New Delhi, Ấn Độ - Trong một cuộc họp riêng với những người quan tâm đến đạo đức thế tục, trước khi có sự tham gia của công chúng vào buổi sáng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói,
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tìm ra cách giúp 7 tỷ người trên hành tinh thay đổi - thay đổi cách đối phó với cảm xúc của mình để họ có thể đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Sự tập trung vào vấn đề phát triển vật chất và tích lũy vũ khí mạnh mẽ hơn bao giờ hết - chỉ mang lại sự sợ hãi mà thôi. Truyền thống Ấn Độ cổ đại để phát triển một tâm thức định tĩnh (shamatha) và sự hiểu biết sâu sắc (vipashyana) bao gồm các phương pháp để chuyển hóa cảm xúc của chúng ta, điều này rất thích hợp và có liên quan cho đến ngày nay; khi chúng ta thấy thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng về cảm xúc.
“Trẻ em không hề có sự quan tâm đến sự khác biệt về quốc tịch, đức tin hay chủng tộc. Miễn là bạn bè của các cháu mỉm cười, là các cháu có thể chơi với nhau một cách vui vẻ. Dường như chỉ khi chúng ta lớn lên, trong quá trình giáo dục, việc tập trung vào những khác biệt không quan trọng giữa con người với nhau đã tạo ra những sự rắc rối. Điều này không chỉ giới hạn ở những người trong một phần của thế giới này hay thế giới khác, mà hãy nhìn vào chủ nghĩa giáo phái mà chúng ta đã thấy giữa các Phật tử Tây Tạng, những người đã quên mất - không những chỉ về sự hợp nhất của con người - mà còn quên cả sự hợp nhất của Phật tử.
“Giáo dục hiện nay đang tập trung vào các mục tiêu vật chất, cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến thế giới bên trong của chúng ta - tâm thức. Đây là lý do tại sao tôi cam kết cố gắng làm hồi sinh lại kiến thức Ấn Độ cổ đại ngay ở đây và bây giờ. Tuy nhiên, nó có thể được tiếp cận một cách thế tục, cũng giống như những người đã học cách thực hành yoga mà không bị vướng vào những cái bẫy tâm linh của nó. Tuy nhiên, trong khi rèn luyện một tâm trí bình tĩnh và trí tuệ sâu sắc sẽ làm tăng thêm năng lực của tâm trí, và được bổ sung thêm với ý thức của lòng vị tha thì sẽ làm cho nó trở nên hiệu quả hơn.”
Một đoạn ngắn đi xe qua những con đường rợp bóng cây ở New Delhi đã đưa Ngài đến Thư viện và Bảo tàng Tưởng niệm Nehru trong khuôn viên của Teen Murti House - nơi cư trú cũ của Jawaharlal Nehru - thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập. Ngài đã được cung đón bởi Shakti Sinha - Giám đốc Thư viện, và Virendra Gupta thay mặt cho Antar Rashtriya Sahayog Parishad (ARSP), những người tổ chức sự kiện này.
Bên trong giảng đường, nhà báo và nhiếp ảnh gia kỳ cựu Vijay Kranti đã chào đón Ngài và giới thiệu Ngài với đám đông khoảng 300 người. Trong phần giới thiệu ngắn gọn của mình, Shakti Sinha đã nhận xét rằng, người Tây Tạng đã giữ gìn được truyền thống sống động của các trường đại học Ấn Độ như Taxila, Nalanda, Odantapuri và vân vân, bản chất của truyền thống đó chính là lòng từ bi mà có thể được phát triển trong thực tế.
“Thưa các anh chị em! Tôi rất vui khi có cơ hội này để trao đổi quan điểm với các Vị. Xin cảm ơn vì đã mời tôi!” Với những lời này - Ngài bắt đầu nói về vai trò của văn hóa và đạo đức trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa hợp. “Văn hóa phát triển từ cách sống của con người, thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như khí hậu. Trong số các nền văn minh lịch sử vĩ đại, bao gồm Ai Cập và Trung Quốc; Ấn Độ dường như đã tạo ra những nhà tư tưởng sáng tạo nhất và các hành giả tâm linh vĩ đại nhất. Tôi là một học trò của Truyền Thống Nalanda, và tôi đã nhận thấy rằng, các bậc Đạo sư như các Ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Phật Hộ và Thanh Biện là những nhà tư tưởng và triết gia vĩ đại, cũng giống như Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng là những nhà logic học vĩ đại.
