Malmö, Thụy Điển - Sau hai ngày mưa gió và bầu trời xám xịt, sáng nay mặt trời chiếu lên các tòa nhà và cảnh biển xung quanh khách sạn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sự tham gia đầu tiên của Ngài là gặp gỡ khoảng 100 cư dân Tây Tạng ở Scandinavia và khoảng 60 thành viên của Nhóm ủng hộ Tây Tạng. Trước khi vào an toạ trong phòng - nơi mà mọi người đang chờ đợi Ngài, Ngài đã dành thời gian để cười đùa và vui chơi với các cháu bé đang ngồi ở phía trước.
Ngài nói với hội chúng: “Khi tôi đến Thụy Điển vào ngày hôm kia, tôi rất mệt mỏi, vì vậy tôi đã tắm và ngủ trong 12 giờ đồng hồ. Tagdrak Rinpoche, người mà tôi thọ nhận được nhiều giáo lý từ ông - đã ở tuổi 70 khi tôi được biết đến ông - và ông thường phàn nàn về việc không ngủ đủ giấc. Đó không phải là vấn đề mà tôi gặp phải.
“Tôi rất vui khi được gặp tất cả quý vị ở đây hôm nay - người Tây Tạng, bạn bè và những người ủng hộ chúng tôi. Tôi thường chỉ ra rằng, vì vấn đề của Tây Tạng chỉ là một vấn đề, nên những người ủng hộ Tây Tạng không ủng hộ Tây Tạng nhiều như một sự ủng hộ công lý chuyên nghiệp. Chúng tôi tiếp tục theo đuổi cuộc đấu tranh của chúng tôi trên cơ sở bất bạo lực. Từ năm 1974, chúng tôi đã không tìm kiếm sự độc lập, nhưng chúng tôi đã tìm kiếm các quyền được đề cập trong Hiến pháp Trung Quốc, quyền được thực hiện trên mặt đất, không những chỉ ở khu tự trị Tây Tạng mà còn ở tất cả các khu vực Tây Tạng, để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Ở Trung Quốc ngày nay có 400 triệu Phật tử, nhiều người trong số họ đã nhận ra Phật giáo Tây Tạng là truyền thống Nalanda đích thực.
“Tây Tạng, còn được gọi là Vùng đất Tuyết, là nguồn nước cho phần lớn châu Á. Bên cạnh đó, nó còn là một nơi mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy các công cụ bằng đá cho thấy rằng cộng đồng con người sống ở đó đã 35.000 năm trước.
“Vào thế kỷ thứ 7, khi Hoàng đế Songtsen Gampo kết hôn với Công Chúa nhà Đường - Wenchen, bà đã mang bức tượng Jowo như một món quà và nó được đặt trong đền thờ Ramoche. Khi Hoàng Đế kết hôn với Công chúa Nepal - Bhrikuti, bà mang bức tượng Jowo Mikyo Dorje cùng với bà, được đặt ở Jokhang. Sau đó, người Tây Tạng đã đảo ngược nơi mà các bức tượng đã được an vị.
“Chữ viết Tây Tạng đã được cải tiến vào thời điểm này được dựa trên một mô hình Ấn Độ và sự quan tâm đến Phật giáo đã tăng trưởng, Trisong Detsen đã hướng về Ấn Độ để có được sự hỗ trợ. Ngài đã mời Ngài Thiện Hải Tịch Hộ từ Đại học Nalanda thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Đây là cách mà chúng tôi đến để tiếp nhận truyền thống Nalanda, trong đó liên quan đến việc nghiên cứu mạnh mẽ về triết học sử dụng lý trí và logic. Điều quan trọng đối với việc này là bản dịch của hầu hết các tác phẩm của Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng về logic và nhận thức luận, sách chỉ được lưu giữ bằng tiếng Tây Tạng. Thật ra, chính Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã khuyến khích việc dịch thuật các tài liệu Phật giáo, chủ yếu là từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Trên cơ sở đó, người Tây Tạng đã giữ gìn truyền thống Nalanda được sống còn trong hơn 1000 năm qua.
