Tokyo, Nhật Bản - Sáng nay, dưới ánh mặt trời rực rỡ và bầu trời xanh cao rải rác với những đám mây mỏng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Yokohama. Ngài đi xe thẳng đến Hội trường hòa nhạc ngoài trời Hibiya ở Tokyo, một nhà hát đã chín mươi năm, được bao quanh bởi nhiều cây cối. Một nửa của 2800 khán giả đông đảo ngồi dưới ánh mặt trời, nửa kia ngồi trong bóng râm.
Sự kiện này được giới thiệu như một cơ hội cho giới trẻ Nhật Bản tìm hiểu tốt hơn về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và lắng nghe những gì Ngài nói. Hai vị khách đặc biệt khác đã được giới thiệu. Nam diễn viên, đạo diễn phim và nhà sản xuất sự kiện Kenji Kohashi nói với khán giả rằng anh đã xúc động như thế nào khi đến viếng thăm Tây Tạng. Nó buộc anh phải đến thăm Dharamsala và diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh tuyên bố rằng anh cảm thấy mình chắc phải là người Tây Tạng trong một kiếp trước.
Ai Tominaga bắt đầu sự nghiệp của mình như một người mẫu ở tuổi 17 ở New York và làm việc ở đó trong mười năm kế tiếp. Cô trở về Tokyo và tham gia vào các hoạt động góp phần vào phúc lợi xã hội và truyền đạt văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Cô đã đến thăm Mông Cổ. Cô nói với khán giả rằng cô cảm thấy cảm kích như thế nào bởi sự ấm áp của Ngài.
“Các anh chị em thân mến!” Ngài bắt đầu, “Thật là vinh dự khi tôi có cơ hội được chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình với quý vị. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nhấn mạnh rằng, tất cả 7 tỷ người đều có thể chất, tinh thần và tình cảm như nhau. Mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc không gặp rắc rối gì. Ngay cả loài động vật, chim chóc, côn trùng cũng muốn được hạnh phúc.
“Điều khác biệt của loài người chúng ta chính là trí thông minh của mình. Tuy nhiên, có những trường hợp chúng ta sử dụng nó không đúng cách, ví dụ như chúng ta sử dụng nó để thiết kế vũ khí. Những động vật - như sư tử và hổ - sống bằng cách tấn công và ăn thịt những loài động vật khác - thì có hàm răng sắc nhọn và có móng vuốt; nhưng bản chất và răng của con người thì giống với loài nai. Chúng ta sử dụng trí thông minh của mình để hoàn thành ước muốn của chúng ta, nhưng so với những động vật khác, thì dường như không có giới hạn.
“Ngay tại đây và bây giờ chúng ta đang ngồi cùng nhau trong hòa bình và niềm vui sướng, nhưng cũng ngay lúc này, ở những nơi khác trên thế giới, mọi người đang giết hại lẫn nhau.
“Như tôi đã nói, sự tạo ra vũ khí nguy hiểm hơn bao giờ hết là việc sử dụng trí thông minh của con người một cách độc ác; và tàn ác nhất là vũ khí hạt nhân. Người Nhật Bản của các bạn đã thực sự là nạn nhân của cuộc tấn công hạt nhân; và biết những đau khổ do hậu quả của nó là như thế nào. Tôi đã từng đến cả Hiroshima và Nagasaki. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến Hiroshima, tôi gặp một người phụ nữ đã trải qua nó và còn sống sót; và tôi thấy chiếc đồng hồ trong bảo tàng đã dừng lại ngay khi vụ nổ xảy ra và đã bị tan chảy một nửa do sức nóng. Vì vậy, thay vì sử dụng trí thông minh của chúng ta để tạo ra niềm vui, thì kết quả đôi khi lại là nỗi sợ hãi.
“Ở đây, trong thế kỷ 21 này, chúng ta nên cố gắng để không lặp lại các sai lầm của thế kỷ trước với chuỗi chiến tranh vô tận của nó. Các sử gia cho rằng 200 triệu người đã chết vì bạo lực trong thời gian này. Đã đến lúc để nói, ‘Đủ rồi’. Hãy biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của hòa bình và lòng từ bi trên cơ sở sự hợp nhất của tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay.
