Sarnath, UP, Ấn Độ - Trước khi tham dự Hội nghị Hiệp hội các trường đại học Ấn Độ sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với một nhóm các giáo viên của Viện Nghiên cứu Cao cấp Tây Tạng (CIHTS). Ngài nhớ lại rằng Kapila Vatsyayan đã có sáng kiến thành lập Viện năm mươi năm trước để giúp giữ cho văn hóa Tây Tạng được sống còn. Ngài quan sát thấy rằng, khi mọi người nhận thức được những thiếu sót của nền giáo dục hiện đại, thì lợi ích đã tăng lên đối với truyền thống Ấn Độ cổ đại. Việc sử dụng rộng rãi trong quá khứ của logic và lý luận; thì bây giờ chỉ có thể tìm thấy được bảo tồn trong truyền thống Tây Tạng mà thôi. Ngoài ra, người Tây Tạng thấy mình hầu như là kho chứa duy nhất về sự hiểu biết của Ấn Độ cổ xưa về hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
"Tôi đã gợi ý rằng việc nghiên cứu về những điều này không nên chỉ giới hạn ở các Tăng, Ni, mà cũng nên được thực hiện bởi những người cư sĩ. Tuy nhiên, rất khó để cung cấp chỗ ăn ở cho họ trong các cơ sở tu viện của chúng ta. Bằng việc thành lập Viện Biện chứng Phật giáo và tổ chức này, những người cư sĩ và người nước ngoài có thể dễ dàng tham gia vào các truyền thống nghiên cứu của chúng ta. Ví dụ, những người Cư sĩ có thể tập trung sự chú tâm của họ vào Giáo lý Trung Đạo, Trí Tuệ Bát Nhã, Logic và Nhận thức luận. Họ không cần thiết phải chú ý đến kỷ luật Thiền môn, điều này chỉ là mối quan tâm của những bậc Xuất gia; hay Kiến thức thâm sâu hơn (Vi Diệu Pháp), phần lớn trong số đó, giống như sự giải thích về vũ trụ học, rất khó biện giải. Thậm chí chúng tôi có thể cung cấp các bằng cấp phụ trợ về Trung Đạo, Trí tuệ Bát nhã và Logic.
"Các bản Kinh cổ vĩ đại đã có sẵn bằng tiếng Tây Tạng, chúng ta không cần phải dựa vào tiếng Phạn hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác để đọc và nghiên cứu chúng. Và cũng nên nhớ rằng việc có thể tụng bằng tiếng Phạn hầu như không quan trọng bằng việc có thể đọc và hiểu ý nghĩa của nó.
"Một người Tây Tạng mà tôi gặp - người này quen thuộc với Trung Quốc - đã nói với tôi rằng có rất nhiều trí thức Trung Quốc quan tâm đến việc học tiếng Tây Tạng để truy cập các tài liệu này. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể cung cấp cơ sở vật chất cho họ. Vì họ gặp vấn đề rắc rối về việc thị thực Visa khi họ đến đây; nên chúng ta có thể xem xét việc thiết lập một trung tâm học tập ở Bồ Đề Đạo Tràng. Sẽ hữu ích nếu Viện Nghiên cứu Cao cấp Tây Tạng có thể hỗ trợ cho việc này”.
Trở lại Hội trường Hội nghị, Giáo sư PB Sharma đã chào đón tất cả mọi người. Ông yêu cầu các Phó Hiệu trưởng xem xét làm thế nào để xác định các giá trị vượt ra ngoài tôn giáo, các giá trị có thể được chấp nhận như là phổ quát khi chúng áp dụng cho toàn thể nhân loại. Ông trích dẫn lời cuả Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi nói rằng karuna hay từ bi, sự thật và sự trung thực là những giá trị thuộc về tất cả chúng ta.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được thỉnh mời để phát biểu lời khai mạc, Ngài trả lời rằng Ngài không có gì đặc biệt để nói hơn là thích nhìn thấy những khuôn mặt tươi cười của khán giả. Ngài cũng nói rõ rằng Ngài mong muốn được nghe quan điểm và lời đề nghị của những người khác.
"Tuy nhiên, một điều tôi muốn nói với các bạn là tôi luôn ngủ chín giờ và thức dậy lúc khoảng 3 giờ sáng. Sau đó, tôi dành khoảng ba tiếng đồng hồ trong thiền định, phần lớn là phân tích bản chất của “Ngã” và tìm hiểu xem “Ngã” ở đâu.
"Hôm qua tôi đã không đề cập đến việc các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng từ các thí nghiệm đối với trẻ sơ sinh lúc trước khi các cháu biết nói; các thí nghiệm này cho thấy rằng bản chất con người cơ bản là từ bi. Đồng thời họ cũng có bằng chứng cho thấy rằng sự tức giận, hận thù và sợ hãi liên tục sẽ cản trở hệ thống miễn dịch và làm suy yếu sức khoẻ của chúng ta. Mặt khác, một tấm lòng nhân hậu nồng nhiệt sẽ trợ giúp rất nhiều cho sức khỏe, tôi đã xem điều này như một dấu hiệu đích thực của niềm hy vọng. Tôi cũng nhìn thấy trẻ em Palestine và Do Thái vui vẻ chơi cùng nhau trong một trường học Pestalozzi ở Thụy Sĩ, mà không hề có thái độ do dự hoặc kiềm chế.
