Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Tsuglagkhang, Chùa Tây Tạng Chính, gần dinh thự của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là nơi mà sáng nay đã khai mạc cuộc Hội nghị Tâm Thức và Đời Sống, tập trung vào đề tài “Tái sáng tạo sự Phát triển của Con người”. Những người tham gia, người thuyết trình và người điều hành đều ngồi xung quanh một cái bàn thấp lớn được đặt ngang qua gian phòng chính của ngôi chùa. Họ được bao bọc bởi những vị khách và hàng trăm quan sát viên quan tâm-từ phía của Viện Khoa học và Đời sống và 200 Vị khác, nhiều người trong số họ là những vị Học giả Tăng Ni được Hội Đạt Lai Lạt Ma thỉnh mời. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm, Ngài chào mừng một số bạn bè cũ trước khi an tọa ở vị trí đầu bàn.
Susan Bauer-Wu, Chủ tịch của Viện Khoa học và Đời sống, bắt đầu bằng cách chào đón tất cả mọi người hiện diện trong cuộc đối thoại về Tâm thức và Đời sống này, lần thứ 33 nói chung và lần thứ 13 tại Dharamsala. Bà đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Hội Đạt Lai Lạt Ma và Tổ chức Gia đình Hershey vì sự ủng hộ của họ trong việc làm cho cuộc Hội nghị này trở nên khả thi. Vào năm thứ 26 của sự tồn tại của Viện, bà nhắc lại mục đích hoạt động của Viện Tâm thức và Đời sống nhằm làm giảm thiểu sự đau khổ và thúc đẩy sự phát triển của con người. Nhân dịp này, mục đích là nghiên cứu tìm tòi trở lại cách làm thế nào để cung cấp cho thanh thiếu niên một nền giáo dục tốt có liên quan đến đạo đức thế tục, sự chú tâm và lòng từ bi, tình yêu thương và sự tha thứ - một nền giáo dục của trái tim, lưu ý trong tâm thức những bằng chứng cho thấy rằng lòng từ bi có thể được giảng dạy. Bà kết thúc phần giới thiệu bằng cách dâng tặng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một bản sao của một cuốn sách mới, 'Tu Viện và Kính Hiển Vi' - một bản ghi lại cuộc đối thoại diễn ra tại Mundgod vào năm 2013.
Người điều hành sáng nay - Kimberley Schonert-Reichl đã giới thiệu người thuyết trình đầu tiên, Richard Davidson. Ông bắt đầu bằng sự cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về thời gian và nguồn cảm hứng của Ngài; và tiếp tục trình bày một bối cảnh lịch sử ngắn gọn về cuộc Hội nghị hiện tại. Ông trích dẫn năm cuộc Hội nghị trước đây vì có chứa đựng sự then chốt quan trọng đối với cuộc Hội nghị này. Cuộc đối thoại thứ nhất là Cuộc đối thoại về Tâm thức và Đời sống lần thứ 5 được tổ chức vào năm 1995 tại Dharamsala, nơi mà lòng vị tha, đạo đức và tâm từ bi đã được thảo luận. Tiếp theo là Cuộc Đối Thoại lần thứ 8, cũng ở Dharamsala, có liên quan đến việc giải quyết các cảm xúc tiêu cực và đưa đến việc Dan Goleman viết một cuốn sách nhằm gây xúc tác cho công chúng tập trung vào những vấn đề này. Tại điểm then chốt này, Davidson đã báo cáo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên các thành viên của Viện Tâm Thức và Đời sống nên nghiên cứu những phương pháp thực tiễn để trưởng dưỡng một tâm thức đạo đức và đối trị các cảm xúc tiêu cực.
Cuộc hội nghị trọng tâm thứ ba về “Nghiên cứu Tâm thức” đã diễn ra tại MIT. Đó cũng là điểm nhấn quan trọng bởi vì đây là cuộc Hội nghị đầu tiên mà công chúng đặt những câu hỏi về tâm thức và những cảm xúc tiêu cực trong bối cảnh khoa học chính thống. Tạp chí khoa học nổi tiếng “Tự Nhiên” đã báo cáo về cuộc hội nghị đó và vì vậy đã đưa sứ mệnh của Tâm thức và Đời sống đến với sự chú ý của thế giới. Cuộc hội nghị quan trọng thứ tư, tập trung vào Tính năng Mềm dẻo của Thần kinh, tiết lộ rằng sự đào tạo tâm thức có thể thay đổi não bộ, trong khi cuộc hội nghị thứ năm, ở Washington, DC, tập trung vào việc giáo dục các công dân trên thế giới.