“Vào thế kỷ thứ 8, Hoàng đế Tây Tạng đã thỉnh cầu Ngài Thiện Hải Tich Hộ - lúc ấy là học giả hàng đầu tại Nalanda - đến Tây Tạng. Ngài và học trò chính của Ngài - Liên Hoa Giới, đã giới thiệu Phật giáo trong truyền thống Nalanda với sự nhấn mạnh chính về việc sử dụng lý trí.
“Nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ - Raja Ramana, đã từng nói với tôi rằng, những ý tưởng đằng sau vật lý lượng tử dường như là mới; nhưng những kết luận tương ứng có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của Ngài Long Thọ. Vì phương pháp hợp lý của ông ta, tôi coi Đức Phật không chỉ là một bậc Thầy tâm linh, mà còn là một nhà tư tưởng vĩ đại, thậm chí còn là một nhà khoa học nữa!
“Ngoài những gì Ngài quan sát được về thực tại, Đức Phật còn nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng Từ ái và tâm Bi mẫn; giải thích rằng ý thức đó có thể được mở rộng ra cho tất cả chúng sinh. Những gì Đức Phật đã dạy vẫn còn có liên quan trong thế giới ngày nay. Ngay cả trước thời của Đức Phật, nền văn hóa phong phú của Ấn Độ bao gồm cả những sự thực hành để phát triển một tâm thức định tĩnh và trí tuệ sâu sắc, mà Ngài đã tu luyện trong sáu năm, Ngài đã thực hành khổ hạnh như một ẩn sĩ.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với truyền thống của Ấn Độ về hòa hợp tôn giáo; đã chứng kiến tất cả các tôn giáo lớn của thế giới sống chung với nhau trong sự hòa hợp. Ngài tiếp tục ca ngợi truyền thống lâu đời của Ấn Độ về tinh thần bất bạo động - ahimsa - trên cơ sở của động lực từ bi - karuna. Cách tiếp cận thế tục của Ấn Độ chứng tỏ được sự tôn trọng đối với tất cả các truyền thống tôn giáo, và thậm chí kể cả quan điểm của những người không có đức tin, xuất phát từ những giá trị cốt lõi của ahimsa và karuna.
“Trái ngược với bất bạo động, chiến tranh thuộc về thời gian đã biến mất. Trong thời đại dân chủ này, chúng ta cần tôn trọng quyền của mọi người. Thế giới thuộc về 7 tỷ người dân. Trong quá khứ, các cộng đồng và các quốc gia có thể phát triển trong sự cô lập, nhưng bây giờ chúng ta đều phụ thuộc vào nhau. Ngay cả khi đối mặt với những thách thức như sự biến đổi về khí hậu, chúng ta sẽ phải làm việc cùng nhau. Mọi thứ đang thay đổi. Đã có rất ít tuyết rơi trên núi của Tây Tạng. Ngay cả ở Dharamsala, nơi mà chúng ta thường thấy tuyết rơi nhiều, giờ chỉ còn vài mảnh rơi lẻ tẻ. Và hậu quả của nó là tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
“Sự thiếu hụt như vậy cũng đang xuất hiện ở châu Phi, nơi đã có một khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Sự khác biệt như vậy - mà chúng ta thấy ngay cả trong cái gọi là xã hội chủ nghĩa Trung Quốc - phản ánh một sự thiếu quan tâm tiềm ẩn đối với phúc lợi của người khác. Điều này sẽ chỉ được giải quyết khi chúng ta bắt đầu thừa nhận sự hợp nhất của nhân loại. Chúng ta là những động vật xã hội, và sự quan tâm chăm sóc đối với những người khác chính là cách tốt nhất để thực hiện sự quan tâm đối với chính chúng ta. Lòng vị tha như vậy sẽ mang đến nhiều bạn bè hơn và cung cấp cho chúng ta sức khỏe tốt hơn. Nếu bạn trung thực và chân thành, bạn sẽ chiếm được lòng tin của người khác và sẽ có được tình bạn chân thành của họ.
