Padum, Zanskar, J & K, Ấn Độ - Bầu trời u ám và gió đều đặn thổi qua thung lũng sáng nay khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện trên hàng hiên của Phodrang. Ngài phát hiện ra mọi người đang nhìn qua cổng chính, háo hức để nhìn thoáng qua Ngài, và hơn thế nữa là đáp ứng mong muốn của họ bằng cách đi xuống để nói chuyện với họ. Hôm qua, Ngài đã được các tu sĩ của Tu viện Karsha bưng lư hương và thổi kèn hộ tống, hôm nay đến lượt các tu sĩ từ tu viện Drukpa Kagyu ở gần đó của Bardön.
Trên đường đi bộ đến nơi thuyết Pháp, Ngài dừng lại để chào hỏi và nói chuyện với những người đang xếp hàng trên đường, nhiều lần cúi xuống thấp để tham gia với các cháu bé đang mở mắt to nhìn Ngài với đôi bàn tay chắp lại.
Vừa đến sân bãi thuyết Pháp, Ngài đã nói chuyện với đám đông từ Pháp toà:
“Hôm nay, trước khi ban quán đảnh, vị thầy phải thực hiện một số nghi lễ tự khởi, nhập vào mạn đà la; làm mới lại giới nguyện Bồ Tát và những Mật giới của mình như là một phần của nghi thức chuẩn bị. Tôi sẽ thực hiện điều này và trong khi tôi hành lễ như vậy, quý vị còn lại có thể trì tụng Lục Tự Thần Chú của Đức Quán Thế Âm.”
Tại phần nghi lễ chuẩn bị, Ngài đã đọc lời cầu nguyện khẩn cầu Đức Quán Thế Âm và bài Kệ sau đây:
“Nguyện cầu cho Bồ Đề Tâm quý giá
Được sinh ra nơi chưa được khởi sinh;
Những nơi nào nó đã được khởi sinh,
Nguyện tăng trưởng không bao giờ suy giảm”.
Khi phần chuẩn bị đã được hoàn thành, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục phần thuyết giảng của Ngài:
“Như quý vị đã biết, theo một tài liệu chung thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tại thế khoảng 2600 năm trước. Ngài đã không chứng ngộ ngay từ đầu; để bắt đầu - Ngài chỉ là một người bình thường như chúng ta. Nhưng qua việc đáp ứng các điều kiện thích hợp và tinh tấn nỗ lực qua nhiều A tăng kỳ kiếp để tích lũy hai bồ công đức và trí huệ, Ngài đã trở thành một vị Phật. Tác phẩm “Tương tục siêu phàm” của Ngài Di Lặc đã đề cập đến bốn thân của một vị Phật - tự tánh Pháp thân, trí tuệ Pháp thân, Báo thân và Hoá thân.
“Mọi thứ trong vũ trụ đều không có sự tồn tại cố hữu của nó; và tâm thức của chúng ta cũng không có sự tồn tại cố hữu của nó. Tuy nhiên, bởi vì chúng ta bám víu vào một cảm giác tồn tại vốn có mục tiêu, cho nên sự luyến ái, ham muốn và giận dữ nảy sinh, điều đó là sự hủy diệt của chúng ta. Cảm xúc tiêu cực như thế này bắt nguồn từ sự vô minh. Điều có thể giúp chúng ta khắc phục được chúng, chính là một thực tế rằng tâm thức của chúng ta không có bất kỳ một sự tồn tại cố hữu nào.
“Sự thâm nhập hoàn toàn của Phật trong thiền định về tánh không chính là trí tuệ Pháp thân mà từ đó chúng có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Báo thân chỉ có thể tiếp cận được với các vị Bồ Tát, nhưng Hoá thân thì có thể hiển thị cho tất cả mọi người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Hoá thân. Đức Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi và Kim Cang Thủ, là hiện thân của lòng từ bi, trí tuệ và hoạt động tích cực - là những khía cạnh của một Báo thân.
“Như tôi đã đề cập trước đây, có những giáo lý thuộc về cấu trúc chung của giáo lý Đức Phật và những giáo lý khác dành riêng cho những đệ tử cụ thể nhất định. Thực hành pháp Quán Thế Âm này thuộc về thể loại thứ hai. Đức Phật đã tiên tri rằng Đức Quán Thế Âm sẽ xuất hiện như vị thần bảo hộ của Tây Tạng; và rằng những giáo lý của Ngài sẽ đi từ Bắc vào Bắc. Một khía cạnh của mối liên hệ đặc biệt của Tây Tạng với Đức Quán Thế Âm là một số các vị vua tôn giáo được coi là những hiện thân của Ngài. Songtsen Gampo - người đầu tiên giới thiệu Phật giáo là một; và Trisong Detsen - người đã thỉnh mời các bậc Thầy của Truyền thống Nalanda - là một người khác nữa. Quán Thế Âm là bậc mà chúng ta có thể dễ dàng nương tựa vào.
