Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Khi đến sân bãi Kalachakra Maidan vào sáng sớm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trước tiên đã an tọa bên dưới cạnh Pháp Tòa, xoay mặt về hướng đối diện với lều vải có Mạn Đà La của Quán Thế Âm. Trong hơn nửa giờ đồng hồ, Ngài đã thực hiện các nghi lễ chuẩn bị cho chính mình để bắt đầu truyền quán đảnh Quan Thế Âm vào buổi sáng. Khi đã hoàn tất, Ngài đến an tọa trên Pháp Tòa.
Một nhóm Tăng Sĩ Mông Cổ đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” vô cùng sôi nổi bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Khi tụng xong, họ đã dâng lên cúng dường Ngài những chiếc khăn khata lụa màu xanh ngọc rất được ưa chuộng ở Mông Cổ. Tiếp theo đó là một nhóm người Nhật Bản đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nhật trong âm điệu nhịp nhàng của 'mokugyo' - một chiếc mỏ hình con cá bằng gỗ. Các Hòa Thượng của tu viện Namgyal đã dâng lễ cúng dường mandala và ba biểu tượng của thân, ngữ, ý giác ngộ của Đức Phật.
"Trước hết, chúng ta sẽ đọc “Ba mươi bảy Pháp thực hành của Bồ Tát”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo. "Vì tác giả Togme Sangpo đã sống tại nơi ẩn dật ở Ngulchu, cho nên từ “Ngulchu” đã được thêm vào tên của Ngài. Ngài cũng được gọi là "Gyalsay", có nghĩa là "con của những đấng chiến thắng", để chỉ ra rằng Ngài là một Bồ Tát. Một trong những người đương thời là Buton Rinchen Drub - người đã bị đau nơi cánh tay của mình và thỉnh cầu Ngài Togme Sangpo - như một vị Bồ tát - hãy thổi lên cánh tay của mình để ban phước. Và ông đã cảm nhận được hiệu quả đó là sự giảm đau rõ rệt.
"Một câu chuyện khác về Togme Sangpo nói về việc Ngài đã bị cướp trên một đèo núi về tất cả những phẩm vật mà Ngài đã được cúng dường từ làng bên dưới. Ngài rất tốt bụng đến nỗi đã cảnh báo cho tên cướp và hướng dẫn cho ông ta cách tránh những người bảo trợ đã dâng cúng các phẩm vật ấy để khỏi phải gặp những rắc rối”.
Bài Kệ đầu tiên của bản văn khuyên rằng hãy nên lắng nghe giáo lý, phản ánh về nó và sau đó là suy tư nghiền ngẫm về những gì đã được hiểu để tâm thức làm quen dần với nó. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét về lòng dũng cảm và quyết tâm của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên bước đường thực hành tâm linh trong vô số a tăng kỳ kiếp. Khi đã đạt được giác ngộ, Ngài đã dạy về con đường ấy từ kinh nghiệm riêng của chính mình. Trong khi đó, bài Kệ số 10 khuyên về 'phát triển lòng vị tha', Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi, "Nếu bạn vẫn còn ích kỷ thì ai sẽ tin tưởng bạn? Bạn càng có lòng vị tha, bạn càng đạt được những mục tiêu của mình”.
Ngài kể câu chuyện về một tu sĩ từ Labrang Tashi Khyil, người đã bị hành hình bởi những người lính Trung Quốc ở Tây Tạng. Vị ấy đã yêu cầu nhà cai ngục chờ đợi và cầu nguyện người Thầy tâm linh của mình - "Xin hãy ban phước cho con được nhận lãnh những điều tiêu cực của người khác và cho con hiến dâng cho họ tất cả những phẩm chất tuyệt vời mà con có thể có được”. Rồi Ông ta nói với người lính: "Bây giờ thì bạn có thể bắn tôi được rồi đấy!”.
