Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Sáng nay, sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Chùa Tsuglagkhang và an tọa, người điều hành buổi sáng, Dan Goleman, đã hỏi Ngài ngủ nghỉ như thế nào. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng Ngài cảm thấy hơi mệt, nhưng đã ngủ ngon. “Tất nhiên”, Ngài nhận xét, "trong khi tôi đang ngủ, lúc tôi nằm mơ tôi cũng thực hiện sự phân tích. Bao lâu tôi còn quan tâm thì dù một chút thư giãn mà không suy nghĩ thì sẽ là một sự lãng phí tiềm năng của bộ não của chúng ta”.
Goleman thông báo với Ngài rằng Robert Roeser, Matthieu Ricard và Sona Dimidjian sẽ thuyết trình về một số nghiên cứu đang diễn ra liên quan đến đạo đức và từ bi trong giáo dục. Tuy nhiên, trước hết, Goleman đã tri ân sự ủng hộ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với nền đạo đức thế tục; và hỏi nó có ý nghĩa gì và tại sao nó lại quan trọng đối với thế kỷ 21.
"Thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, "rất nhiều điều mà chúng ta đã tạo ra. Những người tạo rắc rối không nhất thiết phải là người gây rắc rối khi họ còn nhỏ. Trên thực tế, các nhà khoa học cho biết họ đã quan sát thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Nhưng - nếu đó là như vậy, thì tại sao chúng ta lại tạo ra rất nhiều vấn đề rắc rối cho chính mình?
"Một lý do là chúng ta không có một cái nhìn toàn diện, chúng ta chỉ nhìn thấy những điều từ một góc độ nhỏ hẹp. Nếu chúng ta có cái nhìn rộng hơn, thì những vấn đề mà chúng ta đối đầu sẽ không có gì đáng kể. Và vì thế, chúng ta sẽ ít bị kích động và ít tức giận hơn. Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng - nếu chúng ta hành động theo cách này hay cách đó thì sẽ có hậu quả của nó. Những người hẹp hòi dường như không nghĩ gì đến hậu quả về hành vi của họ. Và chúng ta cần cảm kích rằng tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau.
"Đạo Phật cho chúng ta biết rằng những cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ sự vô minh (thiếu hiểu biết). Chúng không được hỗ trợ bởi lý trí. Mặt khác, những cảm xúc tích cực lại dựa trên lý trí. Hơn nữa, những cảm xúc tiêu cực không thể cùng tồn tại với một trí tuệ hiểu được thực tại như nó là. Tôi là một Phật tử, nhưng tôi không bao giờ nói rằng Phật giáo là tốt nhất; Tôi thậm chí có thể phê bình về nó. Các bậc thầy vĩ đại trong quá khứ như Đức Phật, Mohammad và Chúa Giê Su, khi họ giảng dạy từ kinh nghiệm của họ, họ đã không có ý định để thúc đẩy những cuộc tranh chấp và bất hòa trong tương lai. Bất kể Phật giáo hấp dẫn như thế nào, nó cũng sẽ không bao giờ hấp dẫn cho cả 7 tỷ người đang sống ngày nay.
"Ngài Tịch Thiên đã viết rằng - bất cứ sự đau khổ nào có trên thế giới đều là do sự ái trọng tự thân mà ra. Chúng ta là sinh vật xã hội và sự tồn tại sống còn của chúng ta đều phải phụ thuộc vào người khác. Khi chúng ta quan sát tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta thấy mức độ khẩn cấp là chúng ta cần phải làm việc cùng nhau nếu ta muốn sống có hạnh phúc. Nhân loại đang bị đe doạ. Vì vậy, khoảng thời gian còn lại của chúng ta, tốt hơn hết là ta nên sống trong sự hòa hợp.
"Khi chúng ta nhận thấy sự khác biệt giữa chúng ta, thì ta nên đối xử với họ bằng sự tôn trọng thay vì khẳng định rằng mình là đúng. Tôi thường nói rằng, thế kỷ này nên là một kỷ nguyên của sự đối thoại. Chúng ta phải sống với nhau. Chúng ta đều là con người. Chúng ta cần tập trung ít hơn vào những sự khác biệt giữa chúng ta; và tham gia đối thoại với nhau.
