New Delhi, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu một ngày của mình bằng cuộc trả lời phỏng vấn với Adriaan van Dis cho đài truyền hình Hà Lan liên quan đến chuyến viếng thăm của Ngài trong tương lai đến Hà Lan vào tháng Chín. Van Dis đã mở đầu bằng cách hỏi liệu có khi nào Ngài tức giận hay không; và Ngài bảo rằng thỉnh thoảng Ngài cũng có, nhưng nó không kéo dài. Rồi họ nói về những người khác có thể có sự tức giận; và về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, trong lịch sử, các tầng lớp thượng lưu giàu có đã bóc lột những người nghèo khổ - những người mà - ngay cả khi họ được hưởng quyền bình đẳng, họ cũng cảm thấy khó có thể xây dựng được sự tự tin.
Van Dis đề cập đến sự giận dữ được thể hiện bởi các nhà văn trẻ Tây Tạng mà ông đã đọc. Thánh Đức Đạt Lai giải thích rằng, Tây Tạng không chỉ bị chiếm đóng về mặt thể chất, mà những người bảo thủ trong giới chức Trung Quốc còn xem bất kỳ sự phân biệt nào về những phẩm chất của Tây Tạng, như văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng, đều bị buộc là sự biểu hiện của chủ nghĩa ly khai. Do đó, sự nghiên cứu về Phật giáo và Tây Tạng rất bị hạn chế.
“Cũng có một số người tức giận với tôi, vì kể từ năm 1974 tôi đã không vận động cho sự độc lập. Về mặt phát triển thể chất, chúng tôi có thể hưởng lợi từ việc duy trì ở chung với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng chúng tôi phải có được quyền bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của mình; và bảo vệ môi trường tự nhiên của quê hương chúng tôi. Điểm cuối cùng không chỉ là vấn đề mà người Tây Tạng quan tâm; vì các con sông chính của châu Á đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và hơn một tỷ người đang phụ thuộc vào nguồn nước của những dòng sông ấy.”
Cuộc hội thoại được chuyển sang vấn đề được quan tâm của giới khoa học về tâm thức và não bộ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích, “Chúng ta có hai loại cảm xúc, những cảm xúc phá hoại, như giận dữ và ganh tỵ; những cảm xúc này phá hủy sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta và làm tổn thương sức khỏe của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có những cảm xúc mang tính xây dựng khác - như lòng từ bi - mang lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm.”
Khi được hỏi làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, Ngài trả lời, “Hãy phân tích chúng! Hãy phát triển một sự hiểu biết khái quát về hệ thống cảm xúc của chúng ta, ví dụ như, tìm hiểu xem sự ái trọng tự thân và tâm lo lắng bất an đã làm phát sinh sự tức giận như thế nào. Mọi người cần hiểu rõ hơn về mọi sự vật hiện tượng như nó thực sự là; vai trò của sự phóng chiếu của tâm thức và nhu cầu cần thiết của nền đạo đức thế tục.”
Liên quan đến việc tái sinh của Ngài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận rằng đã không có những hóa thân được công nhận là của Đức Phật hay của Ngài Long Thọ. Ngài gợi ý rằng trong một số trường hợp, hệ thống được áp dụng trong các phong tục phong kiến, trong đó những người thị giả của vị Lama quan tâm nhiều hơn đến việc họ tiếp tục được hưởng quyền sở hữu và đặc quyền của Vị ấy. Ngài nhắc lại rằng vào đầu năm 1969, Ngài đã nói rõ rằng, việc có hay không có một Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 dều sẽ phụ thuộc vào nguyện vọng của nhân dân Tây Tạng. Ngài lưu ý rằng sẽ có một cuộc họp của các nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng để thảo luận lại về vấn đề này vào cuối năm nay. Ngài chỉ ra rằng, một sự lựa chọn đã được tuân thủ trong một số trường hợp dành cho một ứng cử viên trở thành người kế nhiệm đã được vị tiền nhiệm chọn lựa chỉ định trước khi vị tiền nhiệm này qua đời. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bày tỏ sự chấp thuận về cách thức một Đức Giáo Hoàng được bầu trong số các cá nhân có trình độ.
Đề xuất về phương pháp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng, yếu tố then chốt là một sự công nhận phổ quát hơn về sự hợp nhất của nhân loại - cần phải hiểu rằng 7 tỷ người đang sống hôm nay thực sự là anh chị em của nhau.
Một đoạn đường đi xe ngắn ngang qua Nam Delhi đã đưa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Sân vận động Tyagaraj, nơi đã có hơn 5000 hiệu trưởng và giáo viên đến từ các trường công lập của chính phủ ở Delhi đang chờ đợi sự khai trương của “Chương trình Giáo dục Hạnh phúc” mới được cấu hình. Ngài được cung đón bởi vị Phó Tổng Trưởng - Manish Sisodia và được hộ tống vào tòa nhà, nơi mà ngày sau đó họ đã được vị Tổng Trưởng - Arvind Kejriwal cùng tham gia. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt chào đón tất cả mọi người khi họ bước vào đại sảnh và lên khán đài.
