Yokohama, Nhật Bản - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến địa điểm thuyết Pháp sáng sớm hôm nay; và khi Ngài bước lên khán đài, hội trường vẫn đang chật cứng. Ngài trìu mến chào những người bạn cũ trong số các Tăng sĩ tụ tập quanh Pháp toà trước khi Ngài an toạ. Ngài khuyến khích những người tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nhật để bắt đầu; và khi họ tụng xong, Ngài đã nói chuyện với đám đông của khoảng 5000 người bao gồm người Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nga và Trung Quốc đến từ khắp Đông Á.
“Tôi lại được ở đây, tại Nhật Bản này một lần nữa! Thật hạnh phúc khi được ở giữa những người bạn cũ và cũng có rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nữa - tôi xin chào tất cả quý vị! Quý vị đến đây không phải chỉ để vui chơi, mà là để nghe giáo lý Phật giáo. Thế kỷ 21 này là thời điểm phát triển kỹ thuật tuyệt vời khi người ta nói về việc tạo ra trí tuệ nhân tạo. Tôi hình dung rằng họ có thể tạo ra những thiết bị mô phỏng ý thức giác quan, nhưng chúng là một chặng đường dài để tái tạo ý thức tinh thần. Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta có thể hỏi liệu tôn giáo có còn thích hợp hay không.
“Tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều muốn được hạnh phúc; họ không muốn khổ đau. Chúng ta bị tấn công bởi những thảm hoạ của thiên tai mỗi lúc một gia tăng mà chúng ta không thể làm được gì nhiều, mà sự giết chóc hàng loạt, sự đói khát của những người vô tội, và sự thờ ơ, bỏ bê những người nghèo khổ và túng thiếu là những vấn đề rắc rối mà con người phải chịu trách nhiệm. Tồi tệ nhất là sự giết chóc nhân danh tôn giáo. Tất cả chúng ta đều muốn chăm sóc cho chính bản thân mình, nhưng khi chúng ta được sinh ra, chúng ta đã được những người mẹ của mình nuôi dưỡng. Bằng chứng từ các thí nghiệm đối với trẻ sơ sinh trước khi các cháu biết nói, đã đưa các nhà khoa học đi đến kết luận rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi.
“Các nhà khoa học cũng thấy rằng, trong khi sự tức giận và sợ hãi liên tục sẽ làm suy yếu hệ miễn nhiễm của chúng ta, thì thái độ từ bi sẽ giúp chúng ta củng cố hệ miễn nhiễm đó. Các gia đình mà các thành viên trong đó đối xử với nhau bằng sự tin tưởng và tình cảm yêu thương thì những gia đình ấy thật là hạnh phúc; trong khi những gia đình mà các thành viên đối xử với nhau bằng sự nghi ngờ và ganh tỵ thì họ thật bất hạnh biết bao. Tình yêu và lòng từ bi đưa mọi người đến với nhau - trong khi sự tức giận khiến cho họ bị xa cách.
“Chỉ một mình sự phát triển vật chất và sự thoải mái về thể chất sẽ không làm giảm bớt sự bất hạnh, nhưng nếu bạn thư giãn và có sự an lạc nội tâm, thì bất cứ điều gì xảy ra xung quanh bạn, sẽ không thể làm cho bạn buồn bã được. Đó không phải là nhờ sự tinh tế của các thiết bị mà chúng ta đang sở hữu mang lại cho chúng ta sự an lạc nội tâm, mà là nhờ vào những phẩm chất con người như tình yêu thương và lòng từ bi. Những phẩm chất này, cùng với sự khoan dung, biết đủ và tự kỷ luật, là những điều mà mọi tôn giáo đều giảng dạy; do đó ngày nay chúng ta vẫn cần đến tôn giáo. Các truyền thống khác nhau của chúng ta có thể có các quan điểm triết học khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi. Nhiều người trong số bạn bè của tôi là những người Hindu, Kỳ na giáo, Hồi giáo, Do Thái, Kitô giáo, đạo Sikh, cũng như các bạn bè Phật giáo, họ là những môn đệ chân thành của truyền thống riêng của họ, tất cả những gì họ có chung là lòng nhiệt thành. Do đó, tôi cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
“Chúng ta bị vướng trong trong vòng sinh tử luân hồi vì nghiệp chướng và ảo tưởng. Nếu chúng ta nghĩ về những bất lợi của sự ái trọng tự thân và chỉ biết thương yêu chính mình; và thay vào đó, biết trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi dành cho người khác, thì chúng ta có thể vượt qua được những chướng duyên và tiến bộ trên đạo lộ.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã làm rõ ràng về cam kết bảo tồn tôn giáo và văn hóa Tây Tạng, đặc biệt là truyền thống Nalanda do Ngài Thiện Hải Tịch Hộ thiết lập vào thế kỷ thứ 8. Điều phân biệt nó với các truyền thống khác là cách nó chọn lấy phương pháp lý luận logic, hợp lý để nghiên cứu triết học và tâm lý học. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng chính phương pháp này đã giúp cho những cuộc đối thoại hiệu quả để phát triển giữa các học giả và hành giả Phật giáo Tây Tạng, và các nhà khoa học.
