Diskit, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Diskit Phodrang hay còn gọi là Cung điện Diskit với sân bãi thuyết Pháp liền kề của nó đứng trên một vùng đất cao phía bên trên thị trấn. Nó được nhìn thấy ở khoảng cách từ Tu viện Diskit và Tu viện Phodrang từ nơi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khởi hành sáng nay. Nhiều người đã quay trở ra để cung đón Ngài khi Ngài đi ngang qua thị trấn, và ước tính khoảng 5.600 người đang cung đợi Ngài ở sân thuyết giảng. Khi Ngài leo lên những nấc thang để đến khán đài thuyết pháp thì chư Tăng đã tham gia vào cuộc tranh luận sôi động. Ngài chào mừng người dẫn chương trình - cựu thành viên Rajya Sabha - Thiksey Rinpoche, cựu chủ tịch Ganden - Rizong Rinpoche và vẫy tay chào đám đông trước khi Ngài an toạ.
Sau những lời cầu nguyện mở đầu, bao gồm cả việc tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”, và sự phục vụ trà bơ, bánh mì và cơm ngọt, đã hoàn tất, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu giảng dạy.
“Tôi lại đến Nubra này một lần nữa,” Ngài nói. “Hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn lễ phát Bồ Đề Tâm, điều mà tôi vẫn tự thực hiện mỗi ngày, và cũng đưa ra một số hướng dẫn cách thiền định về tánh Không.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ra ngoài lề để khuyên chư Tăng và quý Sư Cô ngồi trước mặt Ngài rằng, khi mặt trời trở nên quá nóng, họ nên dùng những chiếc Y thượng của mình để che đầu lại. Ngài cũng hướng dẫn người dân đội mũ hoặc bật dù lên (để tránh nắng).
“Những người trong chúng ta đang tụ họp ở đây, cho dù chúng ta có theo tôn giáo hay không, cho dù chúng ta tự xem mình là Phật tử, Hồi giáo, Kitô giáo hay Hindu… thì tất cả chúng ta - trước hết - đều là những con người. Danh tính tôn giáo của chúng ta là điều thứ yếu. Chúng ta có thể cầu nguyện cho phúc lợi của tất cả chúng sinh, nhưng trong thực tế thì chỉ có con người đồng loại của chúng ta, chúng ta mới thực sự có thể làm vài điều gì đó cho họ. Động vật, chim chóc và côn trùng xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta chỉ có thể làm được rất ít ỏi trong việc dạy dỗ chúng. Ngôn ngữ cho phép chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những người khác về tình yêu thương và lòng từ bi.
“Tất cả chúng sanh - bao gồm 7 tỷ người - đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Đây là vấn đề trạng thái tâm thức của chúng ta. Chúng ta có năm ý thức giác quan, mà trạng thái tâm này là thức thứ sáu - ý thức; nó nắm giữ chiếc chìa khóa đối với nỗi đau hoặc niềm vui. Chúng ta có thể thưởng thức ngắm xem những sự kiện tuyệt vời và quyến rũ, nghe nhạc trữ tình cảm động, ngửi mùi hương thơm dễ chịu, nếm vị thức ăn thơm ngon hay vui chơi tiêu khiển trong niềm hoan lạc của sự xúc chạm, nhưng nếu chúng ta so sánh những trải nghiệm cảm giác này với sự an lạc nội tâm, thì sự trải nghiệm tinh thần nội tâm sẽ mạnh mẽ và bền bỉ hơn nhiều.
“Tôi đã gặp một ẩn sĩ Ki tô giáo ở Tây Ban Nha, người đã trải qua 5 năm trên núi để thiền định về tình yêu thương. Ông chỉ sống dựa trên trà và bánh mì và hầu như không có sự thoải mái nào khác về mặt thể chất, nhưng sự lấp lánh trong đôi mắt của ông đã tiết lộ niềm vui sâu sắc tràn đầy tâm trí ông. Không có sự an lạc nội tâm, niềm hạnh phúc sẽ lẫn tránh khỏi bạn. Nếu tâm an bình, không có gì có thể làm phiền bạn được. Tức giận, kiêu ngạo và ganh ty sẽ phá hủy sự an lạc nội tâm; tình thương yêu và lòng từ bi sẽ phục hồi và giúp cho sự an lạc nội tâm trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là lý do tại sao tình yêu thương, lòng từ bi, sự hài lòng biết đủ và tâm khoan dung là những sự thực hành chung cho tất cả các truyền thống tôn giáo - chúng mang lại hòa bình và hạnh phúc cho con người.”
