Vào lúc bắt đầu ngày cuối cùng của Pháp Hội dành cho các đệ tử đến từ Đài Loan, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo rằng trước tiên Ngài sẽ thực hiện các nghi thức sơ bộ để chuẩn bị cho Lễ Gia Trì Quán Thế Âm mà Ngài sẽ ban truyền. Khi đã chuẩn bị xong, Ngài giải thích rằng Ngài đã quyết định ban truyền Lễ Gia Trì Quan Thế Âm giải thoát chúng sanh khỏi mọi ác đạo sẽ thực hiện một sự kết thúc tốt đẹp cho vài ngày giảng dạy của Pháp hội vừa qua. Bên cạnh điều này, Ngài nói Ngài cũng sẽ ban truyền các giới nguyện của Cư Sĩ và Bồ Tát. Ngài nói thêm rằng, trong khi "Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng đã được giới thiệu về giáo lý của Đức Phật, thì sáng nay Ngài sẽ đọc “Ba cốt tuỷ của Đạo Lộ” của Ngài Je Tsongkhapa, như là một bản tóm tắt.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, “Lời khuyên của Ngài Thánh Thiên là khắc phục những hành động bất thiện, loại bỏ quan điểm của “ngã” và cuối cùng là tiêu diệt tất cả các tà kiến sai lầm, đề cập đến sự thực hiện tiến trình của Đạo lộ. Sau khi Phật giáo được giới thiệu đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8, thì sau đó là một thời kỳ suy tàn thảm khốc, một thời kỳ không còn bất kỳ Tăng sĩ nào ở miền Trung Tây Tạng. Đây là bối cảnh mà các hậu duệ của các hoàng đế Tây Tạng đã mời Ngài Atisha đến miền Tây của Tây Tạng. Ngài trước tác 'Đèn soi nẻo giác’ và với Dromtönpa đã thiết lập truyền thống Kadam liên quan đến việc đưa toàn bộ giáo lý của Đức Phật vào thực hành trong khuôn khổ của ba hạng người.
“Je Tsongkhapa đã tóm tắt những giáo lý này dưới tựa đề “Ba Cốt tuỷ của Đạo lộ”, đề cập đến sự quyết tâm để đạt được giải thoát, tinh thần vị tha của sự chứng ngộ và một quan điểm chính xác về tánh Không. Ngài Tsongkhapa được sinh ra ở Amdo và sau đó chuyển đến miền Trung Tây Tạng, nơi mà Ngài được tu học tại tu viện Kadampa của Sangphu.
“Ban đầu, Ngài dựa vào người Thầy của mình là Umapa Pawo Dorje - là một người trung gian trong việc tư vấn Đức Văn Thù Sư Lợi, nhưng sau đó đã trải qua những linh kiến của chính Ngài. Có một lần, trong một linh kiến, Đức Văn Thù Sư đã ban cho Ngài một lời giải thích ngắn gọn về tánh Không. Khi Tsongkhapa thưa với Đức Văn Thù rằng Ngài không thể hiểu được điều đó, Đức Văn Thù Sư Lợi đã thúc giục Ngài nên nghiên cứu thêm.
“Như kết quả của việc học tập và thực hành của mình, Ngài đã trở thành một Bậc Thầy với nhiều môn đồ. Khi Đức Văn Thù khuyên Ngài nên từ bỏ đối với cuộc sống thế gian để làm một ẩn sĩ để hoàn thành sự tịnh hoá và tích luỹ công đức, một số người đã khiển trách Ngài vì đã bỏ rơi những môn đồ này. Đức Văn Thù Sư Lợi vặn lại rằng, ông đã nhận thức được những gì sẽ là lợi ích nhất. Ngài Tsongkhapa nhập thất tại Olkha Cholung Hermitage.
“Trong giấc mơ về các Đạo sư Ấn Độ của trường phái Trung Quán Cụ Duyên, Ngài Phật Hộ bước lên và đặt chạm lên đầu Tsongkhapa bản sao của cuốn bình luận về 'Trí Tuệ Cơ Bản' của Ngài Long Thọ mang tên của Ngài. Ngày hôm sau Ngài được tặng một bản sao của cuốn sách đó và Ngài đã đọc nó.
