Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện chuyến đi ngắn từ Chùa Tây Tạng đến Kalachakra Maidan, Ngài chào đám đông đang tựu về ở đó và an tọa trên chỗ ngồi đối diện với lều vải có Mạn Đà La. Ngài đã dành phần thời giờ tốt nhất của một tiếng đồng hồ để thực hiện các nghi lễ và thiền định cần thiết chuẩn bị cho chính mình để bắt đầu Lễ quán đảnh Mười Ba vị Bổn tôn Kim Cang Đại Phẫn nộ. Trong khi Ngài thực hiện nghi lễ này thì vị Thầy Xướng Lễ của Mật Viện Gyütö đã hướng dẫn đại chúng trì tụng “Xưng tán Đức Văn Thù Sư Lợi: Phẩm Hạnh Tối thắng của Trí Tuệ Tuyêt Hảo và thần chú “Ara patsa na dhi” của Ngài.
Sau khi chuẩn bị xong và an tọa trên Pháp tòa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng như thường lệ về những bài Kệ kính lễ từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” và “Trí Tuệ Căn Bản” được bổ sung với “Nền tảng của Mọi Thiện Đức” của Je Tsongkhapa.
“Hôm nay, các đệ tử chính là chư Tăng của Mật Viện Gyümé và Gyütö” - Ngài giải thích. "Trong các khía cạnh khác nhau của Bất Động Minh Vương (Yamantaka), hôm nay tôi sẽ ban nghi lễ nhập môn cho khía cạnh liên quan đến mười ba vị Bổn tôn. Cả hai truyền thống Tân Dịch và truyền thống Cổ Mật đều có sự thực hành về Đức Văn Thù Sư Lợi Đại Phẫn Nộ. Các bậc Đạo Sư Ấn Độ như Ngài Long Thọ thì tin cậy vào Đức Văn Thù Sư Lợi, và các bậc thầy của tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng cũng vậy. Có những Pháp thực hành về Văn Thù Sư Lợi liên quan đến Thần chú và những pháp thực hành khác thì không. Khía cạnh của Văn Thù Sư Lợi mà chúng ta đang thực hiện để hoàn tất ngày hôm nay là hình thức phẫn nộ của Bất Động Minh Vương. Tuy nhiên, một khía cạnh độc đáo của sự thực hành này là nó kết hợp với những pháp thực hành hiền hòa và phẫn nộ. Người ta nói rằng những kỳ công phẫn nộ xuất hiện như là một kết quả ngẫu nhiên của việc thực hành những pháp hành hiền hòa đặc biệt và ngược lại.
"Trong tất cả các pháp hành về Mât tông Tối thượng Du già, tôi đã nhận lễ quán đảnh về Kim Cang Đại Phẫn Nộ (Yamantaka) đầu tiên từ Tagdrak Rinpoché. Ngoài ra, từ thời thơ ấu, tôi đã tu luyện pháp thực hành của Đức Văn Thù nên tôi có thể chứng thực rằng nó rất có hiệu quả trong việc tăng trưởng trí tuệ.
Con xin kính lễ Đức Văn Thù Sư Lợi
Người biểu hiện trong hình thức trẻ trung
Được trang hoàng bằng ngọn đèn trí tuệ,
Xua tan màng vô minh của ba cõi.
"Chúng ta cũng có thể thực hành pháp của Ngài Văn Thù Sư Lợi kết hợp với Bách Thiên Đâu Suất (Ganden Lha gya ma) để phát triển trí tuệ uyên thâm, sáng suốt, mạch lạc và nhanh nhẹn.
"Nếu chỉ thiền định về tánh không và Bồ đề tâm không thôi - thì sẽ không mang lại sự giác ngộ. Để đạt được Phật Quả, chúng ta cũng cần phải thực hiện được những nguyên nhân chính yếu của Sắc Thân và Pháp thân của Đức Phật, đó là một trong những kết quả của việc thực hành Mật Tông”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát thấy rằng phẩm chất chính để hội đủ điều kiện trở thành môn đệ trong việc thọ quán đảnh là đức tin đối với Giáo Pháp và bậc Đạo Sư. Ngài tiếp tục tán dương tinh thần bất phân bộ phái, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hài hòa giữa các truyền thống tâm linh. Ngài chỉ ra rằng Đức Đạt Lai Thứ Nhất và Thứ Năm là những người bất phân bộ phái; và mặc dù Gendun Gyatso - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Hai, đã cư trú tại Drepung, Ngài được biết đến rộng rãi như là “Lạt ma Hoàng Mạo (Lạt Ma Mũ Vàng) bất phân bộ phái”. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã duy trì truyền thống này và đã thọ nhận giáo lý từ vị Khai Mật Tạng Tertön Sogyal. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi ý rằng có rất nhiều lợi thế trong tinh thần bất phân bộ phái; và nếu chúng ta không học hỏi lẫn nhau, thì đó là sự mất mát của chính chúng ta.
Các Viện trưởng của Mật Viện Gyütö và Gyümé, đại diện cho các đệ tử chính, đã dâng cúng Mandala và ba phẩm vật đại diện cho thân, ngữ, ý giác ngộ của Đức Phật. Một sự nỗ lực đã được thực hiện để cung cấp chỗ ở cho các tu sĩ đến từ hai tu viện được càng nhiều càng tốt ở phần trung tâm của khán đài phía trước mặt Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nhận biết các thành viên khác của khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc đến những người đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản với tư cách là đồng môn của truyền thống Phật giáo tiếng Phạn. Ngài lưu ý rằng những học sinh đến từ Mỹ và Châu Âu không theo truyền thống Phật giáo, Ngài nhận ra rằng nhiều người bị cuốn hút đến với Phật giáo bởi vì Phật giáo như một môn khoa học về tâm thức.
Nói chuyện với những người hiện diện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói,
"Hãy nghĩ đến lý do tại sao quý vị thọ quán đảnh này. Không nên vì để khắc phục những chướng duyên cho cuộc đời này. Cũng không nên sử dụng thần chú để tích lũy quyền lực và của cải. Những người thực sự có đủ phẩm hạnh để thọ quán đảnh là những người có tâm nguyện làm lợi lạc cho tha nhân. Những người chuyển hóa tâm thức của họ đến với con đường giác ngộ thì sẽ đạt được mục tiêu của mình”.
Khi khuyến khích thính chúng kiểm tra giấc mơ của họ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét rằng trạng thái tâm thức khi bạn ngủ thiếp đi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Ngài nói rằng Ngài thường đọc một trong những câu sau đây khi Ngài nằm xuống để ngủ:
Con xin đảnh lễ Đức Gautama
Bậc - đã thông qua lòng bi mẫn -
Mà giảng dạy Giáo Pháp cao thượng,
Đưa đến việc từ bỏ tất cả các quan niệm.
Hoặc là,
Liễu ngộ và thuyết giảng về Duyên khởi,
Ngài là người có trí tuệ tuyệt đỉnh, bậc Thầy cao thượng.
Con xin kính lễ Ngài - bậc liễu tri và thuyết giảng
Giáo lý Duyên Khởi - Pháp chinh phục tất cả.
Hoặc là,
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.