Padum, Zanskar, J & K, Ấn Độ - Sáng nay, nhờ bóng của một chiếc lọng nghi lễ đã bảo vệ Ngài dưới ánh mặt trời Zanskar như thiêu đốt, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi từ Phodrang Mới đến lều vải ở đầu sân bãi thuyết giảng. Theo thói quen như thường lệ, Ngài dừng lại chỗ này chỗ kia để tương tác với các thành viên của công chúng. Ngài ghé lại một chút để thăm ngôi Chùa toạ lạc phía sau căn lều vải ở sân bãi thuyết Pháp trước khi bước ra phía trước khán đài để chào đón đám đông ước tính khoảng 16.000 người - chư Tăng, Ni, cư sĩ trẻ và già, hầu hết là người Zanskar, nhưng cũng bao gồm một số du khách từ các nơi khác trên thế giới. Sự biểu hiện trên khuôn mặt của họ thay đổi từ sự sùng kính một cách nghiêm khắc sang những nụ cười rạng rỡ phản ánh một niềm vui đích thực khi được nhìn thấy Ngài trước mặt họ.
Ngài nói: “Tôi rất vui khi được đến Zanskar một lần nữa! Các tu sĩ và công chúng tiếp tục thể hiện sự tận tụy không nản lòng; và chúng ta có cơ hội được chia sẻ về các thời Pháp một lần nữa. Tôi cũng rất vui khi có cơ hội được đóng góp cho quý vị một số lời khuyên. Tôi muốn cảm ơn các nhà tổ chức và tất cả mọi người đã cùng làm việc với họ để giúp cho Pháp hội này trở nên khả thi. “Ông Namgyal ở đây và Vua của Zanskar đã là bạn của nhau trong một thời gian dài. Tôi rất vui khi được gặp lại họ.
“Bất cứ nơi nào tôi đến trên thế giới, tôi đều giải thích rằng con người chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không tìm kiếm đau khổ. Chúng ta có một trí thông minh tuyệt vời có khả năng đánh giá những điều đúng - sai. Là những người đệ tử của Đức Phật, chúng ta nên phát khởi một thái độ vị tha như là cầu nguyện cho phúc lợi của chúng sinh ở các thiên hà xa xôi khác. Tuy nhiên, chúng ta không có sự kết nối trực tiếp với họ. Ngay cả trên trái đất này, có những loài động vật, chim chóc, côn trùng và loài cá… cũng muốn có hạnh phúc, nhưng chúng ta không thể làm được gì nhiều để dạy dỗ chúng. Đối với loài người, chúng ta có thể giao tiếp với nhau được. Trí thông minh của chúng ta cho phép chúng ta làm tăng trưởng sự hạnh phúc của mình, nhưng điều đặc biệt quan trọng là - chúng ta làm điều đó trên cơ sở của tâm trí, ý thức thứ sáu của chúng ta, thay vì thông qua các cơ quan cảm giác của chúng ta.
“Vì vậy, chúng ta nên hướng đến mục đích để đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Và ngày nay, ngay cả các nhà khoa học cũng chú ý đến điều này. Chúng ta cần một trái tim ấm áp, nhân hậu; đó là nguồn gốc của tất cả sự hạnh phúc. Các nhà khoa học nói rằng, bản chất con người cơ bản là từ bi. Chúng ta cần phải học cách phát triển điều đó và làm thế nào để giảm bớt sự tức giận, ganh tỵ và kiêu ngạo. Đây không phải là vấn đề cầu nguyện, mà là trau giồi, rèn luyện. Vì vậy, cam kết đầu tiên của tôi là mở rộng lòng từ bi giữa con người với nhau.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, cam kết thứ hai của Ngài là nuôi dưỡng sự hòa hợp và tình bạn giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau của thế giới; bởi vì tất cả họ đều mang lại lợi ích cho những tín đồ của mình. Ngài nói về những người bạn là người Kỳ na giáo, người Ấn độ giáo, người Do thái giáo, Kitô hữu và người Hồi giáo. Ngài đã đề cập rằng, ngày nay tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới phát triển mạnh ở Ấn Độ. Trong khi đó, ở những nơi khác trên thế giới, mọi người đang chiến đấu và giết hại lẫn nhau dưới danh nghĩa đức tin của họ. Vì tất cả những truyền thống này đều dạy về tình thương yêu, lòng từ bi, tâm khoan dung và sự tha thứ, cho nên cần phải có tình bạn và sự tôn trọng giữa họ. Đây là điều mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm cách thực hiện để đạt được.
