp sống tiếp theo cũng sẽ may mắn. Vì người Thầy đã dành rất nhiều thời gian cho vấn đề này, cho nên quý vị không thể mong đợi để đạt được sự thành tựu to lớn trong một thời gian ngắn. Quý vị cần phải nghiên cứu, phân tích và suy ngẫm về những gì mà quý vị đã học được."
Khán giả đã phản ứng với những tràng pháo tay nồng nhiệt. Trong vài phút cuối cùng của buổi hội đàm, Ngài đã trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả. Ngài nói về việc trưởng dưỡng lòng từ bi. Ngài bày tỏ sự chấp thuận của mình về việc hiến tạng; và chuyển sang khuyến khích việc ăn chay. Khi được hỏi làm thế nào để khiến cho tất cả mọi người đều được vui vẻ. Ngài đã trả lời “Trước tiên là hãy mỉm cười!.”
Ngài nhắc nhở các thính giả rằng, Đức Phật khi được sinh ra là một Thái tử, nhưng sau khi trở thành tu sĩ, Ngài đã sống như một người hành khất. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng lưu ý rằng Mahatma Gandhi - mặc dù được đào tạo là một luật sư - nhưng ông cũng đã sống như một người thật khiêm tốn, bình thường.
Cuối cùng, một cậu học trò nói với Ngài rằng, ở trường có một buổi biểu diễn và cậu đã phải đóng vai của Đức Đạt Lai Lạt Ma; do vậy cậu đã học rất nhiều về Ngài. Tuy nhiên, cậu muốn hỏi trực tiếp Ngài rằng, cậu thực sự muốn thực hành lòng từ bi và làm thế nào để cậu có thể thực hiện được điều đó. Ngài lặp lại lời khuyên của mình ngày hôm qua về giá trị của việc nghiên cứu một cách cẩn thận từ cuốn “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên.
“Hãy đọc nó và so sánh những gì nó nói đối với kinh nghiệm của riêng bản thân con. Và khi con đang đóng vai là Đạt Lai Lạt Ma, thì đừng quên mỉm cười, con nhé! và sau đó thì mỉm cười nhiều hơn nữa nhé!”