"Những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện ở đây là để giáo dục mọi người, chỉ cho họ thấy rằng - cách thực sự để chúng ta trở thành những cá nhân hạnh phúc, sống trong gia đình hạnh phúc và cộng đồng hạnh phúc - là trở nên nhiệt tâm, từ ái hơn đối với nhau. Chúng ta cần lòng từ bi nhiều hơn. Chúng ta có thể thấy rằng điều này có hiệu quả đối với ngay cả trong số các động vật, rằng con chó điểm tĩnh thì có nhiều bạn đồng hành hơn; và con chó hung hăng thì chỉ có một mình.
"Suy nghĩ về bản thân mình như một người nào đó đặc biệt thì chỉ khiến cách ly chính mình mà thôi. Tôi không chú trọng vào việc mình là Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi nghĩ về bản thân tôi như những con người khác. Và khi tôi gặp một người khác, tôi chào họ như anh chị em, điều đó làm tôi vui. Ngài Tịch Thiên đã chính xác khi chỉ ra rằng sự ái trọng tự thân, là bị ám ảnh với bản thân mình, chỉ mang lại cho chúng ta sự rắc rối mà thôi.
"Nếu chúng ta coi trọng lòng vị tha rộng khắp một cách nghiêm túc, thì đâu còn có chỗ nào dành cho kẻ thù? Kẻ thù thực sự của chúng ta và kẻ thù của nhân loại là những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và hận thù. Thật vậy, những người bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ nên là đối tượng của tâm từ bi của chúng ta.
"Chúng ta cần phải đánh giá cao tầm quan trọng của sự vị tha vô hạn và sự hiểu biết thực sự như nó là. Vô minh (sự thiếu hiểu biết) là nguồn gốc của nhiều rắc rối; sự hiểu biết về sự thật là rất quan trọng; và chúng ta cần phải chống lại xu hướng của mình khi nhìn mọi thứ chỉ bằng màu đen và trắng”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang Dan Goleman và hỏi rằng liệu Ngài đã nói quá lâu. Ngài cười khi nói với cậu ta rằng mặc dù Ngài có thể mệt mỏi, nhưng một khi Ngài đã mở miệng, thì Ngài thấy khó mà dừng lại được.
Rà soát lại sự nghiên cứu của mình như một nhà tâm lý phát triển giáo dục học; Robert Roeser đã hỏi liệu những phẩm chất như lòng từ ái có xuất hiện tự nhiên hay là cần phải được phát triển; và liệu chúng có thay đổi trong cuộc sống của chúng ta hay không. Ông hỏi những yếu tố sinh học nào có thể làm thay đổi kinh nghiệm của chúng ta về chúng. Ông trình bày về các loại đạo đức khác nhau - đạo đức công lý, đạo đức về sự quan tâm và đạo đức kiềm chế.
Roeser kết luận rằng từ khi còn ấu thơ, chúng ta đã có những ý thức về đạo đức, trích dẫn bằng chứng cho thấy trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng khi nghe thấy tiếng khóc ở gần đó, nhưng có thể nó cần thời gian để chúng được kích hoạt. Thật không may một số người đã không phát triển một nguyên tắc đạo đức chặc chẽ; hoặc cách để được cùng tồn tại hòa hợp chung với thế giới, đó là lý do tại sao đạo đức thế tục có sẵn là rất quan trọng. Con người được sinh ra với một hạt giống từ bi, nhưng chúng ta phải học cách mở rộng ý thức từ bi đó đối với người khác. Sự nhìn thấy người khác qua khái niệm “chúng tôi” và “họ” có thể được thay đổi nếu chúng ta nhìn thấy “họ” thay vì "giống như tôi".
Có mối quan hệ yêu thương, mô hình vai trò tích cực, hợp tác, tham gia với những người khác và hiểu biết về nhân loại chung của chúng ta là một trong những công cụ giáo dục mạnh mẽ để làm thay đổi cục diện.
Một đoạn video ngắn của trẻ em nói chuyện ca ngợi về lòng tốt và những phẩm chất khác đã thúc đẩy Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng tất cả chúng ta đều biết rằng trẻ em muốn có bạn bè. Yếu tố chính trong việc kết bạn là sự thể hiện tình cảm. Sự sân giận chỉ khiến cho chúng ngoảnh mặt quay đi.
"Cũng giống như những sinh vật khác, con người chăm sóc con cái của họ cho đến khi chúng có thể tự chăm sóc mình. Vào lúc đó các cháu không còn cần phải chăm sóc nữa cho nên chúng ta phải giáo dục họ, bởi vì họ vẫn là thành viên của cộng đồng, một phần của nhân loại.