“Gần đây tôi đã có cơ hội để hỏi một số học giả Thái Lan về cách mà họ giảng dạy về Tứ Diệu Đế rằng họ dựa vào thẩm quyền kinh điển hay về lý luận. Câu trả lời rõ ràng của họ là họ đã dựa vào thẩm quyền kinh điển; và tôi tự nghĩ, “nhưng chúng ta phụ thuộc vào lý luận và logic”. Phương pháp của chúng tôi để điều tra thực tế thông qua lý luận và logic là những điều đã giúp các học giả Tây Tạng tham gia một cách hữu ích trong các cuộc thảo luận với các nhà khoa học hiện đại trong những năm gần đây.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc nhở hội chúng rằng người Tây Tạng ở Tây Tạng đang sống trong sợ hãi và lo âu. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng mọi phương tiện để loại bỏ bản sắc Tây Tạng và nghiền nát tinh thần Tây Tạng, nhưng trong 70 năm qua họ đã không thành công. Họ nói về việc thiết lập sự hài hòa và ổn định, nhưng điều đó phải được đến từ trái tim chứ không phải là kết quả của các mối đe dọa và áp bức. Ngài nói rằng người Tây Tạng được hưởng những sự gia trì của các bậc Hộ Pháp của ba gia đình, Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi và Kim Cang Thủ. Trong lời nhận xét cuối cùng, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của cha mẹ trong việc đảm bảo cho con cái họ học nói tiếng Tây Tạng, điều rất quan trọng đối với sự phát triển niềm tự hào của họ trong nền văn hóa của họ.
Một đoạn lái xe ngắn đã đưa Ngài đến Đại học Malmö, Ngài đã được cung đón và giới thiệu bởi Birthe Müller. Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Sinh viên và Phó Hiệu trưởng chuyên nghiệp, mỗi người đều có những lời ngắn gọn để chào mừng Ngài đến với Đại học, nơi mà được mô tả như một tổ chức được thành lập dựa trên giá trị nhân văn và tư duy phê phán.
Sau khi chào đón Thị trưởng của Malmö và phu nhân của ông, Birthe Müller đã xác nhận rằng đã 80 năm kể từ khi IM được thành lập và hiện đang hoạt động tại 12 quốc gia với sự hỗ trợ của 40.000 nhà tài trợ. Cô nhớ lại rằng sau khi 12 chàng trai Tây Tạng đến Đan Mạch vào năm 1963, 32 cô gái Tây Tạng đã đến IM vào năm 1964. Tất cả họ đều trở về Ấn Độ khi họ hoàn thành khóa đào tạo của mình.
Ngài đáp lại: “Như bạn đã đề cập, mối quan hệ của chúng ta đã lâu dài và hữu ích. Bây giờ đã gần 60 năm kể từ khi chúng tôi trở thành những người tị nạn; và 150.000 người của chúng tôi sống bên ngoài Tây Tạng chỉ là một số ít. Tuy nhiên, chúng tôi đã khá thành công trong việc gìn giữ cho truyền thống ngàn năm của chúng tôi được sống còn. Chúng tôi cũng tham gia vào sự tư duy phê phán. Chúng tôi phân tích tại sao Đức Phật nói những điều mà Ngài đã nói; và nếu chúng ta thấy có sự mâu thuẫn trong đó, thì chúng ta có quyền tự do phủ nhận ngay cả lời của Đức Phật. Trong việc bảo tồn kiến thức có nguồn gốc ở Ấn Độ, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là từ vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ - Pandit Nehru.
“Chúng tôi có ngôn ngữ riêng của mình với chữ viết riêng; và chúng tôi có một sự hiểu biết phong phú về các hoạt động của tâm thức. Chúng tôi cũng đã bảo tồn được các ý tưởng triết học tương tự như những ý tưởng được thể hiện trong vật lý lượng tử, trong đó nói rằng không có gì tồn tại một cách khách quan và tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào người quan sát. Tuy nhiên, tôi thấy rằng vật lý lượng tử ít khi nói với chúng ta về người quan sát - mặc dù truyền thống Phật giáo của chúng ta có nhiều điều để nói.