Ngài lưu ý rằng ở Ladakh và Zanskar hầu hết là Phật tử, nhưng cũng có những người Hồi giáo và một vài Kitô hữu ở đây. Vì tất cả những người ấy - và ngay cả những người không có một đức tin cụ thể nào - đều tìm kiếm hạnh phúc, cho nên rất cần thiết phải sống với nhau trong tình bạn. Chúng ta nên xem những người khác như các anh chị em của mình. Ngài nhận xét rằng, có thể có những bản Kinh văn nào đó có đề cập đến “kẻ thù của Pháp”, nhưng đó là do vì những trạng thái phiền não của tâm thức và những cảm xúc quấy rầy của họ đã khiến cho họ trở nên như thế, họ phải nên là đối tượng của lòng từ bi.
Ngài yêu cầu vị thông dịch viên tiếng Zanskari nêu lên ý chính về những gì mà Ngài đã nói, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét về tầm quan trọng của việc biết tiếng Tây Tạng, đặc biệt là có thể đọc được tiếng Tây Tạng và văn chương của Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) được viết trong đó.
Ngài quan sát thấy rằng tại Nalanda có đại diện của tất cả bốn trường phái tư tưởng Phật giáo. Ngài Thanh Biện Bồ Tát đã viết về những quan điểm triết học khác nhau này. Tuy nhiên, không có sự đối kháng nào giữa chúng cả. Ở Tây Tạng, truyền thống Nyingmas dạy thực hành đột phá của Đại Toàn Thiện, Kagyus dạy Đại Thủ Ấn, và Sakyas chỉ ra sự bất khả phân của luân hồi và niết bàn, đại diện cho những cách tiếp cận khác nhau cho cùng một mục đích. Đôi khi, thật đáng buồn khi có sự đối kháng giữa những truyền thống này. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rõ rằng, nếu có sự đối kháng như vậy giữa các truyền thống tâm linh ở Ladakh, thì đã đến lúc nên từ bỏ nó đi!
Ngài làm rõ rằng, là một người Tây Tạng, một người với cái tên là Đạt Lai Lạt Ma, cam kết thứ ba của Ngài là - đối với Tây Tạng và sáu triệu người dân Tây Tạng đã đặt hy vọng vào Ngài, Ngài tuyên bố, “Tôi tự hào và vui vẻ từ bỏ những trách nhiệm chính trị mà các đời Đạt Lai Lạt Ma đã nắm giữ kể từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm. Tôi đã uỷ quyền họ cho bậc lãnh đạo được công chúng bầu chọn. Việc các nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia quá nhiều vào các vấn đề chính trị sẽ không hữu ích. Tôi phản đối ‘Lama Chính trị’ dẫn đến sự phân chia giữa ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Nếu chúng ta gặp lại nhau, tôi sẽ lặp lại điều này cho quý vị - nhưng nếu chúng ta không gặp lại nhau nữa, thì đây là điều mong ước cuối cùng của tôi đối với quý vị.
“Là một người Tây Tạng, tôi có trách nhiệm bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Tạng, không chỉ vì lợi ích của nhân dân Tây Tạng, mà còn giữ gìn cho giáo lý của Đức Phật được sống còn. Đây là điều mà nhiều người Trung Quốc cũng quan tâm.
“Rồi còn có vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Một nhà sinh thái học người Trung Quốc đã nhận ra rằng sự đóng góp của Cao nguyên Tây Tạng đối với khí hậu toàn cầu cũng quan trọng như của Bắc Cực và Nam Cực. Ông đã đổi tên Tây Tạng thành là Cực thứ Ba. Sự giảm thiểu của tuyết rơi và hiện tượng đóng băng ít dần trên các ngọn núi có nghĩa là nguồn cung cấp nước sẽ cạn kiệt. Vùng đất sẽ trở nên giống như sa mạc của Afghanistan mà quý vị thấy khi bay từ Ấn Độ đến châu Âu. Do đó, cố gắng bảo tồn sinh thái Tây Tạng là điều rất quan trọng.
