Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Mặt trời đã rực rỡ và ấm áp khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi nơi cư trú của mình tại Shewatsel Phodrang để đi bộ đến đại sảnh thuyết giảng trên sân bãi thuyết Pháp liền kề. Thiksey Rinpoche và Chủ tịch Hiệp Hội Phật Giáo Ladakh - Tsewang Thinles đã tháp tùng cùng với Ngài. Tất cả các thành viên của công chúng dọc theo đường đã ép sát vào hàng rào với hy vọng được gần Ngài hơn một chút. Ngài đã dừng lại đó đây để vỗ má vài cháu bé; hoặc đặt tay lên đầu của những ông lão, những bà Cụ thâm niên.
Với sự cố gắng của mình trong khả năng có thể, Ngài đã đi đến những góc xa nhất của phía trước khán đài để vẫy tay chào những người lân cận cũng như những người ở những nơi xa xôi của đám đông khoảng 20.000 người. Trong khi đó, các Sư Cô từ Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung ương đang tham gia vào một cuộc tranh luận năng động ở phía trước khán đài. Các học sinh từ trường Công lập Ladakh đang theo dõi cuộc tranh biện của họ.
Sau khi an toạ trên Pháp toà, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, Ngài đã bị bật cười khi thấy rằng trong số các học sinh tranh luận bao gồm cả cậu bé Đạo Sikh rất nhiệt tình. Ngài lưu ý rằng, các cuộc tranh luận quan trọng có thể làm tăng sự hiểu biết về chủ đề đang được nghiên cứu, và Ngài cảm ơn các cháu học sinh vì những đóng góp của họ. Lời cầu nguyện mở đầu bao gồm “Ba Điều Thường Niệm”- ca ngợi những phẩm chất của Đức Phật, Pháp và Tăng, và ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
Ngài giải thích: “Năm ngoái chúng ta đã đọc đến cuối chương 6 của ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’, vì vậy bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu từ đó. Ngài Tịch Thiên được cho là đã trước tác bản Kinh Văn này vào thế kỷ thứ 8. Nó dựa trên Giáo lý của dòng truyền thừa Hành vi quảng đại do Ngài Di Lặc truyền xuống cho Ngài Vô Trước; và dòng truyền thừa Tri kiến Thâm sâu được truyền xuống cho Ngài Long Thọ, đôi khi được gọi là Đức Phật thứ hai. Giáo Lý này có thể được gọi là đại diện cho dòng Hành vi quảng đại.
“Hiện Quán Trang Nghiêm Luận" của Ngài Di Lặc giải thích nội dung ẩn tàng của giáo lý Bát Nhã Ba La Mật; Ngài Long Thọ làm sáng tỏ nội dung hiển lộ - đó là lý thuyết về tánh Không. “Tương Tục Tối Thượng” của Ngài Di Lặc giải thích về Phật Tánh, trong khi năm luận giải của Ngài như một tổng thể phát thảo về Bồ Tát Đạo.”
Ám chỉ đến các trường phái khác nhau của triết học Phật giáo, Ngài nhận xét rằng các Tỳ Bà Sa Luận Bộ và Kinh Lượng Bộ thì dạy về “nhân vô ngã”, trong khi phái Duy thức và phái Trung Quán thì còn dạy về cả “Pháp vô ngã”. Trong khi khẳng định sự tồn tại thực sự của ý thức, phái Duy Tâm phủ nhận sự tồn tại của sự vật bên ngoài (các pháp hiện tượng) - điều mà họ nói là kết quả của dấu ấn trên tâm thức của chúng ta. Ngài nói thêm rằng, có những nhà vật lý lượng tử cho rằng, chắc chắn rằng không có gì tồn tại một cách khách quan cả mà chỉ là tâm trạng của những phản ứng cảm xúc - chắng hạn như sự tham luyến.
Trường phái Trung Quán chủ yếu được chia thành Y Tự khởi tông và Trường phái Y Tha Khởi, mặc dù có một chi nhánh của nhóm trước kết hợp với những ý tưởng của Du Già tông. Trong khi Y Tự Khởi cho phép một số sự tồn tại khách quan, thì Y tha Khởi bác bỏ bất kỳ sự tồn tại độc lập hay khách quan nào về những kinh nghiệm hay các pháp hiện tượng.Trở lại với “Nhập Bồ Tát Hạnh”, Ngài nói với đám đông rằng, "Tôi đã nhận sự trao truyền và giải thích về tác phẩm này từ Khunu Lama Rinpoche, Tenzin Gyaltsen. Ông là một Hành giả tận tuỵ về những gì mà phải nói. Có một lần, khi trau giồi pháp hành về Bồ Đề tâm, ông đã sáng tác một bài thơ cảm kích mỗi ngày. Những bài này được sáng tác cuối cùng thành “Bảo Đăng” (Ngọn Đèn Quý Báu) và nó đã được truyền trao - mà tôi đã tìm kiếm đầu tiên. Sau đó tôi đã nhận được “sự Hướng dẫn”. Bởi vì ông cảm thấy việc thực hành Bồ Đề Tâm rất hữu ích, cho nên Khunu Lama Rinpoche đã yêu cầu tôi nên giảng dạy nó càng nhiều càng tốt trong khả năng có thể.