"Chúng ta cũng có trách nhiệm chung để phục vụ cho một thế giới phi quân sự trong thế kỷ này. Và chúng ta cần giảm sự nhấn mạnh của mình về tầm quan trọng của ranh giới quốc gia. Ví dụ, người Tây Tạng của chúng tôi không tìm kiếm sự độc lập bởi vì chúng tôi cần kết nối với Trung Quốc. Nhưng liệu nó có thể được thiết lập hay không thì vẫn còn tùy thuộc vào khả năng sống có tôn trọng lẫn nhau hay không. Hầu như mọi người thích món ăn Trung Quốc và họ có thể cung cấp cho chúng tôi thức ăn thể chất, nhưng chúng tôi có thể cung cấp cho họ món ăn cho tâm thức”.
Trong bài thuyết trình của mình, bao gồm những bức ảnh đẹp đã chụp trong nhiều năm ở Hy Mã Lạp Sơn, Matthieu Ricard đã thảo luận về vai trò của lòng từ bi trong đạo đức thế tục. Ông nói về tầm quan trọng của sự công bằng, cách đối xử bất công có thể đưa đến những cơn tức giận. Ông nói rằng đạo đức đòi hỏi chúng ta suy nghĩ về những tác động ngắn hạn và dài hạn của những gì chúng ta đã làm; và lòng bi mẫn là sự mong muốn chủ yếu cho hạnh phúc của người khác. Nó liên quan đến một khát vọng để tránh khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc, nhưng cũng phải liên quan đến sự hiểu biết về những nguyên nhân của khổ đau.
Ông gợi ý rằng chúng ta có thể tóm tắt về đạo đức như sự phát triển từ tư tưởng rằng -cũng giống như chính bản thân tôi không muốn sự đau khổ, tôi cũng không muốn bất cứ ai khác phải chịu đựng sự đau khổ. Nó không chỉ là một tập hợp các quy tắc mà còn bao gồm một cái nhìn rộng hơn về thế giới bên ngoài. Ông đã định nghĩa về lòng vị tha là mong muốn người khác có thể tìm thấy hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc, trong khi lòng bi mẫn liên quan đến ước muốn cho những người khác thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Ông đã nói về những khía cạnh tình cảm của họ, nhận thức được sự đau khổ của người khác và có can đảm để làm điều gì đó cho nó. Ngoài ra còn có các khía cạnh nhận thức liên quan đến việc phân tích các nguyên nhân của sự đau khổ, đặc biệt là sự vô minh (thiếu hiểu biết), đó là cái nhìn không chính xác về sự thật. Đối với những phẩm chất này, ông đã bổ sung thêm vào sự đồng cảm - mà ông đã định nghĩa là sự cộng hưởng tình cảm với người khác.
Sau giờ nghỉ giải lao để dùng trà, Sona Dimidjian đã thảo luận về những ảnh hưởng của việc đào tạo ngắn về lòng từ bi đã được thiết kế để có sẵn dưới dạng một ứng dụng điện thoại di động. Những người tham dự chỉ cần tham gia vào chương trình đó trong vài phút mỗi ngày và được cho thấy những ưu điểm của lòng từ bi và những hạn chế khi thiếu nó. Các học viên và nhóm kiểm soát sau đó được mời đến để lắng nghe những câu chuyện của những người đang gặp phải khó khăn và phản ứng của họ được theo dõi, đặc biệt về mặt đóng góp tài chính cho các dự án từ thiện để giúp họ. Những người đã thực hiện việc rèn luyện tâm từ bi thì đã được ổn định hơn; và trong sự mong muốn của họ là muốn cung cấp cho sự hỗ trợ như vậy, trong khi các thành viên của nhóm kiểm soát thì dường như không thể duy trì bất cứ sự quan tâm nào.
Sau khi trích dẫn lời nhận xét của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Tình yêu thương và lòng từ bi là sự càn thiết, không phải là sự xa hoa. "Nếu không có chúng, nhân loại không thể sống sót", Dimidjian khẳng định rằng, cũng giống như sự đạt được phúc lợi là nhu cầu khẩn cấp cho sức khỏe cộng đồng, thì sự đoạn trừ tâm ích kỷ cũng vô cùng cần thiết như vậy.
Cơn bão đã bùng phát vào buổi sáng, mang đến bầu trời đen kịt, gió và mưa tiếp tục khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước xuống khỏi Chánh Điện để lên xe trở về Dinh thự. Ngài vẫn dành thời gian để chào đón những người có thiện tâm đang tập hợp ở cuối các bậc thang để diện kiến Ngài. Ngài sẽ trở lại buổi cuối cùng của Hội nghị vào buổi sáng ngày mai.