“Sự khác biệt nhấn mạnh quá mức về quốc tịch, tôn giáo hoặc chủng tộc lên đến đỉnh điểm trong cảm giác chia rẽ về ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Chúng ta phải nhắc nhở bản thân rằng, ở cấp độ sâu hơn, tất cả mọi người đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc; và hạnh phúc là quyền của chúng ta. Khắp cả vũ trụ là chúng sinh đang tìm kiếm hòa bình và hạnh phúc. Điều phân biệt con người trên hành tinh của chúng ta là chúng ta có thể giao tiếp với nhau - chúng ta có thể truyền đạt cảm giác về sự hợp nhất của nhân loại. Nếu chúng ta phát triển sự an lạc nội tâm trong chính mình, tôi tin rằng chúng ta có thể biến thế kỷ 21 thành một kỷ nguyên hòa bình. Chúng ta phải chú ý đến những phương pháp để đạt được sự hòa bình bên trong.
“Không có ranh giới tự nhiên nào giữa con người trên trái đất này, chúng ta là một gia đình. Vào thời điểm mà thiên tai càng gia tăng, sự biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Chúng ta phải học cách sống với nhau, cùng nhau làm việc và chia sẻ những gì chúng ta có với nhau. Cách mà chúng ta tạo ra những vấn đề rắc rối cho chính mình là điều vô nghĩa. Chúng ta sẽ đạt được hòa bình đích thực trên thế giới nếu chúng ta theo đuổi con đường phi quân sự hoá, nhưng chúng ta cần một ý thức về sự giải trừ vũ khí nội tâm, giảm sự thù địch và sân giận để bắt đầu cho sự theo đuổi ấy.
“Một người mẹ đã sinh ra mỗi người trong chúng ta và yêu mến chúng ta bằng sự chăm sóc và tình cảm yêu thương; nhưng khi chúng ta đi học, hệ thống giáo dục của chúng ta không nuôi dưỡng cảm giác yêu thương này. Thay vào đó, nó nhắm vào mục đích hoàn thành các mục tiêu vật chất. Chúng ta cần phải giới thiệu lại để giáo dục những giá trị bên trong như lòng nhiệt thành. Nếu chúng ta có thể ấm áp nhiệt thành hơn, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn với tư cách là những cá nhân, đóng góp cho những gia đình hạnh phúc hơn và cho cả những cộng đồng rộng lớn hơn.
“Con người là động vật xã hội. Điều mang chúng ta đến với nhau chính là tình yêu và tình cảm - sự giận dữ khiến chúng ta xa cách nhau. Cũng giống như chúng ta sử dụng vệ sinh cơ thể để bảo vệ sức khỏe của mình, thì chúng ta cần vệ sinh cảm xúc - phương tiện để giải quyết những cảm xúc tiêu cực của chúng ta, nếu chúng ta muốn đạt được sự an lạc nội tâm.
“Tôi thuộc về thế kỷ 20, một thời đại đã qua. Nhưng đây là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ - nếu quý vị bắt đầu thu thập các nguyên nhân ngay bây giờ, thì quý vị sẽ sống để thấy một thế giới hạnh phúc hơn, yên bình hơn. Đừng hài lòng với hoàn cảnh hiện tại, hãy nhìn xa hơn!”
Ngài nói thêm rằng khi trái tim bị khép lại, nó dẫn đến sự sợ hãi, căng thẳng và tức giận. Nuôi dưỡng ý tưởng về sự hợp nhất của nhân loại có tác dụng mở rộng trái tim. Khi bạn nghĩ về tất cả những người khác như anh chị em của bạn, thì thật dễ dàng để giao tiếp với tất cả họ. Nó giúp ta dễ mỉm cười hơn, để được trở nên ấm áp và thân thiện. Ngài nói đây là những gì mà Ngài muốn làm. Đối với Ngài, cho dù họ là người ăn xin hay là bậc lãnh đạo, thì tất cả mọi người đều giống nhau. Nếu Ngài tự nói mình là một Phật tử, một người Tây Tạng, hay là Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì điều đó chỉ làm tăng thêm cảm giác cô đơn của mình.
