Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Mặt trời chiếu xuống thấp trên Tháp Đại Giác vào sáng nay khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi nơi cư trú của mình vào sáng sớm để đi bộ đến Sân Kalachakra. Ngài mỉm cười và vẫy tay chào vài người đang cung chờ để được nhìn thấy Ngài trên đường và phía bên trong sân. Trên khán đài, Ngài ngồi trên một chiếc ghế đối diện với khung lều có mandala với một bức thangka vẻ hình Ngài Kim Cang Độc Dũng treo ở phía sau - để thực hiện nghi thức tự khởi để chuẩn bị cho lễ truyền quán đảnh Kim Cang Độc Dũng - Vajrabhairava. Khi Ngài thực hiện các nghi lễ của mình, trên khán đài và ngoài sân bãi dần dần đầy kín người.
Sau khi Ngài an toạ trên Pháp toà, Chư Tăng thuộc truyền thống Nguyên thuỷ đã tụng Kinh “Hạnh Phúc” bằng tiếng Pali. Tiếp theo đó là khoảng một chục người phương Tây, lần đầu tiên trong sự hiện diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Bồ Đề Đạo Tràng, đã hát ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Anh trong một khung cảnh âm nhạc gợi nhớ đến vùng đồng bằng mênh mông. Sự trình diễn kết thúc thu hút những tràng pháo tay hết sức nồng nhiệt.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh: “Hôm nay, tôi sẽ truyền quán đảnh Kim Cang Độc Dũng - Vajrabhairava, nó thuộc về sự thực hành của Mật tông hay còn gọi là Mật Thừa. Mật tông liên quan đến những sự thực hành như tu luyện hoả khí bên trong, trì niệm thần chú và sử dụng năng lượng, kinh mạch và những giọt minh điểm. Những thực hành như vậy cũng được tìm thấy trong các truyền thống phi Phật giáo. Tôi đã gặp các Sadhus, những người tham gia thực hành để phóng ý thức ra khỏi cơ thể.
Trong quá khứ, có những người đã khẳng định rằng Đại thừa không phải là giáo lý của Đức Phật. Các bậc Luận Sư Nalanda như Ngài Long Thọ, Thanh Biện và Tịch Thiên đã trả lời với những thách thức như vậy. Những người khác cho rằng Mật tông không phải do Đức Phật giảng dạy. Họ đã tuyên bố rằng những gì Đức Phật dạy là lý Duyên khởi và nuôi dưỡng mối quan tâm đối với những chúng sinh đau khổ, những người mà lòng tốt của họ được ví như lòng từ ái của một người mẹ.
Lý Duyên Khởi và lòng Từ Bi là một phần trong cấu trúc chung của giáo lý Đức Phật. Thần chú bí mật, không được dạy một cách rộng rãi hoặc ở nơi công cộng, là một giáo lý chuyên biệt dành cho các môn đệ đặc biệt. Các tác phẩm của các bậc Luận Sư Nalanda là một phần của cấu trúc chung, trong khi các Mật Điển được thuyết giảng bởi Đức Phật - bậc đã khởi sinh dưới hình thức một vị thần - là những giáo lý chuyên biệt. Sự khác biệt được rút ra bởi Nyengön Sungrab một Lama thuộc truyền thống Geluk, người đã học với Tertön Sögyal, Lerab Lingpa. Mật tông, là một giáo lý chuyên biệt, cho nên cần được thực hành trong bí mật.
“Thần chú bảo vệ các hành giả khỏi bám chấp vào sự xuất hiện thông thường, ngăn ngừa tâm trí của họ bị chi phối bởi những sự xuất hiện bề ngoài đó. Sự quán tưởng về bản thân bạn như một vị thần - dù chỉ trong một thời gian ngắn - sẽ bảo vệ bạn khỏi việc xem bản thân mình là tầm thường. Chày Kim Cang ngụ ý cho sự bất khả phân của sự quang minh và tỉnh thức. Để có được hiệu quả, nó đòi hỏi sự thiền định về tánh Không. Các nghi thức Mật tông thường bắt đầu bằng câu thần chú ‘Om svabhava shudha sarvadharma svabhava shudho ham’. Tất cả mọi thứ đều tan biến vào tánh không và từ tánh không phát sinh ra thân của một vị thần.
