Riga, Latvia - Vào thời điểm này, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sẵn sàng rời Hội trường Skonto sáng nay, gần hai trăm người đứng chật kín cả sảnh đợi của khách sạn đang chờ đợi để được nhìn thoáng qua Ngài. Nhiều người trong số họ đã cầm sẵn trong tay những tấm hình và các vật khác với hy vọng có cơ hội được Ngài ban phước gia trì vào đó. Các nhân viên an ninh đã rất vất vả để giữ một khoảng trống cô lập vòng quanh Ngài khi những người ngưỡng mộ háo hức và quyết tâm đẩy lấn từ cả hai phía trong sự nỗ lực của họ để chạm vào Ngài.
Khi đã đến được địa điểm giảng dạy và an toạ trên Pháp toà của mình trên khán đài, Ngài bắt đầu bằng cách nhận xét rằng, Đức Phật đã dạy chúng ta nên hàng phục thuần thục tâm thức của mình.
“Quý vị hàng phục tâm mình bằng cách sử dụng những năng lực phán đoán, phê bình của mình và phân tích những tình hình trước mắt. Nếu bạn để cho những cảm xúc tiêu cực chế ngự, điều khiển mình thì chỉ đưa đến đau khổ mà thôi. Do đó, điều quan trọng là phải nhận ra những khuyết điểm của một cái tâm vô kỷ luật, khó điều phục. Nếu bạn rèn luyện tâm thức của mình thì bạn sẽ ít bị đau khổ, đó là lý do tại sao Đức Phật đặt việc thuần thục hoặc hàng phục tâm thức vào sự trọng tâm trong Giáo Pháp của Ngài.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng, nếu chỉ có sự cầu nguyện không thôi thì chưa đủ để mang lại sự an lạc trong tâm hồn. Điều này chỉ có hiệu quả hơn nhiều khi ta hiểu được sự hoạt động vận hành của tâm thức và học cách giải quyết những phiền não về mặt tinh thần đã quấy rối sự an lạc nội tâm của chúng ta.
Ngài khuyên khán giả nên đọc ‘Nhập Bồ Tát Hạnht' của Shantideva, đặc biệt chú ý đến Chương Sáu đề cập đến hạnh Nhẫn Nhục; Chương Tám tập trung vào sự hoán đổi giữa bản thân mình và người khác; và trau dồi Bồ Đề tâm, và Chương Chín về Trí tuệ.
“Ngay cả những người không phải là Phật tử đều có thể học hỏi từ Chương 6 và Chương 8 vì những gì được đề cập trong đó đều có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Chẳng hạn như, sự giải thích về hạnh kiên nhẫn có thể giúp giảm bớt sự sân giận mà không cần phải nói đến niết bàn hoặc kiếp sau. Trên thực tế, lời khuyên về sự kiên nhẫn và lòng vị tha trong hai chương này cũng có thể được tìm thấy trong các truyền thống tôn giáo khác.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc 'Kinh Kim Cương Năng Đoạn’. Khi đọc đến phần cuối, Ngài nhận xét:
“Tôi thường cảm thấy thật không thoải mái khi giảng dạy Phật pháp ở các quốc gia không phải Phật giáo, khi phần lớn khán giả đến từ một nền tảng Do thái-Kitô giáo. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy những sự nghi ngờ như vậy ở đây, nơi mà phần lớn khán giả đến từ các vùng Phật giáo truyền thống.”
Một lần nữa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dùng cơm trưa với một nhóm khách mời sau đó Ngài đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với Đại sứ Ấn Độ đến Thụy Điển và Latvia.
Trước khi rời khỏi khách sạn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp khoảng 75 người Tây Tạng đến từ nhiều nước châu Âu để tham dự Pháp hội. Ngài đã đề cập đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu Phật giáo và vai trò quan trọng của việc hiểu được tiếng Tây Tạng trong sự nghiên cứu đó. Ngài nói với họ rằng, Ngài cảm thấy truyền thống Phật giáo Tây Tạng sẽ mang lại lợi ích tâm linh cho Trung Quốc trong tương lai.
Ngài cũng đã tóm tắt một cách ngắn gọn về cam kết của mình đối với Phương pháp Trung Đạo - mà theo đó - Tây Tạng sẽ không tìm kiếm sự độc lập, mà vẫn tồn tại trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - như một phần của giải pháp hai bên cùng có lợi.
Cuối cùng, Ngài đã khuyến khích người Tây Tạng nên vui vẻ và tự hào về di sản của họ. Ngài nói với các thành viên trẻ của nhóm rằng, không nên đánh mất hy vọng vào một ngày nào đó sẽ trở về Tây Tạng. Ngài nói với họ rằng - trong khi chờ đợi - điều quan trọng là nghiên cứu các môn học hiện đại như khoa học và công nghệ để có thể đóng góp cho sự phát triển trong tương lai của quê hương họ.
Ngày mai, ngày cuối cùng của loạt bài thuyết giảng này, Ngài sẽ trao quyền quán đảnh Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và Lễ gia trì Đức Bạch Văn Thù Sư Lợi.