Sumur, Thung lũng Nubra, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi khu nhà của Ngài trên đỉnh Tu viện Samstanling và đi xuống thăm đền thờ bên dưới. Ngài quan sát bức họa “Bánh Xe Cuộc Đời” trên hàng hiên, trước khi tiến vào trong để nhìn và đảnh lễ trước các pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Je Tsongkhapa, và Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Xuất hiện trong ánh nắng mặt trời, Ngài dừng lại để nói chuyện với một nhóm người phương Tây, Ngài nói với họ rằng tất cả mọi người đều có thể chất, tinh thần và tình cảm như nhau, vì vậy điều cần thiết là phải ý thức về sự hợp nhất của nhân loại. Ngài thừa nhận rằng có những sự khác biệt giữa chúng ta về tôn giáo, quốc tịch, chủng tộc, sự phồn thịnh và vân vân, nhưng tất cả những điều đó chỉ là sự quan trọng thứ yếu mà thôi.
Ở bậc thềm của Tu viện, các nhóm người Ladakh đang chờ đợi để cung chào Ngài. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt tay với một số người, trêu ghẹo những người khác và chụp ảnh với họ theo từng nhóm. Ngài tiếp tục đi bộ đến sân bãi thuyết giảng để tham gia lễ cầu nguyện Cát Tường để đánh dấu lễ khai mạc và thắp sáng ngọn đèn trí tuệ. Theo thói quen của mình, Ngài cố gắng mở rộng lời chào mừng của mình đến càng nhiều người trong khả năng có thể đối với đám đông của hơn 8.000 người, mỉm cười và chào mừng họ bằng đôi bàn tay chắp lại và đưa theo từng hướng. Khi Ngài vẫy tay chào các em học sinh, họ vui vẻ vẫy tay chào lại.
Ganden Trisur, Rizong Rinpoche - Viện chủ của Tu viện Samstanling - là vị chủ nhà cho sự kiện này - Cuộc Đại Tranh Biện Mùa Hè. Ngài hoan nghênh tất cả mọi người và đề cập đến tầm quan trọng của Phật tử trong việc kết hợp Tâm Bồ Đề - phát sinh từ tình thương yêu và lòng từ bi, với Trí tuệ - sự hiểu biết rõ ràng về tánh Không. Ngài tiếp tục làm nổi bật phẩm chất độc đáo của Giáo lý Đức Phật - tánh không của sự tồn tại cố hữu dựa trên lý Duyên khởi - đó là lý do tại sao Đức Phật được biết đến như một bậc Thầy vô song.
Ngài đã đề cập đến một lời tiên tri trong đó Đức Phật đã tiên đoán rằng Je Tsongkhapa sẽ xuất hiện và thiết lập một Tu viện tên là Ganden, có ý nghĩa vô cũng đối với người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn cũng như đối với người Tây Tạng. Ganden Trisur Rinpoche tiếp tục đề cập đến những lời tiên tri khác mà Đức Phật đã đề cập về sự xuất hiện của Đức Quán Thế Âm trên vùng Đất Tuyết ở phía bắc Bồ Đề Đạo Tràng. Bốn mươi sáu hoá thân bao gồm các vị Vua Pháp ban đầu ở Ấn Độ và Tây Tạng và một loạt liên tiếp các Vị Đạt Lai Lạt Ma. Rinpoche đã đề cập đến những thành tựu của Ngài trong việc giới thiệu nền dân chủ cho cộng đồng Tây Tạng và đề xuất phương pháp tiếp cận trung đạo bất bạo động một cách rõ ràng để giải quyết các vấn đề của Tây Tạng.
Rinpoche đã nhắc đến khả năng của Đức Ngài để thực hiện ước nguyện của mọi người về mặt giáo lý cho dù họ xem chính mình là thuộc truyền thống Nyingma, Sakya, Kagyu hay Geluk. Ngài khuyên các thính giả nên cảm thấy may mắn khi có thể được diện kiến và lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và hãy cầu nguyện cho sự trường thọ của Ngài. Rinpoche lưu ý rằng, như Đức Ngài đã đề cập, rằng giáo lý của Đức Phật có thể được phân loại thành Giáo và Chứng - và phương thức để bảo tồn Giáo pháp thì bao gồm việc học tập và thực hành. Ngài kết thúc bằng sự cảm ơn Geshe Yeshey Gyaltsen vì đã thiết lập việc sử dụng logic và tranh luận tại Samstanling đã chín muồi trong dịp tổ chức cuộc Đại Tranh luận Mùa Hè này.
