Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - "Các anh chị em thân mến! Tôi rất vui khi được gặp tất cả quý vị!", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón gần 150 người từ khắp nơi trên thế giới tại dinh thự riêng của Ngài vào sáng nay. Gần 50 người, chủ yếu từ Mexico, Colombia, Argentina và Chilê được dẫn đầu bởi một nhóm gồm bốn Sư Cô đã thành lập một cộng đồng nhỏ ở Mexico. Một nhóm khác khoảng 90 người tham dự khóa học 10 ngày về “Giới thiệu Phật giáo Tây Tạng” tại Trung tâm Thiền Tushita ở địa phương.
"Chúng ta có 7 tỷ người trên hành tinh này, họ đều giống nhau - tinh thần, thể xác và tình cảm", Ngài nói với họ. "Tất cả chúng tôi đều được sinh ra từ người mẹ của mình và tất cả chúng ta đều sống sót nhờ vào sự tử tế và sự chăm sóc của bà mẹ ấy. Là con người, chúng ta là loài động vật xã hội; và chính lòng yêu thương và tình cảm đã gắn kết chúng ta lại với nhau.
"Ngày nay các nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm với trẻ sơ sinh lúc các cháu còn chưa biết nói; và kết luận bằng chứng cho thấy rằng bản chất con người cơ bản là từ bi. Các phát hiện khác cho thấy rằng, nếu sống trong sự giận dữ và thù hận liên tục thì sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, trong khi đó - nuôi dưỡng thái độ từ bi - nói chung - sẽ tăng cường thể chất và tinh thần của chúng ta.
"Là con người, chúng ta đều bình đẳng như nhau, tuy nhiên cũng đúng là những người dân ở những nơi khác nhau trên thế giới thì có nền văn hoá khác nhau, vì sự khác biệt về khí hậu và môi trường tự nhiên, dẫn đến sự khác biệt về cách sống của họ. Tuy nhiên, bất cứ nơi nào tôi nói chuyện, tôi luôn luôn bắt đầu bằng cách chào đón “những anh chị em của tôi!"
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng, mặc dù có nhiều sự phát triển đáng kể trong nhiều lĩnh vực, nhưng những mâu thuẫn trong thế giới ngày nay mà chúng ta thấy xuất phát từ tôn giáo và sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí - mà chỉ đơn giản là các công cụ giết người - phản bội sự thiếu hụt cơ bản các nguyên tắc luân lý. Trong hoàn cảnh như vậy, mỗi người trong chúng ta, như một phần của dân số thế giới, có trách nhiệm góp phần làm cho thế giới trở thành một nơi hạnh phúc hơn, thanh bình hơn.
Trả lời các câu hỏi của khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra ngưỡng mộ sâu sắc đối với tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới. Ngài phân biệt giữa những người - giống như Phật giáo, dạy tầm quan trọng của nghiệp, chịu trách nhiệm về hành động của chính mình - và nhiều người khác nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức tin vào vị Thần sáng tạo. Ngài mô tả việc nhìn thấy các anh chị em của mình là tất cả những sáng tạo của một vị thần đó như là một giáo huấn mạnh mẽ và tuyệt vời.
Về Phật giáo, Ngài đã quan sát thấy rằng; một khi Đức Phật đã rời khỏi gia đình và bắt đầu tham gia vào sự thực hành tâm linh, Ngài đã dựa vào các truyền thống đạo đức hiện tại, sự thiền định và trí tuệ. Những điều này đã làm tăng thêm sự hiểu biết sâu xa về hoạt động của tâm thức và cảm xúc trong bối cảnh hiểu biết rõ ràng về thực tại - một sự đánh giá rằng không có gì tồn tại như là nó xuất hiện. Ngài nhấn mạnh rằng, những người muốn theo Đức Phật ngày nay thì nên khao khát để trở thành người Phật tử của thế kỷ 21, sự thực hành của họ không chỉ dựa trên niềm tin, mà còn bắt nguồn từ kiến thức và sự hiểu biết.
Khi được hỏi phản ứng của Ngài đối với chủ nghĩa dân tộc đang phát triển ở nhiều nơi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét rằng, thông lệ chung cho chúng ta biết rằng, tất cả chúng ta đều phải sống cùng nhau trên hành tinh này. Nền kinh tế toàn cầu không bị hạn chế bởi ranh giới quốc gia. Sự biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiêm trọng liên quan đến toàn thể nhân loại. Đối mặt với nhu cầu có một quan điểm rộng lớn hơn, việc áp dụng một quan điểm dân tộc thì có vẻ như thiếu thực tế, thiển cận và lạc hậu.
Cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được thỉnh cầu ban khẩu truyền về “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”. Ngài đã đọc nó thuộc lòng một cách nhanh chóng từ trí nhớ bằng tiếng Tây Tạng. Ngài ca ngợi lời khuyên mà bản văn ngắn gọn này đã truyền đạt về lòng vị tha, lưu ý rằng câu cuối cùng đã đề cập đến trí tuệ hiểu biết tánh không. Ngài khuyên rằng, những người quan tâm nên đọc một cuốn sách khác mà bản thân Ngài đã đích thân tìm thấy giá trị lớn lao của nó; đó là cuốn “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên; đặc biệt nên chú ý đến các chương thứ sáu và thứ tám liên quan đến vệc trưởng dưỡng trau giồi Hạnh kiên nhẫn và lòng từ bi của Bồ Tát.