Bengaluru, Ấn Độ - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được mời bởi Vidyaloke - một nhóm có tên ngụ ý là “ánh sáng của trí tuệ”- dành riêng cho việc nhen nhóm lại giá trị của truyền thống tâm linh cổ xưa của Ấn Độ; và Phật giáo là một phần của nó - để nói chuyện với các Chuyên gia và Sinh viên. Khi bước vào phòng, Ngài được cung đón theo truyền thống Ấn Độ với những bông hoa, hương thơm, âm nhạc và vv. sau đó, Ngài đã tham gia thắp sáng một ngọn đèn để mở đầu cho sự kiện này. Veer Singh đã phát biểu với lời chào và cảm ơn đến những người ủng hộ của Vidyaloke.
Cả đám đông im phăng phắt và Ngài bắt đầu diễn thuyết.
"Anh chị em thân mến! Trước hết tôi muốn nói rõ rằng, tôi sử dụng những từ này vì tôi có cảm giác về sự hiệp nhất của tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay. Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới hòa bình hơn, được tạo thành từ các cá nhân hòa bình, chúng ta cần một mối quan tâm lớn hơn dành cho những người khác - đó là lòng vị tha. Điều đó mang lại sức mạnh nội tâm và sự tự tin. Khi bạn không có nhiều sự quan tâm dành cho người khác, và bạn cảm thấy mình là trung tâm của vũ trụ, thì bạn sẽ bị đeo đẳng bởi cảm giác nghi ngờ trái và phải. Cho dù bạn đã được giáo dục hoặc giàu có như thế nào chăng nữa, nếu bạn không có được sự an lạc nội tâm thì bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc.
"Tôi là một hành giả của Phật Pháp, một đệ tử của truyền thống Nalanda, và sự thực hành chính của chúng tôi là quan tâm đến lợi ích của tất cả chúng sanh - bồ đề tâm. Chúng ta cầu nguyện cho lợi ích của tất cả chúng sinh, nhưng chúng ta không thể làm được gì nhiều cho những chúng sanh trong các dãy thiên hà khác. Thậm chí ngay trên hành tinh này cũng có vô số loài động vật, côn trùng, chim chóc, nhưng chúng ta cũng không thể làm được gì nhiều để dạy dỗ cho chúng. Trong thực tế những chúng sanh mà ta có thể giúp đỡ được đó chính là loài người; bởi vì chúng ta có ngôn ngữ và chúng ta có thể giao tiếp và chia sẻ những kinh nghiệm của mình.
"Bên cạnh vấn đề thiên tai, thì ngày nay - nhiều trong số đó - có liên quan đến sự biến đổi khí hậu, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mà chủ yếu là do chính chúng ta gây ra. Là những động vật xã hội, chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng đối với sự sống còn của mình. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều có khả năng mang lại sự an lạc nội tâm và nhấn mạnh về tình yêu thương, lòng tử tế và kỷ luật tự giác. Đây là lý do tại sao mà - đôi khi trong cùng một tôn giáo - lại có ý tưởng rằng nhân danh tôn giáo mà người ta không những chỉ mâu thuẫn với nhau, mà còn giết hại lẫn nhau nữa - là điều không thể tưởng tượng được.
"Khi có quá nhiều sự nhấn mạnh về những khác biệt thứ yếu của chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hay giàu - nghèo; thì cách duy nhất là phải nhìn lại ở một mức độ sâu sắc hơn về cách con người chúng ta về cơ bản là giống nhau. Chúng ta về khía cạnh tinh thần, thể chất và cảm xúc đều như nhau - đó là lý do cam kết đầu tiên của tôi là thúc đẩy ý tưởng về sự đồng nhất của tất cả con người."
Ngài giải thích rằng Ngài cũng cam kết khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo; và rằng Ngài lấy cảm hứng lớn từ cách mà tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều sống hài hoà bên cạnh nhau ở Ấn Độ.