“Vào một thời điểm cụ thể, Ngài Tsongkhapa đã đạt được một sự chứng ngộ về tánh không, điều này đã thúc đẩy Ngài trước tác “Xưng tán Đức Phật về Giáo lý Duyên Khởi”. Nói về Đức Phật, Ngài nhận xét: “Giáo lý của Ngài là những lời dạy mà bất kỳ ai được nghe vào tai đều đạt được sự yên bình,” Ngài nói thêm về sự ngưỡng mộ đặc biệt cụ thể đối với lý Duyên Sinh, 'Khi tôi thấy được điều này, cuối cùng tâm trí của tôi cũng tìm thấy được sự nghỉ ngơi'. Ngài Tsongkhapa tán thán lý Duyên khởi như là lý luận xua tan hai quan điểm cực đoan - đoạn kiến (thuyết hư vô) và thường kiến (thuyết vĩnh hằng).”
“Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” được soạn thảo để đáp ứng một bức thư thỉnh cầu từ Tsako Ngawang Drakpa, một Vị đệ tử thân cận của Ngài Tsongkhapa đã được gửi đến để giảng dạy ở miền Đông Tây Tạng. Dòng đầu tiên tỏ lòng tôn kính đối với 'các bậc Thầy đáng kính' đã thúc giục Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng trong ‘Đại Lam Rim’, Je Rinpoche đã làm sáng tỏ rõ ràng cách dựa vào một bậc thầy tâm linh. Ngài viết rằng những người muốn chế ngự tâm thức của người khác thì trước tiên nên tự chế ngự chính mình. Họ nên duy trì Tam Vô Lậu Học Giới - Định - Tuệ; và nên có kiến thức, tài hùng biện và lòng từ bi.
Ngài đã thêm những sự bình luận khi đọc bản văn. Dòng đầu tiên của bài Kệ đầu tiên là một dấu hiệu của sự khiêm nhường. Các dòng tiếp theo đề cập đến ba cốt tuỷ của Đạo lộ. Bài Kệ thứ hai là một sự khuyến khích để làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Bài Kệ thứ ba cho thấy phương pháp để nuôi dưỡng một sự quyết tâm để đạt được sự giải thoát, trong khi bài Kệ thứ năm ám chỉ đến các biện pháp để thực hiện điều đó. Bài Kệ sáu liên quan đến sự cần thiết phải phát triển Bồ đề tâm, trong khi những câu sau giải thích về cách thực hiện những điều đó. Ngài lưu ý rằng bằng cách áp dụng ý nghĩa của bài Kệ 7 và 8 cho chính mình, nó có thể được sử dụng để củng cố quyết tâm đạt được sự giải thoát.
Mặc dù những sự thực hành như tình yêu thương, có thể đối trị lại một số phiền não, bài Kệ thứ chín làm rõ rằng, chỉ có một sự hiểu biết về tánh không và lý duyên khởi mới có thể đoạn trừ được sự vô minh cơ bản - đó là gốc rễ của sinh tử luân hồi.
Liên quan đến bài Kệ số mười, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng đối tác tranh biện của Ngài là Ngödrup Tsognyi đã nhấn mạnh nhu cầu của tính xác thực đối với cả hai là - hiểu luật nhân quả và thấy mọi hiện tượng đều không có sự tồn tại khách quan. Khi bạn có thể làm điều đó, là bạn đã bước vào con đường làm hài lòng chư Phật.
Bài Kệ 11 và 12 liên quan đến việc phân tích của bạn đã hoàn thành hay chưa. Mọi thứ dường như có sự tồn tại khách quan; chúng dường như tồn tại theo cách riêng của chúng. Tuy nhiên, một khi bạn đã nhận ra quan điểm của Trung Đạo thì ngay cả khi chúng dường như là tự tồn tại, bạn cũng biết rằng chúng không thực sự tồn tại theo cách đó.
Trong bài Kệ cuối cùng, Ngài Tsongkhapa đã khuyến khích các đệ tử của mình ‘hãy nương vào sự cô tịch và nỗ lực mạnh mẽ để nhanh chóng đạt được mục tiêu cuối cùng'. Ngài đã khuyến khích các thính giả của mình nên thực hiện theo nguyện vọng đó!
Như một phần của buổi Lễ Gia Trì Đức Quan Thế Âm giải thoát chúng sanh khỏi mọi ác đạo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban truyền các giới luật cho Cư sĩ cũng như các Bồ Tát giới nguyện. Cuối cùng, các Phật tử Đài Loan vỗ tay tán thán và cùng nhau tụng lời cầu nguyện trường thọ dâng lên Ngài. Ngài cảm ơn họ đã đến tham dự Pháp Hội; và vẫn an toạ trên Pháp toà một thời gian trong khi họ tập hợp xung quanh Ngài thành các nhóm nhỏ hơn để chụp hình. Cuối cùng, mỉm cười và vẫy tay chào các thành viên của đám đông, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bước từ Chánh điện xuống sân để lên xe và trở về Dinh thự của mình.