“Nhập Bồ Tát Hạnh” có thể được tóm tắt thành ba phần, hành vi mà bạn tham gia vào thực hành; thực hành chính thức; và hoàn thành sự thực hành. Nó đề cập đến con đường đưa đến sự chứng ngộ được bắt nguồn từ sự phát triển của trí huệ, trên cơ sở đó bạn trau giồi hành trạng của một vị Bồ tát. "
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ôn lại các tựa đề và nội dung các chương của cuốn sách liên quan đến việc thực hành sáu Ba La Mật. Ngài quan sát thấy rằng không có chương dành riêng cho Bố Thí, nhưng thực tế là toàn bộ tác phẩm liên quan đến việc bố thí thân thể, nguồn lực và đức hạnh là đã bù cho phần ấy rồi.
"Trong mười chương, quan trọng nhất là Chương 6 - liên quan đến hạnh Nhẫn Nhục; và Chương 8 có tựa đề về Thiền Định,” Ngài tiếp tục. "Nếu chúng ta trân quý những người khác nhiều hơn bản thân mình, thì chúng ta cần phải vượt qua sự tức giận; và hạnh Nhẫn Nhục chính là đối trị của tâm sân hận. Chương 8 chỉ ra rằng, chỉ biết trân quý bản thân mình sẽ dẫn đến sự hủy hoại của chính chúng ta. Điều chủ yếu ở đây dạy về sự thực hành bình đẳng và hoán đổi ngã - tha.”
Sau khi đọc những dòng đầu tiên của Chương 7, “Có Nhẫn Nhục, ta nên tinh tấn; Bồ Đề Tâm mới vững trụ luôn” Ngài nói rằng tiến trình của Đạo lộ không chỉ phụ thuộc vào mỗi Bồ Đề tâm, mà Trí tuệ cũng là điều cần thiết. Vào thời điểm mà bạn có một kinh nghiệm thật sự về Bồ đề tâm, là bạn đã bước vào con đường của Bồ tát rồi; tuy nhiên, bạn vẫn cần phải rèn luyện trau giồi thêm. Sau giai đoạn tư lương đạo (con đường tích tụ), gia hành đạo (con đường chuẩn bị) liên quan đến sự kết hợp của một tâm trí định tĩnh (định) và sự hiểu biết sâu sắc tập trung vào Tánh Không (tuệ); bạn tiến tới kiến đạo (con đường nhìn thấy), nơi mà bạn chứng ngộ tánh không một cách trực tiếp và đoạn trừ được các phiền não.
Sau khi phát triển kiến đạo (con đường nhìn thấy) và đạt được sự chấm dứt (diệt đế), bạn nhập vào Thiền đạo (con đường thiền định) và tiến từ Bồ Tát Địa thứ hai đến Bồ Tát thập địa. Cuối cùng, bạn phát triển “Vô học đạo” (con đường không còn sự học hỏi nữa). Đó là sự đối trị của các lậu hoặc nhiễm ô còn sót lại của những phiền não. Khi tất cả những ô nhiễm này, bao gồm cả dấu ấn của cảm xúc tiêu cực được xóa sạch, bạn đạt được quả vị Phật. Con đường năm giai tầng này được phản ánh trong câu thần chú của “Bát Nhã Tâm Kinh”.
Khi Đức Phật nói, "Tadyata gateh gateh paragateh parasamgateh Bodhi Svaha" (Tiến qua, Tiến qua, Tiến vượt qua bờ kia, Tiến triệt để sang bờ kia, được an lập trong sự Giác ngộ”) - là Ngài đang nói với các đệ tử về tiến trình thông qua năm con đường này:
gateh - tư lương đạo (con đường tích lũy);
gateh - gia hành đạo (con đường chuẩn bị);
paragateh - kiến đạo (con đường nhìn thấy);
parasamgateh - thiền đạo (con đường thiền);
bodhi svaha - vô học đạo (con đường không còn học thêm nữa).
"Để thực hành theo con đường này đòi hỏi sự nhiệt tình và nỗ lực, nhưng bạn cần phải hiểu được các ưu điểm của những phẩm chất này; những đối thủ của chúng - ví dụ như - sự lười biếng và lòng tự trọng kém. Trừ khi bạn hiểu được rằng sự lười biếng là một trở ngại, bằng không thì bạn sẽ không có động lực để vượt qua nó.