Ngài đã thảo luận về cách mà các tôn giáo theo chủ nghĩa hữu thần đã tin vào một Đấng Chúa sáng tạo - và xem Đức Chúa ấy là vị chứa chan tình yêu thương và lòng bi mẫn vô hạn. Còn những truyền thống theo thuyết vô thần như một nhánh của Số luận phái, những người Kỳ na giáo và Phật tử thì xem xét nguồn hạnh phúc nằm trong tay của chính chúng ta. Đây là lí do tại sao Đức Phật nói rằng:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Ngài tiếp tục: “Là một đệ tử Phật, thuộc về Truyền thống Nalanda, một người đã thực hiện sự nghiên cứu, suy ngẫm và thiền định, tôi cảm thấy chúng ta nên có một mối quan tâm dành cho tất cả mọi người, vì tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc. Ngoài ra, chúng ta nên thúc đẩy sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta, đó là một nguồn lợi ích cho con người, mặc dù việc áp dụng các quan điểm triết học có phần khác nhau. Xét cho cùng, có sự khác biệt về lập trường giữa các trường phái Trung quán và Duy Thức trong truyền thống Nalanda, nhưng chúng không phải là căn cứ để đấu nhau hay cãi vã. Cuối cùng, tất cả những truyền thống này đều khen ngợi sự thực hành về tình yêu thương và lòng bi mẫn.
“Trong gần bốn mươi năm qua, tôi đã thảo luận sâu rộng với các nhà khoa học hiện đại. Một số người trong số họ nói đã trích dẫn bằng chứng từ các thí nghiệm với trẻ sơ sinh trước khi các bé biết nói, rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Những bằng chứng khác cho thấy rằng lòng từ bi giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, trong khi sự giận dữ và hận thù làm cho nó bị suy yếu đi. Ngài hỏi các em học sinh trong số khán giả xem các em có thích nhìn mọi người cười với nhau, hay thích nhìn họ cãi vã và bỏ chạy tránh xa nhau. Sau đó, Ngài nhận xét rằng mặc dù có một số người, nhìn thấy một cuộc chiến, muốn tham gia vào, chủ yếu là nhìn thấy những người khác vui làm cho chúng ta cũng vui. Ngài lưu ý rằng, con người chúng ta là những động vật xã hội mà tình bạn là một điều kiện của niềm hạnh phúc. Nhưng để kết bạn thì đòi hỏi phải có sự tin tưởng. Lòng từ bi thúc đẩy chúng ta tránh xa sự gian dối và lừa gạt người khác - tránh được điều ấy là một thành phần cơ bản của lòng tin cậy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng quan sát thấy rằng, liên quan đến việc đạt được hạnh phúc, sự phát triển về một mình vật chất thôi là không đủ. Các giá trị nội tâm như tình yêu thương và lòng từ bi cũng rất quan trọng. Chúng liên quan đến các phương pháp chuyển hoá tâm thức, điều mà đã phát triển từ các sự thực hành phổ biến của Ấn Độ về thiền định tĩnh (shamatha), rèn luyện một tâm thức định tĩnh, và thiền phân tích (vipashyana), trong đó bao gồm phát triển trí huệ và tuệ giác.
“Cũng như chúng ta tập thể dục và giữ cho mình sạch sẽ để duy trì thể chất tốt, chúng ta cũng cần phải rèn luyện tâm trí và giải quyết những cảm xúc phiền não của mình để có một tinh thần tốt.”
Đáp lại yêu cầu của Ngài, các thành viên của khán giả đã giơ cao các bản copy về bản Kinh văn mà Ngài sắp giảng, đã được in sẵn bằng tiếng Tây Tạng, tiếng Anh và tiếng Trung. Ngài giải thích rõ rằng, dầu tiên, “Xưng tán Duyên khởi”, tán thán Đức Phật không những về những phẩm chất thể chất của Ngài, mà còn về việc Ngài đã dạy về giáo lý Duyên khởi. Ngài đã đề cập rằng, trong loạt giáo lý đầu tiên của Đức Phật, liên quan đến Tứ Diệu Đế và vân vân, Ngài đã giới thiệu khái niệm nhân quả như được minh họa bởi mười hai liên kết của Nhân Duyên, bắt đầu với sự vô minh và kết thúc với già và chết. Vô minh là chiếc bẫy khiến chúng ta bị vướng kẹt trong vòng sinh tử luân hồi; và khắc phục vô minh sẽ dẫn đến sự giải thoát.
