Mumbai, Ấn Độ - Sáng nay, dưới bầu trời xanh trong đầy nắng, một cơn gió nhẹ lướt qua làm rung rinh những chiếc lá trên các cành cây khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến Powai ở phía đông bắc Mumbai, nơi Ngài được mời đến Học viện Công nghệ Ấn Độ Bombay. Giám đốc - Devang Vipin Khakhar và Trưởng khoa Công tác Sinh viên - Giáo sư Soumyo Mukherji đã có mặt để chào đón khi Ngài quang lâm đến khuôn viên của Học viện. Thậm chí Ngài còn được cung đón theo truyền thống chema changpu của Tây Tạng.
Ngài được hộ tống trực tiếp đến Hội trường, nơi khán đài được tôn tạo với một thangka hình của Đức Phật và một số bức chân dung của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong khi phía trước được treo những là cờ cầu nguyện Tây Tạng. Hai tay chắp lại trong cung cách chào mừng, Ngài cúi đầu chào khán giả của khoảng 2000 người, chủ yếu là học sinh, từ trung tâm và cả hai góc của khán đài trước khi an toạ vào chỗ của mình.
Một phụ nữ trẻ người Tây Tạng - Tenzin Dhekyong, một thành viên của nhân viên dự án - đã giới thiệu về Ngài. Cô nói đến sự ra đời của Ngài ở Amdo, vùng đông bắc Tây Tạng, sau đó là sự được công nhận của Ngài là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cô ấy đề cập rằng người Tây Tạng nói về Ngài như “Yishin Norbu”, hay “Viên Ngọc thoả mãn những Điều Ước”. Cô phác thảo các cam kết của Ngài để thúc đẩy hòa bình và hạnh phúc giữa con người, khuyến khích sự hòa hợp giữa tôn giáo, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, lên tiếng bảo vệ môi trường tự nhiên Tây Tạng và làm việc để khôi phục kiến thức Ấn Độ cổ đại.
Giám đốc của Học viện Công nghệ Ấn Độ Bombay - Giáo sư Devang Khakhar tuyên bố rằng, thật là cát tường khi được Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại trường đại học trong lễ kỷ niệm 60 năm. Ông ấy đã cung đón Ngài và tất cả những người tham gia vào ngày khai mạc năm nay, Liên hoan Công nghệ, đây là một nền tảng để tập hợp những sinh viên nhiệt tình của khoa học và công nghệ. Giáo sư Khakhar đã đề cập rằng Học viện Công nghệ Ấn Độ Bombay nhằm mục đích cung cấp sự xuất sắc trong giáo dục, cung cấp một loạt các chương trình vượt ra ngoài khoa học và kỹ thuật để bao gồm cả Kinh tế, Tiếng Anh, Triết học, Tâm lý học và Xã hội học.
Ngài đã chào đón khán giả:
"Chào buổi sáng. Tôi rất vui khi thấy quý vị chủ yếu là những người trẻ tuổi. Khi tôi được ở trong số những người như quý vị, tôi cũng cảm thấy mình được trẻ hơn. Anh chị em thân mến, thời gian luôn trôi đi. Không gì có thể ngăn chặn nó. Một số người trong chúng ta ở đây, những người hơn 30 tuổi, thuộc thế kỷ 20. Những người bạn chưa tròn 30 tuổi thì thuộc thế hệ của thế kỷ 21. Bất cứ điều gì đã xảy ra trong quá khứ thì không thể được thay đổi, nhưng tương lai thì vẫn nằm trong tay của quý vị. Những người thuộc thế kỷ 21, nếu các bạn nỗ lực ngay từ bây giờ, thì có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Những người thuộc thế hệ của tôi đã gây ra quá nhiều rắc rối trên hành tinh này, và điều đó đáng để suy nghĩ về lý do tại sao. Mọi người đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc; và niềm hạnh phúc thì có liên quan mật thiết đến hòa bình, nhưng bạo lực thì luôn là nguồn gốc của khổ đau.
