Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Kalachakra Maidan sáng nay, Ngài được chào đón như thường lệ bởi hàng ngàn khuôn mặt mỉm cười rạng rỡ và đôi tay chắp lại đầy cung kính. Ngài đáp lại những nụ cười và cúi chào vài người bạn cũ. Từ mép lề của khán đài, Ngài vẫy tay chào những thành viên phía xa hơn của khán giả và họ cũng vẫy tay chào trở lại, một số thậm chí còn nhảy chồm lên chồm xuống vì niềm hân hoan. Sau khi chào những người bạn cũ trong số các vị Lamas trên khán đài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa trên Pháp Tòa; “Bát Nhã Tâm Kinh” đã được trì tụng bằng tiếng Trung Quốc.
"Hôm nay, tôi sẽ giải thích về “Kinh Kim Cang Năng Đoạn” - chủ yếu là cho các học trò Trung Quốc như tôi đã giảng một lần trước đây” - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Tôi cũng đang nghĩ đến việc giải thích về “Bát Nhã Tâm Kinh”. Hàng năm, tôi thường dạy cho người Trung Quốc ở Dharamsala, nhưng trong dịp này, chúng ta có thể được cùng nhau tụ họp ở nơi Thánh Địa thiêng liêng này. Vào đầu Pháp hội này, tôi đã dạy cho một nhóm Phật tử Ấn Độ, để nhắc nhở lại rằng Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ trước khi nó được lan truyền rộng khắp Châu Á.
"Truyền thống Pali, với những truyền thống gương mẫu về Giới Luật, đã lan truyền sang các nước như Sri Lanka, Miến Điện và Thái Lan. Truyền thống tiếng Phạn, theo cách nó được kế thừa tại Nalanda, đã lan truyền sang Trung Quốc và từ đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Sau đó nó được truyền đến Tây Tạng và tới Mông Cổ. Do đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia mà Phật giáo được truyền đến sớm hơn. Ngày nay, bất cứ nơi nào trên thế giới có người Trung Quốc sinh sống, họ đều thiết lập một ngôi chùa, điều đó cho thấy Phật giáo gần gũi như thế nào đối với trái tim người Trung Quốc - Phật giáo là tôn giáo truyền thống của Trung Quốc.
"Năm 1954, tôi đã viếng thăm Bắc Kinh và các vùng khác của Trung Quốc, nơi mà tôi đã được chứng kiến nhiều ngôi Chùa Phật giáo. Đặc biệt, tôi nhớ một ngôi tháp ở Bắc Kinh đã thể hiện được mối quan hệ giữa các bậc Đạo Sư Phật giáo Tây Tạng và Hoàng đế Trung Quốc, trong đó có bức tượng Kim Cang Đại Phẫn Nộ. Sau đó, trong suốt cuộc Cách mạng Văn hoá, tất cả các tôn giáo đều bị coi là những khía cạnh của đức tin mù quáng và họ đã cố tìm cách để tiêu diệt các tôn giáo. Tuy nhiên, dường như phải mất rất nhiều thời gian hơn để họ mới có thể tiêu diệt được đức tin vốn đã được thấm nhuần thâm sâu lâu ngày; sau đó Đặng Tiểu Bình đã nới lỏng sự hạn chế, Phật giáo đã hồi sinh. Một cuộc khảo sát của trường đại học một vài năm trước đây đã tìm thấy bằng chứng của 300 triệu Phật tử ở Trung Quốc, mà những người bạn nói với tôi đã tăng lên đến 400 triệu. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận xét ở Paris và Delhi rằng Phật giáo có một vai trò quan trọng trong nền văn hoá Trung Quốc”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với thực tế là tất cả các tôn giáo lớn của thế giới đều phát triển hưng thịnh tại Ấn Độ. Hơn nữa, những truyền thống tôn giáo khác nhau, tôn giáo bản địa và tôn giáo đến từ nước ngoài, hữu thần và vô thần, đều cùng sống chung với nhau trong sự tôn trọng và hòa hợp.