Ngài lưu ý rằng trong quá trình dịch những tác phẩm văn học Phật giáo tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, ngôn ngữ đã được cải tiến đến mức độ mà nó vẫn là phương tiện chính xác nhất để thể hiện kiến thức Phật giáo tinh tế ngày nay. Với một số sự hài lòng, Ngài đã đề cập rằng các Sư Cô đã hoàn tất khóa học truyền thống của sự nghiên cứu nghiêm ngặt và mới đây đã được trao bằng cấp của Geshe-ma (Nữ Tiến Sĩ). Họ cũng đang đóng vai trò của mình trong việc giữ gìn truyền thống Nalanda được sống còn.
“Tinh tuý của Phật giáo là trưởng dưỡng Bồ Đề tâm và trí tuệ tánh Không,” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét khi Ngài hướng sự chú ý của mình đến “Bát Nhã Tâm Kinh” và lời luận giải ngắn gọn về Kinh này bởi Ngài Acharya Jnanamitra. “Đây là trọng tâm của sự thực hành của tôi cho đến bây giờ. Khi tôi cố gắng, tôi cảm thấy mình có một chút kinh nghiệm và tôi tin rằng nếu tôi phát triển sự tập trung, tôi có thể đạt được giai đoạn “gia hành đạo” trong kiếp này.”
Đề cập đến ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ là thuộc về các giáo lý Trí Tuệ Bát Nhã, là một phần của truyền thống tiếng Phạn, đã thúc giục Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích sự miễn cưỡng của Ngài khi sử dụng các thuật ngữ Tiểu thừa và Đại thừa. Ngài thích tránh những từ mang ý nghĩa rằng một cổ xe nhỏ (Tiểu thừa) và một cổ xe khác lớn hơn (Đại thừa); và Ngài đề cập đến ngôn ngữ mà các truyền thống này đã được ghi lại - Pali và tiếng Phạn. Không những chỉ có bốn Chân lý Cao thượng (Tứ Đế), mà còn là những hướng dẫn về giới luật thiền môn, cả hai nền tảng cho tất cả các truyền thống Phật giáo, đều được ghi lưu lại đầu tiên bằng tiếng Pali.
Lần chuyển Pháp Luân thứ hai được ghi lại bằng tiếng Phạn, bao gồm những giáo lý Trí tuệ Ba la mật; với sự giảng dạy rõ ràng là không hề có sự tồn tại cố hữu. Đối với những người có xu hướng rơi vào chủ nghĩa hư vô khi được trình bày với ý tưởng đó, trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba, Đức Phật đã dạy về ba bản chất: bản chất được định danh - ngụ ý là không có sự tồn tại cố hữu; bản chất phụ thuộc - không thể tự tạo ra được; và bản chất hoàn hảo - không có sự tồn tại độc lập, tối thượng. Vào thời điểm đó Ngài cũng dạy về Phật tánh và trí tuệ vào thời điểm lâm chung. Những khía cạnh này đã góp phần vào "Tương tục Tối thượng” (Uttaratantra) của Ngài Di Lặc.
Nhắc nhở khán giả rằng mọi thứ không tồn tại theo cách mà nó xuất hiện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trình bày một sự thách thức: “Hãy nhìn tôi! Những gì mà bạn thấy là cơ thể của tôi, lắng nghe tôi - và những gì bạn nghe là giọng nói của tôi, nhưng Đạt Lai Lạt Ma ở đâu? Trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ chúng ta đọc ‘sắc tức là không’. Ngài Long Thọ nói:
“Chưa từng có một pháp,
Chẳng từ nhân duyên sanh;
Cho nên tất cả pháp
Không phải chẳng là không.”
Sự xuất hiện của sự vật thì xa rời quan điểm thường kiến (nhận thấy vạn vật là thường hằng); thấy vạn vật là không thì sẽ loại trừ được quan điểm đoạn kiến (chủ nghĩa hư vô). Sắc tức là không, và không tức là sắc; bởi vì “sắc” được phát sinh một cách phụ thuộc. “Sắc” và tánh không của nó là có cùng bản chất.
“Khi bạn nhìn vào mọi thứ và cố gắng tìm ra bản chất của chúng, bạn thấy chúng không có sự tồn tại tối thượng, nhưng chúng tồn tại ở mức độ thông thường. Vào những năm 60, tôi đã đọc một trong những bình luận của Je Tsongkhapa. Khi tôi đọc đến dòng chữ rằng, ‘Cái “Tôi” này chỉ được định danh dựa trên các uẩn”; tôi cảm thấy như thể tôi bị sét đánh. Sau đó, tôi hiểu rằng tôi đã nhận ra được ý nghĩa thô của “nhân vô ngã”. Như ‘Tràng Hoa Báu’ của Ngài Long Thọ đã nói, “Bao lâu mà các uẩn bị hiểu lầm, thì sẽ có một quan niệm sai lầm về ‘ngã'. Khi khái niệm về ‘ngã’ này tồn tại, thì sẽ có hành động dẫn đến sự sinh ra.”
Trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, khi Đức Quán Thế Âm trì tụng thần chú, "Tadyata gaté gaté paragaté parasamgaté bodhi svaha" (Như vầy, Tiến qua, Tiến qua, Tiến vượt qua bờ kia, Tiến triệt để sang bờ kia, được an lập trong sự Giác ngộ”), là Ngài đang nói với các đệ tử về tiến trình thông qua năm con đường. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rõ về ý nghĩa của điều này:
“Gaté gaté - Tiến qua, Tiến qua - ngụ ý về những con đường tích luỹ (tư lương đạo) và con đường chuẩn bị (gia hành đạo) và kinh nghiệm đầu tiên về tánh Không; paragaté - Tiến vượt qua bờ kia - ngụ ý về con đường “kiến đạo”, trí tuệ đầu tiên thâm nhập về tánh Không và đạt được quả vị Bồ Tát Sơ Địa; parasamgaté - Tiến triệt để qua bờ kia - ngụ ý về “Thiền đạo” và sự thành tựu những quả vị Bồ tát ở những Địa tiếp theo; trong khi bodhi svaha - được thiết lập trong sự giác ngộ - cho thấy việc đặt nền tảng của sự giác ngộ hoàn toàn."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: “Lời khuyên của Ngài Thánh Thiên để khắc phục những hành động bất thiện, để loại bỏ những quan điểm về “ngã”; và cuối cùng để đoạn trừ tất cả các quan điểm tà kiến sai lầm, cũng đề cập đến việc thực hiện tiến trình trên đạo lộ. Liên quan đến việc khắc phục những hành động bất thiện, chìa khóa để đạt được một sự tái sinh tốt và cơ hội để tiếp tục thực hành, ‘Tràng Hoa Báu’ của Ngài Long Thọ đã liệt kê 16 nguyên nhân.
“Có mười ba hành động cần phải chấm dứt. Trong mười hành động bất thiện cần phải tránh, thì ba hành động thuộc về thân là: sát (giết hại), đạo (trộm cắp) và dâm (ngoại tình); bốn hành động thuộc về lời nói - nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời độc ác, và nói điều vô nghĩa; và ba hành động thuộc về tâm ý - tham (ham muốn), sân (giận dữ) và si (quan điểm sai lầm). Ba hoạt động bổ sung cần được hạn chế bao gồm say rượu, sinh kế sai lầm và làm điều hãm hại. Có ba hoạt động nữa cần được tiếp nhận, đó là - cúng dường với sự kính trọng, tôn kính bậc đáng kính, và tình yêu thương.
“Chương Chín của ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên đã mở ra với sự quan sát - ‘Tất cả những sự thực hành này được giảng dạy bởi bậc Hiền triết vì mục đích trí tuệ”. Do đó, thực hiện tiến trình trên đạo lộ phụ thuộc vào việc phát triển sự hiểu biết về tánh Không được hỗ trợ bởi Bồ Đề tâm. Điều này sẽ cho phép bạn thực hiện mục tiêu của riêng bạn và của người khác.”
Sau đó, Ngài tiếp tục chương giữa của “Các Giai tầng Thiền định”, giải thích rằng nó được trước tác sau khi Ngài Liên Hoa Giới hàng phục các nhà sư Thiền định Trung Quốc trong cuộc tranh luận. Họ khẳng định rằng tiến trình có thể được thực hiện trên con đường thông qua sự thiền định tập trung mà không cần phải học hành. Ngài Liên Hoa Giới, đệ tử của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã khẳng định lợi thế của việc kết hợp sự nghiên cứu với thiền định.
Đọc qua bản Kinh văn, Ngài đề cập đến việc rèn luyện tâm thức về lòng từ bi, bao gồm sự phát triển tâm bình đẳng, cội rễ của lòng từ ái, và nhận biết bản chất của khổ đau. Ngài thảo luận nhiều hơn về các điều kiện tiên quyết để phát triển sự trụ tâm định tĩnh và những cạm bẫy của sự hôn trầm và trạo cử. Tuy nhiên, sự trụ tâm định tĩnh - chính bản thân nó thì chưa đủ để thực hiện tiến trình trên đạo lộ; điều quan trọng hơn nhiều là tập trung với tâm thức an trụ định tĩnh về những gì mà bạn đã hiểu được thông qua sự phân tích - đó là phương pháp để phát triển trí tuệ đặc biệt.
Ngài kết thúc phiên thảo luận buổi sáng với sự quả quyết rằng Ngài sẽ tụng “Xưng tán Đức Phật về Giáo lý Duyên khởi” vào ngày mai khi Ngài cũng sẽ ban truyền quán đảnh Quan Thế Âm.