"Chỉ sau khi trải qua một thời gian trong hệ thống giáo dục hiện đại thì các cháu mới bắt đầu phát triển ý thức về “chúng ta” và “bọn họ”, vì vậy, dường như việc giáo dục có thể làm dập tắt bản chất con người cơ bản của chúng ta. Chúng ta cần phải học cách giữ cho lòng từ bi tự nhiên của mình được sống còn; và làm thế nào để mở rộng và phát triển nó để nó có thể bao quát toàn thể nhân loại. Cuộc sống hiện đại và giáo dục hiện đại tập trung vào các mục tiêu bên ngoài, trong khi sự bình yên trong tâm hồn thì liên quan đến tâm thức bên trong của chúng ta”.
Tiến Sĩ Geshe Lobsang Tenzin Negi của “Trung tâm Từ bi, Liêm chính và Đạo đức thế tục” đã đưa ra một bản tóm tắt mạnh mẽ về Giá trị và sự Cần thiết của Đạo đức học thế tục trong Giáo dục. Ông lặp lại lời nhận xét của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng trong khi cung cấp sự thoải mái và phát triển bên ngoài, nền giáo dục hiện đại đã bỏ qua sự phát triển bên trong. Ông trích dẫn Báo cáo hạnh phúc Thế giới về tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần ở người lớn, trẻ em, cha mẹ và trong môi trường xã hội của các trường tiểu học và trung học cơ sở. Chìa khóa đào tạo lòng từ bi dựa trên nhận thức (CBCT) mà Negi đã đi tiên phong là một cảm giác trí tuệ cảm xúc, nhờ rất nhiều tác phẩm của Paul Ekman đối với tập bản đồ cảm xúc và những gì đã được thu thập từ các nguồn Ấn Độ cổ đại.
Tiến sĩ Girishwar Misra, Phó Hiệu trưởng trường Mahatma Gandhi International Hindi University ở Wardha, Maharashtra cho rằng mục tiêu tối hậu của giáo dục là sự giác ngộ. Nó cần phải đáp ứng nhu cầu của cá nhân và xã hội. Ông đã đưa ra một từ viết tắt CRISP mà ông giải thích như là sự đại diện:
(C) Competence: Năng lực,
(R) Respect for humanity: Tôn trọng nhân loại
(I) Integrity: Chính trực
(S) Social Responsibility and respect for society: Trách nhiệm xã hội và tôn trọng đối với xã hội
(P) Professional responsibility: Trách nhiệm chuyên môn.
Ông đề nghị các kỹ năng này nên là một phần của trường học và hệ thống giáo dục.
Giáo sư Deepak Behra của Đại học Sambalpur đề xuất một quan điểm nhân loại học hơn là về vấn đề giáo dục. Ông nói về các nhà giáo dục hàng đầu định hình trí óc trẻ, và có thể vô tình, làm khắc sâu vào tâm trí họ với thái độ cạnh tranh và ái trọng tự thân. Ông quan sát thấy rằng - để thành công - những người trẻ tuổi tìm cách đảm bảo những kỹ năng, nhưng khi họ làm như thế, họ thấy mình bị thất nghiệp, và điều đó dẫn đến sự tức giận và thất vọng.
Trong một khoảng thời gian ngắn giao lưu với các Phó Hiệu trưởng, Ngài đã làm sáng tỏ rằng, bằng phương pháp vệ sinh tình cảm, người ta có ý định giải quyết các cảm xúc tiêu cực khi chúng phát sinh trước lúc chúng bị mất kiểm soát. Khi được hỏi quan điểm của Ngài về sự bất bình đẳng giới tính; Ngài đã trích dẫn quan điểm của Đức Phật về nam giới và nữ giới như nhau khi Ngài truyền giới cho cả hai. Ngài đã so sánh sự phân biệt giới tính bền bỉ với sự phân biệt giai cấp là một phần còn lại của chế độ phong kiến; tình trạng này vẫn còn sau khi hệ thống phong kiến đã đi qua. Ngài nói, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới dân chủ và có quyền bình đẳng.
Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải làm việc để phát triển lòng bi mẫn, nhưng nó có thể được thực hiện trên cơ sở những phát hiện khoa học. Ngài cũng làm rõ rằng bản chất của hành động đều phụ thuộc vào động cơ. Cũng vậy, để có một hành động tích cực hoặc mang tính xây dựng, thì động lực dành cho nó cần phải tích cực, được thúc đẩy bởi mối quan tâm đối với người khác. Ngài đề nghị chúng ta phải nỗ lực để khôi phục lại bản chất con người cơ bản của chúng ta.
Trả lời câu hỏi cuối cùng về 'Buddham saranam gacchami' (Con xin quay về nương tựa nơi Đức Phật), Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, từ một góc độ nào đó, chữ “Phật” ngụ ý cho sự đoạn diệt tất cả các bản tính tiêu cực. Vì bản chất của tâm thức là để hiểu biết, bao lâu mà tâm thức bị che khuất bởi vô minh, thì bấy lâu khả năng hiểu biết của chúng ta vẫn còn bị hạn chế. Một khi nó được giải thoát khỏi sự vô minh, thì cảm xúc tiêu cực sẽ không còn thống trị được nữa và sẽ không có sự hạn chế về khả năng hiểu biết của tâm - đó là một khía cạnh khác của Đức Phật.
Giáo sư PB Sharma đã cảm ơn khán giả vì đức tính kiên nhẫn của họ khi cuộc hội nghị hết thời gian; và cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa vì Ngài đã đến tham dự và chúc mừng cho nhân dịp này.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dùng cơm trưa một cách nhanh chóng, sau đó Ngài đi xe đến Sân bay Quốc tế Lal Bahadur Shastri và lên chuyến bay để đến Delhi. Sáng sớm ngày mai, Ngài sẽ trở lại Dharamsala.