Hãy để tôi hỏi quý vị, các bạn thích nhìn ai đó vui cười hay thích nhìn thấy họ nhăn nhó? Năm 1954, tôi đã đến Trung Quốc và tham dự nhiều sự kiện trang trọng, tất cả đều được tổ chức trong một bầu không khí nghiêm túc. Vào năm 1956, tại Ấn Độ, các cuộc họp liên quan đến Đức Phật Đản Sanh cũng khá long trọng. Tôi thích nó khi mọi người mỉm cười; nó phản ánh tình bạn, nó phản ánh niềm tin và sự trung thực.
“Thật là tốt khi chúng ta luôn nhớ rằng những người khác cũng giống như chúng ta. Chúng ta được sinh ra theo cùng một cách; chúng ta cũng sẽ phải chết đi theo cùng một cách. Trong khi chúng ta vẫn còn sống thì tốt hơn hết là chúng ta có thể tin tưởng lẫn nhau như những người bạn. Chúng ta chỉ có thể chiếm được lòng tin của người khác khi chúng ta thể hiện sự quan tâm thực sự đến hạnh phúc của họ.
Khi chúng ta nhìn lại thế kỷ 20, đã có quá nhiều bạo lực. Ngay cả giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng bị phá hỏng bởi nỗi sợ hãi và khiếp đảm về bạo lực tiếp theo trong thời kỳ “Chiến Tranh Lạnh”. Một số nhà sử học đã ước tính rằng trong thế kỷ qua, khoảng 200 triệu người đã phải chịu cái chết dữ dội do chiến tranh. Nếu như chiến tranh dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn, thì nó có thể đã được chứng minh, nhưng trường hợp ở đây thì không phải là như vậy.
Mặc dù ngày nay có nhiều người tìm kiếm hòa bình, nhưng sự giết chóc và bạo lực vẫn đang diễn ra. Con người thậm chí còn bị giết dưới danh nghĩa tôn giáo, điều này không thể tưởng tượng nổi. Đây là một ví dụ cho thấy rằng các vấn đề rắc rối này là của chính chúng ta gây nên. Trẻ em không hề có sự quan tâm đến quốc tịch, đức tin hay đẳng cấp. Vì chính những khái niệm này đã thôi thúc chúng ta suy nghĩ về khía cạnh của “chúng ta” và “bọn họ”, đó chính là sự chia rẽ. Chúng đưa đến bạo lực, bắt nạt và bóc lột, và tồi tệ nhất trong số đó là giết chóc. Biện pháp để khắc phục những tệ nạn này là quán sát sâu sắc hơn và nhận ra rằng con người chúng ta đều giống nhau về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng để phát triển lòng từ bi.
Trước tiên chúng ta được trải nghiệm về tình cảm và lòng từ bi trong thời thơ ấu dưới bàn tay của mẹ. Các chuyên gia y tế cho thấy rằng trong khi sự tức giận và sợ hãi liên tục làm suy yếu sức khỏe thể chất của chúng ta, thì việc trưởng dưỡng một thái độ từ ái ấm áp sẽ giúp phục hồi sức khoẻ. Do đó, ngoài việc dạy dỗ về vệ sinh thân thể, chúng ta cũng nên khuyến khích về vệ sinh cảm xúc, học cách xử lý những cảm xúc tiêu cực của chúng ta và tăng cường những cảm xúc tích cực có ích lợi.
Kiến thức về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc đã phát triển ở Ấn Độ trong 3000 năm qua. Sự thực hành để nuôi dưỡng một tâm trí điềm tĩnh và sáng suốt, (shamatha - thiền chỉ và vipashyana - thiền quán), thì phổ biến đối với một số truyền thống tâm linh, góp phần đạt được sự an lạc nội tâm.
Về vấn đề tâm trí hay ý thức là gì, hoặc xuất phát từ đâu, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phân biệt giữa nguyên nhân quan trọng và nguyên nhân phụ. Ngài tuyên bố rằng, ý thức không nảy sinh từ sự sắp xếp các phân tử vật chất. Nguyên nhân chính của ý thức là một khoảnh khắc trước đó của ý thức. Đây là lý do tại sao một số người có ký ức về những kiếp sống trước của họ. Trong khi đó, não bộ là một điều kiện hợp tác đối với ý thức, cũng như nhãn căn (con mắt) là một điều kiện hợp tác đối với nhãn thức.
