Malmö, Thụy Điển - Hôm qua, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bay trực tiếp từ Delhi đến Thụy Điển. Thời tiết khi đến sân bay Malmö thì có gió và ẩm ướt; tuy nhiên, trước khi đi xe vào thành phố, Ngài đã được chào đón nồng nhiệt bởi Birthe Müller và Ann Svensén - Chủ tịch và Tổng thư ký của IM. IM là một tổ chức phát triển phơi bày sự đói nghèo, chiến tranh và loại trừ. Nó được thành lập vào năm 1938 bởi Britta Holmström và hiện đang hoạt động tại mười ba quốc gia trên toàn thế giới, tập trung vào quyền con người về sự giáo dục, sức khỏe tốt và khả năng duy trì một cuộc sống nhân phẩm.
Trong một cuộc họp ngắn với các thành viên của giới truyền thông sáng nay, Ngài được giới thiệu bởi Ann Svensén - người đã báo cho biết rằng năm nay sẽ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập IM, và cũng có 50 năm hợp tác với người Tây Tạng. Cô đã đề cập đến sự ra mắt của IM vào năm 2016 của Humanium Metal, một kim loại được chế tạo từ vũ khí bất hợp pháp tái chế. "Chúng con rất vui khi được có Ngài ở đây", cô nói, "và mong muốn được nghe những gì Ngài ban thuyết.”
Ngài bắt đầu: “Thứ nhất, quan hệ của chúng ta không phải là quan hệ chính trị, cũng không liên quan đến tiền bạc. Quan hệ của chúng ta bắt đầu theo cách mà khi con người thấy mình gặp khó khăn, những người khác đến để giúp đỡ họ. Như các nhà khoa học đã nói, bản chất cơ bản của con người là từ bi, và IM là một tổ chức đặt tâm từ bi vào sự hành động. Khi người Tây Tạng lần đầu tiên đi lưu vong, tương lai trông thật tối tăm, nhưng nhiều cá nhân và tổ chức đã giúp đỡ chúng tôi - IM là một trong số đó, là tổ chức mà tôi rất ngưỡng mộ.
“Một trong những mục tiêu của tôi là tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách khuyến khích nhân loại trở nên từ bi hơn. Ở mức độ tinh thần, chúng ta có thể tạo ra lòng bi mẫn, nhưng nếu ở mức độ vật lý, thì chúng ta hạn chế sự sẵn có của vũ khí, nó sẽ có hiệu quả trong việc giảm thiểu bạo lực và tổn hại. Do đó, mục tiêu của chúng ta phải là một thế giới phi quân sự. Nếu chúng ta áp dụng một tầm nhìn và thực hiện một nỗ lực vào đầu thế kỷ 21, chúng ta có thể biến nó thành một kỷ nguyên hạnh phúc hơn trước, vì khi không có chiến tranh và giết chóc. Vấn đề vẫn sẽ phát sinh, nhưng chúng ta cần phải giải quyết chúng bằng một cách khác. Chúng ta cần tham gia vào đối thoại để giải quyết chúng hơn là sử dụng vũ lực.”
Câu hỏi đầu tiên được nêu lên cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là tìm kiếm lời khuyên của Ngài sau kết quả bầu cử phân cực gần đây ở Thụy Điển. Ngài trả lời rằng để đưa ra lời khuyên như vậy, Ngài sẽ phải nghiên cứu tình hình sâu sắc hơn mà Ngài đã không thể làm được. Ngài hy vọng rằng ấn tượng của Thụy Điển là một đất nước thịnh vượng, hòa bình - nơi mà khoảng cách giữa giàu và nghèo là tương đối nhỏ - sẽ tiếp tục chiếm ưu thế.
“Tôi không ngưỡng mộ Hoa Kỳ vì vũ khí hạt nhân của nó nhưng vì sự vận động dân chủ, tự do và giải phóng, tôi hy vọng ở Thụy Điển quý vị có thể giữ gìn những giá trị này một cách sống động.
“Gần đây có nhiều người tị nạn, nhiều người từ Trung Đông, đã chạy sang châu Âu vì lo sợ cho cuộc sống của họ. Họ đã được cung cấp chỗ ở và sự hỗ trợ, nhưng giải pháp lâu dài là nên bao gồm cả việc cung cấp sự đào tạo và giáo dục, đặc biệt là cho con cái của họ, để họ có thể quay trở về xây dựng lại đất nước của mình khi hòa bình được khôi phục”.
