Không khí lạnh lẽo của sương mù mùa đông đã trở lại sáng nay khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện cuộc hành trình ngắn từ Ganden Phelgyeling đến Tháp Đại Giác. Sau khi đảnh lễ Kim Cang Tòa và Cội Bồ Đề, Ngài đã đi kinh hành nhiễu vòng quanh tháp, vẫy tay chào các thành viên trong công chúng - những người đang tụ hội trong khuôn viên của Đại Tháp; sau đó Ngài tiến vào Chánh Điện của Đại Tháp và thắp ngọn nến ở phía trước tượng đài nổi tiếng của Đức Phật.
Sau khi hoàn tất sự kinh hành nhiễu Tháp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục chào đón mọi người trong khi Ngài đi ngang qua chỗ của họ, sau đó Ngài an tọa trên Pháp Tòa đối diện với Cội Bồ Đề. Bên cạnh đó là vị Thầy Duy Na xướng Lễ để dẫn Đại chúng thực hiện buổi Lễ Cầu Nguyện. Ngài đã tham gia buổi cầu nguyện này được tổ chức để đánh dấu kỷ niệm mười lăm năm - ngày Viên tịch của Khenpo Jigme Phuntsok - Vị Lama nổi tiếng thuộc phái Cổ Mật - mà cộng đồng Phật tử phát triển mạnh của Larung Gar đã tề tựu gắn bó với ngài tại Tây Tạng.
Sau một phần tư giờ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quay trở về Chùa Tây Tạng - nơi Ngài tham dự cuộc họp với các Tu Viện Trưởng và các Giáo Thọ Sư của truyền thống Geluk. Ngài Shartse Khensur Jangchub Chöden đã cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Pháp Chủ Ganden Tripa và các vị khách khác; và thỉnh Pháp Chủ Ganden Tripa khai mạc cuộc họp. Tri Rinpoche thông báo rằng vào thời điểm Cát Tường này - khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp Thoại và truyền Quán Đảnh và Đại Lễ Cầu Nguyện Mönlam của truyền thống Gelukpa đang được cử hành tại Bồ Đề Đạo Tràng, thì cũng là lúc thích hợp để thảo luận về vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục ở các học Viện của truyền thống Gelukpa. Rinpoche bày tỏ lòng tri ân đối với sự giảng dạy và những lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và cầu nguyện cho sự trường thọ của Ngài.
"Lời dạy của Đức Phật là thuần hóa tâm thức, không chỉ dựa trên đức tin, mà còn phụ thuộc vào lý trí và logic", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Tuy nhiên, công chúng ở Tây Tạng đã không quan tâm nhiều đến điều này. Họ đã xem việc học tập và nghiên cứu là trách nhiệm của cộng đồng tu viện. Sau khi chúng ta tỵ nạn và sống lưu vong vào năm 1959, chúng ta đã tái thiết lập các trung tâm học tập. Nhưng cho đến chuyến thăm đầu tiên đến châu Âu vào năm 1973, tôi mới thực sự cảm thấy rằng chúng ta có thể học hỏi từ những người khác và cũng có rất nhiều điều mà họ có thể học được từ chúng ta.
"Chúng tôi đã đọc về các quan điểm của những người không theo Phật giáo trong các bản văn Ấn Độ cổ điển. Bây giờ chúng ta đã có cơ hội, chúng ta nên mời những người có quan điểm như vậy để chia sẻ kiến thức của họ với chúng ta. Trong nhiều thế kỷ qua, chúng ta đã giữ gìn truyền thống của mình, nhưng truyền thống ấy đã không được phát triển nhiều lắm. Trong các trường học của tu viện, trọng tâm là vào các sách giáo khoa của trường đại học cụ thể hơn là các tác phẩm của Je Rinpoche hoặc các tác phẩm cổ điển của Ấn Độ. Chúng ta nên mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình. Cũng sẽ rất tốt nếu như - ví dụ - truyền thống Gelukpas đã học được điều mà truyền thống Nyingmapas cần phải nói - và Nyingmapas chú ý đến học thuyết của Gelukpa. Chúng ta cần phải khôi phục lại truyền thống của mình. Sự tự mãn bây giờ chỉ dẫn đến những khó khăn trong tương lai mà thôi. Chúng ta cần phải đánh giá tình hình hiện tại và xem liệu có những hạn chế và thiếu sót trong những gì chúng ta đang làm, và chúng ta cần phải khắc phục những khiếm khuyết đó”.
Trả lời cho một vị Geshe (Tiến sĩ) - người đã phát biểu trong cuộc họp rằng ông đã học hỏi nghiên cứu trong hơn hai mươi năm nhưng không cảm thấy nó mang lại sự chuyển hóa nội tâm như ông tìm kiếm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý rằng ngoài vấn đề học hành, nhu cầu cấp thiết đối với mọi người là phải cần có kinh nghiệm thực sự.
Một Giáo Thọ Sư khác đề cập đến những khó khăn đang phải đối mặt ở Mông Cổ - một thành trì truyền thống của Gelukpa. Những người ủng hộ vị Tà Thần Dolgyal khẳng định rằng họ là những người nắm giữ thực sự những truyền thống Gelukpa bí truyền, điều này đã tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn. Ngoài ra, các nhà truyền giáo Kitô giáo đã thiết lập các cơ sở giáo dục và y tế nhằm chuyển đổi cải đạo người dân địa phương. Trong khi bày tỏ sự không tán thành của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ rằng Ngài đã cẩn thận đến mức nào về việc không được truyền bá giáo lý của Phật giáo ở các quốc gia theo Do Thái-Kitô giáo.
Trong sự nhận xét cuối cùng của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng mặc dù truyền thống nghiên cứu nghiêm ngặt đã được phục hồi tốt trong các trung tâm tu tập của tu viện, nhưng dường như nó không nắm bắt được óc tưởng tượng của học sinh, những người có tham vọng và khát vọng ngày càng hướng về phương Tây. Ngài nói “đây là điều cân phải suy nghĩ và lưu tâm”.