“Thế giới của chúng ta cần tinh thần bất bạo động - ahimsa, lòng từ bi - karuna và chủ nghĩa thế tục; nhưng chúng ta sẽ không đáp ứng được những nhu cầu này đơn giản chỉ qua lời cầu nguyện. Chúng ta phải hành động! Như nó đã từng tập trung vào những mục tiêu vật chất; nền giáo dục hiện đại cần phải được kết hợp với tinh thần bất bạo động và lòng từ bi, cũng như một sự hiểu biết sâu rộng về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Giống như chúng ta đã học cách để duy trì vệ sinh cơ thể, chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng một sự vệ sinh tương tự về những cảm xúc để đảm bảo có được một tâm trí lành mạnh và một cơ thể cường tráng. Tôi tin rằng chỉ có Ấn Độ mới có thể kết hợp được kiến thức của Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc với nền giáo dục hiện đại về vật chất.”
Trong câu trả lời của mình cho các câu hỏi từ phía khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng, cái nhìn của cách tiếp cận vật chất với cuộc sống - chỉ tập trung vào niềm vui cảm giác - thì thật là ngắn ngủi; thay vì có được sự an lạc trong tâm hồn.
Ngài nhắc lại sự cảm thông của mình đối với hoàn cảnh của những người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện; và lời khuyên của Ngài dành cho Phật tử Miến Điện là nên nhớ lại khuôn mặt của Đức Phật khi họ cảm thấy đối kháng với họ.
Bị thách thức để đối phó với sự bất bình đẳng về giới tính, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng, vào thời điểm mà sự nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi trờ nên thật là khẩn cấp, thì chắc chắn nhiều phụ nữ nên tham gia vai trò lãnh đạo hơn. Ngài nhớ lại rằng, vị thầy đầu tiên của Ngài về tâm từ ái và lòng bi mẫn chính là Mẹ của Ngài; và lưu ý rằng, đối với hầu hết tất cả chúng ta, người đầu tiên thể hiện tình cảm đối với chúng ta chính là Mẹ của mình! Ngài nhận xét rằng, trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, việc sử dụng vũ lực là không có hiệu quả và đã trở nên lỗi thời, đó là lý do tại sao chúng ta cần phải làm cho thế kỷ 21 trở thành một kỷ nguyên của sự đối thoại.
Ngài đề cập đến cú sốc mà cuộc họp của những người đoạt giải Nobel Hòa bình ở Rome đã lắng nghe sự mô tả về những gì sẽ xảy ra nếu vũ khí hạt nhân thực sự được sử dụng. Các kết quả được dự đoán rất kinh khủng đến nỗi Ngài đề xuất nên thiết lập thời gian biểu để giải thoát thế giới ra khỏi những vũ khí kinh hoàng này; và kiềm hãm những quốc gia có liên quan đến nó. Đã có sự thỏa thuận, nhưng cuối cùng chẳng có gì được thực hiện cả! Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng, khi mục tiêu của chúng ta là tạo ra một thế giới hòa bình hơn, thì chiến tranh là không thực tế - chỉ có sự bất bạo động mới có thể thực hiện được.
Tổng thư ký của ARSP - Shyam Pasande phát biểu lời cảm ơn; và Ngài đã rời khỏi khán đài, vẫy tay chào những người thiện nguyện đang tìm cách tiếp cận với Ngài khi Ngài ra đi. Một nhóm người Tây Tạng đã tụ tập để cung tiễn khi Ngài hiện ra trong ánh mặt trời giữa trưa và - sau vài lời nói chuyện với họ - Ngài đã trở lại khách sạn của mình.