Khi được hỏi về sự căm thù được gieo rắc qua truyền thông xã hội, Ngài nhận xét: “Chúng ta đều là những con người như nhau; và tôi đang cố gắng giáo dục mọi người hiểu rằng nguồn hạnh phúc tối thượng là trái tim nhân hậu ấm áp và tâm trí bình tĩnh điềm đạm. Chúng ta cần chú ý hơn nữa về sự bình yên trong tâm hồn.”
Một người hỏi khác muốn biết liệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có cảm thấy thất vọng hay không vì ngày càng ít những vị Tổng thống và Thủ tướng chuẩn bị để gặp gỡ Ngài khi Trung Quốc đã phát triển như một cường quốc kinh tế. Ngài trả lời rằng, Ngài không thất vọng; vì một mặt sự quan tâm chính của Ngài là gặp gỡ những người bình thường; và mặt khác là, từ năm 2001, khi người Tây Tạng lần đầu tiên có được một vị lãnh đạo do dân chúng bầu chọn, thì Ngài đã nghỉ hưu khỏi trách nhiệm chính trị. Hơn nữa, Ngài cũng đã chấm dứt truyền thống mà theo đó Đạt Lai Lạt Ma là những người vừa là lãnh đạo chính trị vừa là lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây tạng.
Khi được hỏi rằng Ngài có lo lắng về sự biến đổi khí hậu hay không, Ngài trả lời rằng Ngài đã quan sát thấy sự suy giảm của tuyết rơi nơi Ngài đang sinh sống. Đó là một sự thách thức để nói rằng chúng ta có thể làm được gì, Ngài lưu ý rằng đã có lúc dòng nước chảy qua con sông chạy qua Stockholm đã không còn hỗ trợ cho bất kỳ loài cá nào vì bị ô nhiễm bởi các nhà máy. Ngài chỉ ra rằng, chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt nếu chúng ta thay đổi hành vi của mình. Một khi các nhà máy ngừng gây ô nhiễm đối với sông ngòi thì cá tôm sẽ quay trở lại. Ngài nói rằng nếu chúng ta làm việc cùng nhau, theo hiệp định tại Paris thì sẽ rất hiệu quả.
Ngài đã đồng ý với một người khác hỏi rằng việc cắt giảm sản xuất và buôn bán vũ khí là điều quan trọng đối với hòa bình thế giới. Ngài bày tỏ hy vọng rằng, những người đoạt giải Nobel Hòa bình sẽ đưa ra sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, Ngài nhớ lại một nghị quyết của những người đoạt giải Nobel Hòa bình ở Rome vài năm trước về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân; và gợi ý của Ngài là nên thiết lập một thời gian biểu đối với các quốc gia sở hữu những vũ khí này, nhưng đã không có gì được xảy ra cả. Ngài nói rằng Ngài đã yêu cầu Tổng thống Obama và người đoạt giải Hòa bình Ấn Độ Kailash Satyarthi đảm nhận sứ mệnh này.
Trong một khán phòng được gọi là Malmö Live, Ngài đã được chào đón và giới thiệu với khán giả của khoảng 1200 người bởi Kattis Ahlstrom - một nhà báo và phóng viên người Thụy Điển. Trước tiên, Cô mời Ngài nghe những bài hát được biểu diễn một cách nhẹ nhàng bởi Lisa Ekdal và với niềm say mê tuyệt vời của Rickard Soderberg, Ngài rất thích. Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện của mình, Ngài yêu cầu cho rọi thêm nhiều ánh sáng hơn về phía khán giả để Ngài có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người mà Ngài đang nói chuyện với họ.
“Các anh chị em thân mến! Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Cho dù chúng ta là người Thụy Điển hay Tây Tạng thì đó đều là những giá trị thứ yếu. Về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm - chúng ta đều như nhau. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc; và nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt; sự bắt nạt, gian lận và nghèo đói, đều do con người gây ra. Đồng thời, là những động vật xã hội, chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng để tồn tại. Do đó, chúng ta có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề như thế; và phải làm việc chăm chỉ để đảm bảo cho phúc lợi của người khác.
“Chúng ta cần bạn bè; và tình bạn thì dựa trên sự tin tưởng, điều này chỉ xảy ra khi quý vị thể hiện sự quan tâm đến phúc lợi của người khác. Từ quan điểm đơn giản về sự tự quan tâm chính mình, chúng ta cần phát triển mối quan tâm lớn hơn dành cho những người khác.
