Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, dưới bầu trời quang đãng khi gió mùa đã qua đi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi bộ từ Dinh thự của mình đến Tsuglagkhang, Ngài mỉm cười, vẫy tay chào và chào hỏi mọi người. Ước tính có khoảng 6000 người đang chờ Ngài ở Chánh Điện, khu vực xung quanh và trong sân bên dưới. Trong số này, 1200 người đến từ các nước Đông và Đông Nam Á như Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Singapore, bao gồm cả Tu sĩ và Cư sĩ. Còn khoảng 1700 người đến từ 71 quốc gia ở các nơi khác trên thế giới, đội ngũ lớn nhất là từ Israel.
Bên trong ngôi Chánh Điện, trước khi an toạ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào khán giả, chào đón Chư Tăng trưởng thượng của Thái Lan và Hàn Quốc, cũng như Vị giữ ngôi vị Ganden. Trước tiên, một nhóm các Tăng sĩ Thái Lan tụng Kinh Mangala bằng tiếng Pali, sau đó “Bát Nhã Tâm Kinh" được tụng bằng tiếng Hoa, và kết thúc bằng những câu sau đây:
“Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu,
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,
Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng những bài Kệ kính lễ Đức Phật từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” và “Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ.
Ngài bắt đầu buổi thuyết giảng của mình khi nhìn vào khán giả: “Nhiều người tụ họp ở đây đã đến từ Đông và Đông Nam Á để tham dự Pháp hội này; trong số đó có các Vị Tăng đến từ các nước theo truyền thống Pali. Tôi xin được chào đón tất cả quý vị!
“Bây giờ, điều mà tôi thường hay nói khi tôi đến bất cứ nơi nào trên thế giới là - tôi là một con người; chỉ là một trong số rất nhiều người. Nếu mọi người trên thế giới hạnh phúc, thì tôi cũng hạnh phúc. Khi thế giới hỗn loạn, thì tôi cũng đau buồn. Con người chúng ta đều giống nhau trong việc mong muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau; và nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là do chính chúng ta gây nên. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc ở những điều bên ngoài mà không nhận ra được rằng chúng chẳng giúp đỡ gì được khi chúng ta có vấn đề bên trong. Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào niềm hỷ lạc xuất phát từ tâm thức an lành thì sẽ cho phép chúng ta duy trì được sự hạnh phúc cho dù bất cứ điều gì xảy ra.
“Tại tu viện Montserrat, gần Barcelona, tôi gặp một tu sĩ - người đã yêu cầu được gặp tôi. Ông đã sống đời sống của một ẩn sĩ ở vùng núi non, chỉ sống dựa trên trà và bánh mì. Tôi hỏi về sự thực hành của ông ấy và ông đã nói với tôi rằng ông đã thiền định về tình yêu thương. Khi ông nói về điều này, tôi có thể nhìn thấy ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt của ông ta, mặc dù từ bỏ sự thoải mái về thể chất, nhưng ông ấy đã tràn đầy niềm vui.
“Trong số người dân Tây Tạng cũng có một số người bị cầm tù trong 'cuộc cách mạng văn hóa', họ đã đánh giá cao cơ hội để được thực hành. Một người mà tôi quen biết rõ đã nói với tôi rằng có những lúc ông ấy cảm thấy nguy hiểm; và tôi đã yêu cầu ông ấy giải thích, tôi nghĩ rằng ông ấy muốn nói là cuộc sống của ông ấy đang gặp nguy hiểm. Nhưng thay vào đó, ông đã nói với tôi rằng - có những lúc ông có nguy cơ đánh mất lòng từ bi dành cho những người đã hành hạ tra tấn ông.
“Chúng ta đã đạt được tiến bộ thể chất rất lớn ở nhiều lĩnh vực, nhưng điều này không nhất thiết phải được hiểu rằng có nhiều sự an lạc trong tâm hồn. Tuy nhiên, các nhà khoa học gần đây đã tìm thấy bằng chứng để khẳng định rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi, mà tôi xem đây là dấu hiệu của niềm hy vọng. Trong khi đó, họ cũng cho thấy rằng sự tức giận, sợ hãi và lo lắng liên tục sẽ ăn mòn dần và làm suy yếu hệ miễn dịch của chúng ta.”
Ngài lưu ý rằng, một người mẹ đã sinh ra mỗi một người trong chúng ta. Trong những năm đầu đời của mình, chúng ta đã sống sót nhờ vào lòng tốt của Mẹ. Ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống của mình, tình yêu thương và lòng trìu mến mà chúng ta nhận được từ Mẹ đã trao quyền cho chúng ta cảm thấy bình tĩnh và an toàn. Ngài gợi ý rằng, cảm giác của tình yêu thương và lòng từ bi bẩm sinh mà chúng ta có được như là một kết quả có thể được tăng cường và mở rộng thông qua sự rèn luyện.