“Dòng truyền thừa của Đức Đạt Lai Lạt Ma có liên kết với Đức Quán Thế Âm. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 - Gendun Gyatso đã tiết lộ những dấu hiệu rõ ràng về sự tái sinh của Gendun Drup. Họ và những vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo có mối quan hệ đặc biệt với người dân Tây Tạng.
“Tôi được sinh ra ở vùng Kumbum của Amdo; và tôi đã được vị Nhiếp chính - Reting Rinpoche nhận ra. Là một phần của quá trình đi tìm kiếm tôi, ngài đi đến Tu viện Chökhor-gyal do Gendun Gyatso thành lập bên bờ Hồ Lhamo Latso, một cái hồ dành riêng cho Palden Lhamo.
“Bà ấy (Palden Lhamo) có mối liên hệ đặc biệt với các Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi người đầu tiên - Gendun Drup, thành lập Tu viện Tashi Lhunpo, bà đã cho ông ta một phần của tên Lhunpo. Khi Kachen Zöpa từng nói với tôi rằng các Đức Đạt Lai Lạt Ma thuộc về Tashi Lhunpo, tôi cười và hỏi rằng ai đã ngăn không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai ở lại đó. Kết quả là Ngài đã chuyển đến miền Trung Tây Tạng và mở rộng ảnh hưởng của mình vượt ra ngoài vùng Tsang. Ngài trở thành trụ trì của cả hai Tu viện Drepung và Sera và những hành trạng giác ngộ của các Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trải rộng khắp Tây Tạng.
“Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ ba - Sonam Gyatso, đến Mông Cổ; và vị thứ tư - Yönten Gyatso, được sinh ra ở đó. Dĩ nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm trở thành bậc lãnh đạo chính trị cũng như lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Truyền thống này đã bắt đầu từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm, và tôi là người đã kết thúc nó.
“Regent Reting Rinpoche đã nhìn thấy ba chữ cái - A, K, M - và những chỉ dẫn khác về nơi sinh của tôi trên bề mặt của Hồ Lhamo Latso. Ông giải thích chữ “A” như ám chỉ cho “Amdo”, chữ “K” để biểu thị cho “Kumbum” và chữ “M” liên quan đến một tu viện gần đó được thành lập bởi Karmapa Rolpai Dorje hoặc thực tế là cậu bé được tìm thấy sẽ có tên của một bé gái. Và như điều đó đã xảy ra, tôi đã được đặt tên là Lhamo Dhondup (tên của con gái). “Ở Mỹ và các nơi khác, tôi đã nói đùa rằng, tất cả những vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây, kể cả vị tiền nhiệm của tôi - Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 - đều có kinh nghiệm qua những linh kiến, trong khi tôi không có linh kiến nào cả - mặc dù tôi đã trở thành người nổi tiếng nhất trong số họ. Có cái mà chúng ta gọi là “duyên khởi” ở đây. Chúng tôi đã bị mất đi đất nước của mình, nhưng kết quả là đã tạo ra được sự kết nối với cả phần còn lại của thế giới.
“Tôi không có khả năng đặc biệt, nhưng tôi thực hành một cách chân thành dựa vào các tác phẩm của Ngài Long Thọ và Tịch Thiên. Niềm tin của tôi dựa trên lý trí. Là một người bình thường, tôi đã có thể phụng sự cho Giáo Pháp và chúng sinh. Đức Quán Thế Âm có một nghìn mắt và một nghìn tay, nhưng trong một dịp như thế này, thì Ngài phải hành động thông qua tôi.
“Người dân Hy Mã Lạp Sơn cũng có một liên kết mạnh mẽ với Đức Quán Thế Âm. Tôi không biết liệu tôi có thể đến đây lần nữa hay không, vì vậy tôi nghĩ tôi có thể trao quán đảnh này. Tôi đã thực hiện một sự tiên tri trước Đức Quán Thế Âm để quyết định và nó đã hóa ra rất tốt đẹp.
“Rõ ràng là tôi có một sự kết nối mạnh mẽ thông qua nghiệp và lời cầu nguyện đối với dòng truyền thừa của các Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng tôi đã không thể cống hiến cuộc đời của mình để thực hành. Tuy nhiên, tôi đã phát triển một chút sự quen thuộc với trí tuệ và bồ đề tâm và đã có thể phục vụ cho chúng sinh trong thế giới này, điều này sẽ không xảy ra nếu như không có sự kết nối đó về nghiệp thức.”
