Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rời Tu viện Tây Tạng dưới ánh sáng của bầu trời trong xanh vào buổi sáng nay. Ngài đi xe khoảng một đoạn ngắn để đến tháp Đại Giác - nơi mà Lễ hội Cầu Nguyện Truyền thống Nyingma khai mạc vào ngày hôm nay. Đây là chuyến viếng thăm thứ ba của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Tháp trong thời gian hiện tại của Ngài ở Bồ Đề Đạo Tràng. Một lần nữa, Ngài bước qua những lan can bằng đá xung quanh vòng bên trong về phía tây bên cạnh cây Bồ Đề và đi nhiễu quanh để vào Chánh Điện - nơi mà Ngài đã kính cẩn đảnh lễ trước tôn tượng của Đức Phật và thắp lên một ngọn nến. Sau đó Ngài hoàn tất việc nhiễu Tháp, mỉm cười và vẫy tay chào mọi người đang nhìn qua lan can, và an tọa trên Pháp tòa đối diện với Cội Bồ Đề và Kim Cang Tòa Giác Ngộ. Bên trái của Ngài là các Lamas như Kathok Getse Rinpoche và bên phải là Ngài Ganden Tripa đương nhiệm và Vị tiền nhiệm và những người khác. Treo phía trước mặt họ là hai bức thangka miêu tả về mười bốn vị Đạt Lai Lạt Ma.
Cùng với lễ hội Cầu nguyện đang diễn ra, Tu viện Namgyal đã tổ chức một bộ sưu tập các bài cầu nguyện và những lời Xưng tán được đọc tụng trong sự biết ơn đối với dòng dõi của Dalai Lamas. Họ bắt đầu bằng lời xưng tán Đức Phật được gọi là "Thực hành hàng ngày trong ba phần” và tiếp tục với "Xưng tán Đức Phật về Giáo lý Duyên khởi" của Đức Tsongkhapa, "Khấn nguyện Đức Phật được biết đến như Tiếng Trống của Chân lý", "Xưng tán 17 bậc Hiền Triết của Nalanda”; “Mây Gia Trì Thánh Thiện” của Trulshik Rinpoché hồi tưởng lại những phẩm hạnh của dòng hóa thân của Quan Thế Âm bao gồm cả các Đức Đạt Lai Lạt Ma; “Lời Khẩn cầu Chư Phật và Bồ tát” cùng với nghi thức tẩy tịnh, “Đám Mây Cúng Dường”; “Cầu nguyện Vương” (Tịch Hộ Cầu nguyện), "Lời khẩn cầu chư Hộ Pháp của Tây Tạng”; “Bài ca Chân lý của Hiền Nhân” - Lời cầu nguyện cho sự truyền bá giáo lý bất phân bộ phái, “Ngôn ngữ của Chân lý” và "Lời Cầu nguyện cho Giáo Pháp Hưng Thịnh” của Đức Phật.
Toàn bộ việc đọc được kết thúc bằng một bài Kệ do Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng tác:
Nguyện bất cứ điều gì được thực hiện bởi những kẻ hiểm ác -
Có thể nhìn thấy được hay không nhìn thấy được -
Những người do khát vọng ngoan cố của họ -
Trong quá khứ, là trái ngược với Giáo lý Phật giáo,
Hãy bị nhổ bật rễ bởi chân lý của Tam Bảo.
Trở về lại Tu viện Tây Tạng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ một nhóm 170 chuyên gia đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
"Cho dù nghề nghiệp cụ thể của quý vị là gì, nó mang lại sự lợi ích hay gây tổn hại là tùy thuộc vào động lực của quý vị”, Ngài nói với họ. "Nếu bạn là người ái trọng tự thân, thì cho dù làm việc như một người Thầy giáo, có vẻ như là tốt, nhưng sự thật có thể khác đi. Như tôi đã nói, mọi thứ đều tùy thuộc vào động lực của bạn. Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải thanh lọc tâm trí của mình, vì vậy chúng ta cần phải phân tích những loại trạng thái tinh thần nào là hữu ích và trạng thái tâm nào gây rắc rối cho chính chúng ta.
"Những phiền não về tinh thần như giận dữ, hận thù và ganh tị là có hại vì chúng gây phiền toái cho sự yên bình của tâm hồn. Các nhà nghiên cứu y khoa cũng nhận thấy rằng sự tức giận và sợ hãi liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta. Để giảm sự tức giận, chúng ta cần sự kiên nhẫn và lòng khoan dung, nhưng bước hiệu quả nhất là nuôi dưỡng lòng nhiệt tình, tốt bụng. Ngoài ra, điều quan trọng là phải suy nghĩ về sự đồng nhất của nhân loại - tất cả chúng ta đều giống nhau vì đều là con người. Tôi luôn nghĩ về bản thân mình là một con người như những con người khác, không có gì đặc biệt hoặc khác biệt về tôi, khi gặp gỡ bất cứ ai tôi cũng nghĩ về họ giống như những người khác vậy, bất kể chủng tộc, đức tin hay quốc tịch của họ là gì.
“Phật tử chấp nhận quan điểm có kiếp sau, và chìa khoá để họ đạt được một tái sanh tốt trong tương lai là sống cuộc sống hiện tại của mình một cách có ý nghĩa. Và điều đó đòi hỏi quý vị không gây tổn hại đến người khác đồng thời cũng nên giúp đỡ họ”.