“Gần đây, tôi đã cam kết phục hồi kiến thức Ấn Độ cổ đại - đặc biệt là về tâm thức - trong Ấn Độ đương thời. Tôi tin rằng Ấn Độ có tiềm năng kết hợp kiến thức cổ xưa này về cách đạt được sự an lạc nội tâm - với nền giáo dục hiện đại.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, những giá trị cơ bản của con người đã bị bỏ quên bởi một hệ thống giáo dục với những mục đích về vật chất; chúng ta cần đạo đức thế tục. Ngài chỉ ra rằng, nhiều vấn đề mà con người đang phải đối mặt ngày nay là do chính chúng ta gây ra. Ngài quan sát thấy rằng, trong khi Ngài và khán giả được thoải mái ở bình yên ở đây, thì ở những nơi khác trên thế giới, nhiều người đã đánh nhau và giết nhau nhân danh của tôn giáo. Trong khi đó, một tỷ trong số bảy tỷ người đang sống hôm nay tuyên bố rằng họ không quan tâm đến tôn giáo. Ngài khẳng định rằng, nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới hòa bình hơn, thì một nhu cầu rõ ràng để khôi phục lại sự tôn trọng các giá trị cơ bản của con người, không liên quan đến bất kỳ truyền thống tôn giáo cụ thể nào.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: “Thế tục” không hàm ý là không tôn trọng các truyền thống tôn giáo. Tôi sử dụng từ “thế tục” ở đây theo sự hiểu biết của Ấn Độ về sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các truyền thống tôn giáo. Nhưng chúng ta sống trong thời đại khi chúng ta cần một phương tiện truyền cảm hứng cho các giá trị cơ bản của con người có sức hấp dẫn toàn cầu đối với tất cả mọi người. Chúng tôi đang đề xuất giới thiệu đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến tốt nghiệp; và tháng Tư tới sẽ có các cuộc thảo luận quyết định về các chương trình học đã được phát triển.”
Khi trả lời các câu hỏi từ phía khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xác nhận rằng; sự thay đổi nên bắt đầu với các cá nhân. Ngài nói về hy vọng của mình rằng, những phẩm chất mà Ngài ngưỡng mộ trong Liên minh châu Âu - đặt lợi ích chung lên trên những quan tâm về quốc gia hẹp hòi - có thể được lặp lại ở châu Phi với mục đích phát triển nông nghiệp và giáo dục. Ngài nói lên giấc mơ của mình về việc sử dụng năng lượng mặt trời trong sa mạc Sahara để lđiều khiển các nhà máy khử mặn để sản xuất nước sạch từ biển, có thể được sử dụng để làm xanh sa mạc. Ngài mô tả một giấc mơ khác về phi quân sự hoá thế giới, lưu ý rằng Thụy Điển là một trong nhiều quốc gia tham gia vào việc buôn bán vũ khí; và vũ khí đó không có mục đích sử dụng nào khác hơn ngoài việc giết chóc và tàn hại.
Liên quan đến sự không khoan dung, Ngài quan sát thấy rằng, những cảm xúc tiêu cực như sự giận dữ, đã che mờ khả năng của chúng ta trong việc sử dụng trí thông minh của mình một cách rõ ràng. Khi được hỏi rằng, người như thế nào thì được định nghĩa là đạo đức, Ngài trả lời rằng, trong các hành động nói chung - đưa đến đau khổ thì được coi là không lành mạnh và tiêu cực, trong khi những người làm phát sinh niềm vui thì được coi là tích cực và lành mạnh.
Buổi gặp gỡ kết thúc với lời cám ơn của Birthe Müller dành cho các học sinh về những câu hỏi của họ, và Cô bày tỏ lòng biết ơn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về thời gian mà Ngài đã dành cho họ.
Từ trường đại học, đi xe một đoạn ngắn là đến Tòa thị chính Malmö, nơi mà Ngài trả lời hai cuộc phỏng vấn ngắn trước bữa trưa. Đầu tiên là với Fredrik Skavlan - người dẫn chương trình nói chuyện nổi bật nhất trên truyền hình Scandinavia. Ông yêu cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mô tả về những gì mà Ngài đã làm sau khi thức dậy sớm vào buổi sáng.
Ngài nói với ông: “Là một tu sĩ Phật giáo, trước hết tôi đảnh lễ Đức Phật, sau đó tôi suy tư về lòng vị tha - mối quan tâm vô hạn đối với người khác; sau đó tôi nghĩ về cách mà các pháp hiện tượng không hề tồn tại như nó xuất hiện - thiền phân tích. Tôi nghĩ về người này được gọi là Đạt Lai Lạt Ma; và điều tra tìm kiếm xem cái 'tôi' nằm ở đâu. Tôi dành khoảng một tiếng rưỡi cho sự thiền định, sau đó tôi tắm rửa. Vì, là một tu sĩ Phật giáo, tôi không ăn tối, trong thời gian đó tôi đói nên đã thưởng thức bữa sáng rất ngon miệng. Nếu có thời gian, sau đó tôi sẽ dành thêm ba giờ đồng hồ nữa cho sự thiền định.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với ông rằng, đối với người Tây Tạng lưu vong thì nền giáo dục rất quan trọng. Không những chỉ có các trường học được thiết lập, mà còn trong các cơ sở giáo dục tu viện phải đảm bảo được rằng các thế hệ mới của học giả phải được đào tạo, bao gồm cả các học giả chư Ni nữa! họ là những người bảo tồn kiến thức cổ đại mà nhân dân Tây Tạng đã nhận được từ Ấn Độ.