Các bài Kệ 15 và 16 tương ứng với 'Tám bài Kệ luyện Tâm' và các bài 18 và 19 liên quan đến sự tự kiêu. Từ bài thứ 25, tác giả giải thích về sáu Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Ngài đã chú ý đến những câu đầu tiên của bài Kệ 36, "bất cứ điều gì bạn đang làm, hãy tự hỏi: “Tâm trạng của ta hiện giờ là gì?” Ngài quan sát thấy bản văn của Togme Sangpo rất hữu ích cho mọi người; nếu không - ta sẽ bị thống trị bởi sự tham đắm và tức giận.
Ngài nói với khán giả rằng chư Tăng của Dzongkar Chödey đã thỉnh cầu Ngài ban khẩu truyền về một bản văn mà Ngài đã trước tác “Sự bất khả phân giữa bậc Thầy Tâm linh và Đức Quan Thế Âm”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc bản văn ấy. Ngài chỉ ra rằng sự hiểu biết một chút về tánh không là điều kiện thiết yếu trước khi tham gia vào việc thực hành Mật tông. Ngài đã đề cập rằng Tánh Không đã được dạy một cách rõ ràng trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai, liên quan đến đối tượng ánh quang minh. Trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba, trong Kinh “Như Lai Tạng” hay “Phật Tánh”, Ngài đã dạy về ánh quang minh chủ quan của tâm thức.
Ngài lưu ý rằng tất cả các trạng thái của tâm đều có sự nhận thức và một cơ sở rõ ràng và cả hai - ánh quang minh chủ thể và khách thể đều được sử dụng trong Mật tông Tối thượng Du Già. Ngài nhận xét rằng ánh quang minh khách thể tương ứng với tánh không của sự tồn tại nội tại - tánh Không của Ngã (rang-tong), trong khi ánh quang minh chủ thể của tâm thì là tánh Không về cái khác (shen-tong).
Sau đó, Ngài cũng đọc từ cuốn sách đó về phần nghi quỹ và lời cầu nguyện Đức Quan Thế Âm dẫn dắt các hành giả từ đời này sang đời khác.
Theo định nghĩa của Ngài Long Thọ về “Tứ Chúng” bao gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc (nam cư sĩ), Ưu Bà Di (nữ cư sĩ) đang giữ giới; thế nên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền giới cư sĩ cho những ai muốn thọ trì. Sau đó, Ngài truyền Bồ Tát Giới theo phong cách và nghi lễ được mô tả trong bản văn “Bồ Tát Địa” của Ngài Vô Trước. Ngài nhớ lại việc đã thọ Bồ Tát Giới từ Ngài Ling Rinpoche ở tại Bồ Đề Đạo Tràng này và bây giờ Ngài cũng làm mới lại mỗi ngày. Trước buổi lễ đó, Ling Rinpoche cũng đã đến trước bức tượng Đức Phật bên trong tháp Đại Giác để tụng và làm mới lại Bồ Tát Giới.
"Sự thực hành chính liên quan đến những giới nguyện này” - Ngài giải thích - "là kiềm chế bản thân mình, để tránh sự thái quá trong việc ái trọng tự thân. Nếu bạn có thể làm điều đó, bạn sẽ không vi phạm 18 giới trọng (nặng) và 42 giới khinh (nhẹ)”.
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiến hành các nghi lễ chuẩn bị cho việc truyền quán đảnh Quan Thế Âm mà Ngài sẽ ban vào ngày mai. Điều này bao gồm việc phân phát những sợi 'dây hộ trì’ và những cọng cỏ tịnh hóa kusha. Ngài nhắc khán giả rằng sự xuất hiện của Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài thì hiếm như hoa Ưu Đàm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo họ nên hân hoan vui mừng vì họ đã có thể nghe những lời dạy thích hợp, và được thọ trì giới Cư Sĩ và Giới Bồ Tát, cũng như những bước nhập môn chuẩn bị cho quán đảnh Quan Thế Âm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước lên xe để trở về Chùa Tây Tạng, Ngài quay sang vẫy tay chào đám đông lúc ấy đang dường như biến thành một cánh đồng cỏ kusha.