Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Trong buổi cuối cùng của Pháp Hội năm nay dành cho Phật tử từ Đông và Đông Nam Á, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ trên một chiếc ghế trước Pháp toà ở Chánh điện Tsuglagkhang và mời khán giả đặt câu hỏi dành cho Ngài.
Ngài bắt đầu bằng cách giải thích rằng ý nghĩa thực sự của Pháp là lòng nhân hậu.
“Nếu có thể - thì bạn nên phục vụ cho người khác; nếu không thể phục vụ được cho họ - thì ít nhất là tránh đừng gây tổn hại cho họ. Điều đó có thể khả thi cho dù bạn làm bất cứ nghề nghiệp gì. Điều quan trọng là làm cho sự thực hành Pháp trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Đó không phải là việc chỉ là nhắm mắt lại và duy trì ở một nơi cô tịch. Chẳng có gì sai đối với việc chúng ta phải kiếm tiền; đó là thứ mà chúng ta cần. Và có nhiều người vừa nghèo đói vừa không được học hành mà bạn có thể giúp đỡ họ. Vì vậy, hãy cố gắng nhiệt tâm, trung thực và chân thành trong khi giúp đỡ những người khác trong khả năng nhiều nhất có thể.
“Để duy trì năng lượng trong sự thực hành của mình, quý vị phải tự nhắc nhở mình rằng, điều đó tùy thuộc vào chính bản thân của quý vị. Đức Phật đã làm sáng tỏ rằng,
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Điều quan trọng là chuyển hoá tâm thức và cảm xúc của chính mình. Tất nhiên, nếu bạn tin vào Thượng đế, thì bạn có thể cầu nguyện nơi Chúa; nhưng Đức Phật đã làm cho những môn đệ của Ngài phải chịu trách nhiệm đối với việc chuyển hoá chính bản thân của họ.”
Ngài đã trả lời cho người hỏi muốn biết làm thế nào để cô ta có thể giúp đỡ người khác thật tốt khi mà cô chỉ ở một nơi mà trong số những người cô quen biết có lẽ có một số người khiến cô ấy không được thoải mái.
Ngài nói: “Con hãy nhắc nhở bản thân rằng - họ cũng giống như con, họ cũng muốn được hạnh phúc. Sau đó, con sẽ có khuynh hướng từ bi hơn đối với họ. Bằng cách đó, con có thể mở rộng một mối quan tâm tích cực dành cho tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay và cuối cùng là cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ.
“Tôi sẽ cho con một ví dụ. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2008, ngày nhân dân Tây Tạng kỷ niệm Khởi nghĩa Lhasa năm 1959, tôi nhận được một thông điệp rằng người Tây Tạng ở Lhasa và các nơi khác của Tây Tạng sẽ tổ chức các cuộc biểu tình. Tôi đã tràn ngập sự hiểu lầm rằng điều này sẽ dẫn đến một phản ứng khắc nghiệt. Tôi sợ các cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp, dẫn đến nhiều đau khổ hơn.
“Về phần tôi, tôi hình dung các quan chức quản lý của Trung Quốc; và suy tư rằng họ cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, nhưng do sự tức giận và vô minh, họ có thể sẽ phản ứng hết sức gay gắt đối với bất kỳ cuộc biểu tình nào. Tôi tưởng tượng mình đang lấy đi sự tức giận, hận thù và vô minh của họ; và đem lại cho họ sự bình an và hạnh phúc. Tất nhiên, điều này không thể tạo ra được sự khác biệt nào đối với nền tảng tình hình thực tế, nhưng nó đã khôi phục lại sự bình yên trong tâm hồn của chính tôi. Vì vậy, cũng giống như tôi đã làm vào dịp đó, thật hữu ích khi nhớ rằng ngay cả những người gây rắc rối cũng là con người giống như chúng ta.”
Một người đặt câu hỏi khác giải thích rằng, khi đối mặt với những tin tức đáng lo ngại, có một xu hướng là tìm cách khác để duy trì sự an tâm của mình. Cô muốn biết Ngài có thể làm gì khác hơn. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đồng ý rằng, các báo cáo về sự đau khổ đang rất khó chịu, nhưng sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng mình không thể làm gì được về nó. Nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là do chính chúng ta gây nên. Vì chúng ta là những động vật xã hội, chúng ta cần bạn bè, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét, điều ít nhất chúng ta có thể làm là - mỉm cười và trả lời với những người khác một cách ấm áp từ ái - thậm chí điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt.
Ngài lưu ý: “Nền giáo dục hiện đại hướng tới mục tiêu vật chất, vì vậy, từ trẻ em sơ sinh khi lớn lên tìm kiếm sự hài lòng về phương diện xác thịt và sự đáp ứng về khát vọng vật chất, nhưng họ không biết làm thế nào để đạt được sự bình an trong tâm hồn. Ấn Độ cổ đại đã nhìn thấy được sự phát triển của sự hiểu biết hiệu quả về các hoạt động của tâm thức, bắt nguồn từ những sự thực hành để phát triển một tâm thức điềm tĩnh và trí tuệ thấu hiểu sâu sắc (shamatha và vipashyana) - điều mà vẫn còn liên quan sâu sắc cho đến ngày nay.