Sau lời giới thiệu ngắn gọn đã được thực hiện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các Vị chủ nhà của Ngài đã được thỉnh cầu lên để thắp sáng những ngọn đèn truyền thống, ngụ ý về cách mà ánh sáng của trí tuệ khắc phục được bóng tối của vô minh. Một nhóm giáo viên âm nhạc đã hát một bài hát chào đón mà chính họ đã sáng tác và các sinh viên đã tặng những cây trồng trong chậu cho từng vị chức sắc.
Trong bài phát biểu của mình, ông Sisodia đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về nguồn cảm hứng để xây dựng ‘Chương trình Giáo dục Hạnh phúc’ này. Ông nói rằng sau khi cải thiện cơ sở hạ tầng và cắt giảm công việc văn thư dự kiến của giáo viên, ông và các đồng nghiệp của mình đã muốn đảm bảo cho nền giáo dục tốt hơn bằng cách giúp đỡ các sinh viên trở nên vui vẻ hạnh phúc hơn. Ông trích dẫn lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, Ấn Độ được đặt để một cách độc đáo để kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa về phương pháp xử lý những cảm xúc tiêu cực.
“Chương trình Giáo dục Hạnh phúc” mới sẽ bao gồm các giai đoạn thiền định, chánh niệm và đào tạo về các giá trị chung của con người. Ông thưa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, các giáo viên rất vui mừng khi có thể được lắng nghe những gì Ngài đã nói. Ông đã đề cập đến một giáo viên mà ngày hôm nay đã quyết định đến đây để lắng nghe Ngài nói chuyện chứ không đến phòng thi để thực hiện một buổi thi cần thiết cho sự thăng tiến.
Vị Tổng trưởng - Arvind Kejriwal đã chỉ trích hệ thống giáo dục do người Anh để lại - chỉ chuẩn bị cho việc vượt qua các kỳ thi. Ông nói rằng điều ông muốn thực hiện là giáo dục học sinh để họ có khả năng đưa đất nước tiến về phía trước. Ông nói thêm - trên cơ sở đó, Chính phủ Delhi đã tăng gấp đôi ngân sách giáo dục.
Ông mô tả chương trình giáo dục mới như là một bước tiến vững chắc để định hình những con người tốt hơn, hạnh phúc hơn với những giá trị được hoàn thiện.
Ông Kejriwal tuyên bố rằng không có người nào tốt hơn để khai trương 'Chương trình Giáo dục Hạnh phúc' này bằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông cảm ơn Ngài vì đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Chính phủ Delhi. Ông, Sisodia và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, mỗi người đã mở một gói bọc đã được trao cho họ và chính thức phát hành những cuốn sách liên quan đến dự án.
Mục tiêu của chương trình mới bao gồm phát triển sự tự nhận thức và chánh niệm trong học sinh; khắc sâu sự suy nghĩ quan trọng; nâng cao kỹ năng giao tiếp; khuyến khích sự đồng cảm nhiều hơn đối với người khác; giúp học sinh học cách ứng phó với trạng thái căng thẳng; và phát triển một ý thức lớn hơn về nhận thức xã hội và các giá trị của con người.
Đáp lại lời thỉnh cầu lên phát biểu, Ngài đã bước đến bục giảng và bắt đầu bằng lời chào dành cho tất cả những người đang hiện diện. “Thưa những người bạn quý kính của tôi! Tổng trưởng và phó Tổng trưởng của Delhi, những anh chị tiền bối, cũng như các em trai em gái hậu bối! Tôi cảm thấy đây là một dịp thực sự có ý nghĩa. Tôi rất cảm kích những nỗ lực mà quý vị đã thực hiện! và tôi thực sự cảm thấy rất vinh dự rằng đã được các bạn mời tôi đến đây hôm nay! Tôi tin rằng việc kết hợp những gì tốt đẹp trong nền giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại là điều hoàn toàn khả thi!
“Bản thân tôi là một học trò của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Trong thế kỷ thứ 8, mặc dù có quan hệ lâu dài với người Trung Quốc, nhưng Hoàng đế Tây Tạng đã chọn việc phát triển chữ viết Tây Tạng trên nền tảng của chữ viết Devanagari của Ấn Độ. Hoàng đế cũng đã chọn mời các bậc Thầy có phẩm hạnh và trình độ về Phật giáo từ Ấn Độ - Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, một Tăng Sĩ thuần tịnh, một học giả vĩ đại, một triết gia và là nhà logic học; và học trò của Ngài là Liên Hoa Giới đến từ Nalanda và thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Phương pháp nghiên cứu của các bậc thầy này được đặc trưng bởi sự hoài nghi và sử dụng lý luận. Đó là một hệ thống liên quan đến 30 năm nghiên cứu học hỏi.
“Tôi cũng học theo phương pháp này; và mặc dù lúc còn bé tôi đã rất lười biếng và miễn cưỡng; nhưng sau đó tôi đã đánh giá cao sự hữu ích của phương pháp học tập này. Một học giả Tây Tạng đã nói rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
“Người Tây Tạng của chúng tôi không chỉ nghĩ về chính mình như những đệ tử của các bậc thầy Ấn Độ, mà còn là những đệ tử đáng tin cậy, bởi vì chúng tôi đã giữ gìn những gì mà chúng tôi đã học được trong hơn 1000 năm qua.