“Trong quá trình đàm phán nghiêm túc với các nhà khoa học trong gần 40 năm qua về vũ trụ học, vật lý, thần kinh học và tâm lý học, tôi đã thấy các thí nghiệm liên quan đến trẻ sơ sinh trước khi các cháu biết nói. Các cháu được cho xem những hình ảnh động minh họa về một người giúp đỡ một người khác; và một minh hoạ khác về một người gây cản trở sự nỗ lực của một người khác. Trẻ sơ sinh biểu lộ sự chấp thuận rõ ràng về hành vi hữu ích và tỏ ra thất vọng khi thấy một người nào đó có hại hoặc gây trở ngại. Từ đó, kết luận rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi.
“Sự nhiệt tâm của lòng từ bi xua tan bất kỳ cảm giác nghi ngờ nào và phát khởi sự tự tin cho phép chính bạn cư xử một cách trung thực và chân thành. Tất cả 7 tỷ người đều đã được sinh ra từ người mẹ của mình và sau đó phụ thuộc vào lòng tốt của Mẹ để tồn tại. Trong trường hợp của riêng tôi, người thầy đầu tiên của tôi về lòng từ bi chính là mẹ của tôi.
“Tôi luôn luôn nghĩ về bản thân mình là một con người như những người khác vậy; không phải là một người đặc biệt hay là Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 gì cả. Bất cứ ai tôi gặp gỡ, tôi đều chào hỏi với một nụ cười thiện cảm. Trong sự thực hành hằng ngày, tôi luôn nghĩ về tất cả chúng sinh như người thân yêu đối với tôi, đó là lý do tại sao tôi luôn bắt đầu các cuộc nói chuyện của mình là - “Các anh chị em thân mến!” Sự nhấn mạnh những khác biệt về quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo giữa chúng ta chỉ mang đến những vấn đề rắc rối mà thôi, về cơ bản tất cả chúng ta đều như nhau cả.
“Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Sự đánh nhau và giết chóc mà chúng ta thấy ngày nay dưới danh nghĩa của tôn giáo là điều không thể tưởng tượng được. Ở Ấn Độ, mặc dù rất đa dạng, nhưng chúng ta luôn thấy sự hòa hợp tôn giáo được phát triển rất mạnh mẽ.
“Chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm của chính mình. Những gia đình mà các thành viên yêu thương và tin tưởng lẫn nhau đều hạnh phúc, ngay cả khi họ chẳng giàu có khá giả gì. Còn những gia đình mà các thành viên nghi ngờ lẫn nhau thì chẳng vui vẻ hạnh phúc gì - cho dù họ giàu có đến đâu đi chăng nữa. Tôi đã nhận thấy rằng phụ nữ trẻ dành nhiều thời gian và tiền bạc cho mỹ phẩm để cải thiện ngoại hình của họ, nhưng cho dù có trang điểm đẹp đẽ đến đâu chăng nữa, nếu khuôn mặt của bạn sân giận thì sẽ không ai tìm thấy ở đó sự hấp dẫn nào cả!
“Trong những ngày đầu tiên sống lưu vong của chúng tôi, một quan chức là Tăng sĩ Tây Tạng mà tôi quen biết rất rõ - đã hoàn tục và kết hôn. Có một lần tôi trêu chọc cậu ta về vẻ ngoài trống trơn giản dị (không trang điểm) của vị hôn thê mới của cậu ta; và cậu ấy đã nói với tôi rằng - khuôn mặt của cô ta có thể không đặc biệt, nhưng vẻ đẹp nội tâm của cô ấy thật rất đáng chú ý. Tôi đã không còn gì để nói, nhưng tôi đã học được rằng, vẻ đẹp bên trong, sự nhiệt tâm chân thành, là chìa khóa thực sự cho một cuộc hôn nhân có ý nghĩa quan trọng.”
Kattis Ahlstrom đọc các câu hỏi được gửi bởi các thành viên của khán giả đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Câu đầu tiên liên quan đến những người tị nạn đến châu Âu và Ngài nhắc lại những gì mà Ngài đã nói trước đó cho các thành viên của giới truyền thông rằng thật sự rất tốt nếu cung cấp sự giúp đỡ tạm thời trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, hầu hết người tị nạn đều muốn trở về đất nước của họ - nơi mà họ đã bỏ trốn để ra đi. Điều quan trọng là khôi phục hòa bình ở đó; và đặc biệt là hãy dành cho giới trẻ thanh niên sự giáo dục và đào tạo để họ có thể xây dựng lại đất nước của họ, tuy nhiên, cũng cần phải nên thực tế về những sự giúp đỡ nào mà bạn có thể cung cấp cho họ.