Đến lượt mình, Tiến Sĩ Geshe Yeshey Gyaltsen - cũng là một người Ladakh - đã giải thích rằng vào năm 1998, Rizong Rinpoche - người lúc đó là Jangtse Chöjey, đã mời Tiến Sĩ đến giảng dạy triết học tại Samstanling. Kể từ đó, có thể mỗi năm gửi mười tu sĩ để học tập và đào tạo tại Tu viện Gomang được tái thiết lập ở miền Nam Ấn Độ. Những tu sĩ này đã trở nên có đủ kỹ năng để có thể tranh luận trước mặt Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiến Sĩ nói rằng ông đã làm hết sức mình để giữ cho truyền thống Nalanda được sống còn, với kết quả là ngày nay những Cư sĩ cũng đang tham gia nghiên cứu triết học Phật giáo.
Trong phần kết luận, Tiến Sĩ Yeshey Gyaltsen đã hỏi ý kiến và lời khuyên về một đề nghị ông đã đưa ra cho Chư Tăng mà ông đã dạy, những người đã tốt nghiệp Tiến Sĩ. Ông khuyến khích họ, một khi họ đã tốt nghiệp rồi, nên chọn một trong năm chủ đề cổ điển của sự nghiên cứu và tập trung nghiên cứu sâu hơn về điều đó.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời ngay lập tức rằng, có 1000 Tiến Sĩ đủ phẩm chất trong các Tu viện ở miền Nam Ấn Độ. Ngài cười khúc khích, “Khi họ tốt nghiệp xong, một số muốn đi sang Mỹ và châu Âu, nhưng một số khác ở lại để tiếp tục nghiên cứu. Chắc chắn, sẽ là một sự lựa chọn rất tốt để nghiên cứu sâu hơn về logic, Trung quán, Bát Nhã Ba La Mật và vv. Điều này sẽ liên quan đến việc làm quen tốt hơn với các luận giải của các bậc thầy Luận sư vĩ đại Ấn Độ được tìm thấy trong Luận tạng (Tengyur). Khi tôi đến Tu viện Sherabling của Situ Rinpoche, các tu sĩ đã làm điều đó - và họ đã rất ấn tượng. Tương tự, tôi cũng đã yêu cầu các Tăng sĩ của Tu viện Namdroling ở miền Nam để làm cho họ quen thuộc với “Nhiếp Chân Thật Luận” (Tattvasamgraha) của ngài Thiện Hải Tịch Hộ.
“Tiến Sĩ Geshe Yeshey Gyaltsen ở đây đã thực hiện một phụng sự tuyệt vời cho giáo pháp.”
Chủ tịch cộng đồng Hồi giáo Thung lũng Nubra - Muhammad Akram, là người phát biểu tiếp theo; ông hoan nghênh tất cả các chức sắc và khách mời, đặc biệt là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông cảm ơn Rizong Rinpoche và Thiksey Rinpoche đã mời ông đến Nubra một lần nữa. Ông nhớ lại rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viếng thăm nhà thờ Hồi giáo mới ở Diskit vào hôm thứ Sáu - ngày thánh Hồi giáo, với một số niềm tự hào. Ông kết thúc với niềm mong muốn hòa bình, hòa hợp và tình bằng hữu có thể phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh - Tsewang Thinles đã nói về sự thành công của Đại tranh luận mùa Hè, bây giờ là năm thứ sáu ở Ladakh. Ông cũng lưu ý rằng nhận thức của người dân về Phật giáo cũng thực sự đã phát triển đều đặn. Ông nhận xét rằng các thành viên của truyền thống Drikung Kagyu đã thể hiện sự quan tâm đến việc tổ chức Cuộc Đại Tranh luận mùa Hè trong tương lai. Ông nhắc lại rằng tất cả người dân Ladakh có trách nhiệm đảm bảo hòa bình và hòa hợp chiếm ưu thế trong cộng đồng nói chung.
Các thành viên trong nhóm nghiên cứu của Cư Sĩ tại Tiggur, hầu hết là phụ nữ, tranh luận về phẩm chất của Tam Bảo.