Sau khi duyệt lại các chủ đề sẽ được thảo luận trong cuộc hội thảo này, Davidson đã bắt đầu bài thuyết trình của mình dưới chủ đề Sự Phát triển thời Thơ ấu và Nghiên cứu Cảm xúc và Xã hội. Ông đề cập đến tính năng mềm dẻo của thần kinh, vai trò của di truyền học, các giai đoạn nhạy cảm và tính thiện lành cơ bản bẩm sinh trong sự phát triển thời thơ ấu. Ông đã nói về việc khủng hoảng thừa (sản xuất quá nhiều) trong sự phân chia tế bào sớm, cắt tỉa vỏ não và cắt bớt phần trước trán trong bối cảnh thời gian thích hợp cho sự phát triển của não. Một số sự phát triển có thể dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương, trong khi một số khác dẫn đến khả năng phục hồi. Ông cũng đã đề cập đến giai đoạn nhạy cảm trong sự phát triển thời thơ ấu, chẳng hạn như lúc sanh ra, tuổi bắt đầu đến trường và thời thanh thiếu niên.
Trong bối cảnh những suy nghĩ liên quan đến những thay đổi trong não, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn biết, nếu có ai đó cảm thấy thoải mái, cảm giác này đến trước tiên là ý nghĩ hay sự thay đổi trong não. Davidson trả lời rằng nhiều nhà khoa học cho rằng sự suy nghĩ và hoạt động của não xảy ra đồng thời; ông nhận xét rằng điều này liên quan đến mối quan hệ giữa tâm thức và não bộ mà ông cho rằng có chút tiến trình khoa học đã được thực hiện trong vòng 100 năm qua. Điều này thúc đẩy Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma suy ngẫm về mục đích của những cuộc gặp với các nhà khoa học.
"Một mục đích là để mở rộng kiến thức của chúng tôi. Một vài thập niên kinh nghiệm đã chỉ ra rằng sự hiểu biết của Ấn Độ cổ đại về hoạt động của tâm thức xuất phát từ sự thực hành để trưởng dưỡng thiền chỉ và thiền quán và thiền Vipassana. Nó liên quan đến kiến thức về cách làm thế nào để chuyển hóa cảm xúc mà điều đó vẫn còn có hữu dụng cho đến ngày hôm nay. Mặt khác, khoa học đưa ra một thách thức đối với vũ trụ học Ấn Độ truyền thống, điều này đã đưa đến việc tôi công khai từ bỏ niềm tin vào núi Tu Di như là trung tâm của vũ trụ.
"Tuy nhiên, vì khoa học chỉ mới bắt đầu nghiên cứu về tâm thức, cho nên tôi tin rằng kiến thức Ấn Độ cổ đại có một sự đóng góp để thực hiện điều đó và điều quan trọng là kết nối những truyền thống này lại với nhau. Năm 1979, khi tôi thảo luận với các nhà khoa học ở Matxcơva, họ vui mừng chấp nhận về năm ý thức giác quan, nhưng bác bỏ ý thức tinh thần như đó chỉ là mối quan tâm của tôn giáo.
Mục đích thứ hai của những cuộc hội nghị này liên quan đến cuộc khủng hoảng của những cảm xúc mà chúng ta đang chứng kiến trong thế giới ngày nay; điều này thể hiện sự tương phản giữa sự hòa bình mà chúng ta được cùng nhau tận hưởng ở đây và nỗi thống khổ mà người khác phải trải qua ở những nơi khác trên thế giới - nơi mà người ta đang bị giết hoặc bị chết đói. Chúng ta cần phải tỏ ra quan tâm hơn đến sự an toàn của người khác. Chúng ta cần có ý thức hơn về sự đồng nhất của tất cả con người, ý thức rằng tất cả chúng ta đều thuộc về một cộng đồng. Chúng ta cần phải khuyến khích sự nhiệt tâm nhân từ. Tôn giáo có thể góp phần vào vấn đề này, nhưng đôi khi tôn giáo cũng đưa đến sự chia rẽ lớn hơn. Trong bối cảnh như vậy, bằng chứng do các nhà khoa học tìm ra rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi - bằng chứng ấy là một nguồn hy vọng.
"Bản chất con người cơ bản đó có thể làm tăng tính tự tin, tin tưởng và minh bạch. Nó cho phép chúng ta mỉm cười. Nhìn những người khác nghi ngờ không phải là một cách để có được sự hạnh phúc. Một tỷ trong số bảy tỷ người đang sống ngày nay không quan tâm đến tôn giáo - họ vẫn là con người. Chúng ta và họ cần một cách tiếp cận thế tục để tạo ra một thế giới thanh bình hơn, vui tươi hơn. Chẳng hạn như - khoa học đã cho chúng ta thấy được rằng lòng nhiệt tâm, nhân từ là tốt cho sức khoẻ thể chất của chúng ta.
"Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về toàn thể nhân loại chứ không chỉ là quốc gia của chúng ta trong ranh giới riêng của nó. Môi trường cũng cho chúng ta biết rằng con người chúng ta phải cùng nhau làm việc như một cộng đồng; đó là cách duy nhất để chúng ta đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng như thiếu nước. Nó sẽ đòi hỏi một phương pháp mới đối với sự giáo dục có tính đến những phát hiện khoa học và trưởng dưỡng các phẩm chất con người dựa trên phương pháp khoa học thế tục.
"Thế giới này với dân số của con người có thể kéo dài vài ngàn năm nữa, nhưng chúng ta phải khuyến khích thế hệ tiếp theo thực hiện những việc khác hơn. Tôi đã gần 83 tuổi rồi, vì vậy tôi không còn nhiều thời gian; và khi tôi ra đi, nếu có một cảnh giới Cực lạc thì có thể tôi sẽ lên đó. Nhưng có thể tôi sẽ tái sinh trên hành tinh này bởi vì tôi luôn cầu nguyện cho đến khi nào không gian còn tồn tại và chúng sinh còn tồn tại thì tôi sẽ ở lại để xua tan những khốn khổ của thế gian.
“Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là phải hành động. Chúng ta đã nhìn thấy chiến tranh quá nhiều. Chúng ta đã thấy quá nhiều tiền chi cho vấn đề vũ khí. Giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng vũ lực là đã lỗi thời. Đó là phương pháp sai lầm và chúng ta vẫn thấy nó đang được lặp lại vào đầu thế kỷ 21. Chúng ta phải thay đổi, nhưng hệ thống giáo dục của chúng ta quá nghiêng về vật chất. Tuy nhiên, chúng ta có thể cải thiện điều đó và công việc chúng ta làm hiện nay có thể ảnh hưởng đến các thế kỷ tới”.
Richard Davidson kết thúc bài thuyết trình của mình bằng cách ghi nhận về tính gia tăng của sự trầm cảm và tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ông nhận xét rằng các nhà khoa học hàng đầu đang bắt đầu thừa nhận sự đóng góp tiềm năng của sự hiểu biết về Ấn Độ cổ đại đối với hoạt động của tâm thức.
Sau mười phút giải lao để uống trà, Michel Boivin đã trình bày những nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là việc điều tra cách mà cặp song sinh phát triển. Điều này liên quan đến việc tìm hiểu xem khía cạnh tự nhiên hay là sự nuôi dưỡng có ảnh hưởng lớn hơn đối với sự phát triển của trẻ, ông đã trích dẫn từ một chuyên gia khác trong lĩnh vực hỏi rằng điều quan trọng hơn đối với một hình chữ nhật là chiều rộng hay chiều dài.
Dan Goleman đã xem xét việc Nghiên cứu Cảm xúc và Xã hội trong bối cảnh Tái sáng tạo sự Phát triển của Con người. Ông nói về việc dạy dỗ cho trẻ em suy nghĩ về những gì sẽ làm cho một tình huống tốt đẹp hơn và điều gì sẽ khiến cho nó tồi tệ hơn.
Ông nhắc nhở Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng người bạn của Ngài, Paul Ekman, đã bình luận rằng tính cẩn thận chín chắn là về việc mở rộng khoảng cách giữa sự thúc đẩy và hành động. Trong số những lợi ích của việc nghiên cứu cảm xúc và xã hội là nó đưa đến kỹ năng tự nhận thức và tự quản lý cao hơn, cũng như đưa ra những quyết định có đạo đức và có tinh thần trách nhiệm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét rằng tâm thức có thể thay đổi và trẻ em dễ được giảng dạy để phân tích. Ngài lưu ý về phương pháp Ấn Độ cổ đại rằng chỉ đọc hoặc nghe một lời giải thích thôi là chưa đủ. Bạn cần phải suy tư về điều đó để thực sự hiểu nó. Và một khi đã hiểu điều gì đó rồi thì bạn cần phải làm cho mình thực sự quen thuộc với nó để thể hiện được sự hiểu biết đó.
Khi phần khai mạc kết thúc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Chùa và trở về dinh thự của mình. Những người tham dự hội nghị tiếp tục thảo luận vào buổi chiều. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tham gia cùng với họ vào sáng mai.