Trong quá trình ban nghi thức nhập môn, Ngài đã truyền giới Bồ Tát và hướng dẫn khán giả thông qua Yoga toàn diện mà nhờ đó họ được giới thiệu với một kinh nghiệm về lòng vị tha và tánh Không. Ngài nhận xét về sự cần thiết phải học hỏi bằng cách lắng nghe hoặc đọc các giáo lý (Văn); suy tư về những điều mình đã được học (Tư); và tu tập đạt được niềm tin xác quyết vào những điều đã được suy tư (Tu). Điều này đòi hỏi việc sử dụng logic và lý luận thay vì chỉ là đức tin. Ngoài ra, Ngài nói thêm, đó cũng là điều cần thiết để phát triển một trái tim nhân hậu ấm áp.Khi đã hoàn tất lễ quán đảnh Quán Thế Âm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện một điểm nữa là đọc lời cầu nguyện và ban khẩu truyền câu Tâm Chú của Đức Văn Thù cho các em học sinh trước mặt Ngài. Ngài nói với họ rằng điều đó đã giúp cho Ngài làm sắc bén trí thông minh của mình khi Ngài còn trẻ như họ.
Một lần nữa, Ngài nói với toàn thể khán giả rằng, Ngài đã ban các giáo lý và quán đảnh Quán Thế Âm, nhưng vẫn khuyến khích thúc giục họ nhận ra tầm quan trọng của tình bạn bè, sự hòa hợp, tâm yêu thương và ấp ủ một trái tim nhân hậu. Nếu nơi nào đã từng có tình bạn bị đổ vỡ, thì tình bạn ở đó cần nên được hàn gắn và phục hồi.
Sau đó, là lễ cầu nguyện và cúng dường Trường thọ dâng lên Ngài; bắt đầu bằng việc trì tụng ‘Xưng tán 17 bậc Đạo sư Nalanda’. Người dân địa phương mang lễ vật cúng dường đi ngang qua Pháp toà. Khi buổi lễ kết thúc, phụ nữ mặc trang phục truyền thống của Zanskari đã trình diễn những ca khúc và vũ điệu trước khán đài.
“Quý vị đã thực hiện lời cầu nguyện này cho sự trường thọ của tôi với sự tận tụy vững chắc," Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố, "sự tận tuỵ như thế sẽ mang lại kết quả. Vì tình bạn và thiện chí rất quan trọng, cho nên hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Sẽ chẳng có lợi ích gì khi suy nghĩ về khía cạnh ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Nếu những tín đồ của các truyền thống tâm linh khác nhau đều thực hành một cách chân thành, thì sự hòa hợp sẽ tự nhiên chiếm ưu thế.
“Tôi thường chỉ ra rằng Ấn Độ là một ví dụ điển hình sống động về các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể sống cùng nhau trong tình bằng hữu và sự tôn trọng. Trạng thái này đã tồn tại ở Ấn Độ qua cả hàng nghìn năm; do đó nó cũng có thể thành tựu được ở các nơi khác trên thế giới.
“Ở Zanskar, có một số bất đồng giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo. Quý vị không nên để những sự kích động nhỏ làm gián đoạn tình bạn giữa quý vị. Tôi rất vui khi được nghe nói rằng trong một cuộc họp gần đây giữa các đại diện của cả hai bên, cả hai bên đã giải quyết để khắc phục và điều chỉnh sự khác biệt của họ; và đã ký một tuyên bố thuận thảo phù hợp. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ sự nỗ lực của quý vị!”
Một bức ảnh đã được chụp bởi các đại diện cộng đồng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Ở Leh cũng vậy, trong quá khứ, tôi nghe nói rằng, những tay trống truyền thống và những người thổi tù và đã bị làm nhục và bị đối xử với thái độ khinh thị. Tôi phản đối thái độ đẳng cấp như thế và đã tạo ra một điểm là mời những người này mang đến cho tôi bánh mì và trà từ nhà của họ. Trong Phật giáo đẳng cấp và dòng dõi gia đình là không quan trọng. Đức Phật đã nói rằng, điều quan trọng chính là sự thực hành Giáo Pháp. Xin cám ơn tất cả quý vị!”
Vẫy tay chào mọi người trong các khu vực khác nhau của đám đông trên đường đi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về nơi cư trú của mình ở Phodrang Mới.