Trong bài phát biểu của mình, Tu viện trưởng Tu viện Gomang, cũng là một người Ladakh, đã tổ chức lễ hội lần thứ sáu, rằng Cuộc Đại Tranh luận mùa Hè đã được tổ chức. Một sự kiện tương tự đã từng diễn ra ở Tây Tạng tại Tu viện Sangphu. Một sự khác biệt là ở Tây Tạng, chư Tăng đã phải tổ chức mọi thứ, trong khi ở đây, Chư Tăng, Ni và Cư Sĩ Ladakh, và thậm chí là các thành viên của cộng đồng Hồi giáo, đã làm việc cùng nhau để mang lại sự thành công này. Ông gọi đó là một mốc lịch sử cho sự cộng tác.
Ông cảm ơn Tiến Sĩ Geshe Yeshey Gyaltsen về công việc khó khăn mà Tiến Sĩ đã thực hiện; và kết quả là nhiều học trò của Tiến Sĩ đang đi theo bước chân của Rizong Rinpoche, người cuối cùng đã trở thành Bậc nắm giữ Ngai Báu của Ganden. Samstanling là một Tu viện nhỏ, nhưng nó đã sản sinh ra nhiều bậc học giả lỗi lạc. Mặc dù người Tây Tạng ở Ấn Độ là những người tị nạn, nhưng những người từ các khu vực Hy Mã Lạp Sơn, những người tham gia vào các Tu viện và Ni viện của họ đã được cung cấp cơ hội bình đẳng để nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, ông đã thành kính tri ân Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về điều này.
Tenzin Namgyal của Hiệp hội miền núi Ladakh địa phương đã quan sát thấy rằng, trong một thế giới mà vật chất và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, thì giáo lý của Đức Phật có thể giúp khôi phục lại sự hoàn thiện. Ông đề nghị áp dụng những gì có thể học được về các hoạt động của tâm thức và cách xử lý những cảm xúc tiêu cực. MP Thubten Tsewang nói thêm rằng trong khi sự phát triển về vật chất vừa là cần thiết vừa là mong muốn, nhưng nó không thể thay thế được giá trị của sự an lạc nội tâm. Vì vậy, chúng ta cần phải học cách để đạt được và duy trì sự an lạc trong tâm hồn.
Các vật lưu niệm của dịp này được dâng tặng trước tiên cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và sau đó đến Ganden Trisur, Rizong Rinpoche, sau đó Ngài được cung thỉnh lên để nói chuyện với Hội chúng.
Ngài bắt đầu: “Kính lễ Đức Văn Thù! Xin chào mừng bậc thầy vĩ đại của tôi - Trisur Rinpoche - người mà tôi đã được thọ nhận những giáo lý uyên thâm, và xin chào mừng tất cả các anh chị em khác. Xin cám ơn tất cả những người đã tham gia vào việc sắp xếp cuộc Đại tranh luận mùa Hè này; quý vị đã làm rất tốt. Vì tôi sẽ giảng dạy trong vài ngày tới, cho nên tôi không có nhiều điều để nói hôm nay.
“Như có người đã từng đề cập, trong quá khứ ở Tây Tạng, trên cơ sở những quyển sách ở Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng), chúng ta đã tiến hành nghiên cứu về năm ngành học chính (Ngũ minh): khoa học nội tại của học thuyết Phật giáo và thực hành (Nội minh), ngôn ngữ (Thanh minh), logic (Nhân minh), y học (Y phương minh) và nghệ thuật và hàng thủ công (Công xảo minh) và năm khoa học ngữ pháp và vân vân.
“Dù chúng ta có đi theo con đường tâm linh hay không, chúng ta cũng cần phải cải thiện nền giáo dục của mình. Và trong điều này, logic và tâm lý học có thể rất hữu ích. Mặc dù đại tuệ có thể được bắt nguồn từ văn học Phật giáo, nhưng chúng ta không cần phải thực hiện nó từ quan điểm tôn giáo, chúng ta có thể sử dụng nó theo phương pháp học thuật.
“Logic và nhận thức luận đã từng chiếm ưu thế ở Ấn Độ cổ đại; và đã bị lụn tàn đi trong thời hiện đại, nhưng người Tây Tạng chúng ta đã giữ cho nó ược sống còn trong các Tu viện của chúng ta. Sự nghiên cứu của chúng ta rất nghiêm ngặt. Chúng ta đã học thuộc lòng các bản văn từng chữ, từng chữ một; nghiên cứu các luận giải của chúng; tham gia vào các cuộc tranh luận để bác bỏ lập luận của người khác, khẳng định quan điểm của chính mình và bác bỏ sự chỉ trích. Noi theo truyền thống này được truyền đạt bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Liên Hoa Giới, chúng ta đã gìn giữ cho truyền thống Nalanda được sống còn. Và trên cơ sở của ngày hôm nay, tôi tin rằng chúng ta có thể đóng góp tích cực cho thế giới.