Sau khi chứng ngộ, Đức Phật đã tuyên bố:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra,
Thâm thúy, an lành, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Tuy nhiên, cuối cùng ngài đã dạy Tứ Diệu Đế (bốn Chân lý Cao quý) và Giới luật chung cho mọi truyền thống Phật Giáo. Sau đó, trên đỉnh Linh Thứu, Ngài đã giải thích tỉ mỉ về sự vô thường, bản chất của đau khổ, vô ngã và tánh không của những Chân lý này; chúng lợi ích như thế nào khi đạt được Diệt đế (sự chấm dứt khổ đau) và con đường đưa đến sự diệt khổ. Trong sự phân tích của mình, Ngài đã tiết lộ rằng, mặc dù có thể rõ ràng rằng các kết quả phụ thuộc vào những nguyên nhân của chúng, nhưng nguyên nhân cũng phụ thuộc vào các kết quả của chúng - chúng phụ thuộc lẫn nhau.
Để trả lời mục đích tìm kiếm thực tại của các pháp hiện tượng là gì, Ngài long Thọ đã quan sát:
“Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.”
Vấn đề là đoạn trừ những quan điểm méo mó của vọng tâm làm nảy sinh những cảm xúc phiền não.
Khi Trường phái Tư tưởng Trung quán của Ngài Long Thọ khẳng định rằng, mọi thứ không tồn tại thực sự, nó có nghĩa là chúng không tồn tại như cách mà nó xuất hiện, đó chính là bản chất của sự tồn tại. “Xưng tán Duyên khởi” bắt đầu bằng việc tán dương Đức Phật như một bậc Thầy vô song vì những lời dạy của Ngài về Duyên khởi - rằng mọi thứ không tồn tại một cách độc lập mà chỉ tồn tại như nó được định danh.
Trong quá trình đọc qua các bài Kệ, Ngài khuyên rằng, nếu các vị thính giả cảm thấy thú vị, thì họ cũng nên đọc “Trí Tuệ Cơ Bản của Trung Đạo” và “Vòng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ. Một lát sau Ngài cũng đề nghị đọc “Ngọn Đèn Trí Tuệ” và “Ánh Đuốc Lý Luận” của Ngài Thanh Biện và “Lời Sáng Tỏ” của Ngài Nguyệt Xứng.
Sau khi đã giải thích cả hai “Xưng tán Duyên khởi” và “Tám bài Kệ Luyện Tâm”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hướng dẫn hội chúng về “Du Già bao quát toàn bộ”, giới thiệu sự kinh nghiệm về lòng vị tha và tánh Không.
“Cho dù bạn có theo tôn giáo hay không, và cho dù bạn có phải là Phật tử hay không, thì giá trị của phẩm cách cũng đều được xác định qua tiêu chuẩn là một người tốt với một trái tim nhân hậu. Như Ngài Tịch Thiên đã dạy:
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình.
“Tương tự như vậy, “Trí tuệ cơ bản” đã cung cấp một phân tích về Như Lai:
Chẳng phải các uẩn, cũng không khác với các uẩn,
Các uẩn không ở trong vị ấy, cũng không phải vị ấy ở trong các uẩn.
Như Lai không có các uẩn.
Như Lai là gì?
“Tôi thấy rất hữu ích khi áp dụng những sự quan sát này cho chính bản thân mình, kết thúc bằng “Tôi là ai?”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng, việc liễu ngộ tánh không góp phần vào sự tích lũy trí tuệ; và tu luyện lòng vị tha góp phần vào sự tích lũy công đức. Vì những điều này cuối cùng sẽ đưa đến sự chứng đạt được hai thân Phật, điều quan trọng là phải suy ngẫm về chúng mỗi ngày. Thừa nhận rằng, mặc dù những bản văn mà Ngài đang giảng là thuộc về Phật giáo, nhưng trong số khán thính giả thì bao gồm cả hai - Hồi giáo và Phật tử, cho nên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận rằng lòng vị tha sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Chủ tịch địa phương của Hội Phật tử Ladakh dâng lời tác bạch cảm ơn, và bày tỏ niềm hy vọng rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ trở lại Nubra nữa; và cầu nguyện cho Ngài được trường thọ.
Đại diện của các cộng đồng Hồi giáo ở Turtuk, Bogdang và Nubra đã cùng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dùng cơm trưa trong một vùng lân cận bên cạnh Diskit Phodrang. Sau đó, trở lại sân thuyết giảng, Ngài đã nói chuyện với họ, gợi lại những mối quan hệ tuyệt vời đã tồn tại giữa người Tây Tạng và những người Hồi giáo đã định cư tại Lhasa trong thời kỳ Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm. Ngài lặp lại sự đánh giá cao của mình rằng các thành viên của cộng đồng đó, bây giờ đã tái định cư tại Srinagar, vẫn nêu cao tinh thần tuyệt vời của việc sử dụng phương ngữ Trung tâm Tây tạng, và họ tiếp tục truyền lại cho con cái họ.