Ngài đã quan sát thấy rằng Nhật Bản trước đây đã từng là một quốc gia Phật giáo, nhưng tất cả các tôn giáo đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương, lòng từ bi và tinh thần tự kỷ luật. Sự khác biệt về triết học của họ xuất hiện cho phù hợp với những người có những tích cách khác nhau, vào những thời điểm khác nhau và ở những nơi và điều kiện khác nhau. Thông điệp cơ bản của tình yêu thương thì vẫn như nhau. Phật giáo, đặc biệt là truyền thống Nalanda, với sự nhấn mạnh về sự nghiên cứu lý luận, có lập trường thực tế phù hợp với phương pháp của khoa học. Ngài khuyên rằng, để trở thành một Phật tử của thế kỷ 21, chỉ đơn giản là có đức tin và đọc tụng kinh điển thôi là không đủ, điều quan trọng hơn nhiều là phải hiểu và thực hiện những gì Đức Phật đã dạy.
Ai Tominaga nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, theo kinh nghiệm của Cô, những người trẻ ngày nay có sự mong muốn đối với thời trang, nhưng đó là trong bối cảnh lo ngại về tự do, nhân quyền và bảo vệ môi trường. Cô cảm ơn Ngài vì đã đưa ra lời khuyên khích lệ cho thế hệ tiếp theo.
Kenji Kohashi nói với Ngài rằng khi anh lên kế hoạch cho âm nhạc và các sự kiện khác, anh muốn những người trẻ phát triển sự tự nhận thức cao hơn. “Chúng ta phải chủ động kết nối với nhau, nếu không, chúng ta sẽ bị tách rời nhau. Đối với tôi, một trải nghiệm cận tử trong khi leo núi và thiền định là nguồn cảm hứng.”
Một thanh niên làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chăm sóc trẻ em mồ côi đã thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bình luận về sự lãnh đạo và tinh thần lạc quan.
Ngài trả lời: “Theo quan sát của tôi, các tổ chức Phi Chính Phủ đôi khi hiệu quả hơn các cơ quan chính phủ, vì vậy tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ. Vì nền văn hóa hiện tại của chúng ta có xu hướng chú trọng về vật chất, chúng ta tìm đến các nguồn bên ngoài để thực hiện. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Hãy nhìn vào thái độ của dân chúng đối với chiến tranh đã thay đổi như thế nào. Vào đầu thế kỷ 20, nếu một quốc gia tuyên bố chiến tranh, mọi người đã tham gia một cách tự hào mà không có câu hỏi nào. Hãy so sánh điều đó với sự phản đối trong cuộc chiến tranh của Mỹ đối với Việt Nam; hoặc hàng triệu người trên khắp thế giới đã đi tuần hành để biểu tình phản đối việc chiến tranh với Iraq.
“Chắc chắn là tôi lạc quan, bởi vì bi quan chỉ dẫn đến thất bại. Tôi cam kết cố gắng làm hồi sinh sự quan tâm đến những kiến thức Ấn Độ cổ đại dạy cho chúng ta biết về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta - mục tiêu là đạt được sự bình an trong tâm hồn.”
Khi lời cảm ơn được tuyên bố, các nhà tổ chức sự kiện từ Viện Sherab Kyetsel Ling đã dâng tặng những bó hoa lên Ngài và những vị khách khác. Một thành viên của khán giả chạy đến trước khán đài và tặng cho Ngài một chiếc mũ len trông giống như một bông hoa hướng dương. Ngài đã đội chiếc mũ lên đầu với một cái nhìn thích thú.
Ngày mai, Ngài sẽ đến thăm Học viện Sherab Kyetsel Ling, nơi mà Ngài sẽ giảng dạy về ‘Tám bài Kệ luyện tâm’.