Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Sáng hôm nay thật quang đãng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi một quãng ngắn từ nơi cư trú của Ngài - Shewatsel Phodrang - đến Tu viện Thiksey. Được che mát bởi những cây bạch dương và cây liễu, con đường uốn lượn giữa các cụm chrystens trắng, đi qua Cung điện Shey đến Thiksey. Khi đến nơi, Ngài được cung đón bởi cựu thành viên Rajya Sabha - Thiksey Rinpoche và được hộ tống đến lều vải thuyết pháp dưới chân ngọn núi đá mà Tu viện Thiksey đang toạ lạc. Ngài thắp một ngọn đèn khởi công Cát Tường và kính lễ trước tượng Phật.
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được hướng dẫn để xem mô hình và kế hoạch của công trình xây dựng Thư viện và Trung tâm Học tập, Thiksey Rinpoche đã thỉnh cầu Ngài ban phước gia trì cho lễ Khởi công, trước khi Ngài được thỉnh cầu vén bức màn công bố Lễ đặt đá cho dự án.
Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an toạ trên Pháp toà đối diện với đám đông lớn ước tính khoảng 2500 người, Thiksey Rinpoche đã cúng dường mạn đà la và các biểu tượng đặc trưng cho thân, ngữ và tâm giác ngộ. Trong phần giới thiệu của mình, Rinpoche đã bày tỏ niềm kính trọng lên Ngài, các vị khách mời, sinh viên và những người khác. Rinpoche đã đề cập đến những cam kết của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để thúc đẩy các giá trị nhân văn, sự hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo tồn văn hóa Tây Tạng và bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng, cũng như muốn làm hồi sinh lại kiến thức cổ đại của Ấn Độ. Ông tuyên bố rằng những kiến thức này rất ích lợi và vẫn còn liên quan đến thế giới ngày nay. Hơn nữa, ông nói, nó đại diện cho các mục tiêu mà ngay cả những người bình thường cũng có thể đóng góp được.
Thiksey Rinpoche nói thêm: “Lưu tâm đến mong muốn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là khuyến khích sự quan tâm đến đạo đức thế tục, đồng thời cũng để giữ gìn cho truyền thống Nalanda được sống còn, chúng con đề xuất xây dựng một Thư viện và Trung tâm Học tập tại đây. Chúng con cũng có kế hoạch để làm cho chương trình giảng dạy đạo đức thế tục được có sẵn và áp dụng cho các trường học Ladakhi, trong tu viện và Ni viện. Ngài đã khuyên chúng con rằng, khi chúng ta thực hiện các bước để duy trì thể chất, chúng con cũng cần rèn luyện tâm thức của mình.”
Thiksey Rinpoche kêu gọi Hội đồng Phát triển miền Núi tự trị Ladakh (LAHDC) hãy hỗ trợ cho các dự án này.
Tiến Sĩ Geshe Shedrup Jhampa - lãnh đạo của Hiệp hội Tu viện Ladakh, đã lưu ý rằng sự thiêng liêng của địa điểm mà chúng ta tụ hội về đây hôm nay, nơi mà không những Lotsawa Rinchen Zangpo đã lập lời cầu nguyện cho Chư Tăng nghiêm trì tịnh giới và giáo Pháp được phát triển hưng thịnh, mà còn có cả Tu viện Thiksey, tu viện đầu tiên trong thung lũng, cuối cùng đã được thiết lập. Nó được thành lập bởi Jangsem Sherab Zangpo, một đệ tử của Je Tsongkhapa; và Thiksey Rinpoche là hóa thân thứ chín của Ngài.
Tiến Sĩ tán thán Thiksey Rinpoche đã hoạch định một trung tâm học tập trong khung cảnh vô cùng thú vị này, không cách xa Leh, nơi đây sẽ cung cấp một sự giới thiệu về Phật giáo, đào tạo về logic học và tranh luận, cũng như hướng dẫn về sự tu tập thiền định. Tiến Sĩ kêu gọi mọi người hiện diện nên hỗ trợ Thiksey Rinpoche trong sự nỗ lực này. Việc tiếp cận với trung tâm sẽ mở ra cho tất cả mọi người mà không hề có sự phân biệt đối xử - ông nói - đề cập đến sự tán thành với những nhận xét gần đây của Drikung Chetsang Rinpoche là phản đối sự phân biệt đẳng cấp. Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) Tsewang Thinles cảm ơn Thiksey Rinpoche về sáng kiến của ngài trước khi công bố một nghị quyết mới về giữ gìn và duy trì sự hài hòa cộng đồng ở Ladakh đã được trình bày lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay. Ông nói LBA sẽ cố gắng hết sức để làm cho nó trở thành một biện pháp lâu dài. LBA sẽ kiên quyết chống lại bất kỳ nỗ lực nào muốn phá vỡ sự hài hòa của cộng đồng ở Ladakh. Ông tiếp tục thông báo rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với phái đoàn sáng nay rằng Ngài dự định sẽ trở lại Ladakh vào năm tới.
