New Delhi, Ấn Độ - Trường Đại Học St Stephen là một trong ba trường Đại học sáng lập của Đại học Delhi. Nó được thành lập lần đầu tiên cách đây 137 năm bởi Rev Samuel Scott Allnut và được đặt theo tên St Stephen - người được Giáo hội Anh giáo nhận làm vị thánh bảo trợ của Delhi sau khi các Kitô hữu bị ném đá cho đến chết trong cuộc nổi loạn năm 1857. Là một trong những trường đại học được đánh giá cao ở Ấn Độ, nó chấp nhận sinh viên tốt nghiệp và dưới đại học và cung cấp các khóa học về khoa học và nghệ thuật tự do. Danh sách của các cựu sinh viên, chính trị gia, doanh nhân, nghệ sĩ, khoa học gia và học giả nổi tiếng trong số họ là rất dài.
Hôm nay, ngày Sáng lập của Trường Đại học St Stephen, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được mời đến dự lễ kỷ niệm với tư cách là Vị Khách Chính. Khi quang lâm đến khuôn viên trường đại học, Ngài đã được chào đón bởi Bursar, Trưởng khoa và Giáo viên cao cấp, người đã hộ tống Ngài đến văn phòng Hiệu trưởng. Ngài được giới thiệu với Hiệu trưởng - Giáo sư John Varghese và Chủ tịch Cơ quan chủ quản - Rt Revd Warris Masih - cũng là Giám mục của Delhi.
Sau khi đã mặc áo choàng và mũ học thuật màu đỏ của trường đại học, Ngài đã gặp gỡ các thành viên của Khoa. Sau đó, Ngài tham gia lễ diễu hành vào hội trường. Khi mọi người đã an toạ trên khán đài và trong hội trường, vị Hiệu trưởng đã yêu cầu Rt Revd Masih chủ trì lễ cầu nguyện khai mạc. Ông nhắc lại những phẩm chất của người sáng lập như một công dân tốt cống hiến cho việc phục vụ người khác và cầu nguyện mong rằng chúng ta cũng sẽ giống như thế.
Để tỏ lòng biết ơn Rt Revd Masih - Phó hiệu trưởng Đại học Delhi và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như các vị khách quý và các sinh viên thân yêu khác, Giáo sư Varghese đã chào đón tất cả mọi người với lời chào mừng nồng nhiệt vào Ngày Sáng Lập. Ông mô tả đó là một ngày không những chỉ để nhớ đến Người Sáng Lập, mà còn là ngày nhớ đến tất cả những người đã cống hiến hết mình sau Vị sáng lập ấy. Trường chính là tất cả sự nỗ lực của họ. Ông đọc ra một danh sách dài các giáo viên, học giả và hiệu trưởng nổi tiếng, nhiều người trong số họ là thành viên của Hội Anh em Cambridge, từ lúc ban sơ cho đến ngày nay.
Đề cập đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma như một người của chư thiên, của loài người trên thế giới và của nền hòa bình, Hiệu trưởng đã thỉnh mời Ngài lên phát biểu với hội chúng.
Ngài bắt đầu: “Tôi không thích hình thức quá nhiều, khi chúng ta dược sinh ra không hề có hình thức, cũng không có hình thức khi chúng ta chết đi, vì vậy tôi thích tiếp nhận mọi thứ dễ dàng khi chúng ta còn sống. Do đó, tôi muốn bắt đầu bằng cách tri ân những người anh em đáng kính của tôi ở trên khán đài đây và các anh chị em ở trong hội trường này. Bên trong những chiếc áo choàng này, chúng ta có cùng một loại cơ thể con người. Chúng ta có cùng một loại não người. Chúng ta giống nhau cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Theo niềm tin của quý vị, tất cả chúng ta đều được tạo ra bởi Đức Chúa và là con của cùng một người cha yêu thương, chúng ta đều là anh chị em của nhau. Không nên có bất cứ một nền tảng lý do nào để chúng ta cãi vả nhau hay tệ nhất là giết hại nhau. Chúng ta là những động vật xã hội; chúng ta tồn tại trong sự phụ thuộc vào cộng đồng. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu vươn ra khỏi biên giới. Tương tự như vậy, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu, điều này được phản ánh rõ ràng trong một mặt là sự gia tăng thảm họa thiên nhiên và mặt khác là sự giảm thiểu của tuyết rơi.
Tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương, vì vậy không thể tưởng tượng được rằng có những nơi mà người ta đã bị giết hại dưới danh nghĩa tôn giáo.
