Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Bầu trời sáng nay đầy sương mù và lạnh lẽo khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe một đoạn ngắn từ Chùa Tây Tạng đến Kalachakra Maidan, thế nhưng ánh mặt trời lại xuất hiện ngay sau đó. Ước tính có khoảng 30.000 người, trong đó có 10.000 Tăng Ni đang chờ đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài chào mọi người khi bước lên khán đài - từ nơi đó Ngài đã hướng về cúi chào đám đông ở phía trước, bên trái và bên phải. Ngay sau đó Ngài liền an tọa trên Pháp tòa.
Các sinh viên của Học viện Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp Tây Tạng ở Sarnath, gồm các thanh niên, thiếu nữ, cư sĩ và tu sĩ, đã cùng tụng “Kinh Hạnh Phúc” bằng tiếng Pali. Tiếp theo đó là một nhóm từ Viện Nghệ thuật biểu diễn Tây Tạng đã hát những đoạn Kệ về Quy y và Kính lễ trong tác phẩm “Trí Tuệ Cơ Bản của Trung Đạo” của Ngài Long Thọ cùng với sự hòa âm của âm nhạc.
Cuối cùng, một nhóm người Đài Loan đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Trung. Họ là những người trong số 3300 người nước ngoài đến từ 70 quốc gia khác nhau để tham dự Pháp Hội này. Để đáp ứng nhu cầu của họ, lời giảng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được dịch đồng thời trên các đài FM sang tiếng Anh, Trung Quốc, Hindi, Nga, Mông Cổ, tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Rumani và các thổ ngữ Tây Tạng - Amdo và Tawo.
"Đợt thuyết Pháp vừa rồi chủ yếu là dành cho người Ấn Độ và được dịch sang tiếng Hindi", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích bằng cách giới thiệu. "Lần này có rất nhiều người Mông Cổ trong số các tu sĩ và người cư sĩ thành tín - những người đã đến nghe lời dạy của Đức Phật. Điều quan trọng để bắt đầu là phải có động lực hoàn hảo. Về phần Lama Giảng Sư, điều đó có nghĩa là không được giảng dạy với bất cứ kỳ vọng nào về sự giàu có hay danh vọng. Chuyển đưa Giáo Pháp thành vấn đề kinh doanh là điều hết sức tồi tệ và tiêu cực. Khi tôi học được về ba cam kết của Tulku Tsullo - không dùng thức ăn không phải là thực phẩm chay, không cỡi trên những con súc vật, không nhận bất cứ khoản tiền nào đối với việc giảng dạy - tôi đã vô cùng cảm kích.
"Nếu có người muốn biết Phật pháp là gì, không hề có giới hạn, chúng ta không có gì để giấu diếm, và mọi người đều được hoan nghênh. Đó là điều mà chúng ta đã quen thuộc với hơn một ngàn năm. Vào lúc kết thúc thời tụng kinh “Bát Nhã Tâm Kinh”, người Trung Quốc đã thêm một bài Kệ như sau:
“Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu,
Nguyện nội - ngoại chướng thảy tiêu trừ
Nguyện trau dồi con đường Bồ Tát Đạo”
"Điều này cho chúng ta biết rằng người Trung Quốc theo truyền thống Phật giáo. Trí tuệ lừng danh ở đây không chỉ là kiến thức, mà là sự hiểu biết về vô ngã. Sau những tàn phá của cuộc cách mạng văn hoá, dân số Phật giáo ở Trung Quốc đang tăng dần trở lại.
"Ở Mông Cổ cũng có ba giai đoạn của Phật giáo. Ban đầu nó đã được truyền đến qua con đường tơ lụa và qua Mông Cổ. Sau đó có thời đại khi người Mông Cổ có quan hệ với Sakyas và cuối cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Ba đã có sự lien quan gắn bó với họ. Đổi lại, họ đã ban cho Ngài danh hiệu Đạt-lai Bakshi. Phật giáo chủ yếu được truyền sang Mông Cổ từ Tây Tạng. Khi lần đầu tiên tôi đến đó vào năm 1979, có những Vị Sư Trưởng Lão không thể nói chuyện với tôi được, nhưng đã có thể giao tiếp với tôi bằng chữ Tây Tạng. Họ được phép tu tập bên trong Tu viện Ganden Thekchenling nhưng không được thực hành ở bên ngoài.
"Những tiếng tụng Kinh đầy nhiệt huyết của họ thật là cảm động. Nó khiến tôi nghĩ lại thời của các Ngài Sonam Gyatso - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Ba; ngài Yönten Gyatso - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Tư - người đã được sinh ra ở đó, và Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Năm - người mà có quan hệ gần gũi với họ.
"Ngày nay, Phật giáo đang được hồi sinh và chúng ta vẫn có thể truy cập vào các bài viết của nhiều bậc thầy Mông Cổ vĩ đại. Ngödrup Tsognyi, một người Mông Cổ - một trong những trợ lý tranh luận của tôi - người đã kích thích sự quan tâm của tôi đối với Tư tưởng của trường phái Trung đạo (Madhyamaka). Hàng trăm Tăng sĩ Mông Cổ đang học tại các tu viện ở Nam Ấn và tôi đã khuyên họ về tầm quan trọng của việc họ nên tiếp tục học tập.
"Ở đây chúng ta cũng có nhiều người đến từ vùng Hy mã Lạp Sơn; và có rất nhiều Tăng Ni trong cộng đồng của họ trong các tu viện và Ni viện của chúng tôi. Họ đã góp phần tạo nên số đông kể từ khi lượng Tăng Ni rời khỏi Tây Tạng đã bị suy giảm, đó là điều mà chúng tôi cảm thấy rất biết ơn họ.