Ngài nhắc lại rằng tình yêu thương và lòng từ bi là nguồn gốc của tất cả hạnh phúc; như chúng ta có thể thấy khi so sánh một gia đình nghèo khó - nhưng họ hạnh phúc vì họ yêu thương và chăm sóc cho nhau, với một gia đình giàu có nhưng không hạnh phúc vì tâm họ đầy dẫy sự nghi ngờ.
“Bất cứ ai mà tôi gặp gỡ, tôi đều nghĩ về họ như một người khác - cũng giống như tôi. Chúng ta đều giống nhau trên phương diện thể chất, tinh thần và tình cảm. Nếu chúng ta luôn nhớ rằng những người khác - về cơ bản - cũng giống như mình, thì chúng ta sẽ không xem họ với lòng thù địch. Là những động vật xã hội, chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng nơi mà chúng ta đang sống. Trong khi tình thương yêu và lòng từ bi mẫn đem lại sự bình yên trong tâm hồn và thu hút bạn bè đến với chúng ta, thì sự sân giận khiến cho mọi người đều xa lánh ta. Vì vậy, tôi không chỉ khuyên những người khác trau giồi những phẩm chất này - bởi vì chúng rất quan trọng - mà tôi còn cố gắng đưa chúng vào thực hành cho chính bản thân mình.
“Là một hành giả Phật giáo, tôi mời tất cả chúng sinh làm những vị khách mời của tôi tại bữa tiệc hạnh phúc. Tôi trau giồi Tứ Vô Lượng Tâm - phát khởi Từ, Bi, Hỷ, Xả đối với vô số chúng sinh - mỗi ngày. Chúng ta cầu nguyện cho chúng sinh không bị đau khổ, nhưng những chúng sinh duy nhất mà chúng ta thực sự có thể giúp đỡ trực tiếp được là những con người mà chúng ta cùng chia sẻ trên trái đất này. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho chúng sinh trong các thiên hà khác; và chỉ có thể làm được rất ít trong sự giúp đỡ các loài động vật, côn trùng và cá xung quanh chúng ta đạt được giải thoát.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, là một hành giả Phật giáo, Ngài cũng tìm cách thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài giải thích rằng các truyền thống tôn giáo đều có liên quan đến cách đối xử của con người. Chúng truyền đạt một thông điệp chung về tình yêu thương; nhưng ngày nay chúng ta thường nghe nhiều về chiến tranh và giết hại nhân danh của tôn giáo. Ngài chỉ ra rằng ở Ấn Độ này - trong 3000 năm qua và nhiều hơn nữa - các truyền thống đã xuất hiện và khuyến khích về tình yêu thương, tâm từ bi, sự tự kỷ luật và lòng khoan dung. Chúng tiếp nhận nhiều quan điểm triết học khác nhau bởi vì mọi người có những tính cách khác nhau.
“Dù bạn có tuân thủ đức tin và thực hành tôn giáo hay không thì đó là một vấn đề cá nhân; nhưng nếu bạn đã có sự lựa chọn tôn giáo như thế rồi thì tốt hơn hết là hãy chân thành với tôn giáo ấy. Nếu ai đó theo tôn giáo dựa trên tình yêu chân thành, thì làm sao họ có thể giết hại được nhân danh của tôn giáo?”
Trong thời gian giải lao ngắn ngủi, Ngài đã trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả, Ngài khuyên rằng Chương Sáu của ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’
đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về cách đối phó với sân giận. Ngài cũng đề cập đến sự hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc đã phát triển ở Ấn Độ trong việc theo đuổi sự thực hành tâm định tĩnh (shamatha - thiền chỉ) và thâm nhập trí tuệ sâu sắc (vipashyana - thiền quán). Ngài nói lên niềm tin của mình rằng; tại Ấn Độ, sự kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa như thế là điều khả thi.
Ngài nhắc lại rằng Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ và truyền thống Pali đã lan truyền đến Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia, nơi mà Giới Luật tiếp tục được duy trì nghiêm chỉnh. Trong khi đó, truyền thống tiếng Phạn được trưởng dưỡng tại các trường đại học Takshashila, Nalanda và Vikramashila đã được lan truyền sang Trung Quốc và từ đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng, khi vị Tăng Sĩ và cũng là học giả của Trung Quốc - Ngài Huyền Trang - đến Ấn Độ, thì ngài Long Trí - một đệ tử của Ngài Long Thọ, vẫn còn sống. Người Trung Quốc đã tiếp nhận những ý tưởng của Ngài Long Thọ, nhưng không áp dụng hệ thống logic và lý luận hỗ trợ cho những ý tưởng ấy.
