Thekchen Chöling, Dharamsala, HP - Sau khi đến Tsuglagkhang và chào mừng các thành viên của khán giả sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng trên Pháp toà và đảnh lễ hình ảnh của Đức Phật, Quán Thế Âm và Ba Vị Vua Tây Tạng trước khi an toạ. Kinh “Mangala” được tụng bằng tiếng Pali và sau đó là “Bát Nhã Tâm Kinh” được tụng bằng tiếng Tây Tạng.
Ngài bắt đầu, “Cách đây nhiều năm ở Singapore, tôi đã tham dự một buổi lễ mà tại đó Chư Tăng Trưởng thượng đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Hoa. Tôi đã rất cảm động khi nghĩ về những lời dạy của Đức Phật đã từng được lan truyền ở Trung Quốc và muốn làm bất cứ điều gì tôi có thể để giúp làm sống lại truyền thống đó.
“Gần đây, tôi đã gặp Chư Tăng từ nhiều quốc gia ở Delhi. Tôi đã giải thích rằng tôi không thích hình thức; và thích cởi mở và đơn giản hơn, tôi đã nói với họ rằng đôi khi tôi hỏi liệu tôn giáo có còn liên quan đến thế giới ngày nay hay không. Riêng đối với cảm giác của riêng tôi là, vì tất cả các truyền thống tôn giáo đều khen ngợi đức hạnh của từ bi, đó là điều mà tất cả chúng ta đều vẫn tiếp tục cần đến.
“Giống như động vật, con người chúng ta có ý thức giác quan, nhưng chúng ta cũng có một trí thông minh tuyệt vời mà trên cơ sở đó chúng ta có thể đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều đánh giá thấp tiềm năng tinh thần của họ; và thay vào đó ; họ tìm kiếm niềm vui trong sự hài lòng của cảm giác. Khi tâm thức bị quấy rầy, khoái cảm của cảm giác giác quan sẽ không có được sự thoải mái; nhưng nếu bạn có sự bình an trong tâm hồn, thì bất kì điều gì xảy ra bên ngoài sẽ rất ít khiến cho bạn phiền toái được. Chúng ta cần phải sử dụng một cách triệt để trí thông minh của mình.
“Phát triển khả năng tập trung thiền định và sự sáng suốt minh mẫn đưa đến trí tuệ là một phần của truyền thống Ấn Độ cổ đại. Các truyền thống tôn giáo khác đều khuyến khích rèn luyện tinh thần tự kỷ luật, lòng khoan dung và vân vân, nhưng Phật giáo thì đặc biệt khuyên chúng ta nên áp dụng trí thông minh của mình để chuyển hoá tâm thức của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có cơ hội sử dụng trí thông minh của mình để đạt được hạnh phúc thay vì gây ra thêm nhiều rắc rối.
“Thiền định đóng vai trò quan trọng trong tâm lý học Ấn Độ cổ đại. Có những hành giả tâm linh - những người xem cõi dục giới với những đau đớn và thú vui của nó là vấn đề rắc rối, trong khi các cõi sắc giới và vô sắc giới thì vi tế hơn, có thể đạt được thông qua sự thiền định miên mật, được xem là những cảnh giới an lạc và hấp dẫn. Đức Phật thì nhìn thấy cõi sắc và vô sắc đều là những cảnh giới rắc rối như cõi dục, bởi vì những chúng sinh trong đó cũng vẫn còn bị sự chi phối của vô minh. Ngài hiểu rằng sự chứng ngộ về vô ngã là biện pháp khắc phục. Ngài thấy được rằng, khi vô minh được khắc phục, thì tất cả những phiền não tinh thần còn lại cũng được khắc phục.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát thấy có những loại thiền định cụ thể để đối trị chống lại những loại phiền não cụ thể - ví dụ như - suy tư về sự nhàm chán sẽ đối trị được phiền não của sự tham luyến; nhưng để đối trị cho tất cả các phiền não thì đó là sự nhận thức về vô ngã. Ngài trích dẫn các câu 224-226 của chương sáu của “Nhập Trung Quán Luận” để ca ngợi Bồ Đề Tâm thông thường và tối thượng, mà Ngài Long Thọ mô tả như là nguồn cho sự tích lũy công đức và trí tuệ mà cuối cùng dẫn đến sự chứng đạt được Pháp Thân và Sắc Thân Phật.
224.
Được ánh sáng trí tuệ chiếu soi sáng tỏ,
Chư Bồ Tát thấu rõ cả ba cõi từ khởi thỉ vốn vô sanh,
Như nhìn rõ quả Am Ma Lặc trong lòng bàn tay;
Về mặt tục đế, họ chuyển sang diệt định.
225.
Và dù tâm họ an trụ liên tục trong diệt định;
Họ vẫn khởi lòng từ bi với những chúng sanh lang thang không ai che chở;
Và trí tuệ siêu việt của họ khiến làm cho lu mờ
Những bậc sinh từ khẩu Phật (Thanh Văn) và đạt nửa chặng đường Phật quả (Độc giác)
226.
Và giống như Chúa tể loài thiên nga, vượt bay trước những con chim bé nhỏ,
Xoè đôi cánh trắng rộng lớn của Bồ Đề Tâm tương đối và tối hậu,
Nhờ sức mạnh của gió thiện nghiệp đức hạnh, họ vút bay,
Vượt đến bến bờ xa xôi và tối thượng, đại dương công đức của Đấng Chiến Thắng.
Trở lại với bản văn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc từ phần mà Ngài đã ngưng lại ngày hôm qua. Thỉnh thoảng dừng lại ở đây đó để bình luận và làm rõ nghĩa chắc chắn. Khi kết thúc, Ngài khuyến khích khán giả nên hồi hướng công đức cho việc trở nên quen thuộc với quan điểm sâu sắc đối với sự giác ngộ.
Trước khi rời khỏi Chùa, Ngài thông báo rằng ngày mai Ngài sẽ giải thích về “Ba cốt tuỷ của Đạo Lộ” của Ngài Je Tsongkhapa trước khi truyền Lễ Gia Trì của Đức Quan Âm Đại Bi giải thoát chúng sanh khỏi mọi ác đạo.