Là một người Tây Tạng, Ngài có trách nhiệm với người dân Tây Tạng, phần lớn trong số họ đã đặt niềm tin vào Ngài. Tuy nhiên, kể từ năm 2011 Ngài đã uỷ quyền trách nhiệm chính trị của mình cho bậc lãnh đạo đã được công chúng bầu chọn. Ngài đề cập rằng, ngay từ khi còn là một đứa bé, Ngài đã ý thức được rất rõ ràng rằng thể chế của Tây Tạng cần phải được cải cách; rằng có quá nhiều quyền lực nằm ở trong tay của quá ít người. Vào năm 1952 hoặc 53, Ngài thành lập một ủy ban cải cách mới, nhưng sự thành công chỉ đạt được rất hạn chế, bởi vì người Trung Quốc muốn rằng bất kỳ sự cải cách nào cũng phải được thực hiện theo phương thức của họ. Khi sống lưu vong, vào năm 1960, người Tây Tạng đã có thể thực hiện được các bước đầu tiên hướng tới dân chủ hóa.
"Trách nhiệm của tôi bây giờ là đảm bảo cho việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng bao gồm cả ngôn ngữ Tây Tạng. Truyền thống Nalanda mà chúng tôi đã giữ gìn cho được sống còn - đã nhấn mạnh về sự điều tra và phân tích bằng lý trí và logic. Chính Đức Phật đã khuyên đệ tử của Ngài rằng, không nên chấp nhận lời nói của Ngài qua giá trị bề mặt, mà phải kiểm tra và chứng nghiệm chúng. Do đó, các bậc Thầy như Ngài Long Thọ và các đệ tử của Ngài, đã tuyên bố rằng, một số lời dạy của Đức Phật không thể được hiểu theo nghĩa đen, mà cần phải được giải thích."
Ngài giải thích rằng, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, bậc Thầy của Nalanda - người thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng, và đệ tử trưởng của Ngài là Liên Hoa Giới, đều là những nhà logic học và là những triết gia thiện xảo. Do đó, việc sử dụng lý luận và logic là không thể thiếu đối với Phật Giáo Tây Tạng ngay từ lúc bắt đầu. Hơn thế nữa, với sự khuyến khích của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, người Tây Tạng bắt đầu dịch văn học Phật giáo từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Trong quá trình này, ngôn ngữ Tây Tạng đã được làm mới, trở nên phong phú và sắc sảo; cho nên ngày nay ngôn ngữ Tây Tạng vẫn là ngôn ngữ mà - thông qua đó - tư tưởng Phật giáo có thể được trình bày và truyền tải một cách chính xác nhất.
Ngài nói thêm rằng mối quan tâm của mình dành cho Tây Tạng cũng hướng đến vấn đề môi trường thiên nhiên của nó, hãy nhớ rằng đa số các con sông lớn của châu Á đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Trừ khi có những xu hướng thay đổi, nếu không - lượng tuyết rơi đều đặn trên những ngọn núi đã bị giảm - sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nước nghiêm trọng.
Ngài tiết lộ: “Cam kết thứ tư và gần đây nhất của tôi là làm hồi sinh lại sự quan tâm đối với kiến thức cổ xưa của Ấn Độ, đặc biệt là sự hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ấn Độ hiện đại không quan tâm nhiều đến những điều này và mọi người chưa có thể áp dụng được nó cho việc giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình. Việc giữ gìn vệ sinh thân thể sẽ giúp chúng ta duy trì được một sức khoẻ thể chất tốt; bằng cách phát triển một vệ sinh cảm xúc tương ứng, sẽ giải quyết được những phiền não và cảm xúc tiêu cực của chúng ta, và chúng ta có thể có được một cuộc sống tinh thần lành mạnh. "Giáo dục hiện đại được định hướng để hướng tới mục tiêu vật chất, do đó dẫn đến một lối sống vật chất. Những người lớn lên theo lối sống này sẽ không biết cách làm thế nào để giải quyết những cảm xúc tiêu cực của họ. Nếu kiến thức cổ xưa của Ấn Độ được kết hợp với giáo dục hiện đại, nó sẽ đưa đến lòng dũng cảm, sự tự tin và khả năng làm việc một cách minh bạch, liêm khiết”.