Ngài đã giải thích về cách mà khi còn bé, sự tò mò đã khiến cho Ngài phải tháo dỡ những món đồ chơi của mình để xem cách nó hoạt động như thế nào; và lắp ráp lại một máy chiếu phim để nó hoạt động. Tuy nhiên, Ngài thừa nhận rằng Ngài không có điện thoại di động.
Skavlan hỏi rằng Ngài có sợ chết hay không; và Ngài trả lời,
“Cái chết là một phần của sự sống. Ở đâu có sinh, thì sự chết sẽ theo sau. Tôi không sợ điều đó, bởi vì tôi tin rằng chúng ta sống cuộc sống sau khi chết; và tôi luyện tập quá trình chết mỗi ngày trong sự thiền định của mình.”
Cuộc phỏng vấn thứ hai được thực hiện bởi Johanna Saldert - người viết cho tạp chí đặc trưng có tên DI-Weekend. Cô bắt đầu bằng cách yêu cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về các anh chị em của mình; và bao nhiêu người hiện vẫn còn sống. Ngài nói thêm với câu trả lời của mình rằng, Ngài coi tất cả mọi người là anh chị em của mình và sự khác biệt giữa họ về quốc tịch, chủng tộc và đức tin chỉ là điều thứ yếu. Trên cơ sở đó, Ngài cảm thấy thân thiết với mọi người, nên Ngài không cảm thấy cô đơn. Saldert hỏi Ngài tại sao Ngài rất nổi tiếng; và Ngài suy đoán rằng có thể là do Ngài đến từ vùng đất bí ẩn của Tây Tạng.
Khi cô hỏi Ngài có bao giờ muốn sống một cuộc sống bình thường hay không, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với cô rằng, mặc dù Ngài đã được đối xử một cách rất trịnh trọng khi được đăng quang, nhưng Ngài rất ngưỡng mộ những điều đã đến với Ngài trong sự học hành của mình, Ngài được đối xử như bất kỳ một Tăng Sĩ nào khác. Ngài xác nhận rằng, Ngài đã nói với biên tập viên của tạp chí Paris Vogue rằng Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo có thể là một phụ nữ nếu đó là điều mang lại hiệu quả nhất. Nhưng Ngài cũng cảnh báo rằng, vẫn chưa rõ rằng thể chế của Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp tục nữa hay không. Một cuộc họp của các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 để thảo luận về vấn đề này.
Saldert muốn biết rằng liệu Ngài có khóc hay không; và Ngài nói rằng Ngài có khóc, nhất là khi Ngài suy tư về lòng từ bi vĩ đại. Ngài nói với cô ta rằng, mỗi ngày khi nghĩ về Bồ Đề tâm, nó đã chuyển Ngài theo một cách mang lại niềm hạnh phúc và lòng can đảm cho Ngài.
Sau một cuộc gặp gỡ ngắn với Thị trưởng Malmö, các ủy viên hội đồng thành phố và các thành viên hội đồng quản trị IM; họ và Ngài được mời đến dùng cơm trưa để kỷ niệm 80 năm ngày thành lập IM. Cuối cùng, Birthe Müller dâng tặng một món quà từ danh mục thương mại công bằng của IM cho Thị trưởng và một chiếc đồng hồ kim loại nhân loại cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với hội chúng: “Tôi thực sự rất thích hai ngày của tôi ở đây. Tôi yêu những nụ cười và ở mọi nơi tôi đã được mọi người mỉm cười. Những khán giả mà tôi đã nói chuyện với họ - đã cho tôi một sự phản hồi tích cực và thể hiện sự ngưỡng mộ của họ về những gì mà tôi đã nói. Mục đích chính của những nơi khác nhau mà tôi viếng thăm là chia sẻ ý tưởng để đạt được sự an lạc trong tâm hồn bằng cách rèn luyện một trái tim ấm áp, từ bi. Tôi quyết tâm phụng sự người khác thật nhiều trong khả năng có thể - xin quý vị hoan hỷ hãy cố gắng làm như thế!”