"Tôi là một Tăng sĩ Phật giáo”, Ngài nói, "nhưng tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo. Điều quan trọng là phải chân thành và đưa niềm tin của mình vào sự thực hành. Tất cả những truyền thống khác nhau này đều dạy về tình yêu thương, lòng từ bi và sự khoan dung - cho dù họ có những quan điểm triết học khác nhau. Trong khi tôi rất tôn trọng quan điểm triết học Phật giáo, nhưng tôi không bao giờ nói rằng Phật giáo là truyền thống tốt nhất. Nếu làm như vậy thì sẽ mắc phải sai lầm như khi nói rằng một loại thuốc đặc biệt là tốt nhất cho tất cả mọi người trong mọi tình huống.
"Đức Phật khuyến khích các tín đồ của Ngài là nên hoài nghi và kiểm tra bằng ánh sáng của lý trí về những gì mà họ đã được nghe. Ngài nói,
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!
Ngài thảo luận về sự quan tâm trong thời thơ ấu của Ngài đối với những đồ chơi cơ khí như thế nào; và khi viếng thăm Trung Quốc vào năm 1954, Ngài đã đi thăm các nhà máy và các nhà máy điện lực và nhiệt lượng - với sự tò mò để hiểu biết về cơ chế hoạt động của chúng. Mao Trạch Đông đã quan sát và nhận thấy Ngài có đầu óc về khoa học. Đến lúc sống đời lưu vong, Ngài nghĩ đến việc tổ chức những cuộc thảo luận với các nhà khoa học. Khi được cảnh báo rằng khoa học là sát thủ của tôn giáo, Ngài đã xem xét vai trò của lý trí và logic trong truyền thống Nalanda và quyết định rằng không hề có sự nguy hiểm. Và thực tế là, sự tương tác đã đưa đến sự cùng có lợi và kết quả là khoa học hiện nay là một phần của chương trình giảng dạy chuẩn mực ở nhiều cơ sở tu viện Tây Tạng. Kiến thức khoa học đã mở rộng sự hiểu biết về Phật giáo.
"Điểm mấu chốt là chúng ta phải học hỏi nghiên cứu. Chỉ kính lễ Đức Phật A Di Đà và chỉ tụng Kinh đơn thuần thôi thì chưa đủ. Tôi nghe nói rằng có rất nhiều đền thờ và tu viện ở Trung Quốc. Họ sẽ làm tốt để chúng trở thành những trung tâm học tập. Nhờ những nỗ lực của chúng ta để mở rộng cơ hội học tập giữa những người Tây Tạng, nên giờ đây chúng ta có các Sư Cô hội đủ các phẩm chất như những Nữ Tiến Sĩ sau gần 20 năm nghiên cứu nghiêm ngặt. Nó đòi hỏi sự thay đổi trọng tâm. Tôi nhớ đến chuyến viếng thăm Singapore vào năm 1965 hay 66 gì đó và đã rất xúc động khi nghe “Bát Nhã Tâm Kinh” được tụng bằng tiếng Hoa. Tuy nhiên, các vị Tăng - rất tỉnh táo khi tôi truyền quán đảnh, nhưng khi tôi giải thích về các giáo lý khái quát hơn thì họ lại lơ mơ ngủ gật. Còn những người phương Tây, họ không theo truyền thống Phật giáo, nhưng họ lại ghi chép đầy đủ khi họ đến nghe giáo pháp”.
Khi đề cập đến bản Kinh “Kim Cang Năng Đoạn”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích về việc sau khi đạt được giác ngộ, đức Phật đã tuyên bố rằng “Vi diệu và an lành, không có sự phức tạp rắc rối, sáng chói không tạp nhiễm - Ta đã tìm ra một Giáo Pháp như Cam Lồ. Tuy nhiên, nếu ta đem ra giảng dạy thì chẳng ai có thể hiểu được; vì vậy, ta nên duy trì sự im lặng ở đây trong rừng này”. Tuy nhiên, khi gặp lại nhau, Kaundinya và các bạn đồng hành cũ của Ngài đã thỉnh cầu Ngài giảng dạy. Ngài đã giải thích về Tứ Diệu Đế với bốn đặc tính của mỗi chân lý, cũng như 37 Yếu Tố Giác Ngộ. Những điều này đã được ghi lại rõ ràng trong Tam Tạng của truyền thống Pali. Pali là ngôn ngữ của kỳ Kiết Tập đầu tiên tại Rajgir và trong kỳ Kiết tập này Luật Tạng đã được sưu tập.