“Quan hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc không phải là mới mẻ. Vào thế kỷ thứ 7, 8 và 9, đã có mối liên kết chặt chẽ giữa các Đế chế Tây Tạng, Trung Quốc và Mông Cổ. Liên minh hôn nhân được thành lập. Sau đó, trong thời kỳ Sakya cai trị, mối quan hệ Tu sĩ - Thí chủ đã được thiết lập. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống toàn trị ở Trung Quốc có nghĩa là nhiều người ở Trung Quốc vẫn còn không biết gì về tình trạng danh chánh ngôn thuận của Tây Tạng. Tuy nhiên, khi người Trung Quốc du học và du lịch ở nước ngoài, họ có nhiều cơ hội hơn để học hỏi.
"Lý do tôi đã đề cập đến ba cam kết này với quý vị là để cho những người thật sự tận tâm như quý vị có thể chia sẻ chúng với tôi."
Cầm quyển sách có chứa bản văn sẽ được giảng dạy và những quyển khác bằng tiếng Tây Tạng, tiếng Hindi và tiếng Anh, đã được phân phát cho khán giả, Ngài yêu cầu họ lật sang phần ‘Xưng tán 17 Đạo sư Nalanda’. Sau đó Ngài đọc lướt qua nó, bình luận về những bài kệ khi Ngài thấy cần thiết. Xưng tán bắt đầu với việc ca ngợi Đức Phật, rồi đến Ngài Long Thọ. Mặc dù Ngài đã sống trong thời kỳ cách đây rất lâu, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những phẩm chất của Ngài trong các tác phẩm vẫn còn liên quan đến với chúng ta, chẳng hạn như Sáu Bộ sưu tập Lý luận. Có 16 tập của giáo lý Bát Nhã Ba La Mật trong Kangyur (Kinh tạng); và Ngài Long Thọ đã biện giải nội dung rõ ràng của nó - tánh không. Ngài Di Lặc - có thể là con người hay một vị thần - đã giải thích ý nghĩa ẩn tàng của nó.
Ngài nhận xét về tầm quan trọng của việc phân biệt lịch sử với chủ nghĩa thần bí, quan sát rằng, trong khi có một câu chuyện rằng, khi Hoàng đế Songtsen Gampo băng hà; ông đã tan biến vào một bức tượng Quán Thế Âm, nhưng cũng có một cái được gọi là lăng mộ của ông.
Lời xưng tán tiếp tục ca ngợi những người đệ tử của Ngài Long Thọ - Thánh Thiên, Phật Hộ, Thanh Biện và Nguyệt Xứng, tất cả đều đóng góp vào sự hiểu biết của chúng ta về Bát Nhã. Trong khi đó, Ngài Tịch Thiên, trong “Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận” và “Nhập Bồ Tát Hạnh” đã đưa ra một cách thấu đáo về phương pháp đối phó với sự tức giận, hận thù và sự phát khởi Bồ Đề tâm. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Ngài Liên Hoa Giới, các bậc thầy vĩ đại của triết học và logic đã có trách nhiệm thiết lập truyền thống Nalanda ở Tây Tạng.
Ngài Vô Trước là người sáng lập trường phái Duy Thức, trong khi anh trai của Ngài là Thế Thân đã viết rộng rãi về Vi Diệu Pháp (Abhidharma). ngài Trần Na và Pháp Xứng thì nổi tiếng nhờ tác phẩm của họ về việc sử dụng logic và lý luận. Truyền thống tranh biện của Tây Tạng xuất phát từ hai vị Đạo sư này, với sự đóng góp của Sakya Pandita và Chapa Chökyi Sengey.
Ngài Giải Thoát Quân - một học trò của Thế Thân, đã thách thức sự giải thích của vị thầy mình về quan điểm khi ông chấp nhận Trung quán Luận thay cho trường phái Duy Thức. Xưng tán tiếp tục ngưỡng mộ Ngài Sư Tử Hiền, một nhà bình luận nổi bật về “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Ngài Di Lặc; các bậc Thầy về Giới Luật, Ngài Đức Quang và Thích Ca Quang và cuối cùng là bậc tổng hợp vĩ đại vào thế kỷ 11 của những truyền thống khác nhau này - Ngài Độc Tôn Đế Tu (Dipankara Atisha).
Khi đọc xong, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thu hút sự chú ý đến nguyện vọng mà Ngài đã thực hiện khi trước tác Lời Xưng Tán này:
Nguyện cho con đời đời kiếp kiếp đạt được nền tảng tốt lành của thân người với ba giới luật;
Và cống hiến cho Giáo Pháp như các bậc Đại Tiền Bối đã làm
Với sự kính cẩn giữ gìn và truyền bá
Pháp ngữ và tri thức của Giáo Pháp thông qua giải thích và thực hành.