Khi thụ thai, nguyên nhân chính của một cơ thể thai nhi xuất phát từ cha mẹ, nhưng nguyên nhân chính của tâm thức của thai nhi là ý thức trước đó. Đó là lý do tại sao Phật giáo nói về kiếp trước kiếp sau.
Kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc kết hợp với nền giáo dục hiện đại có thể sẽ góp phần vào sự phát triển của sự an lạc nội tâm. Điều này rất quan trọng! bởi vì khi tâm thức bị choáng ngợp bởi những cảm xúc như sự luyến ái hay hận thù thì khó có thể có được một thái độ khách quan. Một tâm trí điềm tĩnh có thể cung cấp cho điều đó. Cảm xúc bị phân tâm và phát sinh sự thiên vị, trong khi điều chúng ta cần là nhìn thấy mọi thứ một cách toàn diện.
Để học giỏi chúng ta cần một đầu óc minh mẫn. Khi tôi còn trẻ, tôi không thích học hành, nhưng sau đó tôi đã đánh giá cao được rằng những gì tôi đã học được đều là rất hữu ích. Nó có tác dụng mở mang trí thông minh của tôi. Các bạn có cơ hội hôm nay, xin hãy học tập thật tốt! Học cách kết hợp trí thông minh của quý vị với trái tim từ ái ấm nồng.
Trả lời các câu hỏi tự phát từ phía khán giả, Ngài cho rằng, khi mọi người đã chán ngấy với bạo lực, thì nhân loại ngày càng trở nên trưởng thành hơn. Khi được thử thách để nói rằng liệu một vị Đạt Lai Lạt Ma tương lai có thể là một người phụ nữ hay không, Ngài đã trả lời là “Vâng có thể, và chỉ ra rằng Đức Phật đã ban cho các đệ tử của mình - nam và nữ - một cơ hội bình đẳng về mặt xuất gia.
Ngài đồng ý rằng sự biến đổi khí hậu là một thách thức nghiêm trọng, báo cáo rằng Ngài đã quan sát thấy một sự suy giảm đều đặn liên tục của tuyết rơi ở Tây Tạng và sau đó là ở Dharamsala, nơi mà Ngài hiện đang cư ngụ. Ngài cảnh báo rằng, điều này chắc chắn sẽ có tác động nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước. Khi được hỏi điều gì mà ông mong đợi về sự phát triển trong tương lai của công nghệ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng trong khi những người khác có hy vọng lớn cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thì Ngài có xu hướng hoài nghi. Theo Ngài, sự phát triển công nghệ được bắt nguồn từ sự thật thà chất phác của con người; và vẫn còn một chặng đường dài để đi - trước khi công nghệ mô phỏng ý thức của con người.
Ngài đã kết luận rằng, ngoài những phát hiện khoa học và tư duy phân tích, chúng ta cần dựa vào ý thức chung và kinh nghiệm chung. Ngài chỉ ra rằng, thật dễ dàng để nhận thấy rằng nếu các thành viên của một gia đình khá giả mà không tin tưởng lẫn nhau, thì họ sẽ không có được hạnh phúc. Mặt khác, khi một gia đình của những người hành khất mà đối xử với nhau bằng tình cảm yêu thương, thì hạnh phúc sẽ đến một cách rất dễ dàng. Ngài nói, những gì chúng ta có thể học được từ điều này, là đừng bao giờ bận tâm về những kiếp vị lai, chúng ta cần lòng từ bi và trái tim ấm áp ở đây, ngay bây giờ và trong chính cuộc sống này.
Ngài rời khỏi khán đài khi các thành viên của khán giả chen lấn về phía trước để thu hút sự chú ý của Ngài. Giám đốc và Trưởng khoa Công tác sinh viên cung tiễn Ngài đến xe để Ngài trở về khách sạn. Ngày mai, Ngài sẽ trở lại Delhi trước khi đi đến Bồ Đề Đạo Tràng.