“Những người tỵ nạn Tây Tạng chúng tôi đã lưu vong được 60 năm, nhưng khát vọng của chúng tôi vẫn là mong được trở về và khôi phục lại đất nước của mình. Trong sự lưu vong ở Ấn Độ, chúng tôi đã làm việc để giáo dục con cái và giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc và văn hóa của chúng tôi được sống còn, với hy vọng khôi phục lại tất cả những phẩm chất đó trên quê hương của chúng tôi khi điều kiện cho phép.”
Khi được hỏi làm thế nào để đối phó với hận thù trong xã hội, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng, con người với ngôn ngữ tinh vi và trí thông minh tuyệt vời của mình - lại là những sinh vật duy nhất tham gia vào chiến tranh, đó là cuộc chiến bạo lực có hệ thống. Những loài động vật ăn thịt như sư tử và hổ chỉ tấn công các sinh vật khác khi nào chúng đói mà thôi. Trong một vườn thú, nếu như chúng được cho ăn no đủ, thì chúng không phải là mối đe dọa đối với các loài động vật khác.
Ngài nhận xét rằng, một trong những sự khiếm khuyết của giáo dục hiện đại là không có khả năng dạy về phương pháp để đạt được sự bình an trong tâm hồn. Vì vệ sinh vật lý được truyền dạy để bảo vệ sức khỏe thể chất, thì sự học hỏi về cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình bằng cách thực hiện vệ sinh cảm xúc sẽ giúp cho học sinh trở nên thích nghi phù hợp về mặt tinh thần và có thể thiết lập được sự an lạc nội tâm bên trong. Ngài nói rằng hệ thống giáo dục phải chịu trách nhiệm đối với việc khắc sâu các giá trị nội tâm và các nguyên tắc đạo đức một cách thế tục. Ngài nói thêm là Ngài tin tưởng rằng Ấn Độ có tiềm năng to lớn trong việc kết hợp sự giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Trả lời một câu hỏi về sự lạc quan, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng nếu những nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, hòa bình hơn được bắt đầu ngay từ bây giờ với việc giáo dục và đào tạo dành cho thế hệ tiếp theo, thì sự thay đổi thực sự có thể sẽ được nhìn thấy trong khoảng 30 năm nữa. Đối với Tây Tạng, Ngài đã đề cập rằng, Ngài không tìm kiếm sự độc lập mặc dù trong quá khứ Tây Tạng đã là một trong ba đế chế độc lập - Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng. Người Tây Tạng có thể hưởng lợi từ việc duy trì chung sống với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nếu chính quyền Trung Quốc tôn trọng bản sắc, văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng như đã được quy định trong hiến pháp Trung Quốc.
Birthe Müller cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã quang lâm, Cô dâng tặng Ngài một món quà và thỉnh Ngài vẫy tay với những đứa cháu của Cô đang nhìn xem Ngài từ phía ban công.
Ngài đã cùng với những người ủng hộ IM dùng cơm trưa. Ann Svensén đã nói một lần nữa về kim loại nhân loại và những món đồ đẹp đẽ - vòng tay và đồ trang sức, đồng hồ, những ngọn quay và các đồ chơi khác — nó đang được sử dụng để sáng tạo. Cô cũng đề cập đến biểu tượng bất bạo lực, một khẩu súng lục với một cái thùng được buộc trong một cái nút được làm bằng nhiều kích cỡ khác nhau từ kim loại nhân loại. Cô hoan nghênh Ngài và tất cả các vị quan khách.
Trong lời phát biểu cuối cùng của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cám ơn chủ nhà về bữa trưa. Ngài nói: “Thực phẩm tạo ra năng lượng thể chất, nhưng năng lượng thể chất mà không có sự hướng dẫn của sự bình yên nội tâm thì có thể sẽ nguy hiểm. Vì sự giải trừ vũ khí bên ngoài cần phải đi kèm với giải trừ vũ khí nội tâm, tôi thực sự rất ngưỡng mộ những nỗ lực mà tổ chức này, IM, đang thực hiện để mang lại sự hòa bình trên thế giới.”
Sau khi chụp ảnh với bạn bè và những người ủng hộ IM, Ngài đã nghỉ ngơi. Ngày mai, Ngài sẽ nói chuyện với các sinh viên của Đại học Malmö.