Ngài nói rằng gần đây trong các đại diện Leh của các chi nhánh Hồi giáo Sunni và Shia đã đến gặp Ngài. Ngài đã đề xuất với họ rằng, vì Ấn Độ có truyền thống hòa hợp liên tôn giáo lâu đời, và vì không có báo cáo về xung đột giữa Sunni và Shias ở đất nước này, người Hồi giáo Ấn Độ có thể cùng nhau triệu tập một hội nghị quốc tế về các nhà lãnh đạo Hồi giáo để xem xét phương cách làm dịu bớt những cuộc cãi vã như thế ở những nơi khác trên thế giới.
Trên đường trở về Tu viện Diskit, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm Diskit Jama Masjid mới thành lập; nơi mà Ngài đã đứng để cầu nguyện. Ngồi bên ngoài, những bậc lão thành và các lãnh tụ Hồi giáo đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ về vai trò của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trên thế giới. Họ đã quan sát thấy rằng, Ngài đã được trao giải thưởng như giải Nobel Hòa bình, không phải về việc truyền bá Phật giáo, mà là về sự tôn kính dành cho tất cả các truyền thống tôn giáo; và về sự nghiệp của Ngài để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo và hòa bình thế giới. Mọi người đều có phạm phải sai lầm, nhưng các bậc lãnh đạo như Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có ảnh hưởng đến mọi người ở khắp mọi nơi để giúp họ trở nên tốt hơn.
“Cảm ơn vì đã mời tôi đến đây,” Ngài trả lời. “Quý vị nên biết rằng ngày nay cả thế giới đều phụ thuộc lẫn nhau. Trong quá khứ, các quốc gia có thể đã sống tách biệt một mình, nhưng ngày nay, từ quan điểm kinh tế toàn cầu, chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau.
“Về biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất - tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể thấy sự gia tăng hậu quả của thiên tai, do đó chúng ta phải trau dồi ý thức về sự hợp nhất của nhân loại. Chỉ có suy nghĩ đến bản thân mình trong một cách hẹp hòi thì sẽ không tạo ra được kết quả tích cực. Trong nhiều thế kỷ qua, khi chúng ta chìm đắm trong những tư tưởng “chúng ta” và “bọn họ”, hậu quả là chúng ta đã giết hại nhau trong chiến tranh. Mặt khác, nếu chúng ta làm việc cùng nhau, cùng ý thức về sự hợp nhất của nhân loại, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn được những tác động tồi tệ nhất của sự biến đổi khí hậu.
“Sự thành lập của Liên Hợp Quốc là một điều, nhưng tôi rất ngưỡng mộ phương cách mà chủ yếu là Pháp và Đức - sau hàng thế kỷ chiến tranh và xung đột - đã quyết định đặt quá khứ lại ở phía sau họ, vì lợi ích chung bằng cách tạo ra Liên minh châu Âu. Đây là một mô hình dành cho thế giới trở nên một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau hạnh phúc hơn.”
Ngài đã thông báo cho khán giả của mình rằng, sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, bất cứ khi nào có thể, Ngài đều phản đối những hành động làm ô uế danh tiếng của Hồi giáo, và bảo vệ người Hồi giáo, vì Hồi giáo, cũng giống như các truyền thống khác, chủ yếu là truyền tải thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài nhớ lại một thầy giáo ở Turtuk trước đó đã nói với Ngài rằng; một người mà khiêu khích sự đổ máu thì người đó không còn là một người Hồi giáo thích hợp nữa; và rằng; người Hồi giáo thực sự là người gia nhập để mở rộng lòng tốt cho tất cả các sinh linh của Thánh Allah.
Sau khi đề cập đến sự ngưỡng mộ của mình đối với Guru Nanak - người sáng lập cuộc hành hương của Đạo Sikh đối với thánh địa Mecca, Ngài đã bày tỏ niềm hạnh phúc của chính mình là có thể được đội chiếc mũ trắng như một dấu hiệu của sự tôn trọng và thực hiện cuộc hành hương này đến Nhà thờ Hồi giáo Diskit.
Sau đó Ngài trở về Tu viện Diskit Phodrang, ngày mai Ngài sẽ khởi hành để đến Tu viện Samstanling ở Sumur.