Dorje Motup - Giám đốc điều hành của Hội đồng Phát triển miền Núi tự trị Ladakh (LAHDC) chào đón tất cả những người hiện diện với lời chào “Julay”. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự ảnh hưởng tích cực mà Ngài đã có trong việc khuyến khích tình bằng hữu giữa Phật tử và các cộng đồng khác ở Ladakh. Quan sát mức độ lợi ích của Thư viện và Trung tâm Học tập, ông khẳng định rằng LAHDC sẽ cung cấp cho dự án bất kỳ hỗ trợ nào được yêu cầu.
Thubten Tsewang, MP cho Ladakh, lên tiếng tán thành sáng kiến về việc biến đổi các ngôi chùa, tu viện và Ni viện ở vùng Hy Mã Lạp Sơn thành các trung tâm học tập. Ông nhận xét rằng, trừ khi các bước được thực hiện để cải thiện giáo dục, mọi người vẫn còn thiếu hiểu biết, và nói thêm rằng, tình trạng chạy theo chủ nghĩa bộ phái cần phải được dẹp bỏ.
MLA - Rigzin Jora nói với khán giả rằng nhân dân Ladakh thật may mắn khi có được sự hiện diện thường xuyên của Ngài. Hơn nữa, nhờ sự can thiệp của Bakula Rinpoche mà nhiều nhà sư đã có thể được học tập tại các tu viện Tây Tạng vĩ đại được tái thiết lập ở miền Nam Ấn Độ. Kết quả là một sự gia tăng lớn về số lượng học giả và giáo viên đủ tư chất và điều kiện đã trở về Ladakh. Họ đã được huấn luyện trong Truyền thống Nalanda, ủng hộ việc sử dụng lý trí và hoài nghi chứ không phải là niềm tin mù quáng.
MLC - Tsering Dorje, đã quan sát thấy rằng trong khi nhiều tu viện đã có thư viện, cũng như các bộ sưu tập của Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng), thì viễn cảnh của một thư viện hiện đại tại Thiksey thật thú vị. Ông thúc giục khán giả hãy sử dụng đến nó khi nó được hoàn thành. Ông kết thúc với những lời cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trường thọ và tiếp tục trở về với Ladakh.
Cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với hội chúng.
“Tất cả chúng ta đều ở đây hôm nay là vì Thiksey Rinpoche đã quyết định thành lập một Thư viện và Trung tâm Học tập. Trong nhiều năm qua tôi đã đến Ladakh, tôi đã thấy có rất nhiều sự tiến bộ về mặt trường học mới và mức sống được cải thiện. Vì số lượng chư Tăng Ni có thể học tại các trung tâm học tập của chúng ta ở Nam Ấn Độ đã phát triển trong những năm gần đây, mức độ hiểu biết cũng đã được cải thiện.
“Sự phát triển về vật chất sẽ tiếp tục, nhưng bản thân nó không đủ để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Trong các xã hội phát triển cao ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, có rất nhiều người không hạnh phúc và cũng chẳng bình an. Tính ích kỉ thật không đáng chút nào! trong khi nếu quý vị thể hiện sự quan tâm đối với nhu cầu của người khác, thì quý vị sẽ biến họ thành bạn bè của mình. Đây là lý do tại sao tất cả các truyền thống tôn giáo khuyến khích sự phát triển về tình yêu thương và lòng từ bi.
“Gần đây, ở Delhi, tôi đã gặp các đại diện của các quốc gia Phật giáo khác nhau, đã gặp gỡ nhau và tôi hỏi thẳng họ rằng - sự thực hành tâm linh có còn liên quan đến ngày hôm nay không? Tôi đã chỉ ra rằng ở nhiều nơi trên thế giới, mặc dù có sự phát triển đáng kể về vật chất, nhưng người ta không có khả năng tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, cho nên thay vào đó đã khiến cho họ chuyển sang rượu chè và nghiện ngập. Ở một số nơi, như Nhật Bản, tình trạng tự tử đang ngày một gia tăng.
“Có một tâm trí bướng bỉnh ngỗ nghịch bất thường khiến cho con người khinh miệt, lừa gạt và ganh đua với nhau. Thiksey Rinpoche đã có kế hoạch huấn luyện con người theo đạo đức thế tục bởi vì chúng ta cần sự nhiệt tình nhân ái trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tình thương yêu và lòng từ bi sẽ tốt cho sức khỏe của chúng ta; trong khi sự tức giận và hận thù thì không. Một cơ hội như thế này để nghiên cứu tâm lý học và logic học sẽ rất hữu ích và mang lại lợi lạc cho rộng rãi trong công chúng.
“Sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều có thể góp phần vào hòa bình xã hội. Khi tôi ở Zanskar, tôi đã đến thăm một trường Hồi giáo và nói về tầm quan trọng của việc giải quyết bất hòa giữa Phật tử và người Hồi giáo. Sáng nay, một phái đoàn đến gặp tôi để trình bày một giải pháp để duy trì và bảo vệ sự hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau, cũng như giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau. Để việc này được thành công sẽ đòi hỏi phải khắc phục đầu óc suy nghĩ hẹp hòi, và tôi rất vui khi nhận được giải pháp này.
