Zurich, Thụy Sĩ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe một đoạn ngắn để đến Hallenstadion của Zurich, nơi có hơn 9000 người đang chờ đợi để lắng nghe Ngài. Ngài an toạ trên Pháp toà tựa lưng vào tấm phông nền có ba bức thangkas khổng lồ mô tả về Đức Phật, Văn Thù Sư Lợi và Quán Thế Âm. Sau những lời cầu nguyện ngắn gọn, Ngài bắt đầu giới thiệu về Phật giáo.
Ngài giải thích về cách mà những người Ấn Độ cổ đại - những người đã nhớ lại kiếp sống quá khứ của họ - đã thúc đẩy ý tưởng cho rằng có một cái “ngã” duy nhất, độc lập được duy trì tiếp tục từ kiếp sống này sang kiếp khác. Nhiều truyền thống tâm linh Ấn Độ dều có những sự thực hành phổ biến là đạt được một tâm thức định tĩnh (thiền chỉ) và trí tuệ thấu hiểu đặc biệt (thiền quán).
“Bằng cách nuôi dưỡng tâm định tĩnh, chúng ta cố gắng đoạn trừ sự phiền não của tâm thức,” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng rõ. “Sự làm lắng dịu tâm trí của bạn và tập trung vào một điểm duy nhất (nhất tâm) được phát triển qua chín giai đoạn; được giải thích trong chương giữa của “Các Giai Tầng Thiền Định”. Một mặt cần thiết phải tránh trạng thái hôn trầm và mặt khác phải tránh sự trạo cử. Tôi quen biết một thiền giả đã xuất hiện sau một khóa nhập thất ba năm và nói với tôi rằng tâm trí của ông đã bị hôn trầm nhiều hơn trước. Ông đã để cho tâm của mình bị chùng xuống. Tâm trí cần phải hoàn toàn tỉnh táo. Nó cần năng lực của sự tỉnh táo.
“Trí tuệ sâu sắc đặc biệt là cái tâm tập trung vào sự nhận diện các pháp như nó thật là. Tâm thức định tĩnh (thiền chỉ) và trí tuệ thấu triệt đặc biệt (thiền quán) được tìm thấy trong các truyền thống phi Phật giáo cũng khám phá được những cảnh giới thiền định của các cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
“Thông qua việc thực hành thiền định, Đức Phật đã khám phá ra rằng, sự bám chấp vào quan điểm tà kiến sai lầm của “ngã” chính là nguồn gốc của mọi vấn đề rắc rối. Ngài phát hiện ra rằng “vô ngã” chính là con đường để theo đuổi và trở nên chứng ngộ. Sau khi đạt được chứng ngộ, Ngài vẫn duy trì sự im lặng trong 49 ngày; nhưng trong một bài Kệ được cho rằng, ngay sau khi giác ngộ Ngài đã phản ánh rằng:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
“Điều này cho thấy những lời dạy của Ngài đã diễn ra như thế nào. “Thâm thuý và an bình” ngụ ý cho bản chất của vòng sinh tử luân hồi (Khổ) và sự đoạn tận (Diệt). “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ cho sự vô ngã vi tế và tánh Không - là trọng tâm của Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật. “Sáng rỡ, chẳng tạp pha” có thể đề cập đến ánh quang minh được mô tả trong "Kinh Giải Thâm Mật” được giải thích cho những người mà đối với họ “chẳng điều gì có bất cứ sự tồn tại cố hữu nào” ngụ ý là “chẳng có gì cả!”. Bởi vì họ có khuynh hướng rơi vào chủ nghĩa hư vô (đoạn kiến), cho nên họ được dạy về ba bản chất: bản chất “định danh” (được gán cho) - ngụ ý rằng tự bản thân nó không có sự tồn tại cố hữu. Bản chất “phụ thuộc”- nghĩa là nó không phải là “một cái ngã tự tạo” được (nó không thể tự tạo ra chính nó được). Bản chất hoàn hảo - không có sự tồn tại độc lập, tối hậu.