Các đối tượng bất tịnh là kết quả của nghiệp và cảm xúc phiền não; tánh không của tâm thức là một đối tượng thuần tịnh. Trên cơ sở của năng lượng, tâm vi tế và ánh quang minh của tâm thức, bạn có thể biến mình thành một vị thần và mandala. Các đối tượng bất tịnh không đi đến Phật quả, đối tượng thuần tịnh thì có thể đạt được quả vị Phật. Bởi vì nó đưa đến sự giác ngộ, cho nên nó được gọi là “Thừa” - cỗ xe.
Truyền thống Nyingma nói về Cửu Thừa, Thanh Văn Thừa - shravakayana, Duyên Giác Thừa - pratyekabuddhayana và Bồ Tát Thừa - Bodhisattvayana, là những thừa bên ngoài của kinh thừa - sutrayana; Mật thừa hành động - kriya, Mật thừa thiện hạnh - charya và Mật thừa du già - yoga tantra, đó là ba Mật điển bên ngoài; Đại du già - Mahayoga, Vô thượng du già - anuyoga và A-đề du già - atiyoga, là những Mật điển bên trong. Mahayoga tương ứng với giai đoạn sinh khởi, anuyoga tương ứng với giai đoạn hoàn thiện, trong khi atiyoga hiện thực hóa tâm thức của ánh quang minh bằng cách đưa sự tỉnh thức nguyên sơ vào đạo lộ. Yamantaka, cùng với tám lớp Heruka được phát sinh trong giai đoạn Mahayoga.
“Người ta nói rằng sự giác ngộ không phải do ai ban tặng. Nó không đến từ bên ngoài chúng ta. Nó không bị bất cứ ai sở hữu, tại sao? Bởi vì sự thực hành cơ bản làm phát sinh tam thân - nằm ở bên trong chúng ta. Tâm thức sâu sắc nhất của ánh quang minh và năng lượng khí vi tế - sự gắn kết của ánh quang minh - được chuyển hoá thành tam thân của một vị Phật.
Truyền thống Dzogchen nói rằng khi một vị thầy giàu kinh nghiệm có một người đệ tử tận tụy, ông có thể dạy cho người đệ tử ấy những trạng thái tâm thô thiển và tâm tinh tế nảy sinh từ sự thức tỉnh nguyên sơ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 nói rằng khi tâm thức của bạn có thể xác tín được tánh không thì tất cả những sự xuất hiện khác đều bị giảm đi và bị hấp thụ vào tánh không.
Tâm thức của ánh quang minh sẽ biểu lộ tại thời điểm chết. Nó không phụ thuộc vào những nguyên nhân bất ngờ. Tâm thức bẩm sinh của ánh quang minh thì không có khởi đầu và không có kết thúc.
Khi bắt đầu truyền quán đảnh, Ngài đã nói rõ rằng Kim Cang Độc Dũng là quán đảnh đầu tiên mà Ngài nhận được khi còn thơ ấu và Ngài đã nhận được nó từ Tagdrak Rinpoché. Sau đó, Ngài đã thọ nhận nó rất nhiều lần từ Ling Rinpoché, dịp cuối cùng là ở Bảo tháp chính ở Bồ Đề Đạo Tràng này. Kim Cang Độc Dũng - Vajrabhairava cũng là pháp thực hành chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13.
Ngày mốt Ngài sẽ bắt đầu ban chu kỳ quán đảnh được gọi là ‘Pháp Luân liên quan đến Đức Văn Thù Sư Lợi’ trong khoảng thời gian ba ngày.