“Đôi khi những bất hòa phát sinh do sự can thiệp của chính trị. Trong các trường hợp khác, là do sự tư duy lạc hậu đã trở thành một phong tục được chấp nhận. Ví dụ như khinh thường những người được gọi là thuộc “giai cấp thấp hơn”. Loại phân biệt này phải được đặt sang một bên. Tương tự như vậy, chủ nghĩa bộ phái là bất lợi vì các truyền thống tâm linh nhằm chống lại những cảm xúc hủy diệt như giận dữ và khinh bỉ, vì vậy, không nuôi dưỡng chủ nghĩa bộ phái.
“Phật giáo nói chung bao gồm các giáo lý cho những người có những căn cơ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều bắt nguồn từ truyền thống Nalanda và nghiên cứu về mười ba bản văn cổ điển:
1. 'Kinh Biệt Giải Thoát” hay Kinh Pratimoksha,
2. 'Kinh luật' hoặc Vinayasutra của Ngài Đức Quang
3. “A Tỳ Đạt Ma Tập Luận” hoặc Abhidharmasamuccaya của Ngài Vô Trước,
4. “A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận” hoặc Abhidharmakosha của Ngài Thế Thân
5. “Căn bản Trung quán Luận” hay Mulamadhyamakakarika của Ngài Long Thọ,
6. “Nhập Trung Luận” hoặc Madhyamakavatara của Ngài Nguyệt Xứng,
7. “Tứ Bách Kệ Tụng” hay Chatuhshataka Shastra của Ngài Thánh Thiên,
8. “Nhập Bồ Tát Hạnh” hoặc Bodhicharyavatara của Ngài Tịch Thiên,
và Năm Tác Phẩm của Ngài Di Lặc / Vô Trước:
9. “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” hoặc Abhisamayalankara,
10. “Đại Thừa Trang Nghiêm Luận” hoặc Mahayanasutralamkara,
11. “Trung Biên Phân Biệt Luận” hoặc Madhyantavibhanga,
12. “Pháp Tánh Phân Biệt Luận” hoặc Dharmadharmatavibhanga,
13. “Tương Tục Tối Thượng” hoặc Uttaratantra Shastra.
“Những cuốn sách này bao gồm cấu trúc chung của giáo lý, mà chúng ta cần đọc và học, vì chỉ riêng đức tin là không đủ. Ngày mai và ngày mốt tôi sẽ dạy, vì vậy sẽ có cơ hội để nói thêm về điều này.”
Quản trị viên của Văn phòng Tu viện Thiksey đã phát biểu lời cảm tạ.
Từ Thiksey, chỉ cần đi xe một đoạn ngắn đến một giảng đường nhỏ trên bờ sông Sindhu - thường được gọi là sông Indus, bắt nguồn từ Tây Tạng, được gọi là Sindhu Ghat. Ngài đã được Hội đồng Phát triển miền Núi tự trị Ladakh (LAHDC) mời đến dùng cơm trưa, người đại diện đã ra cung đón Ngài. Trước khi bữa trưa được phục vụ, các nghệ sĩ Ladakhi đã biểu diễn các ca khúc được đệm sáo, trống, dramnyen và phiwang.
Ngài đã cảm ơn LAHDC về lời mời của họ và bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người đã đóng góp cho sự thành công của chuyến viếng thăm hiện tại của Ngài đến Ladakh.
“Hôm nay, chúng tôi đã tham gia cùng với những người bạn mà tôi đã gặp khi còn trẻ. Drikung Chetsang Rinpoche gặp khó khăn lớn ở Tây Tạng sau năm 1959, nhưng cuối cùng đã có thể đi lưu vong. Ông đã tham gia các mối quan hệ ở phương Tây, nhưng cuối cùng đã trở về Ấn Độ, nơi ông đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành trách nhiệm đối với truyền thống tâm linh của mình.
“Lama Lobsang cũng vậy, tôi đã biết kể từ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau vào năm 1956. Trong những ngày đó, ông ấy thường đắp Y của nhà sư Nam Tông (Theravada).
"Bây giờ, dạ dày của tôi đã nói với tôi là đã đến giờ cơm trưa."
“Xin thành kính tri ân Ngài đã đến với chúng con hôm nay!” Phó Ủy viên của Leh - Avny Lavasa nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Thông điệp của Ngài về hài hòa xã hội là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng con, trong khi năng lượng của Ngài là điều mà chúng con chỉ có thể hy vọng cố gắng noi theo. Chúng con rất mong chờ lần viếng thăm tới của Ngài ạ!”
Sau bữa trưa nhàn nhã với những vị khách được chọn mời dưới một shamiana nằm ngay trên bờ sông, Ngài đã trở về Shewatsel Phodrang. Như Ngài đã thông báo, Ngài sẽ giảng dạy tại Shewatsel về “Nhập Bồ Tát Hạnh” trong hai ngày tới.