“Khi năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật nhìn thấy Ngài tiến đến gần, họ đã yêu cầu Ngài nói cho họ biết những gì mà Ngài đã khám phá ra. Ngài dạy cho họ về Tứ Diệu Đế với 16 đặc tính của nó. Đây là một bản tóm tắt rõ ràng về toàn bộ Giáo Pháp của Ngài. Sau đó, Ngài giải thích về giáo lý Bát Nhã Ba La Mật được ghi lại trong 100.000 câu Kệ, 25.000 câu Kệ , 8.000 câu Kệ, 150 câu Kệ, ‘Kinh Kim Cương Năng Đoạn’ và ‘Bát Nhã Tâm Kinh’. Bản ngắn nhất được biểu thị bằng chủng tự ‘a’, ngụ ý về tính phủ định của sự tồn tại độc lập của tất cả các pháp.”
Nyengön Sungrab phân biệt giữa cấu trúc chung của giáo lý, trong đó bao gồm Tứ Diệu Đế và Bát Nhã Ba La Mật, và những giáo lý đặc biệt được dành cho những người đặc biệt. Những giáo lý đặc biệt này bao gồm Mật giáo. Giới luật thiền môn cũng là một phần của cấu trúc chung. Đức Phật đã ban cho các môn đồ của Ngài những giới nguyện để kiềm chế những hành vi của họ, như cách ăn mặc y phục như thế nào. Khi chư Tăng phạm lỗi lầm thì những giới nguyện lại được bổ sung thêm vào. Giới Cụ Túc trong truyền thống “Căn bản Nhất thiết hữu bộ” được thọ trì ở Tây Tạng bao gồm 253 giới. Giới Cụ Túc theo truyền thống Nam tông (Theravada) gồm có 227 giới, nhưng về cơ bản, cả hai truyền thống đều phản ánh cùng một giới luật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng có một phong tục tôn vinh “Sáu Bậc Trang Sức và Hai Bậc Tối Thượng” - những Đạo sư Phật giáo Ấn Độ vĩ đại của quá khứ, nhưng Ngài cho rằng điều này không đầy đủ. Để khắc phục việc này, Ngài đã sáng tác ‘Xưng tán 17 bậc Đạo sư Nalanda’ và uỷ thác đặt một thangka mới để minh họa cho tác phẩm ấy.
Ngài ban một sự truyền đọc về Xưng Tán bắt đầu với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tiếp tục mở rộng phẩm chất của các Ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Phật Hộ, Thanh Biện, Nguyệt Xứng, Tịch Thiên, Thiện Hải Tịch Hộ và Liên Hoa Giới của dòng truyền thừa “Tri kiến thâm sâu”. Bậc thuộc dòng truyền thừa “Hành vi quảng đại” là Ngài Vô Trước - người đã ghi lại năm bản văn của Đức Di Lặc, Thế Thân, các nhà logic Trần Na và Pháp Xứng, Giải Thoát Quân, Sư Tử Hiền, các Đạo sư về Luật tạng - Ngài Đức Quang và Thích Ca Quang, và Ngài Atisha.
Ngài đã thảo luận về Hai Chân Lý (Nhị Đế), sự thật thông thường (tục đế) và sự thật tối thượng (chơn đế). “Kinh nghiệm của tôi về tánh Không là như thế; nếu tôi cố gắng nỗ lực, tôi có thể hiểu được nó. Dựa vào “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên, tôi có thể thấy được những lỗi lầm của thái độ “ái trọng tự thân” - việc nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm có thể khắc phục được điều này. Đây không chỉ là một sự thực hành về trí tuệ. Những thực hành này có tác động trực tiếp đến những cảm xúc tiêu cực của tôi.
“Trong quá khứ, các nhà văn phương Tây đã xem Phật giáo Tây Tạng như một Lama Giáo. Giờ đây, các học giả đã nhận ra rằng nó đại diện cho truyền thống đích thực của Nalanda.”
Ngài bắt đầu giải thích về “Tràng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ. Trong những bài Kệ đầu tiên, tác phẩm đề cập đến những cảnh giới cao, một cuộc sống thuận lợi, cho phép bạn thực hành Pháp. Cuộc sống như vậy được bảo đảm bằng cách tích luỹ các nguyên nhân của nó - mười ba hoạt động cần tránh, bao gồm mười hành động bất thiện: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; nói láo, nói chia rẽ, nói lời độc ác và nói điều vô nghĩa; tham, sân, si. Ba hoạt động bổ sung cần được hạn chế bao gồm uống rượu, nghề nghiệp sinh kế sai lầm và làm điều tổn hại. Có ba hoạt động nữa cần được tiếp nhận: cúng dường một cách trân trọng, tôn kính những bậc đáng kính, và yêu thương.