“Tôi đã quan sát và thấy nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là do chính chúng ta gây nên. Chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi sự tức giận, hận thù, ganh tỵ và nghi ngờ; nhưng nền giáo dục hiện đại chỉ cung cấp rất ít trong việc đạt được sự an lạc nội tâm. Nó chỉ hướng tới những mục tiêu vật chất. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều thu hút sự chú ý đến những khiếm khuyết của nền giáo dục hiện đại và sự thất bại của nó trong việc thúc đẩy các giá trị nội tâm. Tôi chỉ ra rằng, chúng ta chỉ dạy về sự vệ sinh thể chất, chúng ta cũng cần phải rèn luyện về vệ sinh cảm xúc; bởi vì cũng giống như sự thích hợp đối với thể chất, chúng ta cũng cần có sự thích hợp về mặt tinh thần.
“Những sự thực hành của Ấn Độ cổ đại để trau giồi một tâm thức định tĩnh (shamatha) và trí tuệ thấu triệt (vipashyana) đã đưa đến một sự hiểu biết sâu sắc và tinh tế về các hoạt động của tâm thức. Ngoài ra, kiến thức Ấn Độ cổ đại còn khuyến khích lòng từ bi và tinh thần bất bạo động (karuna và ahimsa). Đây là cơ sở của ý nghĩa phi thường của Ấn Độ về sự đa nguyên tôn giáo, với nhiều truyền thống tôn giáo sống chung với nhau trong sự hòa hợp - chứng tỏ một cách sống động rằng đây là điều khả thi.
“Mục đích của cuộc sống của chúng ta là hạnh phúc. Chúng ta liên tục sống trong hy vọng. Niềm vui dựa trên sự trải nghiệm giác quan thì ngắn ngủi, trong khi nguồn hạnh phúc lâu dài nhất chính là ở trong tâm thức của chúng ta.
“Mặc dù các tài liệu về điều này và cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của chúng ta được trình bày trong các bản văn Phật giáo, nhưng không có lý do gì để chúng ta không thể rút ra kiến thức đó và kiểm tra nó theo phương pháp học thuật thế tục. Các phương pháp để giải quyết những cảm xúc tiêu cực của chúng ta rất có liên quan đến thế giới ngày nay. Chúng không liên quan đến đền miếu, chùa chiền, nghi lễ hay lời cầu nguyện, mà là một nền giáo dục hợp lý trên nền tảng thế tục.
“Một khi đất nước này đã phát triển một hệ thống giáo dục hoàn hảo hơn, kết hợp được những gì tốt nhất từ các nguồn hiện đại và cổ đại, tôi tin rằng Trung Quốc cũng sẽ quan tâm. Điều này có thể liên quan đến hơn 2,5 tỷ người và có tác động sâu rộng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, những nỗ lực mà quý vị đang thực hiện ở đây, trong thủ đô của Ấn Độ này, đã mang một ý nghĩa vô cùng to lớn.”
Trong sự trả lời của mình cho các câu hỏi từ phía khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đồng ý rằng, việc có một cuộc sống khá giả không đảm bảo được rằng bạn sẽ hạnh phúc. Ngài đề cập đến một Phó Thủ tướng người Mỹ được trả lương cao và có danh tiếng tốt, nhưng sự căng thẳng và lo lắng khiến ông không cảm thấy hài lòng. Bằng cách ngược lại, Ngài đề cập đến một tu sĩ Kitô giáo mà Ngài đã gặp ở Tây Ban Nha - người đã trải qua năm năm sống ẩn dật như một ẩn sĩ thiền định về lòng yêu thương. Ông ta chỉ có những phương tiện cơ bản nhất nhưng sự lấp lánh trong đôi mắt của ông đã tiết lộ những trải nghiệm của ông về hạnh phúc đích thực.
Cuối cùng, khi được hỏi về sự chứng ngộ là gì; và làm thế nào để đạt được điều đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng rõ rằng, nó đạt được qua sự cầu nguyện thì ít hơn qua sự rèn luyện trau giồi tâm thức. Bằng cách nghiên cứu và suy niệm từng ngày, ta có thể vượt qua được sự vô minh. Kết hợp trí tuệ ấy với lòng vị tha, ta có thể bắt đầu trên con đường đưa đến giác ngộ.
Khi sự kiện kết thúc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được dâng tặng một bức chân dung được thực hiện bởi một giáo viên nghệ thuật. Ngài cũng đã tặng các biểu tượng Cát Tường và chiếc khăn trắng cho vị Tổng trưởng và Thứ trưởng. Sau lời phát biểu cảm ơn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tất cả mọi người cùng đứng lên cho bài quốc ca. Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thưởng thức bữa trưa với vị Tổng Trưởng và các thành viên trong Nội Các của ông, sau đó, Tổng trưởng - Kejriwal và Dy CM Sisodia đi cùng Ngài ra đến xe để cung tiễn Ngài.
Ngày mai, Ngài sẽ bay đến Ladakh.