"Có nhiều người ở đây cũng không phải là người theo truyền thống Phật giáo, những người đến từ những nền tảng của Do Thái - Thiên Chúa Giáo. Với những phương tiện thông tin liên lạc và điều kiện đi lại được cải tiến, ngày càng có nhiều người hơn đã quan tâm đến tôn giáo và văn hoá Tây Tạng, đã ủng hộ chúng tôi và đã được truyền cảm hứng từ những lời dạy của Đức Phật. Các bạn là những Phật tử mới và chúng tôi là Phật tử cũ của Tây Tạng và khu vực Hy Mã Lạp Sơn xin được hoan nghênh chào đón quý vị!”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng Ngài sẽ giảng về "Luận giải về Bồ Đề Tâm"; và rằng bài giới thiệu bắt nguồn từ Bí Mật Tập Hội của Mật tông. Ngài nói rằng Ngài đã nhận được sáu bản văn của Ngài Long Thọ về lý luận từ Ngài Serkhong Tsenshab Rinpoche và "Trí tuệ cơ bản của Trung đạo" từ Khunu Lama Rinpoche - người đã có thể so sánh các phiên bản tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Ngài cũng nói thêm rằng Ngài đã nhận được “Xưng tán về Chân lý Tối Hậu” từ cựu Pháp Chủ Ganden Tripa - Rizong Rinpoche tại nơi mà Ngài đã thực hiện kỳ nhập thất ba năm của mình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng Ngài cũng sẽ giảng về "Ba mươi Bảy Pháp hành của Bồ Tát" của Ngulchu Thogme Sangpo - một người nổi tiếng về cuộc đời của Ngài như một Bồ Tát. Cuốn sách có nội dung bao gồm “Bình luận về Bồ Đề Tâm" và "Ba mươi Bảy pháp hành của Bồ Tát" bằng tiếng Tây Tạng, Hindi, Trung Quốc, Anh và Tây Ban Nha đã được chuẩn bị để phân phát miễn phí do Ban tổ chức của Tổ chức Sungchoe Mông Cổ ấn hành. Trong phần tiếng Tây Tạng còn gồm có phần “Xưng tán 17 bậc Hiền Triết Nalanda” do chính Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng tác và Ngài đã chọn phần này để đọc trước tiên.
Ngài đọc các bài thơ ca ngợi các Ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Phật Hộ, Thanh Biện, Pháp Xứng, Tịch Thiên, Tịch Hộ, Liên Hoa Giới. Ngài lưu ý rằng Ngài Tịch Thiên đã sáng tác "Tóm lược về sự rèn luyện" và "Nhập Bồ Tát Hạnh", cả hai đều nằm trong số sáu bản văn được các bậc thầy của Kadampa ưa chuộng. Ngài cũng nhận xét rằng nhờ vào những nỗ lực của Viện Trưởng - Tịch Hộ, bậc tinh thông - Liên Hoa Sanh và Vua - Trisong Detsen mà ngày nay người Tây Tạng được tự hào là người giữ gìn truyền thống Nalanda.
Ngài nhớ lại rằng dưới sự bảo trợ của họ mà Tu viện Samye được thành lập với các phần liên quan đến dịch thuật, kỷ luật, thiền định và vân vân. Một số thầy giáo Trung Quốc trong phần thiền định đã cho rằng nghiên cứu thiền định đã được chiếm phần ưu tiên. Đệ tử chính của Ngài Tịch Hộ là Liên hoa Giới đã được mời từ Ấn Độ đến để thách đấu với họ trong cuộc tranh luận. Ông đã thắng cuộc thi và kết quả là đã sáng tác ba tập của "Các giai đoạn thiền định".
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc các bài Kệ ca ngợi các bậc thầy của dòng truyền thừa rộng lớn như Ngài Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng, Giải Thoát Quân, Công Đức Hiền, Sư Tử Hiền và Atisha. Ngài lại khen ngợi Từ Tâm của Atisha, Yeshe Ö và Jangchub Ö vì đã nỗ lực phục hồi Phật giáo ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ mười một. Khi hoàn tất phần đọc "Xưng tán 17 bậc Hiền Triết của Nalanda", Ngài đã quan sát thấy rằng có những người đã bác bỏ Phật giáo Tây Tạng và đã xem đó như là Lạt Ma Giáo. Bây giờ Ngài không do dự khi khẳng định rằng người Tây Tạng là những người theo truyền thống Nalanda thuần túy. Ngài than thở rằng bản thân Nalanda đang nằm trong đống đổ nát và đã được thừa nhận khi trao vai trò của nước Anh trong việc xác định và khai quật hầu hết các địa điểm thiêng liêng của Phật giáo ở Ấn Độ.
Tiếp đến bản văn của Ngài Long Thọ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc tất cả từng câu của “Luận giải về Bồ Đề Tâm”. Ngài đọc nhanh và thỉnh thoảng tạm dừng lại để bình luận và giải thích. Khi đã thực hiện xong, Ngài đọc một bản văn ngắn gọn khác với một tựa đề tương tự, đó là một bình luận về bài Kệ giới thiệu từ Bí Mật Tập Hội.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng vào ngày mai Ngài sẽ truyền giới cho những vị cư sĩ, hướng dẫn lễ phát Bồ Đề Tâm và thực hiện nghi thức chuẩn bị cho việc truyền Quán Đảnh Quan Thế Âm mà Ngài sẽ ban vào ngày hôm sau. Ngài cũng thực hiện việc đọc 'Ba mươi bảy Pháp hành của Bồ Tát'.
Ngài trở về Chùa Ganden Phelgyeling trong sự ấm áp của những tia nắng mặt trời.