Ngài đọc rất nhanh lướt qua chương đầu tiên của “Tràng Hoa Báu”. Sau đó Ngài đã thu hút sự chú ý đến hai mươi bài Kệ, bắt đầu với bài Kệ thứ 466, mà Ngài Long Thọ khuyên nên đọc hàng ngày. Ngài giải thích về lý do như thế nào mà ba chương của “Các Giai tầng Thiền Định” được sáng tác theo yêu cầu của Hoàng Đế Trisong Detsen sau khi Ngài Liên hoa Giới - học trò của của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, đánh bại các Tăng Sĩ Trung Quốc trong cuộc tranh luận. Ngài khuyên khán giả nên đọc và nghiên cứu “Tràng Hoa Báu” và ‘Các Giai tầng Thiền định’ và đọc ‘37 Phẩm Trợ Đạo’ để được hướng dẫn về cách thực hành hằng ngày. Sau đó Ngài truyền Bồ Tát Giới.
Phần báo cáo tài chính đã được đọc lên trong sự liên quan đến pháp hội này được tổ chức bởi Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ và Liechtenstein và Viện Tây Tạng Rikon. Điều đó khiến cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phải chỉ ra rằng Ngài không thu phí cho việc giảng dạy; điều mà Ngài đã rất ấn tượng từ tấm gương của Tseley Rangdol - người đã thực hiện ba cam kết: không cỡi lên động vật để đi từ nơi này sang nơi khác, chỉ ăn thực phẩm chay và không nhận bất kỳ khoản lệ phí nào cho việc giảng dạy của mình.
Cuối cùng, Daniel Aitken, Chủ tịch hiệu sách Trí Tuệ, đã thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát hành ấn bản bìa mềm của “Cuộc đời của Thầy tôi: tiểu sử của Kyabjé Ling Rinpoché”, mà Ngài là tác giả.
“Ling Rinpoché đã truyền giới Tỳ kheo cho tôi và khuyến khích tôi nghiên cứu những bản văn vĩ đại mà tôi vô cùng tri ân!”, Ngài đã nói như thế trước khi rời khỏi hội trường để dùng cơm trưa với sáu nghị sĩ Thụy Sĩ, Mario Fehr và Chủ tịch Thành phố Zurich.
Sau đó, Ngài trở lại hội trường để nói chuyện với hơn 6000 người Tây Tạng và những người ủng hộ Tây Tạng.
“Bất cứ nơi nào có sự hiện diện của người Tây Tạng, cho dù được sinh ra ở Tây Tạng hay bên ngoài Tây Tạng, tất cả chúng ta đều có một cơ thể của máu huyết, da thịt và xương cốt là dân tộc Tây Tạng. Cái tên của dân tộc Tây Tạng không thể bị xóa sổ khỏi thế giới trong khi chúng ta vẫn đang còn sống.”
Ngài đã xem xét những thăng trầm của các mối quan hệ với Trung Quốc trong gần 70 năm qua. Ngài so sánh chúng như thời tiết. Có thể có bão giông, và mưa đá có thể rơi, nhưng rồi nó sẽ qua đi, chỉ để cho những đám mây cuộn lại một lần nữa, và một lúc nào đó mặt trời sẽ xuất hiện. Ngài đã nhắc đến thời đại của các nhà lãnh đạo khác nhau kể từ thời Mao Trạch Đông và những thay đổi đã diễn ra. Ngài vạch ra sự phát triển của Phương pháp Trung Đạo mà Ngài đã khởi xướng, và rằng Chính quyền Tây Tạng lưu vong cũng đã thông qua. Ngài đã nhắc đến một báo cáo về sự gợi ý của một quan chức Trung Quốc chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma như một người ly khai phản động, lời chỉ trích ấy đã không nhận được nhiều sự ủng hộ; và vì Ngài nổi tiếng cho nên có thể việc này sẽ càng có hiệu quả hơn đối với Ngài.
Trong lời cảm ơn của mình, Chủ Tịch Cộng Đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ và Liechtenstein đã hướng dẫn hội chúng cùng đọc lời cầu nguyện cho Ngài được trường thọ thành tựu mọi tâm nguyện. Ngài cười, vẫy tay chào đám đông và rời khỏi khán đài.
Ngày mai, Ngài sẽ tham gia vào một sự kiện ở Winterthur được tổ chức bởi Đại học Khoa học ứng dụng Zurich, Viện Rikon Tây Tạng và Hội Ganden Phodrang của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.