Sau đó, Đức Phật đã giảng dạy về Bát Nhã Ba La Mật trên núi Linh Thứu và được ghi lại bằng tiếng Phạn. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng các giáo lý được tìm thấy trong truyền thống Pali là những gì đã được giảng dạy công khai trong cộng đồng, trong khi đó - các truyền thống tiếng Phạn được giảng dạy cho những hội chúng có sự tuyển chọn hơn. Trong khi các giáo lý của truyền thống Pali hình thành nền tảng cơ bản của Phật giáo, thì giáo lý về Bát Nhã Ba La Mật là giáo lý tối thượng của Đức Phật.
Liên quan đến “Kinh Kim Cang Năng Đoạn” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến vị Cựu Pháp Chủ Ganden Tripa - Rizong Rinpoche - đã truyền Kinh này cho Ngài, mặc dù không có 'truyền sự giải thích'. Cũng giống như các tác phẩm khác trong các bộ sưu tập của Kinh Tạng (Kangyur) và Luận Tạng (Tengyur), tựa đề tiếng Phạn “Kinh Vajracchedika Prajnaparamita” được đặt cho nó để cho thấy rằng nó không được biên soạn trong tiếng Tây Tạng. Kinh đề cập đến trí tuệ, và trí tuệ đoạn trừ được vô minh. Nó được bắt đầu bằng câu hỏi mà Thượng Tọa Subhuti đã hỏi Đức Phật: "Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn nào của những gia đình cao quý muốn trưởng dưỡng tâm Bồ đề lên đến đỉnh cao và hoàn hảo nhất thì họ nên dựa vào đâu, và họ nên làm gì để làm chủ được những suy nghĩ của họ?"
Khi giải thích rằng quan điểm Trung đạo cao nhất là mọi thứ chỉ có thể được cho là tồn tại bằng cách mà nó được định danh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trích dẫn lời nhận xét của Ngài Long Thọ rằng ,các vị Bồ tát khát vọng về sự toàn tri sẽ không thể đủ điều kiện nếu họ tiếp tục bám vào một ý tưởng về sự tồn tại khách quan độc lập. Ngài cũng gợi ý về nhận xét rằng tác phẩm chính của Ngài Long Thọ “Trí tuệ cơ bản của Trung đạo” là rất quý giá và có sẵn bằng tiếng Hoa. Ngài nói "Tôi đọc nó, lặp lại nó và suy nghĩ về những câu thơ đó mỗi ngày”.
Ngài giải thích rằng trong chương 27 "Trí tuệ căn bản", nếu bạn đã đọc các chương 26,18, 24 và 22, thì bạn sẽ hiểu về việc chúng ta bị rơi vào vòng luân hồi này như thế nào, và việc không hề có một tự ngã hiện hữu độc lập như thế nào; và các pháp không có sự tồn tại khách quan như thế nào, mà chúng phải phụ thuộc lẫn nhau. Ngài cũng khen ngợi các thính giả Trung Quốc đã tự mình tìm hiểu để biết được bản dịch tiếng Hoa về "400 bài Kệ" của ngài Thánh Thiên, và ''Nhập vào Trung đạo” và “Lời Giải thích Rõ ràng” của Ngài Pháp Xứng và Ngài Phật Hộ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng, trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã giải thích rằng không hề có một cái tự ngã thường hằng, đơn độc. Trong lần chuyển Pháp Luân thứ Hai, Ngài đã giải thích chi tiết về điều này và làm rõ rằng sắc - hình dạng và màu sắc - không hề có sự tồn tại độc lập nào cả - do đó "Tâm Kinh" nổi tiếng khi nói rằng: "Sắc tức là Không; Không tức là Sắc". Trong Hai Chân Lý, Tục Đế là những gì được chỉ định bởi các quy ước thế gian. Con người - không những chỉ là một sự định danh, không có sự tồn tại độc lập; mà còn là tập hợp của các uẩn thuộc tâm lý - thể xác; là cơ sở của sự định danh và cũng không hề có sự tồn tại độc lập.
Nhắc lại những điều mà Ngài đã nói trước đó về vấn đề Luật Tạng được tuân thủ ở Thái Lan, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ghi nhận rằng một tu sĩ cần phải thọ trai trước giờ Ngọ. Ngài đã kết thúc buổi giảng với hy vọng sẽ tiếp tục vào ngày mai. Các khán giả đã bày tỏ sự nhiệt tình của mình bằng cách mỉm cười, vỗ tay và vẫy chào khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi khán đài.