“Tâm lý học của Ấn Độ cổ đại có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hoá nội tâm bằng cách cho phép chúng ta thấy những cảm xúc phiền não đưa đến hậu quả tiêu cực như thế nào. Nó có thể giúp chúng ta vượt qua và loại bỏ chúng bằng cách phát hiện ra phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc của mình. Cũng giống như chúng ta có thể học được tình yêu thương và lòng bi mẫn hữu ích như thế nào, chúng ta có thể hiểu rằng sự tức giận, kiêu ngạo, ganh tỵ và hống hách có thể gây tổn hại. Chúng ta cũng có thể học cách phân biệt giữa sự kiêu ngạo - khinh thường những người khác, và niềm tự hào hữu ích có liên quan đến việc thúc đẩy sự tự tin của chúng ta.
“Sự chuyển hoá nội tâm không phải là vấn đề của đức tin hay lời cầu nguyện. Nó liên quan đến lý trí và việc sử dụng trí thông minh của con người. Một tâm trí bình tĩnh và lành mạnh có tác động rất tích cực đến sức khỏe thể chất và hạnh phúc của chúng ta.
“Như tôi đã đề cập trước đây, các văn bản kinh điển của văn học Phật giáo tiếng Phạn rất tuyệt vời, nhưng những kiến thức mà chúng chứa đựng có thể được chuyển dời một cách hữu ích sang một bối cảnh của lĩnh vực học thuật đơn giản.
“Tuy nhiên, bất cứ nơi nào tôi đến, tôi không bao giờ cho rằng Phật giáo là tốt nhất hoặc cố gắng truyền bá Phật giáo. Làm như thế sẽ chẳng khác nào tuyên bố rằng một loại thuốc là tốt hơn so với những loại thuốc khác - bất kể hoàn cảnh hoặc thể trạng của bệnh nhân. Thật vậy, ngay cả Đức Phật cũng dạy những điều khác nhau vào những thời điểm khác nhau cho những người khác nhau, bởi vì Ngài đã dạy theo căn cơ và cá tính của họ.
Truyền thống Nalanda được đặc trưng bởi việc sử dụng lý trí và logic. Điều này được minh chứng bằng các tác phẩm của Ngài Long Thọ - người đã viết trong ‘Trí tuệ cơ bản’ của mình:
Chẳng phải từ chính nó cũng không từ cái khác
Cũng chẳng hề xuất phát từ cả hai,
Cũng không phải chẳng có một nguyên nhân;
Mà khởi sinh bất cứ điều gì, ở bất cứ nơi đâu.
“Đào tạo về lý luận và logic đã cho phép chúng ta tham gia hữu ích trong các cuộc thảo luận cùng có lợi với các nhà khoa học hiện đại. Chúng ta đã học được nhiều hơn về thế giới bên ngoài và họ đã học được về lĩnh vực tâm thức.
“Mặc dù có sự tiến bộ như thế, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn còn theo Phật giáo với cách đơn giản. Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về những gì Đức Phật đã giảng dạy - đây là điều mà tôi sẽ giải thích trong những ngày sắp tới.”
Trong phần kết thúc với lời phát biểu cảm ơn, đại diện các nhà tổ chức đã lặp lại lòng tri ân của họ đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự quang lâm của Ngài. Họ cũng cảm ơn các nhà tài trợ, đặc biệt là các gia đình địa phương đã hỗ trợ việc cúng dường bữa ăn trưa ngày hôm nay và ngày mai; và một gia đình khác sẽ hỗ trợ việc cúng dường bữa trưa vào ngày cuối cùng của Pháp Hội.
Trước khi giải lao để dùng cơm trưa, khán giả đã được xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ. Những trẻ em của trường Lamdron đã hát và nhảy múa. Sau đó là một nhóm phụ nữ trong trang phục Ladakh cổ điển, bao gồm cả những chiếc mũ được trang trí với những viên ngọc lam, vừa hát khi kết hợp với những vũ điệu. Họ được theo sau bởi một nhóm phụ nữ khác hát và nhảy múa theo tiếng còi và tiếng trống.
Mỉm cười, vẫy tay và bắt tay mọi người, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ từ rời khỏi khán đài, đi dần ra cổng của sân bãi và bước lên xe để đi một đoạn ngắn đến Tu viện. Ngài sẽ trở lại vào ngày mai để dạy về “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” và Phát Bồ Đề Tâm của Ngài Je Tsongkhapa.