Vào thế kỷ thứ 8, Vị học giả, nhà triết học và triết gia vĩ đại - Thiện Hải Tịch Hộ - đã thiết lập truyền thống Nalanda ở Tây Tạng. Từ Tây Tạng, những phương pháp nghiên cứu và đào tạo này đã lan truyền sang Mông Cổ và Cộng hòa Mông Cổ Nga. Điều quan trọng đối với truyền thống này là giáo lý Bát Nhã Ba La Mật của lần Chuyển Pháp Luân thứ hai, đã khẳng định rằng mọi thứ không tồn tại một cách khách quan, trái ngược với cách mà chúng xuất hiện đối với chúng ta.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trích dẫn một giải pháp mà Đức Phật đã thực hiện ngay sau khi Ngài đạt được sự giác ngộ đã được ghi lại trong “Phổ Diệu Kinh” (Lalitavistara Sutra):
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra,
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ, chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Ngài giải thích rằng cụm từ “thâm thuý, an lành” có thể được diễn giải khi đề cập đến “Diệt đế” được tập trung nhấn mạnh trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên. “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ cho những gì mà Ngài đã giảng dạy trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai; “sáng rỡ, chẳng tạp pha” có thể đề cập đến sự Chuyển Pháp Luân lần thứ ba. Lần Chuyển Pháp Luân thứ nhất đặt ra một nền tảng; lần Chuyển Pháp Luân thứ hai cho thấy rằng các pháp vốn dĩ không có tự tánh; làn Chuyển pháp luân thứ ba hiển lộ về Phật Tánh.
Qua đến phần “Căn Bản Phật Hộ Luận Giải”, Ngài nói rằng Phật Hộ là một đệ tử của Ngài Long Thọ và Thánh Thiên. Ngài nói rằng Ngài đã nhận được sự giải thích về luận Giải này và “Minh Cú Luận” của ngài Nguyệt Xứng từ Vị cựu Ganden Tripa - Rizong Rinpoche. Bản luận này - Phật Hộ Luận Giải Căn Bản Trung Quán (Buddhapalitavrtti), là một sự bình giải giải thích về "Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận Giải” của Ngài Long Thọ. Ngài quan sát thấy rằng mặc dù chư Tăng trong các trường đại học tu viện Tây Tạng nghiên cứu về luận giải, nhưng họ chú ý ít hơn đến bản văn gốc - ‘Trí tuệ Căn bản’. Ngài lưu ý rằng các Chương 18 và 24 là quan trọng nhất, Ngài đề nghị rằng một học sinh có thể bắt đầu bằng cách đọc Chương 26, bàn luận về Mười hai Liên kết của Duyên khởi trong các tiến trình thuận và nghịch để cho thấy rằng sự vô minh đã trói buộc chúng ta như thế nào trong vòng sinh tử luân hồi. Để chấm dứt điều đó, Chương 18 đã giải thích cách làm thế nào để vượt qua nghiệp báo và phiền não, trong khi Chương 24 cho thấy làm thế nào để hiểu được tánh Không.
Ngài Long Thọ giải thích rằng thông qua việc đoạn trừ nghiệp chướng và phiền não thì ta sẽ có được sự giải thoát; nghiệp chướng và phiền não đến từ những suy nghĩ khái niệm; và những điều này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm. Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua tánh Không. Vấn đề là cần phải loại bỏ các quan điểm méo mó làm nảy sinh các phiền não.
Trong khi Ngài Long Thọ quan sát trong “Trí tuệ Căn bản”:
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên;
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại,
Mà không phải là vốn dĩ tánh Không.
Chương 6 của “Phật Hộ Luận Giải Căn Bản Trung Quán” đã được hoàn tất vào năm ngoái; cho nên Ngài bắt đầu đọc từ Chương 7, phần này đề cập đến đặc điểm của các pháp hiện tượng và những khó khăn trong việc xác định thời điểm hiện tại. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng các phương thức lý luận khác nhau là để biểu lộ về tánh không như Kinh Kim cương năng đoạn đều dựa trên lý Duyên khởi. Trong bài Kệ kính lễ của ‘Trí tuệ Căn bản’ của Ngài Long Thọ đã xưng tán Đức Phật về việc thuyết giảng Giáo lý Duyên khởi. Je Tsongkhapa cũng đã xưng tán Đức Phật như thế.
Khi Ngài kết thúc phần thuyết Pháp buổi sáng, Ngài kể lại một giấc mơ của Ngài Je Tsongkhapa mơ thấy Ngài Long Thọ và các môn đồ của Ngài; và cách mà Ngài Phật Hộ chạm cuốn sách này vào đầu của Ngài. Ngày hôm sau Tsongkhapa liễu ngộ được tánh Không trên cơ sở những gì mà Ngài đã hiểu nhờ vào việc đọc luận giải này. Lời nhận xét cuối cùng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là dường như Phật Hộ - người tuyên bố rằng Duyên Khởi là nguyên nhân chính để đạt được trí tuệ về tánh Không - đã thọ nhận được cả lời giải thích và sự ban truyền về giáo lý này, trong khi vị đồng đệ tử - Thanh Biện - dường như chỉ được thọ nhận sự ban truyền.
Ngài sẽ tiếp tục đọc và giải thích "Phật Hộ Căn Bản Luận Giải” vào ngày mai.