Trả lời cho một loạt các câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã khuyến cáo rằng, để có được sự hiệu quả - người giáo viên nên quan tâm đến cuộc sống hạnh phúc lâu dài của học trò mình. Người thầy cần phải thể hiện một tấm gương điển hình thực tế về lòng nhân từ nhiệt huyết trong hành động của chính mình. Ngài khuyên một vị giáo viên khác - người đã thỉnh cầu Ngài ban cho một câu thần chú để cho các học sinh của mình - để dạy cho họ đọc “Om ara patsa na DHI”, câu thần chú thuộc về Đức Văn Thù - Vị Bồ tát hiện thân của Trí tuệ. Ngài minh họa về mối quan hệ Ấn độ - Tây Tạng bằng cách trích dẫn lời của một bậc thầy Tây Tạng ở thế kỷ 15 đã nói rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
Cũng cùng một người hỏi ấy đã đặt câu hỏi rằng, có phải Phật giáo được dựa trên sự hận thù của Ấn Độ giáo hay không. Ngài nói với vị ấy rằng, hai truyền thống đều có điểm chung là Tam Vô lậu Học: Giới, Định và Tuệ (shila, shamatha và vipashyana). Ngài trích dẫn một cuộc trò chuyện của Ngài với một Swami ở tại Bangalore này, Ngài giải thích rằng chỗ khác nhau giữa hai truyền thống là ở lập trường của họ về atman (ngã) hoặc anatman (vô ngã). Tuy nhiên, Ngài nói với Swami rằng, bạn tin vào atman (ngã), tôi tin vào anatman (vô ngã) - đó là vấn đề đối với sự phán xét cá nhân.
Có một số câu hỏi về cách đối phó với sự tức giận. Ngài đã chỉ ra rằng, khi bạn đang tức giận thì rất khó để nhìn thấy một giải pháp cho vấn đề này. Nó cũng khó khăn hơn để đánh giá đúng hay sai. Ngài đề nghị nên đọc “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên mà hiện nay đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Trong chương 6 và 8, cuốn sách đã giải thích những cách tốt nhất để đối phó với sự tức giận và tâm hẹp hòi của sự ái trọng tự thân.
Ngài nói với một cậu bé lo lắng về vấn đề sinh thái rằng, cậu là một thành viên của thế hệ thế kỷ 21, cậu là đại diện cho tương lai của thế giới. Ngài nói thêm rằng nếu hiện tại các bước đã được thực hiện để bảo vệ hệ sinh thái, thì trong vòng 30 hoặc 40 năm nữa thế giới có thể là một nơi tốt đẹp hơn. Ngài nói thêm rằng, việc phi quân sự hóa, bao gồm cả việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, là một mục tiêu xứng đáng, nhưng để đạt được điều đó đòi hỏi chúng ta phải mở rộng sự giải trừ vũ khí bên trong nội tâm của chính chúng ta.
Trong một thị trấn - nơi có nhiều người làm việc cho các công ty công nghệ thông tin - Ngài tuyên bố rằng, công nghệ này bắt nguồn từ trong tâm thức của con người. Điều quan trọng là phải nhớ rằng, để cho nền công nghệ ấy trở nên hữu ích, thì con người cần phải kiểm soát điều khiển nó.
Câu hỏi cuối cùng của buổi sáng là về mục đích của cuộc sống. Ngài đã nói rõ ràng rằng mục đích của cuộc sống là để tìm được hạnh phúc và niềm vui. Không có gì là đảm bảo chắc chắn cả, nhưng chúng ta đang sống trong hy vọng. Một khi mà hy vọng bị mất đi, thì chúng ta chẳng còn lại gì cả; và tình trạng này có thể sẽ đưa người ta đến với sự tự tử. Vì vậy, kết luận rõ ràng rằng mục đích của cuộc sống là hạnh phúc và niềm vui. Vào lúc này, Ngài nói có cảm giác như giờ ăn trưa đã đến; và khán giả đã vỗ tay hoan nghênh.
Ngày mai Ngài sẽ có thêm một buổi hội đàm với công chúng theo sự thỉnh cầu của Vidyaloke.