"Tôi rất tôn trọng truyền thống Cơ đốc - Do thái giáo, trong đó phụ thuộc rất nhiều vào Đức Chúa là đấng sáng tạo mà bạn trực tiếp cầu nguyện; nhưng ở Ấn Độ thì lại phát triển một số truyền thống khác nhau, bao gồm Phật giáo, theo những truyền thống này thì - những gì xảy ra đều phụ thuộc vào những gì mà chúng ta đã làm . Do đó, chúng ta phải chịu trách nhiệm giải quyết những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Chúng ta phải rèn luyện và chuyển hoá tâm thức của chính mình.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng con người có xu hướng tức giận, nhưng thậm chí không phải lúc nào họ cũng tức giận; vì giận dữ không thực sự là một phần trong tâm thức của chúng ta. Nếu đúng nó là một phần tâm thức của chúng ta, thì ta chỉ có thể làm được rất ít. Giận dữ thường liên quan chặt chẽ đến sự tham luyến; và cả hai - sự tức giận và tham luyến đều nảy sinh do bởi vô minh và những quan điểm méo mó sai lầm. Chúng ta có thể nhổ tận gốc chúng bằng cách sử dụng trí thông minh của con người của mình. Từ một góc nhìn rộng hơn, các nhà giáo dục đồng ý rằng chúng ta phải bắt đầu làm việc ngay bây giờ để mang đến một thế hệ mới với một quan điểm mới mẻ thế tục và các giá trị nhân văn.
“Tôi nói với những người bạn Ấn Độ của tôi rằng, trong quá khứ người Ấn Độ là những bậc thầy và người Tây Tạng là các môn đồ. Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng minh được rằng mình là những người đáng tin cậy và đã tiếp tục duy trì những kiến thức mà chúng tôi đã nhận được. Một phần là do hậu quả của một hệ thống giáo dục được áp đặt bởi người Anh, cho nên người Ấn Độ đã thờ ơ hờ hững đối với kho tàng kiến thức này. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích cho sự hồi sinh của những truyền thống này trong đất nước ngày nay. Kết quả lý tưởng sẽ là sự kết hợp giữa giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại. Đầu năm nay, tôi đã gặp 150 Phó Hiệu trưởng các trường Đại học Ấn Độ, họ đã thể hiện sự quan tâm thực sự đối với ý tưởng này.
“Nếu chúng ta thành công trong việc khôi phục lại sự quan tâm đến kiến thức cổ xưa về hoạt động của tâm thức và cảm xúc ở Ấn Độ, mục tiêu tiếp theo có thể là Trung Quốc - một quốc gia Phật giáo truyền thống. Khi Huyền Trang đến Ấn Độ, Ngài đã học ở Nalanda. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc cảm thấy gần gũi với Phật giáo, trên thực tế, một trường đại học ở Bắc Kinh cách đây vài năm ước tính có 300 triệu Phật tử ở Trung Quốc, kể từ khi tôi nghe được điều này thì con số này đã tăng lên. Những nỗ lực để loại bỏ tham nhũng ở Trung Quốc sẽ hiệu quả hơn nếu như mọi người chỉ đơn giản là trở nên trung thực hơn và kỷ luật hơn.
“Nếu 2,5 tỷ người Ấn Độ và Trung Quốc được ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa giáo dục hiện đại và kiến thức cổ đại, chúng sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới để trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng đây là để hướng vào tương lai mà thôi chứ tôi sẽ không thể sống được đến lúc ấy để nhìn thấy được điều này. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng. Vì việc sử dụng vũ lực đã lỗi thời và không hiệu quả nên chúng ta cần hướng đến một thế giới phi quân sự. Vũ khí được thiết kế chỉ để huỷ diệt và giết hại, chúng không mang lại các giải pháp xây dựng. Chúng ta phải học cách giải quyết các xung đột và vấn đề của mình một cách đúng đắn thông qua nói chuyện và tham gia vào đối thoại.”
Một Sư Cô Hàn Quốc đã thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai nói thêm về Bồ Đề Tâm tối hậu. Ngài trả lời rằng nếu con quan tâm, thì con phải học. Con phải chú ý đến những gì mà Ngài Long Thọ đã viết:
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Và:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
“Lần đầu tiên tôi bắt đầu phát triển sự quan tâm đến tánh không khi tôi khoảng 14 hoặc 15 tuổi và đã tham gia vào sự nghiên cứu nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tôi chỉ thu được một số kinh nghiệm của sự hiểu biết về tánh không khi tôi khoảng 30. Trưởng dưỡng tâm từ bi và trí tuệ tánh Không là những thực hành chính của tôi. Thực hiện điều này đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, suy tư và thiền định. Tôi mang danh của Đạt Lai Lạt Ma, nhưng bất cứ trí tuệ nào mà tôi đạt được đều là kết quả của những nỗ lực của chính tôi. Do đó, phước lành gia trì của tôi dành cho quý vị là khuyến khích quý vị học, học, học.”
Để kết thúc phần này, cũng như loạt bài giảng năm nay cho người Đông Á và Đông Nam Á, Ngài tiếp tục ngồi lại một thời gian để chụp ảnh với các thành viên của khán giả trong các nhóm khác nhau của họ. Sau đó Ngài trở về dinh thự của mình. Thứ Hai đến Ngài sẽ rời Dharamsala để viếng thăm châu Âu, bao gồm các sự kiện ở Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Thụy Sĩ.