Và bối cảnh của sự trước tác tác phẩm này, như đã được nêu trong lời cuối của quyển sách.
Vào thời điểm hiện tại, khi thế giới phàm trần có sự tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng chúng ta cũng bị phân tâm bởi sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống bận rộn của mình, điều cực kỳ quan trọng là đệ tử Phật nên có niềm tin dựa trên kiến thức về Giáo Pháp của Ngài.
Ngài nhận xét: “Gần đây, một nhóm đại diện Phật giáo từ vùng Hy Mã Lạp Sơn đã gặp gỡ nhau ở Gurgaon. Họ đã quyết tâm mở rộng các ngôi Chùa và tu viện hiện có trong khu vực thành các trung tâm học tập. Tôi rất vui mừng và đã mời họ giải thích thêm về đề xuất của họ trong lễ kỷ niệm sinh nhật của tôi ở Leh.”
Ngài bắt đầu đọc cuốn “Những giai tầng ngắn gọn của Đạo Lộ” của Ngài Tsongkhapa với phần giới thiệu về tác giả. Đức Tsongkhapa được sinh ra, lớn lên và bắt đầu học ở Amdo. Ở tuổi 16 hoặc 17, Ngài đi đến miền Trung Tây Tạng, nơi mà Ngài đã học ở tất cả các trung tâm học vấn hiện có. Ngài đã nhận nhiều giáo lý từ Sakyapa Rendawa cũng như các bậc Đạo sư của truyền thống Drikung và Nyingma. Trong cuốn hồi ký của Ngài, “Hoàn thành Định mệnh” Ngài tuyên bố rằng Ngài không bao giờ hài lòng với sự nghiên cứu chỉ có từng phần. Ngoài các tác phẩm của Ngài về Các Giai tầng của Đạo Lộ; Ngài đã sáng tác năm luận thuyết về quan điểm của Trung Quán Luận.
Trong bài kệ thứ 9, Ngài hỏi: “Chúng sanh thông minh nào sẽ không bị quyến rũ bởi các giai tầng của Đạo lộ của ba hạng chúng sinh?” Bài Kệ 11 & 12 bắt đầu sự ghép nối của những khổ thơ kết thúc với điệp khúc được lặp đi lặp lại:
Tôi, một hành giả Du già, đã thực hành theo cách ấy.
Bạn, những người kiếm tìm sự giải thoát, cũng nên thực hành như vậy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng, cũng có một truyền thống chuyển đổi trọng tâm của điệp khúc này để thực hiện một cam kết:
Đây là điều mà bậc Thầy tôn kính và thánh thiện của con đã làm,
Và con, người tìm kiếm sự giải thoát, cũng sẽ làm như vậy.
Bài Kệ 17 & 18 hoàn thành lời khuyên cho người có năng lực hạ căn, trong khi bài 19 và 20 liên quan đến người có năng lực trung căn và bài Kệ 21 & 22 giới thiệu ‘Bồ Đề Tâm là trụ cột trung tâm của đạo lộ tối thượng thừa’ và bắt đầu sự giải thích về đạo lộ của bậc thượng căn. Hai bài Kệ tiếp theo thảo luận về sự thực hành của sáu Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Bài 40 và 41 nói về sự trống rỗng như hư không được kinh nghiệm trong thiền định; và sự trống rỗng của sự xuất hiện giống như ảo ảnh mà bạn thấy khi bạn khởi ra khỏi thiền định. Điều này hợp nhất trí tuệ và phương tiện thiện xảo, được ca ngợi là sự truyền cảm hứng cho những hành động siêu việt của chư Bồ Tát. Lời khuyên cuối cùng trong bài Kệ 42 & 43 đề cập đến yêu cầu chung để bước vào đạo lộ nhân quả của Đại Thừa. Trên cơ sở đó, bạn nên dấn thân vào các vị trí cao của các lớp mật thừa, và bằng cách làm theo các hướng dẫn khẩu truyền hoàn chỉnh, bạn sẽ làm cho cuộc sống may mắn và thuận duyên của mình trở nên có ý nghĩa.
Ngài đã kết thúc việc giảng dạy ngày hôm nay với thông báo rằng Ngài sẽ ban quán đảnh của bậc Đại Từ Bi - Quán Thế Âm vào ngày mai. và sau đó sẽ là Lễ thỉnh cầu Ngài trường thọ.