“Suy ngẫm về vô thường là rất hữu ích, như những câu đầu của Chương 7 đã cho thấy. Hiện giờ chúng ta đang khỏe mạnh và hạnh phúc, nhưng liệu tất cả chúng ta sẽ gặp lại vào ngày mai hay không thì chẳng có gì đảm bảo chắc chắn được cả! Nếu cái chết xảy đến, danh tiếng và sự giàu có, bạn bè và gia đình sẽ chẳng giúp được điều gì cả! Sự trợ giúp duy nhất của chúng ta sẽ là ấn tượng tích cực của những việc làm đạo đức mà chúng ta đã thực hiện.
"Ngày nay, có 7 tỷ người trên thế giới và hầu hết trong số họ chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất. Rất ít người nghĩ về thế giới nội tâm. Nhiều người trong chúng ta nhìn vào nơi Đức Phật để lấy nguồn cảm hứng; những người ấy đã bỏ qua sự xem xét rằng, chúng ta thực hiện tiến trình trên đạo lộ có phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính mình hay không. Chúng ta cũng thường có xu hướng nghĩ về đối thủ của mình là những đối tượng ở bên ngoài chúng ta, trong khi kẻ thù thực sự chính là bên trong. Loại thứ hai của sự lười biếng là cuốn hút vào những việc làm sai quấy, trong khi loại thứ ba là lòng tự trọng kém, bại chiến luận, suy nghĩ rằng, “Tôi không thể thực sự làm được điều đó”. Hiểu được sự bình đẳng của bản thân mình và người khác sẽ tạo ra được sự nhiệt tình đối với Đạo lộ.
Được cỡi trên lưng con ngựa của Bồ Đề Tâm;
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai đã biết đến Tâm này sẽ tiến từ niềm vui này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể gục ngã trong sự thất vọng chán chường?
Khi đọc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng các câu 43 và 44 cho thấy những kết quả của đức hạnh và việc làm sai quấy. Lời khuyên của Ngài Tịch Thiên về việc xua tan sự thất vọng là gợi lại những lời khuyên trong chương về sự tận tâm và sau đó niềm hỷ lạc sẽ phát khởi.
Sau khi đọc xong Chương 7, Ngài đã vào thẳng Chương 8, bắt đầu bằng sự thảo luận cách phát triển sự tập trung thiền định và cách vượt qua những sự cản trở của nó. Ngài đọc rất nhanh đến câu 89 & 90, là nơi bắt đầu sự hướng dẫn phát triển Bồ Đề tâm và thiền định về sự bình đẳng giữa bản thân mình và người khác.
Tôi nên bảo vệ tất cả chúng sinh như tôi đã làm cho chính bản thân mình;
Vì tất cả chúng ta đều giống nhau trong sự mong cầu hạnh phúc và chối từ khổ đau.
Thảo luận về những lợi ích của việc phát triển và thực hành lòng từ bi và những bất lợi khi không thực hành như thế; lên đến câu 104 với câu hỏi “Nhưng lòng từ bi này sẽ mang lại cho tôi nhiều đau khổ, tại sao chính tôi phải nên tự phát triển nó?” Và câu trả lời là “Nếu bạn suy ngẫm về sự đau khổ của vô số sinh linh, thì làm thế nào sự đau khổ của lòng từ bi có thể nhiều hơn thế được?”
Nêu bật những lời khuyên rằng nếu bạn ích kỷ, bạn sẽ không bao giờ được hạnh phúc, Ngài ghi nhận tác động mạnh mẽ của câu 130.
Nếu tôi không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Đối với những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật tôi sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi tôi sẽ chẳng thể nào vui.
Câu 140 bắt đầu một bài tập hoán đổi bản thân và người khác với sự phản ánh về ganh tỵ, tranh đua và xem trọng bản thân. Bạn ganh tị với ai đó cao hơn bạn nghĩ --- ông ấy rất vinh dự, còn tôi thì không. Bạn có tính cạnh tranh và muốn vượt trội hơn một người ngang bằng với mình; và muốn làm nhục người nào đó kém hơn mình. Từ câu 155, những lỗi lầm của sự ái trọng tự thân sẽ được giải thích.
"Việc thực hành hoán đổi bản thân và người khác sẽ mang lại cho chúng ta biết được những bất lợi của việc xem trọng bản thân thay vì trân trọng những người khác. Nếu bạn trân quý những người khác nhiều hơn bản thân mình thì trong đời này và đời sau sự lợi ích to lớn của bạn sẽ được tích luỹ."
Ngài nhìn đồng hồ và tuyên bố, "Đến giờ ăn trưa rồi. Hẹn gặp lại quý vị vào ngày mai.” Ngài vẫy tay chào đám đông và lên xe đi về phía Phodrang.