Nhờ vào bộ não và trí thông minh tuyệt vời của mình nên chúng ta đã phát triển được ngôn ngữ và chữ viết để có thể giao tiếp và giải thích mọi thứ với nhau. Tất cả những người mà Vị Hiệu trưởng vừa nêu tên đã làm việc trong sự phục vụ cho nền giáo dục. Về mặt thể chất, họ không còn với chúng ta, nhưng thành quả của những nỗ lực của họ vẫn còn tiếp tục. Chúng ta nên biết ơn họ. Tôi thực sự ngưỡng mộ sự cống hiến của họ.
Như tôi đã nói, chúng ta có trí thông minh tuyệt vời này, nhưng điều quan trọng cần nên nhớ là việc chúng ta sử dụng nó một cách xây dựng hay phá hủy đều phụ thuộc vào động lực của chúng ta. Ví dụ, khai thác năng lượng hạt nhân là một thành tựu to lớn, nhưng để sử dụng nó trong vũ khí hủy diệt hàng loạt thì thật là đáng buồn. Những động vật săn mồi như sư tử và hổ có thể man rợ và tàn nhẫn, nhưng chúng không giết hại một cách bừa bãi, chúng chỉ giết ăn loài vật khác khi nào chúng đói mà thôi. Con người chúng ta phát triển vũ khí tinh vi và tham gia vào cuộc chiến tranh một cách bất cẩn tham gia vào bạo lực và giết chóc có tổ chức.
Sự sai lầm ở đây là việc sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết vấn đề. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải quay lưng lại với mô hình của thế kỷ 20 và biến thế kỷ 21 thành một kỷ nguyên hòa bình và lòng từ bi. Các nhà khoa học đã cho chúng ta biết rằng họ có bằng chứng cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Thật vậy, kinh nghiệm của chúng ta là, khi chúng ta vui cười và thân thiện với người khác, thì chúng ta cảm thấy vui vẻ. Thay vào đó, nếu chúng ta đối xử với người khác bằng sự nghi ngờ thì chúng ta sẽ chẳng cảm thấy vui tí nào.
Cho dù chúng ta có theo tôn giáo hay không, thì tất cả chúng ta cũng đều cần bạn bè. Một người mẹ đã sinh ra mỗi người trong chúng ta và ta sống sót được là nhờ vào sự chăm sóc và tình cảm của mẹ. Giáo dục không chỉ là việc tăng cường trí thông minh tuyệt vời của chúng ta; nó cũng nói về sự cần thiết phải phát triển trái tim nhân từ ấm áp. Đây là một trường đại học Kitô giáo và thông điệp của Đức Chúa Giêsu là hãy yêu thương người lân cận như chính bản thân mình. Chúng ta nên làm cho nó trở thành một phần của cuộc sống của chúng ta. Phục vụ nhân loại là cách sử dụng trí thông minh của chúng ta một cách xây dựng và tích cực.
Quý vị là những người trẻ tuổi, những thành viên của thế hệ đầu tiên của thế kỷ 21, xin hãy vui lòng theo đuổi sự nghiệp giáo dục của các bạn với năng lực của mình, nhưng cũng nên kết hợp nó với với thái độ chân thành ấm áp. Có bằng chứng cho thấy rằng, sự tức giận và căng thẳng liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta và hạn chế sức khỏe thể chất của chúng ta. Mặt khác, trau giồi một thái độ từ bi hơn, ấm áp hơn, thì sẽ tốt cho sức khỏe của chúng ta.
Dù quý vị có cảm động hay không bởi đức tin tôn giáo, thì sự ấm áp chân thành vẫn là điều cần thiết chính yếu để các bạn trở nên hạnh phúc. Những giá trị nội tâm như thế sẽ đảm bảo cho việc không chỉ là một cá nhân của bạn được hạnh phúc mà là cả gia đình và cộng đồng của bạn cũng hạnh phúc. Trong khi bạn ở đây tại trường đại học này, hãy cố gắng kết hợp sự tập trung của mình vào thành tích học tập với việc trở nên chân thành ấm áp hơn.
Hiệu trưởng John Varghese bày tỏ sự cảm kích đối với những lời dạy đơn giản về trí tuệ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông lưu ý rằng Ngài đã nhận được nhiều giải thưởng và yêu cầu Giám mục và Chủ tịch của Cơ quan chủ quản hãy thêm vào đó bằng cách tặng cho Ngài một huy hiệu có dạng thức huy chương của trường đại học St Stephen. Ông yêu cầu tất cả mọi người cùng đứng lên để hát bài thánh ca của trường đại học “Lạy Chúa - sự giúp đỡ của chúng con trong các thời đại đã qua”, và sau đó là Quốc ca.
Các thành viên của khoa đã diễu hành ra khỏi hội trường và tập hợp lại trên bãi cỏ để tạo dáng chụp ảnh với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, Ngài đi xe qua Đài tưởng niệm Ambedkar và Pháo đài Đỏ để trở về khách sạn của mình.